Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Trìu tượng và Biểu hiện_ sự gặp gỡ Đông Tây trong tranh Văn Dương Thành

Khi cánh cửa hội trường L’space khép lại sau lưng, cũng là lúc người bước vào nhận ra mình lạc vào một thế giới màu sắc, cảm xúc và ánh sáng khác lạ- đó là không gian triển lãm Trìu tượng và Biểu hiện của nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành- người đã “viết tên Việt nam trên tấm bản đồ nghệ thuật thế giới, sánh vai với các danh hoạ quốc tế”1. Vẫn là sự kết hợp của trường phái trìu tượng và biểu hiện- phong cách độc đáo của riêng cô, 45 bức tranh trong Biểu hiện và trìu tượng lần này ngoài thể hiện một bước đột phá mới với trên chất liệu sơn mài, chứa đựng nhiều tình cảm và thể hiện nhiều góc nhìn của cô đối với cảnh sắc cũng như con người Hà Nội, nhiều địa danh châu Âu cô đi qua, sự xuất hiện đặc biệt của những người phụ nữ- mà cô mong muốn trao tặng “hương thơm của ngàn hoa và mặt trời trên cánh đồng”. Triển lãm này, một lần nữa khẳng định sự sáng tạo nghệ thuật không ngơi nghỉ và những góc cô đơn khoáng đạt của nữ sĩ.
Trần Nga: Tháng 4 triển lãm ấn tượng Hà Nội tại Hà Nội,tháng 5-6 giảng dạy Mỹ thuật tại Stockholm, tháng 7 triển lãm Biểu hiện và Trìu tượng tại L’espace, Hà Nội, tháng 8 thăm, sáng tác và triển lãm Biểu hiện Trung Hoa tại Trung Quốc, tháng 9 triển lãm ấn tượng đồng bằng sông Cửu Long tại Hồ Chí Minh…Với một lịch làm việc và triển lãm dày đặc như vậy, chị thường sáng tác khi nào?
Văn Dương Thành: Không phải chỉ riêng năm nay đâu, năm nào cũng vậy mà. Tôi thường sáng tác bất kỳ lúc nào, sáng, trưa, tối, khi chờ máy bay, khi trong khách sạn… Khi có thời gian là tôi phác thảo và có điều kiện tôi đưa lên mặt vải. Có nhiều bức sáng tác trong các buổi giảng bài. Sau nhiều năm cầm bút tôi không phụ thuộc vào môi trường xung quanh, khi có cảm hứng và điều kiện là phác thảo, vẽ. Như bức nhà thờ Đức bà bên sông Seine tôi hoàn thiện đúng ngày khai mạc triển lãm này tại phòng triển lãm L’Espace của Trung tâm văn hoá Pháp.
Trần Nga:Vậy còn cảm xúc, chị nuôi dưỡng cảm xúc của mình như thế nào?
Văn Dương Thành:
Hồi nhỏ tôi đã đọc Victo Hugo, sau này có điều kiện làm triển lãm đầu tiên ở Pháp 1993, tôi đã rất xúc động khi tận mắt nhìn thấy nhà thờ Đức Bà mà bao lâu nay tôi vẫn tìm đọc về nó, những cái máng xối- hành lang mà Victo huy go miêu tả. Lúc đó xúc động lắm mà không vẽ được vì bận chuẩn bị triển lãm quá. Nhưng vẫn nuôi dưỡng cái xúc động đó trong trái tim và sau này tôi đã khơi lại cảm xúc của mình và vẽ. Hay bức Ô quan chưởng mùa xuân cũng là một bức tổng hợp của nhiều cảm xúc, tôi đã đi qua và đứng ngắm, nhiều lần vẽ: Ô quan chưởng trong mưa, có bức về chiều trong gió lộng, bức buổi tối, bức buổi sáng, tôi ghi lại nét lớn là kiến trúc vững chãi và màu xám, xanh thiên nhiên,…Cảm xúc tích tụ hàng ngày, khi tôi bước ra ngoài phố, nhìn chiếc lá rơi, thời tiết chuyến mùa và cuộc sống…
Trần Nga:Người xem tranh nói rằng “tranh của văn Dương thành thu hút người xem bởi sắc màu mạnh mẽ, tràn đầy ánh sáng, chứa chất bao cảm xúc”?
Văn Dương Thành:
(Cười ngại ngùng) Khi vẽ tranh tôi thường cố gắng diễn đạt hết những cảm xúc và những không gian, thời gian khác nhau chẳng hạn bốn bức tranh: Nhà thờ Đức Bà dưới bầu trời xanh là gam màu xanh, màu mạnh, vẽ tự do; Nhà thờ Đức Bà bên sông Seine là hình ảnh trong sương mù, nhà thờ hiện lên rất mờ mịt, trời nước lẫn vào nhau, nhà thờ hiện lên mơ ảo, nhưng đúng kiến trúc thực của nó nhưng vẽ rất phóng khoáng như xây một căn nhà gác nhưng vẫn để lại cái chóp hiện thức của Nhà thờ, người xem có thể nhận ra ngay ; bức Nhà thờ St. Petri là một nhà thờ trong trời lồng lộng, cây cối xao xác; bức Nhà thờ là một giáo đường trang nghiêm, màu ấm dưới ánh nắng mặt trời. …
Trần Nga:Một cậu bé 20 tháng tuổi khi nhìn bức tranh Giai điệu đem trăng, Đàn sếu mùa hạ hay Đàn sếu đỏ trên cánh đồng mùa hạ tại cuộc triển lãm của chị đã kêu lên “vịt to, vịt to”. Quả nhiên như người ta vẫn nói tranh trìu tượng của văn Dương thành Điều không khó hiểu và sự kết hợp rất thành công trường phái Trìu tượng và Biểu hiện đã tạo nên nét độc đáo riêng của Văn Dương Thành?
Văn Dương Thành: Dù là trìu tượng đến mấy cũng xuất phát từ hiện thực. Mà hiện thực quá lại khô cứng. Mình tạo thế giới mới, từ sự hiện thực mình thả cho nó tự do, bay bổng với sự trìu tượng để hiện thực nhàm chán trở nên mơ và bay hơn. Nhiều nhà sưu tầm rất thích những bức tranh như vậy như bức tranh người đàn bà với thiên nhiên đã được nhà sưu tầm của úc mua trước ngày triển lãm. Tôi rất cảm động, vì họ bay từ xa đến, chờ đợi tôi gần hai tiếng, và mua bức tranh lớn này của tôi. ông ta nói sẽ sống với nó, treo nó trong phòng nhà. Cho thấy họ thích bức tranh như thế nào và đánh giá nghệ thuật Việt nam.Họ thích từ lúc tôi đang vẽ trong vườn nhà.
Trần Nga:Khán giả luôn nói rằng “thật khó hiểu” khi đứng trước một bức tranh trìu tượng. Chị có kinh nghiệm gì trong việc giải mã bức tranh trìu tượng không?
Văn Dương Thành: Không cần thiết phải giải thích cặn kỹ một bức tranh. Hội hoạ thuộc hàn lâm viện, cần phải có kiến thức để hiểu. Chẳng hạn, tôi không học tiếng Pháo mà nghe tiếng Pháp thì không hiểu gì là điều bình thường. Hội hoạ có kiến trúc của nó, trẻ em lại không cần không theo một logic nào, nó nói theo những gì nó thấy. Người lớn thì hay hỏi cái này là cái gì,…đấy là một sự cực kỳ méo mó khi đi xem tranh. Khi xem tranh tức là mình nhìn vào nó và mở rộng tâm hồn mình để thấy nó tươi đẹp, rực rỡ hay u ám. Một người tự đóng mình lại không muốn hiểu thì lại càng khó hiểu. Như bản nhạc không lời, nghe thấy nó êm ái, du dương mình thấy nó hay là đủ còn yêu cầu phải hiểu nó là cái gì thì có lẽ phải vào nhạc viện học để hiểu chỗ này tả nước hay tả trời.
Trần Nga: Người ta thường nói rằng, dạy nghệ thuật tốt nhất là không dạy gì. Mười lăm năm giảng dạy nghệ thuật tại Thuỵ Điển, phương pháp dạy học của chị là gì?
Văn Dương Thành: Tôi nghĩ, dạy truyền cảm là quan trọng nhất. Điều thứ nhất phải làm cho họ tự tin, điều thứ hai là thể hiện, bộc lộ cảm xúc và tình cảm. Hai điều đầu tiên để đi vào cánh cửa mỹ thuật. Sau đó mới đến kỹ thuật. Những học trò của tôi thường không có nhiều thời gian nên tôi phải rút ngắn, co động hết những kỹ thuật lại để người học có thể tiếp cận nhanh nhất. Hội hoạ cũng như khiêu vũ và hát, nhất là nét bút, diễn tả bằng lời không hể hết được, mình phải diễn cho họ xem không thể chỉ dùng lời. Bao giờ sau những giới thiệu kỹ thuật, cách đặt nét vẽ. Tôi thường vẽ cho họ xem và học viên nói rằng điều bổ ích nhất với họ là được xem tôi sáng tác tức thì. Chẳng hạn như bức “Nhìn qua ban công” trong cuộc triển lãm này là tôi vẽ trong một lần giảng bài. Và những nhà sưu tầm lại rất thích những bức vẽ trực tiếp ấy.

Tiểu sử
Văn Dương Thành sinh ra tại Tuy Hoà, Phú Yên, lớn lên ở Hà Nội.
Tốt nghiệp cao học mỹ thuật năm 1980, Cao học ngôn ngữ Thuỵ Điển năm 1991. Năm 1988 sang Thuỵ Điển sáng tác và giảng dạy, trở thành “Đại sứ văn hoá của Việt Nam” tại Thuỵ Điển. Là người trẻ nhất (khi 20 tuổi) được giải thưởng Hội mỹ thuật và được trưng bày tại Viện bảo tảng mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm Hoa cúc trắng. Nhiều năm đoạt Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hai tác phẩm Sự yên lặng và làng cổ Việt nam được chọn là những tác phẩm xuất sắc trong Chương trình nghệ thuật kiệt xuất quốc tế năm 1995-1997. Đã vẽ trên 1500 bức tranh, trong đó nhiều tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Toà thị chính Thủ đô, Công trình bộ Xây dựng, bảo tàng mỹ thuật Quốc gia Singapore, các bảo tàng và toà thị chính của Thuỵ Điển…Đã có khoảng 65 cuộc triển lãm cá nhân tại Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển, Hồng Kông, Đức, Thái Lan,…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét