Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC- TỪ ĐÂU?


Đất nước Thái Lan, nơi mà theo TS. Ponpern, Học viện Hoàng Gia Thái Lan chia sẻ thì “người Thái lan và giới trẻ không phải chăm đọc sách, không tự học tập qua sách, nhất là sách khoa học, kỹ thuật” . Nhưng từ những khảo sát 6 tháng một lần thực hiện trong những năm gần đây, các nhà quản lí Thái Lan đã tìm hiểu được tâm lý, nhu cầu và thói quen của bạn đọc, từ đó xây dựng và phát triển sách, hệ thống phát hành, từng bước cải thiện nền văn hóa đọc của họ.

 Theo khảo sát và thống kê vào tháng 1 năm 2015 của Hiệp hội Xuất bản và Phát hành Thái Lan, có 40.2% dân số đọc sách (11-69 tuổi) mỗi ngày trung bình 28 phút, mỗi người trung bình mua 4 cuons sách mỗi năm,... Cứ một trăm người tới hội chợ sách Bangkok thì có 25 người đọc và yêu thích sách, và họ thường mua 3-5 cuốn, mỗi lần chi trả khoảng 500 bath (tương ứng với 350 000vnd). Hội chợ này gia tăng 30- 50% lượt người tham dự trong 3 năm gần đây.

Ở Việt Nam cho đến nay, chưa có một nghiên cứu trên diện rộng từ thành phố trung ương đến các tỉnh thành trong cả nước về hiện trạng đọc sách của người Việt. Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Cục Xuất bản hay hay Hội Xuất Bản,... đều chưa đưa ra bất kỳ một kết quả điều tra, nghiên cứu, hay một công bố cụ thể về hiện trạng hay văn hóa đọc của người Việt: thành phần, hành vi đọc (sách), thói quen, tâm lý, những yếu tố ảnh hưởng tới đọc sách,... Nói một cách khác, từ góc độ của cơ quan quản lí đây là một ứng xử trống.

Và nói đến hành vi đọc sách của người Việt, dựa vào quan sát thường ngày, tại các thành phố chúng ta hiếm gặp một hình ảnh người ngồi đọc sách trong công viên, càng ít gặp hình ảnh sinh viên ngồi đọc sách trong xe buýt, tàu hỏa; thư viện các trường đại học, cao đẳng chỉ đông sinh viên khi những kỳ thi kề cận, thư viện công cộng lại càng thưa vắng các độc giả đủ các lứa tuổi, lại càng hiếm gặp những bác nông dân đọc sách trong khi kinh tế nông nghiệp chiếm 80% thành phần kinh tế của cả nước. 

Tại các thành phố, giới trẻ - tuổi từ 18-30, vốn là lứa tuổi gắn bó và đọc sách nhiều nhất, thì đang say sưa với những cuốn tiểu thuyết ngôn tình diễm lệ, những ligh novels theo phong cách manga, comic với những nội dung phiêu lưu tình ái, ma thuật giả tưởng,... 

Khi mà một nền xuất bản và văn hóa đọc đang được xây dựng và hình thành, thì hạt nhân của nó là văn hóa đọc cá nhân sẽ bắt đầu từ những khái niệm đầu tiên: “Chọn sách như thế nào?”, “Đọc sách khoa học như thế nào?”, “Một cuốn sách hay”, “Một đứa trẻ tốt”,... Những khái niệm nhỏ này nên chăng cũng là những khái niệm đầu tiên cho những Ngày Sách/ Hội sách Việt Nam, để hình thành nên những chuẩn mực ứng xử, những trọng tâm phát triển xuất bản, xây dựng kỹ năng và thói quen. 

Từ sự hiểu biết về sách, người đọc có thể chủ động ra những quyết định, những lựa chọn thể loại, đề tài... để ngay cả khi họ đọc những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tình ái, chạm mạnh đến cảm xúc cá nhân vẫn giữ được cái đầu lạnh để hiểu sự khác biệt giữa đời thực và tiểu thuyết, để không phát cuồng thần tượng; và biết thưởng thức những câu chuyện khác khi đọc một cuốn sách kể một câu chuyện khác biệt dị bản của nó.  


“Ngày Sách Việt Nam không phải là việc riêng của một ngành. Sách là một sản phẩm tinh thần, một công cụ giáo dục. Các cơ quan quản lí Nhà nước, Ngành cần có thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng phát triển chuẩn mực đọc sách – mua sách- ứng xử với sách, với tác giả tác quyền như một sự “uống nước nhớ nguồn” vì sách đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, công cụ cho một xã hội học tập, không phải chỉ cho trẻ em mà cho cả người trưởng thành đến trung tuổi, để xây dựng “một xã hội học tập suốt đời.”

MINH ANH - Nguồn: Báo Văn Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét