Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NGÀY SÁCH VIỆT NAM VÀ KHẨU HIỆU "TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC"


 “Tôn vinh văn hóa đọc” là một khái niệm lớn được lựa chọn là “khẩu hiệu lớn”, mục đích đầu tiên mà Bộ Thông tin và truyền thông muốn gửi tới công chúng trong các sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2.  Song “Văn hóa đọc” ở Việt Nam đang là một khái niệm mờ và đang chờ đợi khái niệm (dùng để) định nghĩa rõ nét vế bên kia của mình.

Như những khái niệm khác liên quan đến phạm trù văn hóa, “Văn hóa đọc” được hiểu là tập hợp thống nhất những giá trị đọc, hành vi/ứng xử đọc, chuẩn mực đọc, hành vi ứng xử với sách và người làm sách, phát hành sách (tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành – xuất bản,...) của xã hội nói chung, bao gồm từ cơ chế, chính sách của nhà quản lý, cơ quan quản lí nhà nước, tới cộng đồng xã hội và cụ thể ở mỗi cá nhân. 

Và xây dựng văn hóa đọc hay phát triển văn hóa đọc, nói cho cùng chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, là hình thành và phát triển thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách lành mạnh của họ. Từ đó, việc thâu nhận kiến thức, giá trị của sách đến với người đọc tự nhiên, một hành trình giáo dục, học tập tự nguyện và song hành với cá nhân cả cuộc đời. 

Câu trả lời cho những câu hỏi tựa như: Vậy văn hóa đọc của người Việt đang ở đâu?  Người Việt có văn hóa đọc không? Xây dựng văn hóa đọc của người Việt thì bắt đầu từ đâu?/ phát triển như thế nào? thực sự là những thách thức đối với các cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức xã hội để ý nghĩa to lớn của Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống và phát huy vai trò của sách, cũng như ảnh hưởng thay đổi thực sự nền tảng giáo dục xã hội như định hướng/ mong muốn của Chính phủ:“Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”.


Thách thức, khó khăn này trở nên đặc thù bởi trong điều kiện kinh tế và một bối cảnh dân trí, nền tảng tri thức của Việt Nam đang đặt trong “một thế giới phẳng”- nơi công nghệ thông tin internet xóa nhòa mọi biên giới lãnh thổ, nơi nền tri thức, kiến thức, nghiên cứu khắp thế giới được cập nhật hàng ngày, nơi mà đề tài thông tin bùng nổ trong tích tắc phục vụ các nhu cầu thông tin (dễ dãi, lười biếng,...), cuốn những dự tính tìm kiếm thông tin của người sử dụng trôi tuột vào dòng thông tin đa dạng khác.  


phần tiếp theo Sách & ngành xuất bản Việt phát triển ở đâu?


TRẦN NGA - Nguồn báo Văn Nghệ.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Hội sách ngoài trời lớn nhất chào mừng Ngày sách Việt Nam 2015 tại Hà Nội


Với ““mục đích nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.”, Ngày sách Viêt Nam năm nay đang được chào đón với không khí  sôi nổi, hào hứng diễn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Từ tháng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông  đã gửi văn bản chỉ đạo triển khai chuẩn bị và tổ chức tới 63 tỉnh thành, kết hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Văn hóa, …và các cơ quan ban ngành. Mặc dù theo dự tính của Bộ Thông tin truyền thông, hoạt động và những sự kiện chào mừng ngày sách sẽ diễn ra cuối tháng 3 và  kéo dài hết tháng 4, nhưng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, các hoạt động này đã được triển khai và thực hiện từ đầu tháng 3.

Cho đến nay, những sự kiện và hoạt động “Chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 2” đã được các tỉnh thành lên kế hoạch và giao cho các Sở TTvà TT địa phương triển khai và  thực hiện.  Hoạt động chào đón Ngày Sách Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc phần nhiều rơi vào thời điểm trung tuần và cuối tháng 4, như Lạng Sơn vào ngày 21 tháng 4, Điện Biên Ngày từ ngày 19/4 đến 23/4, hay Phú Thọ sẽ tổ chức Lễ Khai mạc Ngày sách Việt Nam gắn với các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 chủ đề: “Hội Sách Đất Tổ 2015 - Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi” trưng bày “Sách hay, Sách đẹp” phục vụ độc giả đọc sách miễn phí…

Trong khi đó nhiều tỉnh thành phía Nam đã lên kế hoạch, và triển khai hàng loạt các hoạt động và sự kiện kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 4. ”Hãy tích cực đọc sách để mở mang tri thức, rèn luyện nhân cách!;  “Mọi người nên đọc sách mỗi ngày” và  “Sách - Kho tàng tri thức của nhân loại!” là những khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi từ các phương tiện báo chí, trường học, đường phố, trung tâm văn hóa,… và tại hàng loạt các hoạt đông trong nhà và ngoài trời: trưng bày sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; tổ chức các hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách, kể chuyện theo sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng và các hình thức biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung tuyên truyền việc học, đọc sách, của các trường học, hội thanh niên, phụ nữ,..; … trải khắp Quảng Bình, Kontum, Khánh Hòa, Tiền Giang….


Tại Hà Nội, sự kiện “Chào mừng ngày sách Việt Nam” lần thứ hai  sẽ được tổ chức tại Công viên Lê Nin từ ngày 17 đến 21 tháng 4 với sự kiện lớn: Hội sách do Cục Xuất Bản tổ chức với sự tham gia của hơn 100 nhà xuất bản, công ty xuất bản- phát hành, và các đại diện, tác giả - diễn giả,… cùng hàng chục sự kiện và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm, trao đổi giữa tác giả, tác phẩm với độc giả, nhà xuất bản,…

MINH ANH - nguồn: Báo Văn nghệ

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Fernando Rendo: Nhà văn Việt Nam - các bạn im ắng quá!

Cuộc phỏng vấn giữa phóng viên và nhà thơ Fernando Rendo diễn ra nhanh chóng khi chúng tôi cố “nhấc” ông khỏi buổi Bế mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 do Hội Nhà văn tổ chức tại Hà Nội những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Trong ba mươi phút nói về thi ca, về văn hóa Việt Nam, về sự phát triển và quảng bá văn học, thi ca Việt Nam và thế giới, ông đã khóc, người đàn ông mạnh mẽ không ngăn được cảm xúc của mình khi nói về những thi sĩ nông dân Việt Nam, về những khó khăn, những vết thương và sự khốn khó của người dân Việt,… mà ông tin rằng, họ chính là những thi sĩ đích thực, mạnh mẽ, quả cảm và lãng mạn làm nên sức sống của thi ca và đáp lại, sức mạnh của thi ca sẽ luôn gắn kết họ với thế giới và bảo vệ họ trước mọi kẻ thù.

Ông hiện là Tổng giám đốc điều phối World Poetry Movement (WPM) – Phong trào thơ ca quốc tế. Ông sinh năm 1951 tại thành phố Medel ín, Antioquia (Colombia). Bài thơ đầu tiên ông giành giải thưởng và được đăng tải rộng rãi trên truyền thông khi ông còn là một cậu thiếu niên. Một loạt các tuyển tập thơ sau đó được xuất bản:  “Contrahistoria” (1986), “Bajo otros soles” (1989), “Canción en los Campos de Marte” (1992), “Los motivos del salmón” (1998), “La cuestión radiante” (2005), “La Rama Roja (2010), và nhiều tác phẩm khác.
Năm 1982, ông đã sáng lập tờ Prometeo, tạp chí Thơ ca Châu Mỹ La Tinh với 93 nước thành viên, tới nay. Năm 1991, ông bắt đầu thành lập và tổ chức Lễ Hội Thơ ca Quốc tế Medellin hàng năm.Thường có từ 160 000 thi sĩ và khán giả  tham gia Lễ hội này và đã trở thành sự kiện thơ ca lớn nhất trên thế giới. Tới nay có khoảng 1.100 nhà thơ, nhà văn từ 160 quốc gia ở khắp năm châu tới tham dự.
Năm 2006, vượt qua 73 ứng cử viên cho những hoạt động vì Sự thật, Hòa Bình, Công bằng xã hội đến từ 40 quốc gia, Lễ Hội Thơ ca quốc tế Medellin cùng những người sáng lập được Tổ chức Giải thưởng Right Livehood xướng tên và vinh danh trao Alternative Nobel Prize (Giải thưởng Nobel khác) tại tòa nhà Quốc hội Stockholm, Thụy Điển.
Những thi phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Pháp, Đức, Italia, Croatia, Hungary, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ,…

 Lễ bế mạc đang diễn ra sẽ khép lại một loạt những sự kiện và hoạt động của Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 và Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba diễn ra suốt tuần qua tại Hà Nội, cảm xúc của ông lúc này như thế nào thưa ông?

Tôi đã trả lời câu hỏi này cả chục lần trong mấy ngày hôm nay rồi. Nhưng lần này cho phép tôi được trả lời bằng những vần thơ tôi mới làm :
Tôi chưa tới Việt Nam bạn ạ,
Sau tám ngày ở đây, tôi thấy mình
chưa tới Việt Nam
Bởi vì tôi bắt đầu yêu mảnh đất này
Việt Nam, phải là người Việt Nam,
Phải là tài sản, của đất mẹ Việt Nam
Bởi vì tôi yêu Việt Nam quá rồi,
Việt Nam luôn là giấc mơ tôi
Từ xa lắm, trong không gian và thời
gian (ông bắt đầu khóc- PV)
Tôi muốn sinh ra ở đây, đất mẹ
Việt Nam
Để vang lên bài ca về Đất nước,
Để được làm một nhà thơ, một người
lính Việt Nam
(ông nghẹn lời và nước mắt rơi..-. PV)

- Vâng, xin chân thành cảm ơn những tình cảm của ông. Sáu ngày qua với hàng loạt hội nghị, cuộc tiếp xúc, viếng thăm, trải nghiệm văn hóa truyền thống Việt,... điều gì để lại trong ông những ấn tượng sâu đậm?

Đó là vào ngày đầu tiên đến Việt Nam, tôi được đến thăm làng Chùa. Làng mang danh làng thơ. Tôi trở thành nhân chứng sống động của những người nông dân, đàn ông, đàn bà làng Chùa trong lao động, bám chặt vào đất đai và viết những vần thơ. Những người đàn ông, đàn bà làng Chùa làm thơ, họ đã từng cầm súng, rất nhiều trong số họ là những cựu chiến binh. Đối với tôi, những người làm thơ làng Chùa, vần thơ của họ có giá trị hơn rất nhiều những người chỉ biết có trường lớp, lí thuyết sách vở và không viết những vần thơ bằng máu thịt của mình. Bài thơ của người nông dân làng Chùa chính là đất đai, cấy cày, và vươn đến cái đẹp. Đó là bài ca chiến đấu, bảo vệ mảnh đất thân thương làng Chùa.Tôi thật hạnh phúc sống trong không khí thi ca, tình người chân thật, đẹp đẽ vô cùng giữa những người dân làng Chùa. Làng Chùa là một ví dụ mang tính truyền thuyết. Hiếm nơi nào trên thế gian này có miền quê như vậy. Đến tận lúc này, tôi vẫn giác như thấy đó là điều không tưởng, một hiện thực viễn tưởng. Đó là một làng quê, hướng về tự do, đậm tình anh em. Tất cả chúng ta đều vang lên tiếng hát, vần thơ cùng nhau lao động, cùng động viên nhau và tôi cảm thấy không gian đó chính là không gian của tự do đích thực. Hạnh phúc đó không gì đe dọa hay phá vỡ được. Chúng tôi - chúng ta sẽ gìn giữ và bảo vệ những điều thiêng liêng, đẹp đẽ đó.Từ những miền quê như vậy, Việt Nam sẽ là một đất nước không bao giờ khuất phục.
- Và ông đánh giá như thế nào kết quả hợp tác giữa các nhà văn Việt Nam với nhà văn, nhà thơ thế giới cũng như hiệu quả của Hội nghị và những sự kiện này?
Tôi thấy được những cố gắng khổng lồ của nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Việt nam, các đoàn thể  đã tổ chức Ngày thơ ca, Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2, Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài. Tôi nhận thấy sự quan tâm hỗ trợ tuyệt vời của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ, đối thoại với các nhà văn khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cùng gắn chặt với nhau trong vòng tay thân ái. Những giá trị văn chương, văn học của Việt Nam sẽ dần đến với văn hóa, bạn đọc thế giới.
Chúng tôi rất vui mừng, hạnh phúc và phấn khích với những vấn đề cụ thể, sự hợp tác cụ thể đang được liên kết, thắt chặt bàn bạc và kí kết trong những ngày hôm nay về việc thiết lập trao đổi hơn nữa mối quan hệ giữa nhà văn, văn học Việt Nam với nhà văn, văn học thế giới. Dòng sông bị đóng băng ngày nào đó đã được khơi mở. Dòng sông đẹp đẽ của thi ca của những gì đẹp đẽ trên thế giới được khơi mở. Lịch sử nhân loại với hai cuộc chiến tranh khốc liệt, và nay vẫn còn những cuộc nội chiến, những xung đột, hòa bình chưa đến với thế giới này. Và chúng ta luôn cần liên kết, bảo vệ nhau.
Liên hoan thơ và Hội nghị lần này đã phá vỡ nhiều rào cản cho nền thi ca Việt Nam với thi ca thế giới đến với nhau. Thật là trùng hợp, bởi bây giờ ở Việt Nam đang là mùa xuân, với chúng tôi đây cũng là mùa xuân của thi ca thế giới. Tôi nhìn thấy những ánh sáng đã hiển lộ trên khuôn mặt ánh mắt của nhà văn, nhà thơ, của người dân tôi gặp mấy ngày nay. Chúng ta không sợ hãi bất cứ kẻ thù nào, không sợ chiến tranh hay bom nguyên tử. Thi ca có thể khai sáng lòng người và ngăn chặn bạo lực, chiến tranh.
- Và ở vai trò và kinh nghiệm của một Tổng giám đốc điều phối Phong trào thơ ca quốc tế, ông có những gợi ý gì cụ thể cho hoạt động phát triển phong trào thi ca ở Việt Nam cũng như đưa thi ca, văn học Việt Nam giới thiệu rộng khắp công chúng thế giới?
Trước hết, tôi muốn nói với các nhà thơ, nhà văn Việt Nam rằng, các bạn phải cố gắng hết sức, và hết lòng để đưa văn hóa, văn học Việt Nam ra với thế giới.

Cả người dân sống trong nước và ngoài nước. Các bạn có nền văn hóa phát triển, có ngôn ngữ thống nhất, các bạn phải tăng cường và phát triển hơn nữa những hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, văn học, nghệ thuật với các nước khác, để dần tìm được những đồng cảm cùng nhau và cùng có những bài học mang tính toàn cầu. Gặp gỡ nhau để cảm tất cả các vẻ đẹp của văn hóa thế gian này. Và để đạt được những kết quả tuyệt vời, kết quả tốt, thì đừng bao giờ chỉ dừng ở một hoạt động. Mà phải liên tục, tiếp tục không ngừng nghỉ phấn đấu uyển chuyển và kiên trì đến cùng với những tiến trình cụ thể, khoa học, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đi đến thành công. Vì thế gian này sẽ không chịu nổi vẻ đẹp của các bạn, họ sẽ phải đầu hàng.
Chúng ta sẽ xâm lược các cường quốc thế giới bằng thi ca, bằng tình yêu văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta sẽ xâm lược Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu bằng bằng vẻ đẹp của thi ca, của tâm hồn, vẻ đẹp của tình yêu, của tình bạn hữu.
Từ sau chiến thắng 1975 chúng tôi chờ đợi, ngóng đợi nhưng các bạn im lặng quá. Có điều gì đó quá bí ẩn và yên tĩnh. Chúng tôi mong đợi các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy cho phép, hỗ trợ chúng tôi những nhà văn, nhà thơ thế giới cùng những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam xây dựng một mặt trận đoàn kết liên minh quốc tế bảo vệ Việt Nam. Thi ca là lá chắn bảo vệ mạnh hơn mọi vũ khí, mọi sức mạnh.
- Liên hoan thơ quốc tế của Medellin được thành lập (1991) trong tiếng bom nổ, nội chiến và mâu thuẫn sâu sắc. Bảy năm sau (2006) Liên hoan này cùng những người sáng lập đã được trao giải Nobel (cùng cấp) vì những “đóng góp cho cộng đồng, chống lại sự sợ hãi và bạo lực đang phổ biến ở Colombia và thế giới”, một minh chứng về sức mạnh của thi ca thay đổi khả năng sinh tồn, thay đổi cuộc sống. Cho đến nay, thành phố Medellin là thành phố thi ca đứng đầu, duy nhất trên thế giới, trung tâm của các hoạt động Liên hoan thơ quốc tế với 137 quốc gia tham dự. Lí do, nguyên nhân nào đưa đến thắng lợi này, thành công này, thưa ông?
Đúng là như vậy, bạn biết không giữa một thành phố, thủ phủ của thuốc phiện, bom nổ, người chết, người bị bắt cóc, mất tích,… nhưng chúng tôi có tình yêu, có quyết tâm, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình vì thi ca. Vì thi ca có thể hóa giải những vết thương, thi ca chống lại bạo lực, bạo tàn. Thi ca chống lại cái chết. Cái chết, sự khủng bố đã dạy chúng tôi có những hành động cụ thể, chắc chắn để đưa thi ca đến với các trái tim. Bí mật lớn nhất là tình yêu của chúng tôi với đất nước, nhân dân, những người đau khổ, và cũng giống như các bạn, chúng tôi trường kì kháng chiến chống lại bạo lực. Và một bí mật nữa, các bạn cũng biết, đó là sức mạnh vô địch của thi ca. (Bắt đầu nghẹn lời và nước mắt ông lại trào ra),  
Mặc kệ đó là thủ phủ của thuốc phiện, cái chết
Mặc kệ đó là thủ phủ của của bạo lực, khủng bố
Hơn một nghìn nhà thơ, tới từ hơn 140 quốc gia, bằng những lời ca, vần thơ đã đánh bại bạo lực đó và cứu rỗi các tâm hồn. Rất nhiều nhà thơ vĩ đại, nổi tiếng đã đến với chúng tôi. Chúng tôi còn có điều may mắn vô cùng là sự ủng hộ tuyệt vời của nhân dân. Nhân dân đã dạy chúng tôi là thi ca không chỉ dành cho những người có học thức, mà thi ca dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi đến những khu nhà nghèo, rách nát, những nơi bị tàn phá, đầy đọa, khủng bố, nơi có nhiều người chết nhất, chúng tôi làm việc với công đoàn với trường học, với các tổ chức, chúng tôi biểu diễn thi ca trên các đường phố. Chúng tôi cũng bị đàn áp. Nhưng các giọng thơ vang lên ở bất kỳ nơi nào.

