Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2009

NGUYỄN ĐÌNH THÀNH VÀ NỬA KIA CỦA HITLER

Nguyễn Đình Thành, một cái tên mới mẻ và lạ lẫm đối với làng văn dịch cho đến khi Nửa kia của Hitler xuất hiện, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tờ báo, và vượt qua hàng trăm sách dịch, đạt giải thưởng sách dịch năm 2008 của Hội Nhà văn Hà Nội. Nửa kia của Hitler dịch từ nguyên tác tiếng Pháp của tác giả Eric Emmanuel Schmitt dày hơn 600 trang, được giới phê bình văn học đánh giá là bản dịch có chất lượng, giới họa sĩ xem thuật ngữ hội họa trong bản dịch “rất chuẩn”, giới nhà binh xem thuật ngữ chiến tranh cũng như vũ khí là chính xác,... Để có những lời khen tặng đó, dịch giả chưa chuyên Nguyễn Đình Thành đã thực hiện công việc dịch như thế nào để có được những hiệu quả đó? Dưới đây là cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Đình Thành (NĐT) xung quanh những “ứng xử” của anh để có được bản dịch Nửa kia của Hitler cũng như những trải nghiệm của anh để trở thành dịch giả trẻ nhiều triển vọng, trong dịp đầu năm mới.

