Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

THƯ CẦU CỨU KHẨN CẤP GỞI CHỦ TỊCH NƯỚC

THƯ CẦU CỨU KHẨN CẤP GỞI CHỦ TỊCH NƯỚC



Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/10/2012 
Thư cầu cứu khẩn cấp 
Kính gởi: Bác Chủ tịch Nước CHXHCNVN: Trương Tấn Sang 
Trước hết chúng cháu xin gởi lời chào, và lời chúc sức khỏe đến Bác. 
Chúng cháu là những sinh viên Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh 
Địa chỉ: 140 A Lê Trọng Tấn, Quận Tân Phú. TPHCM 
Chúng cháu mạn phép viết thư này cho Bác là để cầu cứu đến Bác về trường hợp bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên
Nguyên quán: Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận - Việt Nam 
Ủy viên ban chấp hành chi đoàn thanh niên Lớp 10CDTP1 
Vào lúc 11 giờ ngày 14/10/2012 bạn của chúng cháu là Nguyễn Phương Uyên đã bị các chú công an Phường Tây Thạnh, Công An Quận Tân Phú khoảng 10 người ập vào phòng trọ dẫn đi và nói là để xác minh một số vấn đề về Truyền Đơn chống Trung Quốc Xâm Lược do bạn ấy dán. Nhưng đến nay vẫn không thấy bạn ấy về. Cha mẹ và bà nội của bạn Uyên đã đến cơ quan công an Phường Tây Thạnh và công an Quận Tân Phú để xin cho bạn được thả nhưng mấy chú công an nói là không có bắt giữ bạn ấy. Hiện giờ cha mẹ bạn Uyên rất lo lắng cho bạn đó, không biết an nguy của bạn Uyên thế nào? Cha mẹ của bạn ấy là gia đình thuần nông, gia cảnh rất khó khăn bây giờ cha của bạn ấy là chú Nguyễn Duy Linh đã gom hết tiền của ở nhà và gõ cửa các cơ quan nhà nước xin được giúp đỡ nhưng không được đáp ứng. Mẹ bạn ấy khóc rất nhiều vì nhớ con.
Kính xin bác Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hãy lên tiếng giúp đỡ bạn ấy và gia đình. Bản thân bạn Nguyễn Phương Uyên là một người có đạo đức tốt, luôn được lòng các bạn bè và thầy cô trong trường. Bạn ấy luôn xung phong đi đầu trong các hoạt động về phúc lợi xã hội do đoàn trường phát động. Xin Bác hãy thương xót đến gia cảnh khó khăn của bạn ấy, và nỗi lòng của một người cha, người mẹ đã mất con mà can thiệp giúp cho bạn Uyên sớm về lại với gia đình. 
Về việc làm của bạn Nguyễn Phương Uyên xét cho cùng tất cả đều xuất phát từ tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Đã là tuổi trẻ thì luôn thể hiện tinh thần và thái độ của mình một cách trong sáng dù đôi khi bồng bột, luôn muốn thử sức mình và đôi khi phải chịu đựng sự vấp ngã trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù với cách thức thể hiện như thế nào, chúng cháu luôn luôn tin rằng tận trong thâm tâm của bạn Nguyễn Phương Uyên vẫn mang tinh thần giống như những gì mà bác đã gửi đến các cháu cùng nhân dân nhân ngày Quốc Khánh 2 tháng 9: “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc. Hổ thẹn không phải để bạc nhược, mất ý chí mà để vươn lên gấp hai, gấp ba, để tiếp tục đi tới với tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang vốn là truyền thống dân tộc, góp phần làm cho đất nước ta phát triển và trường tồn mãi mãi.” 
Sở dĩ chúng cháu viết thư cho Bác là vì chúng cháu tin chỉ có Bác mới giúp được cho bạn ấy. Chúng cháu đã có dịp đọc báo trên các trang báo của cơ quan nhà nước khi tường thuật lại buổi gặp gỡ của bác với đồng bào cử tri quận 4 TP HCM. Những lời của bác thật là giản dị, sâu sắc khiến cho sinh viên chúng cháu rất cảm động khi thấy Bác cương quyết với tình hình xã hội phức tạp như hiện nay, vấn nạn tham nhũng vẫn và đang tồn tại trong một số bộ phận cán bộ đang suy đồi đạo đức Cách Mạng. Nhưng thật may mắn thay cho dân tộc Việt Nam vẫn còn nhiều cán bộ trong bộ máy lãnh đạo như Bác đang nỗ lực bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Chúng cháu đọc trên báo nghe lời bác nói: 

“Khi về quê, tôi sẽ trả lại nhà cho Đảng. Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. ” “Bữa nay tôi nói dứt khoát là vậy”. 

“Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui”. 

“Nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc.” 
Thật sự chúng cháu rất ngưỡng mộ Bác, một vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm với dân tộc. Những gì bác nói xứng đáng để tập thể sinh viên chúng cháu noi theo. Với tinh thần đạo đức, nhân bản và lòng ái quốc, xin Bác hãy can thiệp khẩn cấp để giúp cho bạn Nguyễn Phương Uyên sớm về lại với gia đình, trường lớp và thầy cô. Bạn ấy là sinh viên năm cuối cấp, nên việc học cho tương lai là rất quan trọng. Chúng cháu tập thể sinh viên và gia đình rất nhớ bạn Uyên. Rất mong nhận được sư giúp đỡ của Bác. 
Cuối thư chúng cháu xin kính chúc bác luôn luôn khỏe mạnh để tiếp tục sự nghiệp chống tham nhũng và đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân và đất nước. 
Tập Thể sinh viên: Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh 

Tập Thể Sinh Viên Khoa Công Nghiệp Thực Phẩm Khóa 10

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên
Theo http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/10/thu-cau-cuu-khan-cap-goi-chu-tich-nuoc.html
ĐỌC BÀI NÀY TRÊN BLOG CỦA QUECHOA VÀ HUYNHNGOCCHENH, MINH THẤY TIM NHƯ CÓ AI BÓP, CỨ NGHẸN LẠI VÀ NƯỚC MĂT TUÔN RƠI. NÓ HAY HƠN BẤT CỨ BÀI VIẾT NÀO CỦA MÌNH. NÊN MÌNH POST LÊN ĐÂY NHƯ MỘT CÁI GƯƠNG ĐỂ NHÌN LẠI MỖI KHI ĐỨNG TRƯỚC MỘT TÌNH THẾ PHẢI ĐẤU TRANH.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Sau thịnh nộ giải Nobel Hòa Bình, Trung Quốc ôm hôn giải Nobel mới



Hai năm trước đây, khi Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù thì ông được xướng tên nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình. Chính phủ Trung Quốc đã phản đối gay gắt và giận dữ, xóa sạch thông báo Giải thưởng trên internet, chỉ trích giải thưởng như là một “sự báng bổ” và gọi nó là một công cụ tuyên truyền của phương Tây với mục đích xúc phạm và gây mất ổn định đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Các quan chức Chính phủ thậm chí trả thù Na Uy – quốc gia trao giải thưởng này, từ chối visa của các chức sắc Na Uy và trì hoãn các lô hàng cá hồi của Na uy đến ươn thối trước khi hoàn tất các thủ tục hải quan.
Nhưng tất cả dường như được lãng quên hết vào ngày thứ 5 ngày 11 tháng 10 năm 2012, khi một công bố giải Nobel khác, giải Nobel Văn Học 2012, được trao cho một người TQ khác, một tác giả nổi tiếng thế giới Mạc Ngôn và Trung Quốc đã chào đón tin này tưng bừng như ngày quốc khánh. Đài TH TW CCTV đã ngắt chương trình đang phát hình để đưa tin này; tờ báo lá cải quốc gia Hoàn Cầu đã đưa một trang xã luận đặc biệt lên website; và tờ Nhân dân hàng ngày đưa một bài viết sinh động dạt dào rằng Giải thưởng là “một sự cổ vũ, một sự chứng nhận và cũng là một sự khẳng định- nhưng hơn cả, nó là một sự khởi đầu mới”.
Giải thưởng này có thể sẽ tác động lớn tới tâm lý dân tộc của Trung Quốc. Người Trung Quốc đang bị đè nén và mặc cảm lâu nay, ít nhất trong con mắt của phương Tây, vì các thành tựu văn hóa  lu mờ, yếu ớt trước sự lấn át của tăng trưởng và sức mạnh kinh tế.
“Điều này sẽ được coi như một công báo rằng Trung Quốc đã đến với thế giới” – Kenneth G. Lieberthal một chuyên gia Trung Quốc tại viện Brookings (Washington) nói – “Ít nhất những mâu thuẫn giữa những phản ứng trước giải thưởng của Lưu Hiểu Ba và Mạc Ngôn sẽ không làm khó họ”
Đồng thời, Giải thưởng cũng thể hiện sự thay đổi từ phía viện Hàn Lâm Thụy Điển và các thành viên lựa chọn người giành được Giải thưởng văn học này.
Trong suốt thời kỳ  Xô viết, Viện luôn trao giải thưởng cho các nhà văn bất đồng chính kiến với Liên Xô và Đông Âu như Aleksandr Solzhenitsyn, Joseph Brodsky và Jaroslav Seifert. Tương tự như vậy, hai người Trung Quốc đại lục chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản – ông Lưu và Cao Hành Kiện đoạt giải thưởng Nobel Văn học năm 2000. Ông Kiện đã từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, nhập Quốc tịch Pháp. Cả hai người này đều là các nhà bất đồng chính kiến.
Thực sự, Viện hàn lâm này hiếm khi, thậm chí chưa bao giờ trao giải thưởng cho một nhà văn hay một học giả được Chính phủ cộng sản công nhận.
Các cuộc thảo luận của Viện được giữ kín nghiêm ngặt như kiểu tòa thị chính Vatican nhưng các chức sắc khẳng định rằng không hề  bị bất kỳ một áp lực chính trị hay ngoại giao hay kinh tế từ phía Trung Quốc tác động đến bất kỳ phần nào trong những quyết định này.
“Về cơ bản, việc rất giản đơn” - Peter Englund, thư kí của Viện Hàn Lâm nói – “Chúng tôi đang trao một giải thưởng văn học vì giá trị văn chương của văn học. Những quan điểm và chính trị không tác động gì ở đây cả.
“Điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi coi văn chương không có tính chính trị hoặc rằng người được giải thưởng năm nay không phải viết văn học chính trị” – ông nói tiếp về Mạc Ngôn- “Bạn mở bất kỳ quyển sách nào của ông ấy và sẽ thấy nó phê phán rất nhiều vấn đề ở Trung Quốc trong lịch sử và đương đại. Nhưng ông ấy không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Tôi cho rằng ông ấy hơn cả một nhà phê bình của thể chế lại đang ngồi giữa thể chế đó”.
Ông Mạc, 57 tuổi, khó có thể là một công cụ của Đảng Cộng sản, nhiều sáng tác của ông thấm đẫm sự phê phán xã hội và lượng độc giả văn học Trung Quốc trong nước và nước ngoài đều ngưỡng mộ ông.
Nhưng ông không xác nhận ông là một nhà chính trị, ông khẳng định không đứng về phía chống lại Chính phủ - ông đồng thời cũng là Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Trung Quốc – điều này đã khiến ông bị các nhà văn chống đối ở TQ chỉ trích.
Trong những tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn của mình, ông Mạc phác họa những bức chân dung nông thôn và đời sống người dân Trung Quốc đầy màu sắc rực rỡ, phức tạp, thường sử dụng lối phiêu diêu, hoang tưởng- lời kể của động vật, những yếu tố của những câu chuyện cổ tích- gợi đến các kỹ thuật ngôn từ của trường phái hiện thực huyền ảo Nam Mỹ. Tác phẩm của ông được dịch và phát hành rộng rãi ở phương Tây nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là tác phẩm Cao Lương Đỏ - một thiên sử thi về vùng nông thôn Trung Quốc trải qua nhiều thời kỳ như thời Nhật chiếm đóng, văn hóa thổ phỉ, và những thân phận nông phu nghiệt ngã. Năm 1987 đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã chuyển thể tác phẩm này thành bộ phim cùng tên.
“Thông qua t sự pha trộn của huyển ảo và thực tế, những bối cảnh chính trị và xã hội” – nhà văn Mạc ngôn đã gợi nhớ đến thế giới phức tạp của những nhân vật trong các tác phẩm của William Faulkner và Gabriel García Márquez,  đồng thời dẫn dắt vào thế giới văn học trung quốc cổ đại và truyền miệng” – Một viên chức Viện Hàn Lâm Thụy Điển nhận xét.
“Ông Mạc sinh năm 1955, trong một gia đình nông dân, tại vùng cao nguyên khô cằn miền đông  của tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Đây cũng là bối cảnh trong nhiều cuốn tiểu thuyết của ông. Thủa niên thiếu, ông trải qua thời kỳ Cách mạng văn hóa, bỏ học đi làm ruộng, rồi làm công nhân trong một nhà máy chiết xuất dầu bông. Ông đã bắt đầu viết, theo lời kể của ông, một cài năm sau đó, trong thời gian ông thực hiện nghĩa vụ trong quân đội Giải Phóng.
Bút danh Mạc ngôn, nghĩa là “Không nói”, phản ánh xã hội giai đoạn thủa niên thiếu của ông “Thời kỳ đó ở TQ, cuộc sống không được bình thường, bì vậy bố mẹ tôi đã cấm tôi không được nói năng ở bên ngoài” – ông giải thích xuất xứ bút danh của mình tại diễn đàn Đại học California, Berkeley, năm 2011 – “Nếu bạn nói bên ngoài và nói những gì bạn nghĩ, bạn sẽ gặp phiền toái. Vì vậy tôi đã nghe lời bố mẹ và không nói năng gì”
Những cuốn sách của Mạc ngôn đã chạm tới rất nhiều chủ đề nhạy cảm đương đại của Trung Quốc, bao gồm cả Cách mạng Văn hóa và những chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc của đất nước này.
Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Cây tỏi nổi giận (the Garlic Ballads), viết năm 1988 phát hành bằng tiếng Anh năm 1995, miêu tả cuộc nổi dậy của nông dân chống lại những hành động phi pháp của chính phủ, được kể theo kiểu bán thần thoại để tránh sự chỉ trích trực tiếp đến những viên chức chính phủ cụ thể.
Nhưng cuốn sách này đã dẫn đến hậu quả của cuộc náo động của sinh viên năm 1989. Ông Howard Goldblatt, dịch giả tác phẩm của Mạc ngôn cho biết. Ông Mạc đã phải xuất bản cuốn sách này ở Đài Loan trước, sau đó mới in được ở Trung quốc đại lục.
Các nhà phê bình phương Tây không tiếc lời ca tụng tác phẩm “Sinh tử bì lao” là một tác phẩm lớn đầy tham vọng qua lời kể năm con vật là những kiếp trước của một người đàn ông bị Yama, ngục vương cầm tù, đã miêu tả hầu hết những trải nghiệm về cách mạng của đất nước mình gần giống như một cuốn phim tài liệu của các thời đại, một học giả đã viết trên The New York Times vào năm 2008.
Viện Hàn lâm Thụy Điển đã lưu ý rằng, rất nhiều tác phẩm của ông Ngôn đã bị phản đối bởi vì nó phê phán, chỉ trích sâu cay xã hội TQ đương đại.
Michel Hockx,giáo sư nghiên cứu TQ tại viện nghiên cứu Phương Đông và Châu phí tại đại học London nói rằng, ông Mạc là một phần của thế hệ nhà văn hậu cách mạng văn hóa những người đã bắt đầu nhìn lại xã hội TQ, đặc biệt vùng nông thôn với dưới góc nhìn mới của người đứng ngoài định hướng của Đảng.
Trong một thời gian dài, Chủ nghĩa hiện thực TQ chịu sức ép trở thành chủ nghĩa hiện thực  xã hội chủ nghĩa, vì vậy nó chứa đầy những thông điệp hệ tư tưởng và chính trị. - Mr. Hockx nói- “Nhưng thay việc viết về những người hùng xã hội chủ nghĩa”- ông Mạc đã đưa các nhân vật hiện thực vào tác phẩm của mình- ông Hockx nói tiếp-  đông thời phác họa nông thôn TQ như một “chốn huyền hoặc những điều tuyệt diệu diễn ra, những điều như chỉ được thấy trong những câu chuyện cổ tích và thần tiên”.
Tuy nhiên một số người đã chỉ trích ông Mạc về lập trường chính trị. Mùa hè năm ngoái, ông đã công khai công kích việc  tham gia nhóm tác giả chép tay lại bài diễn văn của Mao Trạch Đông năm 1942. Bài diễn văn này đã được phát đi từ nhiều năm trước công bố việc chính phủ kiểm duyệt nhà văn và nghệ sĩ Trung Quốc, và được miêu tả như là tờ giấy chứng tử đối với những người sáng tác phủ nhận khả năng của mình là nhờ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.
Ông cũng bị chỉ trích vì việc tham dự Hội chợ sách Frankfurt năm 2009 sau khi Bắc Kinh cấm một số nhà văn bất đồng chính kiến. Sau đó, Mạc ngôn đã phát biểu tại Hội chợ này rằng đã mang đến một cánh cửa cho suy tư hỗn độn của ông.
“ Một nhà văn cần bộc lộ sự phê phán và phẫn nộ những mặt trái của xã hội và những bản chất xấu xa của con người, nhưng chúng ta không nên dùng chung một biểu thức thể hiện” – ông nói – “Một số người muốn hét to ngoài đường nhưng chúng ta cũng nên rộng lượng với những người trốn trong phòng và dùng văn chương để nói lên quan điểm của mình”.
Bài viết được Andrew tường thuật từ Bắc Kinh và Sarah Lyall từ London, với sự đóng góp của Ian Johnson từ Bắc Kinh và Alan Cowell từ Paris. Đăng trên nytimes.com ngày 11 tháng 10 2012. Mình bị bắt dịch để làm tài liệu nên post đây share!!! Lovely Minh Anh Tran