Thi ca, hy vọng, cuộc sống, năng lực, trái tim và nhân dân đã ủng hộ, đồng lòng với chúng tôi. Nhân dân đã học được và cũng dạy lại chúng tôi. Chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung, sức mạnh của ngôn từ, lời ca đã giúp chúng tôi tồn tại, cả dân tộc và thành phố đã sống lại với một tinh thần mới, linh hồn mới trên nền tình yêu thương của thi ca. Người dân thành phố của chúng tôi đã trở thành thành phố của thi ca. Bạn có thể tượng tượng một khung cảnh, trong suốt sáu giờ đồng hồ, im lặng dưới mưa, nhân dân lắng nghe chúng tôi đọc thơ. Người dân thật tuyệt vời, họ đắm chìm, đắm say trong các chiều kích của cảm xúc, họ ôm hôn những nhà văn, nhà thơ. Những nhà văn, nhà thơ chúng tôi học được bài học của lòng nhân ái từ nhân dân. Các bạn ơi, nếu không có nhân dân thì sẽ không có cái gì, nhất là không có thi ca.
http://vannghetre.com.vn/vi/quoc-te.nd171/fernando-rendon-toi-muon-la-mot-nha-tho-mot-nguoi-linh--viet--nam.i3339.html

Minh Anh

Mohamed Salmawy: Nhà văn Việt Nam hãy để thế giới biết tới bạn

Mohamed Salmawy là một nhà hoạt động chính trị (nguyên là Quốc vụ khanh  về văn hóa của Chính phủ Ai Cập), một nhà văn, nhà thơ, một kịch gia, nhà phê bình chính trị và văn học nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Ông đã viết hàng trăm bài báo bình luận về chính trị, văn chương với tư tưởng công bằng và dân chủ. “Những cánh bướm”- Butterfly Wings, cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2011 của ông được xem như tiếng chuông dự báo những thay đổi xã hội lớn lao của Ai Cập mà sau đó không lâu là làn sóng Cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình chưa từng có tiền lệ - Mùa Xuân Ả-rập đã lan ra trên khắp đất nước Ai Cập , và tạo cảm hứng cho các cuộc nổi dậy ở các nước Ả-rập: Yemen, Bahrain, Libya... Đến nay ông đã xuất bản 12 vở kịch, 2 tiểu thuyết, 8 tuyển tập truyện ngắn và một tuyển tập thơ cùng nhiều bài bình luận gây tiếng vang và ảnh hưởng sâu sắc tới độc giả Ai Cập.
- Là vị khách quốc tế phát biểu tham luận đầu tiên tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội vừa qua, suy nghĩ của ông về không khí và hoạt động của Hội nghị đó như thế nào?
Trong một không gian thấm đẫm văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, khi bức màn kéo lên là một sân khấu với bốn mươi lá quốc kì cùng đại diện nhà văn các quốc gia, tôi thấy chúng tôi ở đó đang nắm chặt tay nhau lập nên một Liên hiệp quốc.

 Một Liên hiệp quốc không bàn bạc, tranh luận hay giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, xung đột, tranh giành lãnh thổ, chiến tranh, bom hạt nhân, nguyên tử, khủng hoảng kinh tế, chính trị,... mà Liên hiệp quốc này cùng chung một ngôn ngữ, cùng hướng tới và bàn về cái đẹp, ca ngợi hòa bình, văn hóa, tính nhân văn của nhân loại, những điều tốt đẹp bằng những áng thơ ca, văn chương. Chúng tôi ở đây vì một thế giới hiểu biết, đoàn kết và trân quý nhau hơn.
- Ông đến Việt Nam lần này là lần thứ mấy, ông có cảm nhận gì về văn hóa và con người Việt Nam? Điều gì làm ông thấy thú vị nhất khi tiếp xúc với các nhà văn Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung? Tôi đã thấy ông thường tranh thủ thời gian buổi tối, và lịch nghỉ giữa các cuộc họp và sự kiện, đi thăm rất nhiều điểm ở Hà Nội, như phố cổ, bảo tàng Nghệ thuật, Văn học,...
Tôi đến Việt Nam lần thứ nhất là vào tháng 8 năm 2013, khi chúng tôi quyết định tổ chức Hội nghị lãnh đạo Nhà văn Á - Phi lần thứ nhất tại Hà Nội, do Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ nhà. Nhưng lần đó tôi chưa có cơ hội tìm hiểu Việt Nam, nên lần này tôi cố gắng đi nhiều điểm, để khám phá được nhiều hơn về di sản văn hóa, những đặc trưng văn hóa, tạo nên người Việt Nam vĩ đại. Trải qua những khó khăn, thách thức, đấu tranh giành độc lập, tự do qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt gần đây với mưa bom, quê hương hoang tàn,... dù vậy vẫn không mất đi tính nhân văn, không quên lịch sử, giữ gìn văn hóa dân tộc,... Người Việt Nam rất tốt bụng, dễ mến. Những điều đó không phải có thể tìm thấy nhiều ở những nước trên thế giới có điều kiện và hoàn cảnh tốt. Nhiều dân tộc, quốc gia đã mất đi bản sắc, văn hóa của mình trong và sau những cuộc chiến nhưng Việt Nam không như vậy.
Các bạn có Ngày Thơ Việt Nam - Liên hoan thơ Quốc gia tổ chức khắp các tỉnh. Điều này cũng không có nhiều trên thế giới và sự kiện này cũng làm giàu tính nhân văn, văn hóa của người Việt Nam.
- Trước đây ông đã biết gì về văn học Việt Nam? Tham gia Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần này, ông thấy có điều gì đáng kể nhất giúp ích cho mình trong việc tiếp cận với văn hóa và văn học Việt Nam?
Trước khi tới Việt Nam, chúng tôi có đọc và biết đến Việt Nam là vì nhà đấu tranh cho tự do vĩ đại Hồ Chí Minh, và biết rằng ông cũng là một nhà thơ. Ở góc độ một cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng đặc trưng cá tính của người Việt. Người Việt là những người mạnh mẽ trong chiến đấu, vì tự do, độc lập và cũng là những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ. Tại Hội nghị lần này, chúng tôi có điều kiện đi tới khá nhiều nơi, nhiều địa chỉ văn hóa tại các tỉnh của Việt Nam như Quảng Ninh, Bắc Ninh, vùng ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, đi thăm đền thờ Cao Bá Quát.... chúng tôi đã quan sát và hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống, về cuộc sống, sự phát triển của Việt Nam hiện tại. Tại đền thờ Cao Bá Quát, nhà thơ nước ngoài đồng hành với tôi, hỏi họ thờ Phật hay thánh thần vậy? Tôi đã trả lời họ đấy là một vị Thánh thơ. Điều quan trọng nhất với tôi sau những trải nghiệm và khám phá Việt Nam trong dịp này là Giá trị của người Việt Nam. Đó cũng là lí do vì sao các bạn có nhà thơ vĩ đại như Hồ Chủ tịch, như Cao Bá Quát.
