Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU THẢM SAT PARIS



Những vụ thảm sát tại Paris vào thứ 6 ngày 13 tháng 11, cùng với vụ đánh bom kép vào Beirut (Lebanon) một ngày trước đó, và vụ bắn rơi máy bay dân sự của Nga trên đảo Sinai vào ngày 31 tháng 10, cho thấy một giai đoạn mới trong cuộc chiến của Islamic State (IS) – nhóm Quốc gia đạo Hồi, chống lại phương Tây. IS đã sẵn sàng để tấn công vượt xa khỏi các khu vực mà chúng kiểm soát ở Iraq, Syria và gần đây là Libya.

Mối thách thức gia tăng lên các quốc gia bị đe dọa đang rất lớn. Hàng loạt các vụ tấn công của IS đã diễn ra rất khó đoán định hay ngăn chặn, trong khi ở châu Âu, phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại và phỉ báng những công dân Đạo Hồi, những người nhập cư và tị nạn theo đạo Hồi vẫn gia tăng âm ỉ. IS phải bị nghiền nát nhưng điều này đòi hỏi sự nhẫn nại, quyết tâm và hợp nhất của những chiến lược và mục tiêu trong khi những điều này đang thiếu hụt nghiêm trọng giữa các quốc gia liên quan đến cuộc chiến chống IS này, đặc biệt là Mỹ và Nga.


Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố những vụ tấn công vào Paris là “hành động chiến tranh” và sẽ đáp trả không khoan nhượng. Ngày Chủ nhật tiếp đó (15 tháng 11), Không quân Pháp đã bom tạc Raqqa, thành phố của Syrian, nơi được xem là thủ phủ của IS. Giới quan sát đoán định rằng Tổng thống Hollande sẽ đưa ra một số quyết định trong bài phát biểu trước quốc hội Pháp trong phiên họp đặc biệt tại Versailles vào những ngày tới. Pháp là một trong quốc gia có chính sách sâu và cứng rắn đối với việc chống khủng bố, áp dụng những biện pháp hà khắc theo hàng loạt yêu cầu của phe chủ nghĩa dân tộc như Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia nhằm xa lánh cộng đồng 5 triệu người Pháp theo đạo Hồi, nhưng Pháp cũng không đưa ra những biện pháp đảm bảo nào chống lại những cuộc tấn công.

Việc phát hiện hộ chiếu Syrian trên xác một trong những kẻ tấn công, khiến chúng ta không khỏi rùng mình khi liên hệ tới tuyên bố “4000 phiến quân IS đã thâm nhập vào châu Âu” bằng cách trà trộn trong đoàn người tỵ nạn Syrian vào châu Âu qua biên giới Hy Lạp. Điều này cũng khiến cho những người chống nhập cư gia tăng thêm những yêu cầu và kêu gọi châu Âu đóng cửa biên giới nội bộ. Chưa có bằng chứng nào chứng tỏ người sở hữu hộ chiếu là một trong những tay súng. Và nếu như một trong những tên tấn công đã xâm nhập châu Âu qua làn sóng tị nạn đi chăng nữa, thì tay súng đầu tiên nhận dạng được, Omar Ismail Mostefai, không phải là một người nhập cư, mà là một công dân Pháp, sinh ra và lớn lên tại một thị trấn phía Nam của Paris.

Đổ dầu vào không khí căng thẳng xoáy vào những người tị nạn và theo đạo Hồi ở châu Âu, là một mục đích lộ rõ trong những cuộc tấn công của IS. Lựa chọn tấn công vào những vùng ven phía đông của Paris nơi dân số, đông đúc, đa dạng sắc tộc và chủ yếu giới chuyên môn trẻ, dường như IS nhằm gửi tới thông điệp rằng không có giới hạn nào cho “cơn bão” càn quét của IS đang đến.

Bày tỏ sự hả hê trước thảm kịch đêm 13.11 ở thủ đô Paris, khiến 132 người thiệt mạng và 400 người bị thương, IS đồng thời tuyên bố rằng, các thủ đô lớn của thế giới bao gồm London (Anh), Washington DC (Mỹ) và Rome (Ý) sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo.

Nước Pháp Mỹ, Nga và tất cả các quốc gia khác – Phương Tây và Trung Đông- bị đe dọa bởi giấc mơ lập nên một Hồi vương mới của những kẻ giết người IS, sẽ buộc phải đưa ra những biện pháp cứng rắn để bảo vệ người dân của họ. Đồng thời một điều rõ ràng phải được giải quyết để ngăn chặn những cuộc tấn công sắp tới của IS, chính là một giải pháp cuối cùng để kết thúc cuộc nội chiến ở Syrian mà các quốc gia đang bị đe dọa cùng Syria và thế giới phải tìm ra giải pháp.

 Chính cuộc nội chiến này đã dung dưỡng và phát triển IS mạnh lên. Điều này cũng có nghĩa rằng hành động xích lại gần nhau và thống nhất để chiến đấu với IS giữa các quốc gia đang được hối thúc, không chỉ đối với Mỹ và Nga, mà nó còn thúc giục nhiều quốc gia châu Âu và Trung Đông khác tham gia vào nhiệm vụ này.

Trước khi hàng loạt các vụ tấn công của IS diễn ra gần đây, quan điểm của Mỹ coi tổ chức khủng bố là kẻ thù chính và không chia sẻ với Nga. Mỹ cân nhắc thực hiện các hành động quân sự hơn là việc bảo vệ đồng minh Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Thảm sát Paris đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn những dấu hiệu tích cực bất ngờ của Mỹ thừa nhận vai trò của các cường quốc, trong đó có Nga, trong việc giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Syria

Tại cuộc họp tại Vienna vào ngày 14 tháng 11, trước thềm Hội nghị G 20, đại diện của hơn mười hai quốc gia đã thể hện mối quan tâm hối thúc kết thúc cuộc chiến ở Syrian. Ngoại trưởng John Kerry và Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga, đã nhất trí về một kế hoạch dự kiến ​​cho một quá trình chuyển giao theo từng giai đoạn Chính phủ lâm thời và các cuộc bầu cử ở Syria.

Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 họp đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và IS là chủ đề đặt ra thảo luận khẩn cấp. Tổng thống Obama Tổng thống Vladimir Putin của Nga đã có cuộc gặp riêng dài 35 phút bàn về vấn đề này. Điều này cho thấy, tuy có những bất đồng trong thời gian qua, nhưng đến nay, hai vị lãnh đạo này đã có một điểm chung: đó là tiêu diệt IS.

Các vụ tấn công ở Paris đã gửi một sóng xung kích lớn trên thế giới, và vụ đánh bom kép ở Beirut (Lebanon) và bắn rơi máy bay phản lực dân sự của Nga thực sự là những nối ám ảnh khủng khiếp. IS đã thể hiện rằng không có giới hạn nào mà chúng không thực hiện, và không có quốc gia nào thực sự an toàn cho tới khi tất cả chúng ta cùng đoàn kết đánh bại tai họa này.

Ngay khi ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, Bowdery cô gái đã sống sót  và chứng kiến những kẻ tấn công săm soi, ngang ngược bắn những người khác quanh cô, trong nỗi “hoảng loạn và cô độc” trong suốt một giờ đồng hồ, “nằm giả chết” “nín thở, cố gắng không cựa mình, không khóc – không để cho những kẻ (khủng bố) thấy sự sợ hãi mà chúng muốn thấy”. Bowdery cô gái 22 tuổi, chỉ “mong sao những người thân biết rằng cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, những người thân yêu của cô vẫn giữ niềm tin vào tính thiện của con người. Đừng để những kẻ ác ôn này thắng.”

  Khủng bố và giết người vô tội, xả súng vào những người dân lương thiện, gây nên những cảnh tượng chết chóc, thê lương, ...không phải là con người, cũng không phải là một tín đồ của Hồi giáo... Cũng như các giáo lí khác, Kinh Koran hướng các Tín đồ tới cuộc sống lương thiện và yêu thương đồng loại: Tôn trọng quyền của người khác; Bố thí rộng rãi cho người nghèo; Tránh giết người;  Cư xử công bằng với mọi người; Hãy trong sạch trong tình cảm và tinh thần.... Vậy nên những kẻ đánh bom liều chết, hay xả súng  giết hại những người dân lương thiện, gây nên những cảnh thảm sát kinh hoàng giữa những ngày trời xanh hòa bình, yên vui là những kẻ vô nhân tính, không thuộc tôn giáo nào cả, là những kẻ không có tín ngưỡng và đức tin.

Minh Anh - theo NYtimes, BBC

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC- TỪ ĐÂU?


Đất nước Thái Lan, nơi mà theo TS. Ponpern, Học viện Hoàng Gia Thái Lan chia sẻ thì “người Thái lan và giới trẻ không phải chăm đọc sách, không tự học tập qua sách, nhất là sách khoa học, kỹ thuật” . Nhưng từ những khảo sát 6 tháng một lần thực hiện trong những năm gần đây, các nhà quản lí Thái Lan đã tìm hiểu được tâm lý, nhu cầu và thói quen của bạn đọc, từ đó xây dựng và phát triển sách, hệ thống phát hành, từng bước cải thiện nền văn hóa đọc của họ.

 Theo khảo sát và thống kê vào tháng 1 năm 2015 của Hiệp hội Xuất bản và Phát hành Thái Lan, có 40.2% dân số đọc sách (11-69 tuổi) mỗi ngày trung bình 28 phút, mỗi người trung bình mua 4 cuons sách mỗi năm,... Cứ một trăm người tới hội chợ sách Bangkok thì có 25 người đọc và yêu thích sách, và họ thường mua 3-5 cuốn, mỗi lần chi trả khoảng 500 bath (tương ứng với 350 000vnd). Hội chợ này gia tăng 30- 50% lượt người tham dự trong 3 năm gần đây.

Ở Việt Nam cho đến nay, chưa có một nghiên cứu trên diện rộng từ thành phố trung ương đến các tỉnh thành trong cả nước về hiện trạng đọc sách của người Việt. Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Cục Xuất bản hay hay Hội Xuất Bản,... đều chưa đưa ra bất kỳ một kết quả điều tra, nghiên cứu, hay một công bố cụ thể về hiện trạng hay văn hóa đọc của người Việt: thành phần, hành vi đọc (sách), thói quen, tâm lý, những yếu tố ảnh hưởng tới đọc sách,... Nói một cách khác, từ góc độ của cơ quan quản lí đây là một ứng xử trống.

Và nói đến hành vi đọc sách của người Việt, dựa vào quan sát thường ngày, tại các thành phố chúng ta hiếm gặp một hình ảnh người ngồi đọc sách trong công viên, càng ít gặp hình ảnh sinh viên ngồi đọc sách trong xe buýt, tàu hỏa; thư viện các trường đại học, cao đẳng chỉ đông sinh viên khi những kỳ thi kề cận, thư viện công cộng lại càng thưa vắng các độc giả đủ các lứa tuổi, lại càng hiếm gặp những bác nông dân đọc sách trong khi kinh tế nông nghiệp chiếm 80% thành phần kinh tế của cả nước. 

Tại các thành phố, giới trẻ - tuổi từ 18-30, vốn là lứa tuổi gắn bó và đọc sách nhiều nhất, thì đang say sưa với những cuốn tiểu thuyết ngôn tình diễm lệ, những ligh novels theo phong cách manga, comic với những nội dung phiêu lưu tình ái, ma thuật giả tưởng,... 

Khi mà một nền xuất bản và văn hóa đọc đang được xây dựng và hình thành, thì hạt nhân của nó là văn hóa đọc cá nhân sẽ bắt đầu từ những khái niệm đầu tiên: “Chọn sách như thế nào?”, “Đọc sách khoa học như thế nào?”, “Một cuốn sách hay”, “Một đứa trẻ tốt”,... Những khái niệm nhỏ này nên chăng cũng là những khái niệm đầu tiên cho những Ngày Sách/ Hội sách Việt Nam, để hình thành nên những chuẩn mực ứng xử, những trọng tâm phát triển xuất bản, xây dựng kỹ năng và thói quen. 

Từ sự hiểu biết về sách, người đọc có thể chủ động ra những quyết định, những lựa chọn thể loại, đề tài... để ngay cả khi họ đọc những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu tình ái, chạm mạnh đến cảm xúc cá nhân vẫn giữ được cái đầu lạnh để hiểu sự khác biệt giữa đời thực và tiểu thuyết, để không phát cuồng thần tượng; và biết thưởng thức những câu chuyện khác khi đọc một cuốn sách kể một câu chuyện khác biệt dị bản của nó.  


“Ngày Sách Việt Nam không phải là việc riêng của một ngành. Sách là một sản phẩm tinh thần, một công cụ giáo dục. Các cơ quan quản lí Nhà nước, Ngành cần có thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng phát triển chuẩn mực đọc sách – mua sách- ứng xử với sách, với tác giả tác quyền như một sự “uống nước nhớ nguồn” vì sách đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, công cụ cho một xã hội học tập, không phải chỉ cho trẻ em mà cho cả người trưởng thành đến trung tuổi, để xây dựng “một xã hội học tập suốt đời.”

MINH ANH - Nguồn: Báo Văn Nghệ

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Sách & ngành xuất bản phát triển ở đâu?


Năm 2004 Luật Xuất Bản được ban hành, đã mở ra hành lang pháp lí cho phép tư nhân liên kết với Nhà xuất bản làm sách và phát hành sách. Được hỗ trợ chính sách phần nào về thuế, về lĩnh vực ngành nghề, nhưng không được bao cấp như NXB, tư nhân liên kết xuất bản đã hồ hởi (có cả tự hào) làm sách với tất cả sự sống còn của doanh nghiệp, với sự nhanh nhạy thích ứng với nhu cầu độc giả, đồng thời cũng đặc biệt nhanh nhạy thỏa mãn và kích thích nhu cầu “thư giãn và giải trí” để theo đuổi những mục tiêu doanh số phát hành.


Một thập kỉ nhìn lại, thị trường sách Việt phát triển mạnh mẽ, cho dù từ năm 2009 nền kinh tế bắt đầu suy thoái, đặc biệt sụt giảm nghiêm trọng vào những năm 2010-2012, ngành xuất bản vẫn là một trong số ít ngành có chỉ số tăng trưởng và doanh thu tăng lớn. Bạn đọc không còn rơi vào tình trạng thiếu thốn xuất bản phẩm. Thậm chí các tác phẩm mới xuất bản ở Mỹ, bestseller của Mỹ, Anh trụ hạng một tuần, thì chỉ chưa đầy một tháng sau đã xuất hiện phiên bản tiếng Việt tại thị trường Việt. Không còn tình trạng khan hiếm, đói đề tài. Hàng loạt các nhà sách được đầu tư lớn mở khắp các thành phố trung ương và thành phố các tỉnh cho thấy các doanh nghiệp xuất bản liên kết – phát hành đã tìm được những hướng đi, khẳng định và trụ vững trong thị trường xuất bản.

Nếu như năm 2006, toàn Ngành đã xuất bản được 19.100 cuốn sách với 244,85 triệu bản, thì năm 2014, tổng số sách phát hành trên toàn hệ thống là 378 triệu bản, số lượng sách phát hành tăng 70% so với 2006. Nhìn vào những con số thống kê về số lượng đầu sách cũng như số lượng bản in tăng hàng năm và ổn định, có đủ cho chúng ta một cái nhìn lạc quan về thị trường xuất bản? phải chăng người đọc gia tăng? Số lượng tiêu thụ đang ngày càng lớn? Và bạn đọc đang gia tăng, hoặc đã có nhiều thích thú với sách. Những con số tăng trưởng, và sự phát triển này khiến những định kiến và đánh giá về “tình trạng đọc sách suy giảm”, “lười đọc ở giới trẻ”,...băn khoăn và hồ nghi.

Trong năm 2014 với tổng doanh thu Ngành Xuất Bản đạt 2.038,2 tỷ đồng (tăng 2,1% so với năm 2013), nộp ngân sách 50,308 tỷ đồng (tăng 14,4% so với năm 2013). Tổng số sách phát hành trên tăng 2% so với năm trước; xuất khẩu 378 triệu bản sách. Nhưng tại sao, ngành Xuất bản lại khá im ắng và chỉ khiêm tốn cho rằng đó là những phát triển “đáng ghi nhận”. Bởi vì, năm 2014 chính là năm “bùng nổ” những sai phạm trong hoạt động quản lí xuất bản, uy tín của Nhà xuất bản và cơ quan quản lí xuất bản sa sút trong cộng đồng xã hội. Đầu sách và số lượng ấn bản tăng trưởng, song chất lượng “chưa đồng đều; nhiều cuốn sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí, thiếu tính giáo dục; một số xuất bản phẩm sai phạm nghiêm trọng bị dư luận phản ứng dữ dội, ảnh hưởng lớn đến uy tín của toàn ngành”.

Sự phát triển và tăng trưởng của sách và thị trường sách một lần nữa khẳng định vị thế và sức sống của sản phẩm tinh thần đặc biệt này đối với bạn đọc tiêu dùng. Sự tăng trưởng và phát triển của sách (thể loại, đề tài, số lượng, kiểu cách) và thị trường sách, mà công sức phát triển của giới tư nhân liên kết xuất bản/ của xã hội hóa xuất bản đóng một vai trò lớn và quan trọng nhờ cú hích nhẹ nới lỏng cơ chế xuất bản, cũng bộc lộ rõ những mảng sậm của đặc thù sản phẩm thị trường.

Nếu như năm 2006, mức độ sai phạm của ngành xuất bản là: 32 cuốn không có đăng ký kế hoạch xuất bản, 74 cuốn sai tên so với đăng ký, 23 cuốn sai tên tác giả, 15 cuốn không có số đăng ký, thì năm 2014, qua công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xuất bản của riêng Ngành, đã phát hiện, xử lý 399 xuất bản phẩm vi phạm (tăng 57% so với 2013). Trong đó, vi phạm chủ yếu là mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu, lưu hành bất hợp pháp, ghi không đúng, không đầy đủ thông tin trên xuất bản phẩm... Mức độ sai phạm trầm trọng, bạo liệt, táo tợn và tràn lan .. nhiều hơn.

 “Dù số lượng sách xuất bản cao hơn so với năm trước, nhưng chất lượng. Đặc biệt, hiện tượng vi phạm bản quyền vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng và phức tạp. Tình trạng xuất bản nhưng không có văn bản chấp thuận của tác giả, vi phạm chủ sở hữu quyền tác giả xảy ra rất nhiều. Nguyên nhân là do sự tiếp tay của một số nhà xuất bản cho các đầu nậu sách, điều này gây phương hại đến tinh thần nghiên cứu, sáng tạo của nhân sĩ, trí thức, phá hoại sản xuất của chính ngành xuất bản, gây ảnh hưởng rất xấu đến cộng đồng, xã hội...”

Không chỉ sụt giảm về uy tín,  trong khi tư nhân liên kết xuất bản liên kết phát triển, phình to thì các Nhà Xuất Bản đang sống mòn. Hoạt động cầm chừng, dựa vào đơn đặt hàng, sự trợ cấp của Nhà nước và doanh thu từ bán giấy phép xuất bản, lâu dần, các NXB đã trở nên ốm yếu như thế, kéo theo hệ lụy những BTV của họ vì đời sống của mình mà đồng lõa, tiếp tay, cẩu thả trong hoạt động biên tập, kiểm duyệt nội dung bản thảo, chưa nói đến chính họ đã góp phần không nhỏ tạo nên những bản thảo rác, phi bản quyền. Cả nước có hơn 60 NXB, thì chưa đến 10 NXB có sức sống trong thị trường.


Gần đây, Nhà xuất bản HarperCollins, một trong 5 NXB lớn nhất thế giới, đã gửi thông báo đến công ty First News (công ty mua bản quyền và dịch cuốn sách, phát hành tại Việt Nam) của Việt Nam về tình trạng in lậu trắng trợn cuốn sách "Bí mật tư duy triệu phú" của tác giả T. Harv Eker tại Việt Nam và yêu cầu First News trong tuần tới gửi công văn đề nghị lên Tổng lãnh quán Mỹ tại TP.HCM trợ giúp bảo vệ quyền lợi trực tiếp của họ. Firt News đã phát hiện tình trạng in lậu cuốn sách này của họ từ năm 2011, nhưng vẫn bất lực cho đến nay.

tiếp theo....Xây dựng và phát triển văn hóa đọc - bắt đầu từ đâu?

MINH ANH 

nguồn: Báo Văn Nghệ

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NGÀY SÁCH VIỆT NAM VÀ KHẨU HIỆU "TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC"


 “Tôn vinh văn hóa đọc” là một khái niệm lớn được lựa chọn là “khẩu hiệu lớn”, mục đích đầu tiên mà Bộ Thông tin và truyền thông muốn gửi tới công chúng trong các sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2.  Song “Văn hóa đọc” ở Việt Nam đang là một khái niệm mờ và đang chờ đợi khái niệm (dùng để) định nghĩa rõ nét vế bên kia của mình.

Như những khái niệm khác liên quan đến phạm trù văn hóa, “Văn hóa đọc” được hiểu là tập hợp thống nhất những giá trị đọc, hành vi/ứng xử đọc, chuẩn mực đọc, hành vi ứng xử với sách và người làm sách, phát hành sách (tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành – xuất bản,...) của xã hội nói chung, bao gồm từ cơ chế, chính sách của nhà quản lý, cơ quan quản lí nhà nước, tới cộng đồng xã hội và cụ thể ở mỗi cá nhân. 

Và xây dựng văn hóa đọc hay phát triển văn hóa đọc, nói cho cùng chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, là hình thành và phát triển thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách lành mạnh của họ. Từ đó, việc thâu nhận kiến thức, giá trị của sách đến với người đọc tự nhiên, một hành trình giáo dục, học tập tự nguyện và song hành với cá nhân cả cuộc đời. 

Câu trả lời cho những câu hỏi tựa như: Vậy văn hóa đọc của người Việt đang ở đâu?  Người Việt có văn hóa đọc không? Xây dựng văn hóa đọc của người Việt thì bắt đầu từ đâu?/ phát triển như thế nào? thực sự là những thách thức đối với các cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức xã hội để ý nghĩa to lớn của Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống và phát huy vai trò của sách, cũng như ảnh hưởng thay đổi thực sự nền tảng giáo dục xã hội như định hướng/ mong muốn của Chính phủ:“Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”.


Thách thức, khó khăn này trở nên đặc thù bởi trong điều kiện kinh tế và một bối cảnh dân trí, nền tảng tri thức của Việt Nam đang đặt trong “một thế giới phẳng”- nơi công nghệ thông tin internet xóa nhòa mọi biên giới lãnh thổ, nơi nền tri thức, kiến thức, nghiên cứu khắp thế giới được cập nhật hàng ngày, nơi mà đề tài thông tin bùng nổ trong tích tắc phục vụ các nhu cầu thông tin (dễ dãi, lười biếng,...), cuốn những dự tính tìm kiếm thông tin của người sử dụng trôi tuột vào dòng thông tin đa dạng khác.  


phần tiếp theo Sách & ngành xuất bản Việt phát triển ở đâu?


TRẦN NGA - Nguồn báo Văn Nghệ.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Hội sách ngoài trời lớn nhất chào mừng Ngày sách Việt Nam 2015 tại Hà Nội


Với ““mục đích nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.”, Ngày sách Viêt Nam năm nay đang được chào đón với không khí  sôi nổi, hào hứng diễn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Từ tháng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông  đã gửi văn bản chỉ đạo triển khai chuẩn bị và tổ chức tới 63 tỉnh thành, kết hợp với Bộ Giáo dục, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Bộ Văn hóa, …và các cơ quan ban ngành. Mặc dù theo dự tính của Bộ Thông tin truyền thông, hoạt động và những sự kiện chào mừng ngày sách sẽ diễn ra cuối tháng 3 và  kéo dài hết tháng 4, nhưng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, các hoạt động này đã được triển khai và thực hiện từ đầu tháng 3.

Cho đến nay, những sự kiện và hoạt động “Chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 2” đã được các tỉnh thành lên kế hoạch và giao cho các Sở TTvà TT địa phương triển khai và  thực hiện.  Hoạt động chào đón Ngày Sách Việt Nam tại các tỉnh phía Bắc phần nhiều rơi vào thời điểm trung tuần và cuối tháng 4, như Lạng Sơn vào ngày 21 tháng 4, Điện Biên Ngày từ ngày 19/4 đến 23/4, hay Phú Thọ sẽ tổ chức Lễ Khai mạc Ngày sách Việt Nam gắn với các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 chủ đề: “Hội Sách Đất Tổ 2015 - Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi” trưng bày “Sách hay, Sách đẹp” phục vụ độc giả đọc sách miễn phí…

Trong khi đó nhiều tỉnh thành phía Nam đã lên kế hoạch, và triển khai hàng loạt các hoạt động và sự kiện kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 4. ”Hãy tích cực đọc sách để mở mang tri thức, rèn luyện nhân cách!;  “Mọi người nên đọc sách mỗi ngày” và  “Sách - Kho tàng tri thức của nhân loại!” là những khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi từ các phương tiện báo chí, trường học, đường phố, trung tâm văn hóa,… và tại hàng loạt các hoạt đông trong nhà và ngoài trời: trưng bày sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; tổ chức các hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách, kể chuyện theo sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng và các hình thức biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung tuyên truyền việc học, đọc sách, của các trường học, hội thanh niên, phụ nữ,..; … trải khắp Quảng Bình, Kontum, Khánh Hòa, Tiền Giang….


Tại Hà Nội, sự kiện “Chào mừng ngày sách Việt Nam” lần thứ hai  sẽ được tổ chức tại Công viên Lê Nin từ ngày 17 đến 21 tháng 4 với sự kiện lớn: Hội sách do Cục Xuất Bản tổ chức với sự tham gia của hơn 100 nhà xuất bản, công ty xuất bản- phát hành, và các đại diện, tác giả - diễn giả,… cùng hàng chục sự kiện và hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm, trao đổi giữa tác giả, tác phẩm với độc giả, nhà xuất bản,…

MINH ANH - nguồn: Báo Văn nghệ

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Fernando Rendo: Nhà văn Việt Nam - các bạn im ắng quá!

Cuộc phỏng vấn giữa phóng viên và nhà thơ Fernando Rendo diễn ra nhanh chóng khi chúng tôi cố “nhấc” ông khỏi buổi Bế mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 do Hội Nhà văn tổ chức tại Hà Nội những ngày đầu tháng 3 vừa qua. Trong ba mươi phút nói về thi ca, về văn hóa Việt Nam, về sự phát triển và quảng bá văn học, thi ca Việt Nam và thế giới, ông đã khóc, người đàn ông mạnh mẽ không ngăn được cảm xúc của mình khi nói về những thi sĩ nông dân Việt Nam, về những khó khăn, những vết thương và sự khốn khó của người dân Việt,… mà ông tin rằng, họ chính là những thi sĩ đích thực, mạnh mẽ, quả cảm và lãng mạn làm nên sức sống của thi ca và đáp lại, sức mạnh của thi ca sẽ luôn gắn kết họ với thế giới và bảo vệ họ trước mọi kẻ thù.

Ông hiện là Tổng giám đốc điều phối World Poetry Movement (WPM) – Phong trào thơ ca quốc tế. Ông sinh năm 1951 tại thành phố Medel ín, Antioquia (Colombia). Bài thơ đầu tiên ông giành giải thưởng và được đăng tải rộng rãi trên truyền thông khi ông còn là một cậu thiếu niên. Một loạt các tuyển tập thơ sau đó được xuất bản:  “Contrahistoria” (1986), “Bajo otros soles” (1989), “Canción en los Campos de Marte” (1992), “Los motivos del salmón” (1998), “La cuestión radiante” (2005), “La Rama Roja (2010), và nhiều tác phẩm khác.
Năm 1982, ông đã sáng lập tờ Prometeo, tạp chí Thơ ca Châu Mỹ La Tinh với 93 nước thành viên, tới nay. Năm 1991, ông bắt đầu thành lập và tổ chức Lễ Hội Thơ ca Quốc tế Medellin hàng năm.Thường có từ 160 000 thi sĩ và khán giả  tham gia Lễ hội này và đã trở thành sự kiện thơ ca lớn nhất trên thế giới. Tới nay có khoảng 1.100 nhà thơ, nhà văn từ 160 quốc gia ở khắp năm châu tới tham dự.
Năm 2006, vượt qua 73 ứng cử viên cho những hoạt động vì Sự thật, Hòa Bình, Công bằng xã hội đến từ 40 quốc gia, Lễ Hội Thơ ca quốc tế Medellin cùng những người sáng lập được Tổ chức Giải thưởng Right Livehood xướng tên và vinh danh trao Alternative Nobel Prize (Giải thưởng Nobel khác) tại tòa nhà Quốc hội Stockholm, Thụy Điển.
Những thi phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Pháp, Đức, Italia, Croatia, Hungary, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ,…

 Lễ bế mạc đang diễn ra sẽ khép lại một loạt những sự kiện và hoạt động của Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 và Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba diễn ra suốt tuần qua tại Hà Nội, cảm xúc của ông lúc này như thế nào thưa ông?

Tôi đã trả lời câu hỏi này cả chục lần trong mấy ngày hôm nay rồi. Nhưng lần này cho phép tôi được trả lời bằng những vần thơ tôi mới làm :
Tôi chưa tới Việt Nam bạn ạ,
Sau tám ngày ở đây, tôi thấy mình
chưa tới Việt Nam
Bởi vì tôi bắt đầu yêu mảnh đất này
Việt Nam, phải là người Việt Nam,
Phải là tài sản, của đất mẹ Việt Nam
Bởi vì tôi yêu Việt Nam quá rồi,
Việt Nam luôn là giấc mơ tôi
Từ xa lắm, trong không gian và thời
gian (ông bắt đầu khóc- PV)
Tôi muốn sinh ra ở đây, đất mẹ
Việt Nam
Để vang lên bài ca về Đất nước,
Để được làm một nhà thơ, một người
lính Việt Nam
(ông nghẹn lời và nước mắt rơi..-. PV)

- Vâng, xin chân thành cảm ơn những tình cảm của ông. Sáu ngày qua với hàng loạt hội nghị, cuộc tiếp xúc, viếng thăm, trải nghiệm văn hóa truyền thống Việt,... điều gì để lại trong ông những ấn tượng sâu đậm?

Đó là vào ngày đầu tiên đến Việt Nam, tôi được đến thăm làng Chùa. Làng mang danh làng thơ. Tôi trở thành nhân chứng sống động của những người nông dân, đàn ông, đàn bà làng Chùa trong lao động, bám chặt vào đất đai và viết những vần thơ. Những người đàn ông, đàn bà làng Chùa làm thơ, họ đã từng cầm súng, rất nhiều trong số họ là những cựu chiến binh. Đối với tôi, những người làm thơ làng Chùa, vần thơ của họ có giá trị hơn rất nhiều những người chỉ biết có trường lớp, lí thuyết sách vở và không viết những vần thơ bằng máu thịt của mình. Bài thơ của người nông dân làng Chùa chính là đất đai, cấy cày, và vươn đến cái đẹp. Đó là bài ca chiến đấu, bảo vệ mảnh đất thân thương làng Chùa.Tôi thật hạnh phúc sống trong không khí thi ca, tình người chân thật, đẹp đẽ vô cùng giữa những người dân làng Chùa. Làng Chùa là một ví dụ mang tính truyền thuyết. Hiếm nơi nào trên thế gian này có miền quê như vậy. Đến tận lúc này, tôi vẫn giác như thấy đó là điều không tưởng, một hiện thực viễn tưởng. Đó là một làng quê, hướng về tự do, đậm tình anh em. Tất cả chúng ta đều vang lên tiếng hát, vần thơ cùng nhau lao động, cùng động viên nhau và tôi cảm thấy không gian đó chính là không gian của tự do đích thực. Hạnh phúc đó không gì đe dọa hay phá vỡ được. Chúng tôi - chúng ta sẽ gìn giữ và bảo vệ những điều thiêng liêng, đẹp đẽ đó.Từ những miền quê như vậy, Việt Nam sẽ là một đất nước không bao giờ khuất phục.
- Và ông đánh giá như thế nào kết quả hợp tác giữa các nhà văn Việt Nam với nhà văn, nhà thơ thế giới cũng như hiệu quả của Hội nghị và những sự kiện này?
Tôi thấy được những cố gắng khổng lồ của nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Việt nam, các đoàn thể  đã tổ chức Ngày thơ ca, Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2, Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài. Tôi nhận thấy sự quan tâm hỗ trợ tuyệt vời của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ, đối thoại với các nhà văn khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cùng gắn chặt với nhau trong vòng tay thân ái. Những giá trị văn chương, văn học của Việt Nam sẽ dần đến với văn hóa, bạn đọc thế giới.
Chúng tôi rất vui mừng, hạnh phúc và phấn khích với những vấn đề cụ thể, sự hợp tác cụ thể đang được liên kết, thắt chặt bàn bạc và kí kết trong những ngày hôm nay về việc thiết lập trao đổi hơn nữa mối quan hệ giữa nhà văn, văn học Việt Nam với nhà văn, văn học thế giới. Dòng sông bị đóng băng ngày nào đó đã được khơi mở. Dòng sông đẹp đẽ của thi ca của những gì đẹp đẽ trên thế giới được khơi mở. Lịch sử nhân loại với hai cuộc chiến tranh khốc liệt, và nay vẫn còn những cuộc nội chiến, những xung đột, hòa bình chưa đến với thế giới này. Và chúng ta luôn cần liên kết, bảo vệ nhau.
Liên hoan thơ và Hội nghị lần này đã phá vỡ nhiều rào cản cho nền thi ca Việt Nam với thi ca thế giới đến với nhau. Thật là trùng hợp, bởi bây giờ ở Việt Nam đang là mùa xuân, với chúng tôi đây cũng là mùa xuân của thi ca thế giới. Tôi nhìn thấy những ánh sáng đã hiển lộ trên khuôn mặt ánh mắt của nhà văn, nhà thơ, của người dân tôi gặp mấy ngày nay. Chúng ta không sợ hãi bất cứ kẻ thù nào, không sợ chiến tranh hay bom nguyên tử. Thi ca có thể khai sáng lòng người và ngăn chặn bạo lực, chiến tranh.
- Và ở vai trò và kinh nghiệm của một Tổng giám đốc điều phối Phong trào thơ ca quốc tế, ông có những gợi ý gì cụ thể cho hoạt động phát triển phong trào thi ca ở Việt Nam cũng như đưa thi ca, văn học Việt Nam giới thiệu rộng khắp công chúng thế giới?
Trước hết, tôi muốn nói với các nhà thơ, nhà văn Việt Nam rằng, các bạn phải cố gắng hết sức, và hết lòng để đưa văn hóa, văn học Việt Nam ra với thế giới.

Cả người dân sống trong nước và ngoài nước. Các bạn có nền văn hóa phát triển, có ngôn ngữ thống nhất, các bạn phải tăng cường và phát triển hơn nữa những hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, văn học, nghệ thuật với các nước khác, để dần tìm được những đồng cảm cùng nhau và cùng có những bài học mang tính toàn cầu. Gặp gỡ nhau để cảm tất cả các vẻ đẹp của văn hóa thế gian này. Và để đạt được những kết quả tuyệt vời, kết quả tốt, thì đừng bao giờ chỉ dừng ở một hoạt động. Mà phải liên tục, tiếp tục không ngừng nghỉ phấn đấu uyển chuyển và kiên trì đến cùng với những tiến trình cụ thể, khoa học, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đi đến thành công. Vì thế gian này sẽ không chịu nổi vẻ đẹp của các bạn, họ sẽ phải đầu hàng.
Chúng ta sẽ xâm lược các cường quốc thế giới bằng thi ca, bằng tình yêu văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta sẽ xâm lược Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu bằng bằng vẻ đẹp của thi ca, của tâm hồn, vẻ đẹp của tình yêu, của tình bạn hữu.
Từ sau chiến thắng 1975 chúng tôi chờ đợi, ngóng đợi nhưng các bạn im lặng quá. Có điều gì đó quá bí ẩn và yên tĩnh. Chúng tôi mong đợi các nhà lãnh đạo Việt Nam hãy cho phép, hỗ trợ chúng tôi những nhà văn, nhà thơ thế giới cùng những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam xây dựng một mặt trận đoàn kết liên minh quốc tế bảo vệ Việt Nam. Thi ca là lá chắn bảo vệ mạnh hơn mọi vũ khí, mọi sức mạnh.
- Liên hoan thơ quốc tế của Medellin được thành lập (1991) trong tiếng bom nổ, nội chiến và mâu thuẫn sâu sắc. Bảy năm sau (2006) Liên hoan này cùng những người sáng lập đã được trao giải Nobel (cùng cấp) vì những “đóng góp cho cộng đồng, chống lại sự sợ hãi và bạo lực đang phổ biến ở Colombia và thế giới”, một minh chứng về sức mạnh của thi ca thay đổi khả năng sinh tồn, thay đổi cuộc sống. Cho đến nay, thành phố Medellin là thành phố thi ca đứng đầu, duy nhất trên thế giới, trung tâm của các hoạt động Liên hoan thơ quốc tế với 137 quốc gia tham dự. Lí do, nguyên nhân nào đưa đến thắng lợi này, thành công này, thưa ông?
Đúng là như vậy, bạn biết không giữa một thành phố, thủ phủ của thuốc phiện, bom nổ, người chết, người bị bắt cóc, mất tích,… nhưng chúng tôi có tình yêu, có quyết tâm, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình vì thi ca. Vì thi ca có thể hóa giải những vết thương, thi ca chống lại bạo lực, bạo tàn. Thi ca chống lại cái chết. Cái chết, sự khủng bố đã dạy chúng tôi có những hành động cụ thể, chắc chắn để đưa thi ca đến với các trái tim. Bí mật lớn nhất là tình yêu của chúng tôi với đất nước, nhân dân, những người đau khổ, và cũng giống như các bạn, chúng tôi trường kì kháng chiến chống lại bạo lực. Và một bí mật nữa, các bạn cũng biết, đó là sức mạnh vô địch của thi ca. (Bắt đầu nghẹn lời và nước mắt ông lại trào ra),  
Mặc kệ đó là thủ phủ của thuốc phiện, cái chết
Mặc kệ đó là thủ phủ của của bạo lực, khủng bố
Hơn một nghìn nhà thơ, tới từ hơn 140 quốc gia, bằng những lời ca, vần thơ đã đánh bại bạo lực đó và cứu rỗi các tâm hồn. Rất nhiều nhà thơ vĩ đại, nổi tiếng đã đến với chúng tôi. Chúng tôi còn có điều may mắn vô cùng là sự ủng hộ tuyệt vời của nhân dân. Nhân dân đã dạy chúng tôi là thi ca không chỉ dành cho những người có học thức, mà thi ca dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi đến những khu nhà nghèo, rách nát, những nơi bị tàn phá, đầy đọa, khủng bố, nơi có nhiều người chết nhất, chúng tôi làm việc với công đoàn với trường học, với các tổ chức, chúng tôi biểu diễn thi ca trên các đường phố. Chúng tôi cũng bị đàn áp. Nhưng các giọng thơ vang lên ở bất kỳ nơi nào.