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

"PHẢI MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TRỞ THÀNH TRẺ THƠ"



 Phạm Tuyên là một nhạc sĩ nổi tiếng, đúng hơn ông là nhạc sĩ của những bài hát nổi tiếng được ưa thích, người ta hát những bài hát của ông mọi nơi: từ các lâm trường - Bài ca người thợ rừng, hầm mỏ ­- Bài ca người thợ mỏ, từ thành phố - Thành phố mười mùa hoa đến nông thôn- Con kênh ta đào, miền núi đến biển khơi - Bám biển quê hương,…Từ Làng Sen đến Trường Sơn – Chiêc gậy Trường Sơn, Đem Cha Lo, từ Hà Nội - Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh - hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất,),… và những ca khúc của ông gắn bó với khán giả từ những năm học mẫu giáo – Trường của cháu đây là trường mầm non, Mẹ và cô, thiếu nhi – thiếu niên đến Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng,…
PHẦN THƯỞNG LỚN NHẤT LÀ SỰ GHI NHẬN CỦA QUẦN CHÚNG
 Hành trình sáng tác của ông dõi theo hành khúc cuộc sống của đông đảo quần chúng lao động và khán giả cũng thấy trong đó phần cuộc sống rộn ràng, tươi sáng của tình yêu, sự chân thành, những bài học và cuả những phút xao xuyến, quyến luyến trước thiên nhiên của chính mình. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của ông còn theo hành trình của dân tộc, hát lên tiếng nói của nhân dân: Chiến đấu vì độc lập tự do, Hát dưới cờ Hà Nội, Màu cờ tôi yêu, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,…
Nhắc đến Phạm Tuyên, người ta không khỏi không nhắc đến thân phụ ông, nhà báo Phạm Quỳnh bậc trí thức tiêu biểu Việt Nam hiện đại, và đến cả những giải thưởng cao quý mà bị coi là đến với ông muộn màng, nhưng đó là chỉ là những  gì khán giả yêu mến ông và đề tài giới truyền thông đặt ra liên quan đến những vấn đề có tính thời sự, còn bản thân nhạc sĩ, lúc nào cũng với nụ cười hiền hậu nói về những sáng tác, những kỉ niệm với khán giả của mình cũng như tâm huyết mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong những sáng tác nghệ thuật âm nhạc.
Sau cuộc hội nghị nọ, mọi người đứng lên hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, ông đã hỏi người bên cạnh có biết tác giả của bài hát này là ai không, người nọ nói không biết còn ông thì hân hoan. Ông cho rằng đối với người nhạc sĩ điều quan trọng nhất là tác phẩm có chỗ đứng trong đời sống quần chúng: “Những sự ghi nhận của đời sống là tốt nhất với tôi, nếu sự ghi nhận của đời sống trùng với sự bình chọn thì thật vui nhưng phần thưởng lớn nhất của tôi là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng khán giả.”