T.N: Được biết anh hiện là giám đốc quan hệ đối ngoại của khách sạn Metrolpole tại Hà Nội, và còn là một người yêu thích, có nhiều trăn trở với nghệ thuật đương đại. Anh biết nhiều đến Hip-hop, nghệ thuật biểu diễn, cũng như hội hoạ ở Việt Nam... Nhưng điều gì lại thôi thúc anh dịch tiểu thuyết?
Đó chính là niềm vui được chia sẻ với người khác cái hay cái đẹp. Có lẽ điều này đến từ ảnh hưởng của nghề dịch: tôi vốn được đào tạo để trở thành phiên dịch và cũng làm giáo viên. Quyển sách chứa đựng nhiều suy tư về lịch sử của thế giới, của một dân tộc và của cả mỗi con người. Cá nhân tôi cũng thích viết và cũng đã viết, nhưng đến truyện thứ ba thì dừng vì thấy cái mình định nói đã có người nói hay hơn mình, hiệu quả hơn mình nên nếu không viết hay hơn người ta thì dịch lại tốt hơn.
T.N: Nửa kia của Hitler là một cuốn tiểu thuyết suy tưởng, nhưng đặt trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, đó là xã hội Đức những năm 30-40 của thế kỷ XX, với sự phân thân của nhân vật có thật trong giới nhà binh và giới hội hoạ, tâm lý nhân vật được đặt trên nền tảng tinh thần của phân tâm học... Lần đầu tiên thực hiện công việc dịch, lại với một nguyên tác có bối cảnh cũng như tính cách nhân vật, trạng thái tâm lý hết sức phức tạp, hỗn độn,... anh
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sỹ Lê Thiết Cương và Nguyễn Đình Thành trong buổi ra mắt sách tại TT Văn hóa Đông Tâyđã thực hiện gỡ rối cho mình như thế nào, thưa anh?
NĐT: Thực ra trong chương trình học ở trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, đã có đủ cả các môn vừa được nhắc đến. Ngoài ra, hai năm học sau đại học tại trung tâm CFIT - ĐH Ngoại giao, giúp tôi đào sâu kiến thức và thêm đam mê với thời sự quốc tế và lịch sử nói chung. Khi bạn biết cách tìm thông tin mình cần ở đâu, công việc đã hoàn thành được một nửa. Tại CFIT chúng tôi được học cách tìm nguồn thông tin. Việc còn lại là tập trung “cày” nghiêm túc và hỏi người khác những điều mình chưa biết chưa hiểu.
T.N: Theo anh cách viết của tác giả Schmitt có gì thú vị cũng như điều gì ấn tượng, ám ảnh anh nhất trong tác phẩm này của Smitth?
NĐT: Đây không phải là một tác phẩm khó đọc. Hầu hết các dữ kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời Hitler bạn có thể tìm thấy trong sách lịch sử, những chi tiết cảm động trong cuộc chiến thứ nhất như vào đêm Giáng Sinh, chẳng ai bảo ai, những người lính chiến ở hai bên cùng hát bài Đêm thánh vô cùng bằng tiếng của mình và tạm thời ngưng bắn giết, chi tiết con mèo sống cả hai bên chiến tuyến và làm bạn với những người lính hai bên, rồi những chi tiết rõ ràng như một bài giảng về phân tâm học, thần học,…đều không có gì mới. Cái hay là tác giả đã kết hợp các chi tiết ấy với nhau khéo đến nỗi người ta không nhận ra đó là kiến thức giáo khoa, thấy những chi tiết ấy hay quá, đời quá. Đó chính là cái tài của tác giả.
P.V: Khi quyển sách dịch ra đời anh có nhận được phản hồi nào thú vị từ phía độc giả- đồng nghiệp không ?
Các bác các chú và anh chị đi trước trong nghề dịch đều có lời chúc mừng tôi với giải thưởng đạt được. Tôi biết đó chỉ là bước mở đầu với mình. Về phía người đọc, rất nhiều người chia sẻ cái tứ của câu chuyện là đời có thể thay đổi từ những điều rất nhỏ. Cứ ‘’nếu…thì…’’ thì chẳng biết cuộc sống sẽ ra sao. Có những doanh nhân mà tôi gặp đã làm tôi bất ngờ khi biết họ vẫn dành thời gian đọc văn học, thậm chí đã ghi cả vào sổ tay những câu dịch mà họ tâm đắc. Hôm trước có một nữ doanh nhân thành đạt nói với tôi rằng, chị vốn là người học văn sau chuyển sang kinh doanh và rất thích câu sau trong quyển truyện: ở đời có kẻ khóc thì mới có người cười. Thực ra điều này rất đúng.
P.V: Anh có thể nói đôi chút về bìa sách?
NĐT: Có thể nói bìa của cuốn sách này là một sự xa xỉ. Không phải vì nó được in trên giấy đẹp mà là vì người vẽ đã bỏ công đọc từng chương, từng chương một của tác phẩm. Trần Trung Thành là một họa sỹ trẻ đã đạt giải đặc biệt của cuộc thi Ánh mắt trẻ do ĐSQ Pháp tổ chức. Anh đã vẽ sau khi đọc từng chương của tác phẩm. Tự tay đi tìm phông chữ của những năm 40 rồi tự vẽ tay lại, tự thiết kế. Bìa được gửi sang Pháp hỏi ý kiến của một số người đã đọc quyển sách rồi có chỉnh sửa lại và cuối cùng gửi sang Nhã Nam. Thành đã tặng tôi bức tranh gốc. Với tôi, đây là tác phẩm bìa đẹp nhất năm vừa qua về cả phương diện nội dung, thể hiện và tính marketing.
T.N: Khó khăn cũng như điều thú vị lớn nhất của anh khi thực hiện dịch tác phẩm này, cũng như công việc dịch nói chung là gì?
NĐT: Hồi năm thứ ba, tôi có làm một nghiên cứu khoa học về kiến thức ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch các văn bản nước ngoài. Khi bắt tay vào dịch, tôi thấy những vấn đề lý thuyết càng được sáng tỏ. Cái khó nhất là cái không phân tích được, không có trong từ điển, không có trên Internet, và thậm chí không hỏi ai khác được ngoài chính tác giả.
T.N: Anh có tiếp tục dịch và giới thiệu những tác phẩm, nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam trong thời gian tới không?
NĐT: Hiện tôi vẫn đang tiếp tục làm công việc này với việc dịch một vở kịch dài, tôi hy vọng nó sẽ là “quả bom tấn” của sân khấu kịch năm tới. Ngoài ra, tôi vẫn muốn tiếp tục dịch các tác phẩm khác của cùng tác giả. Đồng thời tôi cũng hy vọng tìm được nhà xuất bản – nhà tài trợ cho một cuốn sách tổng kết lịch sử mỹ thuật thế giới trong thế kỷ XX. Có điều công việc này cần tới ít nhất ba người dịch cứng tay trong vòng một năm mới làm xong được.
T.N: Và anh đã điều hoà công việc chính với công việc dịch tay trái như thế nào?
NĐT: Rất khó khăn, công việc chính đòi hỏi bạn phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng một số người bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thành lập một quỹ Văn hóa. Chúng tôi sắp tổ chức hoạt động đầu tiên của mình. Nếu không có sự thông cảm của vợ con, sự giúp đỡ của gia đình hai bên chắc chắn tôi chẳng làm được cái gì trọn vẹn.
T.N: Với những thành công nhất định của mình ở dịch phẩm đầu tiên, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những dịch giả mới vào nghề?
NĐT: Bản thân tôi cũng là người dịch mới vào nghề. Tác phầm Nửa kia của Hitler cũng không phải đặc biệt khó. Tôi chỉ nghĩ rằng để thành công, người dịch nào cũng cần đam mê, nghiêm khắc với chính mình, thậm chí đến mức phải cầu toàn. Cộng với ý thức làm việc chuyên nghiệp, bạn sẽ là một người dịch được trân trọng.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét