Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Họa sĩ Thành Chương: "Không bao giờ vẽ lại kí ức chiến tranh"



Với nhiều người hội họa là một cách nhận thức thế giới, nhưng với họa sĩ Thành Chương, hội họa là một cách để yêu thế giới, và Người hoạ sĩ tạo ra một thế giới để yêu mến và giữ gìn và ông đã rất giữ lời trong suốt hành trình sáng tạo và trải nghiệm cùng hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Thế giới trong hội họa của ông đầy màu sắc tươi sáng, thần thái nhân vật dân gian ngộ nghĩnh, biến hóa trong những đường nét góc cạnh và sắc màu hiện đại. Nói như nhà phê bình nghệ thuật Bùi Như Hương thì tác phẩm của ông là tranh dân gian Việt Nam hiện đại và ông là người bắc cầu nối bản sắc dân gian Việt Nam với tính đồ hoạ hiện đại quốc tế.
Hơn một thập kỷ nay, tên Thành Chương xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông không chỉ ở vai trò là một nghệ sĩ luôn có những triển lãm đặc sắc nhất, những bức tranh đắt giá nhất, họa sĩ giàu có nhất nhờ bán tranh, tranh được bán ra nước ngoài nhiều nhất mà ông còn được quan tâm đặc biệt trong vai trò là ông chủ của Việt Phủ Thành Chương  Một công trình, không gian văn hoá thuần Việt mà ông đã tiêu tốn những khoản tiền kếch xù từ bán tranh, cùng những tài sản khác, thực hiện trong hơn mười năm qua. Lần đầu tiên một công trình văn hóa trở thành một đối tượng của bộ phim tài liệu dành được giải thưởng quốc tế và trong nước – “Việt Phủ Thành chương- Nơi trú ngụ tâm hồn Việt” ( đạo diễn Lê Vũ Hoàng, Nguyễn Lê Văn, Vũ Minh Bảo, ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam). Còn đối với tác giả, Thành Chương cho rằng đây là “một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt” lớn trong cuộc đời mình. Một lần nữa, hoạ sĩ Thành Chương lại thành công với nghệ thuật sắp đặt của mỹ thuật đương đại trên chất liệu dân gian. Đời sống và không gian sống truyền thống của người Việt được Thành Chương nghệ thuật hóa, thanh lịch và trang trọng.
Có lẽ do gắn liền với chất liệu, đời sống dân gian nên tiếp xúc với ông, sự gần gũi, hóm hỉnh, vui tươi cũng lan truyền đến người bên cạnh. Song điều thú vị nhất vẫn là khám phá những điều mới ở Thành Chương. Những điều mới này ở những công việc hiện tại, những ý tưởng, dự định, sáng tác mới và trong cả những kí ức thi thoảng hé lộ trong những câu chuyện của ông. Kí họa chiến trường, kí ức tuổi thơ và tình yêu Hà Nôi là nội dung của cuộc trò chuyện dưới đây giữa Minh Anh (Trần Nga) với họa sĩ Thành Chương.

Hội hoạ - Tình yêu và số phận

Minh Anh (M.A): Được biết năm 6 tuổi, ông đã có bức tranh “Đôi gà tồ” được giải thưởng vàng tranh thiếu nhi quốc tế tại Anh, ông đã học vẽ tranh trước đó từ bao giờ? Và ông đã học vẽ cũng như đến với hội họa như thế nào khi đất nước đang thời chiến tranh rất khốc liệt?

Họa sĩ Thành Chương: Bức tranh “Đôi gà tồ” là một trong những bức tranh đầu tiên khi tôi bắt đầu cầm bút vẽ. Bây giờ nhìn lại tôi vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng. Sao 6 tuổi lại có thể vẽ được như thế này? Vì thế khi bức tranh này được giải thưởng và được in trên báo mọi người đã gọi tôi là “Thần đồng hội hoạ”. Bố tôi (nhà văn Kim Lân) là người đã truyền cho tôi tình yêu hội hoạ và những người thầy dạy tôi học vẽ đầu tiên là Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Sau đó tôi vào học trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, hệ năng khiếu đặc biệt. Từ năm 1960 đến 1966, khi đất nước có chiến tranh tôi đã tình nguyện nhập ngũ.Trong những năm tháng tham chiến chống Mỹ rất khốc liệt cùng đồng đội, tôi đã vẽ rất nhiều kí hoạ ở chiến trường với họa danh Trường Thanh.


M.A: Ông nuôi dưỡng và sống cùng hội hoạ như thế nào trong suốt thời gian từ 1954 đó tới khi ông trưởng thành trong khi cùng đất nước sống và chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ?

Họa sĩ Thành Chương: Hồi nhỏ, ngoài sự hướng dẫn của những danh hoạ, những người bạn rất thân của gia đình, bố tôi còn cho tôi tham gia sinh hoạt ở đội vẽ của nhà văn hoá thiếu nhi (Nay là cung văn hoá thiếu nhi Hà Nội). Vậy là đã hơn nửa thế kỷ cầm bút vẽ rồi! Chị hỏi tôi nuôi dưỡng và sống với nó như thế nào ư? Chỉ có thể là số phận và thật may mắn là tôi lại vô cùng yêu cái số phận đó. Vừa là số phận vừa là tình yêu thì chắc là nó sẽ hết đời mình rồi.

M.A: Là một người nổi tiếng bán được nhiều tranh, vậy người mua tranh nào để lại ấn tượng mạnh trong ông?

Họa sĩ Thành Chương: Tôi không còn nhớ tên được người đó. Rất đáng tiếc. Nhưng ông là một người Mỹ. Khi tôi về đến nhà thì gặp một người đàn ông to lớn đứng dựa lưng ngoài cổng, tay cầm một tấm danh thiếp của tôi mà ông photo lại của ai đó. Và thật ngạc nhiên khi ông mua tới 13 bức mà toàn tranh tự hoạ. Mọi người thường hỏi tôi: sao vẽ tranh tự hoạ nhiều thế? Nhưng lần này chính tôi phải hỏi lại ông sao ông mua tranh tự hoạ của tôi nhiều thế. Ông ấy trả lời: “Tôi thấy tôi trong những bức tự họa của ông. Tôi mua những bức này để tặng vợ tôi.Tôi muốn vợ tôi hiểu tôi qua những bức tự hoạ này.”.Tôi rất ấn tượng và thực sự cảm động, hạnh phúc.

Kí họa chiến trường

M.A: Trở lại với những bức kí họa ông thực hiện những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (1967-1975), phải chăng trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, kí họa là một hình thức “tác chiến” sáng tác có nhiều lợi thế hay còn những lí do nào khác đã khiến kí họa là những tác phẩm chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật của ông thời gian này?

Họa sĩ Thành Chương: Trong những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, từng giây phút giành giật giữa sự sống với cái chết, hình ảnh những chiến sĩ giải phóng anh dũng quả cảm trong bom rơi, đạn nổ luôn là hình ảnh đẹp mà cảm phục, yêu quý và ghi lại. Phải nói rằng, trong điều kiện chiến tranh kí họa là phương tiện tốt nhất ghi lại một cách chân thực nhất những hình ảnh hào hùng đó.

M.A: Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ, ông còn nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức kí họa không? Bây giờ chúng được lưu giữ ở đâu? Những kỉ niệm của ông với những bức kí họa cũng như quãng thời gian vừa là người lính vừa là nghệ sĩ đó?

Tôi đã vẽ hàng trăm bức trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo cả về thời gian và hoàn cảnh rất. Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào tình yêu cuộc sống, tình yêu nghệ thuật vẫn luôn là động lực để tôi sống và vẽ. Tôi đã bán rất nhiều tranh nhưng những bức kí họa chiến trường thì không bao giờ bán cả. Đó là những chứng nhân lịch sử của những năm tháng hào hùng của dân tộc, của cá nhân tôi cùng đất nước mà lúc nào xem lại tôi cũng rất xúc động. Hiện tôi lưu giữ những bức họa này ở nhà riêng.  


M.A: Đối với ông, “Kí họa chiến trường” đóng vai trò như thế nào trong hành trình sáng tạo nghệ thuật cũng như cuộc sống cá nhân của ông sau này? 

Đã từng trải qua những năm tháng khốc liệt trong chiến tranh, tôi hiểu cái giá phải trả cho cuộc sống thanh bình bây giờ. Chính vì thế tôi muốn dùng nghệ thuật của mình để ca ngợi cuộc sống thanh bình, hòa bình của đất nước hôm nay. Vì đó là thành quả mà dân tộc chúng ta phải trả bằng máu và nước mắt. Tôi cũng không bao giờ vẽ lại những kí ức chiến tranh, mặc dù đôi khi nó cũng ám ảnh tôi. Tôi luôn vẽ những bức tranh về cuộc sống giản dị, yên ả.

Yêu hết tình và sống hết mình

M.A: Trong một bài trả lời phỏng vấn, bà Ngô Hương vợ ông, đã nói rằng, ngay từ những lần gặp đầu, bà đã cảm nhận được đằng sau những câu chuyện hài hước, vui vẻ mà ông luôn làm rôm rả những buổi trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, là một nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu thẳm bên trong. Tôi tin rằng, bà ấy cảm nhận đúng và rất hiểu ông, bằng chứng là ông bà đã sống rất hạnh phúc bên nhau, công chúng luôn thấy ông bà tay trong tay trong tay ở các sự kiện lớn nhỏ. Và tôi rất tò mò muốn biết Nỗi buồn và cô đơn của hoạ sĩ lớn là gì?

Họa sĩ Thành Chương: Sinh ra ở đời, ai chẳng có nỗi buồn và sự cô đơn. Nếu có khác thì chỉ là cái cách họ sống và vượt qua nó thế nào mà thôi. Và tôi đã chọn được cách sống tốt cho riêng mình. Yêu hết tình, sống hết mình và luôn cố gắng làm việc hết sức để cuộc sống vô nghĩa này thành có nghĩa.

M.A: Chỉ cần là một người quan tâm một chút đến hội hoạ nước nhà, là họ có thể nhận ngay ra tranh Thành Chương trong vô vàn những bức tranh khác. Tranh của ông thực sự rất đặc biệt và ông cũng sớm giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Có một điều tôi phân vân là ông có rất ít giải thưởng trong nước. Ông đã bao giờ thử lí giải điều này?

Họa sĩ Thành Chương: Nó đơn giản lắm, vì trước đây tôi gửi tranh bao giờ cũng bị loại. Nên từ lâu lắm rồi tôi không gửi tác phẩm của mình tham gia các triển lãm và giải thưởng trong nước nữa.

Chỉ có thể là: Tôi thương Hà Nội lắm

M.A: Tôi ít thấy ông đi nước ngoài như nhiều người Việt Nam nổi tiếng khác, vì sao ông cứ quẩn quanh ở Hà Nội vậy? sao ông không mua một cái nhà ở Mỹ, Sing, như nhiều hoạ sĩ nổi tiếng VN khác?

Họa sĩ Thành Chương: Tôi không phải là người thích quanh quẩn một chỗ. Tôi rất thích đi và hay đi lắm. Tôi đi và triển lãm ở nước ngoài nhiều: Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Anh, Lucxambua, Mỹ, Italia, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Nhưng chỉ vài ngày thôi là lại về Hà Nội rồi, không thể xa Hà Nội lâu được. Tôi cũng không thể sống ở một nơi nào khác.

M.A: Ông có nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về Hà Nội không?

Họa sĩ Thành Chương: Tôi không nhớ chính xác về số lượng, có một số bức về phố cổ, bến sông Hồng, thiếu nữ Hà Nội,Hà Nội là thủ đô, nơi hội tụ tất cả những tinh tuý của đất nước. Và những tinh tuý ấy ở thủ đô lại được nâng lên một tầm cao hơn đó là: văn minh - sang trọng. Tôi luôn muốn những tác phẩm của mình có được tinh thần ấy của văn hoá Hà Nội

M.A: Thường những cảm hứng sáng tác về Hà Nội đến với ông như thế nào?

Họa sĩ Thành Chương: Nó thường đến với tôi khi xa Hà Nội. Hồi nhỏ đi sơ tán, hồi là lính ở chiến trường, rồi những chuyến đi nước ngoài,... những lúc như vậy. Hà Nội nhớ nhung lắm, Hà Nội thương yêu lắm,... và khi ấy muốn vẽ Hà Nội lắm.

M.A: Không phải là vẽ tranh mà là ngôn ngữ, thì ông sẽ nói điều gì với Hà Nội?

Họa sĩ Thành Chương: Tôi chỉ có thể nói rằng: Tôi thương Hà Nội lắm!

Xin chân thành cảm ơn ông và chúc luôn luôn mạnh khỏe!