 PHẢI MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TRỞ THÀNH TRẺ THƠ
Nhưng đề tài trò chuyện nhạc sĩ Phạm Tuyên hứng thú và cũng trăn trở nhất là mảng sáng tác cho thiếu nhi. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi ông là một tác giả đầu tư cho thế hệ thiếu nhi và không ngoa khi gọi ông là nhạc sĩ của trẻ em. Ngay cả khi Hội Nhạc sĩ đề xuất tác phẩm lựa chọn đăng kí  giải thưởng Hồ Chí Minh ông, ông đã mong muốn trong đó chọn những bài thiếu nhi. Gia tài sáng tác cho thiếu nhi của ông phải nói là đồ sộ với hàng trăm bài, chiếm đến 1/3 tổng số bài hát của ông. Nhiều vị giám đốc NXB Kim Đồng đến hỏi và đề nghị ông tuyển chọn để in Tuyển tập bài hát cho thiếu nhi, lần nào về, các vị ấy cũng hoan hỉ bởi nhận được số lượng bài hát nhiều hơn mong đợi. Đến nay ông có đến năm tuyển tập các bài hát thiếu nhi được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản và phát hành. Trong đó tuyển tập tiểu sử nhạc sĩ bằng ảnh cho trẻ cùng các bài hát được trẻ rất thích thú còn nhạc sĩ thì cảm động.
Và chính những sáng tác ở mảng đề tài này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng “Như bài Tiến lên Đoàn viên, tôi được ba lần giải thưởng”. Ban đầu, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nhiều bài cho trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn và sau này là trường Thiếu sinh quân Việt Nam – nơi ông công tác từ năm 1949. Nhưng ông thực sự nổi tiếng bởi nhiều sáng tác cho lứa tuổi mầm non, mà bài hát đầu tiên do cô con gái ép buộc.  Bữa đó, đón cô con gái bé bỏng  từ trường mầm non A phố Thợ Nhuộm về, cô bé rỉ tai ông nói: Cô giáo muốn nhờ bố viết cho một bài hát. Ông trả lời con, bố đã bao giờ viết bài hát cho mẫu giáo đâu? Chịu thôi! Cô bé quay đi, nói: thế thì mai con không đi học nữa. Sợ quá, hai ngày sau ông mang sáng tác mới nhờ vợ xem thử. Vợ ông hào hứng: ồ bài hát này được đấy, trẻ nhỏ hát được. Mang đến cho cô giáo, bất ngờ cô giáo khen: Ồ bài này hay quá  và hát reo lên” Trường của cháu đây là trường mầm non”. Các trường mầm non ở Hà Nội lúc đó cũng thích quá đến xin và hát, chỉ thay đổi câu cuối bài hát thành tên trường mình: trường của cháu đây là trường Họa Mi,… và sức sống của nó lan tỏa đi khắp các trường mầm non cả nước.
Hay “Chú Voi con ở Bản Đôn” của ông giờ đã 22 tuổi,  mang âm hưởng dân ca Ê Đê đi khắp cả nước, được làm nhạc hiệu của đài phát thanh tỉnh Đắc Lak. Có điều lạ là, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và người lớn khác thích hát nhiều bài hát thiếu nhi của ông. Nhạc sĩ Trần Tiến với cái mũ  phớt rộng vành của thổ dân Meehico rất hay đàn và hát bài này trong những chương trình biểu diễn của ông, hay ca sĩ Lê Dung, Mỹ Linh cũng thường hát Cánh én tuổi thơ của ông.  Về điểm này chỉ có thể giải thích người viết đã thâm nhập được vào đời sống của trẻ và một sáng tác cho trẻ có chất lượng thì không chỉ trẻ con thích mà người lớn cũng thích. Viết cho trẻ con không phải viết cho người lớn những gì không xài được thì để cho trẻ con. Nếu như Tô Hoài không trân trọng trẻ con thì không thể có Dế mèn phiêu lưu kí.  Và nói như Picasso:  Phải mất nhiều thời gian để trở thành trẻ thơ. Những nghiên cứu giáo dục hiện đại cho trẻ cũng cho thấy, với trẻ sự đối thoại có tác dụng hơn là độc thoại.
Nhạc sĩ của Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc năm 2012, thừa nhận: Sự thẩm định của trẻ cũng rất buồn cười, thích thì đọc, thì hát chứ không phê bình gì cả. Viết cho trẻ vừa là nghệ thuật vừa là vấn đề tâm lí sư phạm. Trẻ con mẫu giáo, thiếu nhi, thiếu niên rất khác nhau với những quãng giọng và khả năng khác nhau.Tôi học điều này từ vợ tôi, bà ấy là một giáo sư tâm lí học trẻ. Đừng nghĩ trẻ con ngày nay giống ngày xưa, vì chúng phát triển có gia tốc. Các mảng thông tin trên thế giới đều đến với chúng. Nếu người nào muốn dùng âm nhạc răn dạy trẻ thì không đúng đâu. Các cụ ngày xưa răn dạy trẻ cũng dùng những câu đồng dao rất vui, hồn nhiên để tiếp cận trẻ. Trẻ thích vừa học vừa chơi chứ răn dạy nhiều thì trẻ chả thích đâu. Cách đây 20 năm, tôi đã nghĩ đến việc này, làm sao giữ bản sắc dân tộc trong những sáng tác cho trẻ em. Và tôi tìm về những khúc đồng dao, từ hàng trăm khúc đồng dao, tôi đã chọn được vài chục bài và viết lại lời phổ nhạc như bà còng đi chợ, hay gánh gánh gồng gồng,…Bà còng thì dạy trẻ tính trung thực, Gánh gánh gồng gồng dạy trẻ nghĩ đến người khác,..

Là người tâm huyết và gửi gắm nhiều tâm tư vào nhạc trẻ em, ông không dấu được nỗi niềm tâm tư khi quan sát thị hiếu và đời sống âm nhạc trẻ hôm nay. Vấn đề sáng tác cho trẻ không được quan tâm, nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ sáng tác theo đơn đặt hàng là chính, âm nhạc thị trường đã hướng họ theo yêu cầu thị trường nhiều hơn là thị hiếu. Trước hiện tượng lớp trẻ hiện nay bị cuốn theo nhà Hàn, nhạc Âu, ông cho rằng: “Vấn đề đặt ra là phải giáo dục âm nhạc trẻ như thế nào. Và xã hội thì việc quảng bá như thế nào? Tôi thiết tha mong, bộ giáo dục, Bộ văn hóa truyền thông, cần phải quan tâm đến vấn đề này.Lấy cái hay hơn để đẩy lùi cái xấu chứ không nên cấm. Nếu cấm nghe loại nhạc này, loại kia mà không có gì hay hơn cho tụi nhỏ xem và nghe thì cũng không được. Trong khi đó giới trẻ rất nhanh nhạy, chúng vào youtube là kiếm được bài dễ nghe, bài chúng thích. Thích thì không gì ngăn cản được. Cấm chỉ là hạ sách mà vẫn không yên tâm. Trách nhiệm này là của tổng thể xã hội. Những người đổ tâm sức làm việc này cũng phải có cơ chế thích đáng, đừng để họ sáng tác không công….”
Nhiều người sáng tác nghiệp dư thường mang tác phẩm đến nhờ ông viết giới thiệu, thậm chí có người sáng tác không biết nhạc đến nhờ ông ghi lại nhạc. Ông nhận lời nhưng nói: Nhờ tôi ghi lại nhạc thì tôi ghi thôi nhưng đừng nghĩ đây là phương tiện để quảng bá tên tuổi. Yêu âm nhạc, viết nhạc thì rất tốt nhưng đừng nghĩ rằng âm nhạc là cái cầu đưa mình đến với mọi người và công danh.