Vâng, văn học vốn được coi là chiếc gương phản chiếu lại đời sống văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Ở Việt Nam, nền tảng văn hóa đó được xây dựng nên từ đời sống lao động và chiến đấu. Cho đến ngày hôm nay, người dân Việt Nam vẫn không ngừng lao động và chiến đấu, và các nhà văn đã lấy đó làm chất liệu cho những sáng tác của mình. Còn ở Ai Cập, sự phát triển của đời sống văn học tại Ai Cập hiện nay như thế nào? Nguồn cảm hứng chủ đạo của các nhà văn, nhà thơ Ai Cập đương đại là gì? Và độc giả Ai Cập đang quan tâm đến dòng văn chương cũng như thể loại như thế nào?
Thi ca rất phát triển và được ưa chuộng ở đất nước chúng tôi. Thi ca phát triển từ thời văn học dân gian gắn với các truyền thuyết. Chúng tôi có nhiều nhà thơ, nhà văn lớn. Nhưng cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, thi ca không phải là số một của nền văn học. Đầu tiên phải kể đến tiểu thuyết, truyện ngắn và rồi đến thi ca. Năm 1998, nhà văn Nagip Markbon... đã được trao tặng Giải Nobel văn học, ông đã mất năm 2006. Nagip Markbon cũng là một người bạn thân thiết của tôi. Người dân Ai Cập rất yêu thích tiểu thuyết. Hiện nay rất nhiều tác giả trẻ viết tiểu thuyết và thơ theo những lối cách tân mới, theo những cách tư duy và niêm luật riêng của họ. Bạn biết đấy, sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Giờ đây rất nhiều nhà văn, nhà thơ viết về những xu hướng mới, điều mới mẻ đang đổi thay tại Ai Cập. Nên có rất nhiều tư tưởng chính trị trong thi ca của người trẻ, và ở thể loại tiểu thuyết cũng vậy. Còn dân chúng rất quan tâm đến văn chương đang thể hiện sự gắn bó với cuộc sống hiện tại của họ.
- Việt Nam và Ai Cập là những nước có truyền thống gắn bó, đoàn kết với nhau trong ngôi nhà chung của cộng đồng các nhà văn Á - Phi, mà người có sáng kiến thành lập nên tổ chức văn học khá rộng rãi và có uy tín này chính là các nhà văn Ai Cập. Đặc biệt vào những năm của thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Hội Nhà văn Á - Phi đã có nhiều sự ủng hộ, động viên tích cực đối với các nhà văn Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là đại diện của các nhà văn xứ sở của sông Nin hùng vĩ, đại diện của những nhà văn trong Hội Nhà văn Á - Phi, mà Việt Nam là một thành viên, ông có thể nói điều gì với các nhà văn Việt Nam ngày hôm nay?
Tôi muốn nói rằng nếu như trước đây và cả bây giờ, những người lính Việt Nam đặc biệt là trong lịch sử, chính là những huyền thoại đấu tranh vì tự do và khiến cả thế giới biết tới Việt Nam, thì giờ đây các nhà văn, thi sĩ Việt Nam hãy noi theo biểu tượng này, hãy viết và làm việc để bạn đọc thế giới biết đến các bạn như từng biết đến những chiến binh Việt Nam. Các bạn có một nền tảng lịch sử, văn hóa và văn học mạnh mẽ để trở thành những biểu tượng văn học của thế giới. Và thế giới cần được biết về văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam qua những tác phẩm các bạn viết, các dự án quảng bá văn học các bạn làm. Hãy làm việc, sáng tạo những tác phẩm và trở thành những người lính tiên phong như những người lính Việt Nam nổi tiếng thế giới trước đây, bằng ngôn ngữ của văn chương, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông, và xin chúc cho các nhà văn của xứ sở sông Nin hùng vĩ, cùng tất thảy những nhà văn trong ngôi nhà chung của Hội Nhà văn Á - Phi mà chúng ta vừa mới tái lập cách đây chưa lâu, luôn luôn có được sức khỏe, nhiệt huyết cùng cảm hứng sáng tạo dồi dào để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà văn học và nhân loại đã giao phó, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp… 



http://vannghetre.com.vn/vi/goc-nhin.nd173/nha-van-m-salmawy-hay-tro-thanh-nhung-nguoi-linh-tien-phong-ve-ngon-ngu.i3338.html