Thi ca, hy vọng, cuộc sống, năng lực, trái tim và nhân dân đã ủng hộ, đồng lòng với chúng tôi. Nhân dân đã học được và cũng dạy lại chúng tôi. Chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung, sức mạnh của ngôn từ, lời ca đã giúp chúng tôi tồn tại, cả dân tộc và thành phố đã sống lại với một tinh thần mới, linh hồn mới trên nền tình yêu thương của thi ca. Người dân thành phố của chúng tôi đã trở thành thành phố của thi ca. Bạn có thể tượng tượng một khung cảnh, trong suốt sáu giờ đồng hồ, im lặng dưới mưa, nhân dân lắng nghe chúng tôi đọc thơ. Người dân thật tuyệt vời, họ đắm chìm, đắm say trong các chiều kích của cảm xúc, họ ôm hôn những nhà văn, nhà thơ. Những nhà văn, nhà thơ chúng tôi học được bài học của lòng nhân ái từ nhân dân. Các bạn ơi, nếu không có nhân dân thì sẽ không có cái gì, nhất là không có thi ca.
http://vannghetre.com.vn/vi/quoc-te.nd171/fernando-rendon-toi-muon-la-mot-nha-tho-mot-nguoi-linh--viet--nam.i3339.html

Minh Anh

Mohamed Salmawy: Nhà văn Việt Nam hãy để thế giới biết tới bạn

Mohamed Salmawy là một nhà hoạt động chính trị (nguyên là Quốc vụ khanh  về văn hóa của Chính phủ Ai Cập), một nhà văn, nhà thơ, một kịch gia, nhà phê bình chính trị và văn học nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Ông đã viết hàng trăm bài báo bình luận về chính trị, văn chương với tư tưởng công bằng và dân chủ. “Những cánh bướm”- Butterfly Wings, cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2011 của ông được xem như tiếng chuông dự báo những thay đổi xã hội lớn lao của Ai Cập mà sau đó không lâu là làn sóng Cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình chưa từng có tiền lệ - Mùa Xuân Ả-rập đã lan ra trên khắp đất nước Ai Cập , và tạo cảm hứng cho các cuộc nổi dậy ở các nước Ả-rập: Yemen, Bahrain, Libya... Đến nay ông đã xuất bản 12 vở kịch, 2 tiểu thuyết, 8 tuyển tập truyện ngắn và một tuyển tập thơ cùng nhiều bài bình luận gây tiếng vang và ảnh hưởng sâu sắc tới độc giả Ai Cập.
- Là vị khách quốc tế phát biểu tham luận đầu tiên tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội vừa qua, suy nghĩ của ông về không khí và hoạt động của Hội nghị đó như thế nào?
Trong một không gian thấm đẫm văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, khi bức màn kéo lên là một sân khấu với bốn mươi lá quốc kì cùng đại diện nhà văn các quốc gia, tôi thấy chúng tôi ở đó đang nắm chặt tay nhau lập nên một Liên hiệp quốc.

 Một Liên hiệp quốc không bàn bạc, tranh luận hay giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, xung đột, tranh giành lãnh thổ, chiến tranh, bom hạt nhân, nguyên tử, khủng hoảng kinh tế, chính trị,... mà Liên hiệp quốc này cùng chung một ngôn ngữ, cùng hướng tới và bàn về cái đẹp, ca ngợi hòa bình, văn hóa, tính nhân văn của nhân loại, những điều tốt đẹp bằng những áng thơ ca, văn chương. Chúng tôi ở đây vì một thế giới hiểu biết, đoàn kết và trân quý nhau hơn.
- Ông đến Việt Nam lần này là lần thứ mấy, ông có cảm nhận gì về văn hóa và con người Việt Nam? Điều gì làm ông thấy thú vị nhất khi tiếp xúc với các nhà văn Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung? Tôi đã thấy ông thường tranh thủ thời gian buổi tối, và lịch nghỉ giữa các cuộc họp và sự kiện, đi thăm rất nhiều điểm ở Hà Nội, như phố cổ, bảo tàng Nghệ thuật, Văn học,...
Tôi đến Việt Nam lần thứ nhất là vào tháng 8 năm 2013, khi chúng tôi quyết định tổ chức Hội nghị lãnh đạo Nhà văn Á - Phi lần thứ nhất tại Hà Nội, do Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ nhà. Nhưng lần đó tôi chưa có cơ hội tìm hiểu Việt Nam, nên lần này tôi cố gắng đi nhiều điểm, để khám phá được nhiều hơn về di sản văn hóa, những đặc trưng văn hóa, tạo nên người Việt Nam vĩ đại. Trải qua những khó khăn, thách thức, đấu tranh giành độc lập, tự do qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt gần đây với mưa bom, quê hương hoang tàn,... dù vậy vẫn không mất đi tính nhân văn, không quên lịch sử, giữ gìn văn hóa dân tộc,... Người Việt Nam rất tốt bụng, dễ mến. Những điều đó không phải có thể tìm thấy nhiều ở những nước trên thế giới có điều kiện và hoàn cảnh tốt. Nhiều dân tộc, quốc gia đã mất đi bản sắc, văn hóa của mình trong và sau những cuộc chiến nhưng Việt Nam không như vậy.
Các bạn có Ngày Thơ Việt Nam - Liên hoan thơ Quốc gia tổ chức khắp các tỉnh. Điều này cũng không có nhiều trên thế giới và sự kiện này cũng làm giàu tính nhân văn, văn hóa của người Việt Nam.
- Trước đây ông đã biết gì về văn học Việt Nam? Tham gia Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần này, ông thấy có điều gì đáng kể nhất giúp ích cho mình trong việc tiếp cận với văn hóa và văn học Việt Nam?
Trước khi tới Việt Nam, chúng tôi có đọc và biết đến Việt Nam là vì nhà đấu tranh cho tự do vĩ đại Hồ Chí Minh, và biết rằng ông cũng là một nhà thơ. Ở góc độ một cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng đặc trưng cá tính của người Việt. Người Việt là những người mạnh mẽ trong chiến đấu, vì tự do, độc lập và cũng là những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ. Tại Hội nghị lần này, chúng tôi có điều kiện đi tới khá nhiều nơi, nhiều địa chỉ văn hóa tại các tỉnh của Việt Nam như Quảng Ninh, Bắc Ninh, vùng ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, đi thăm đền thờ Cao Bá Quát.... chúng tôi đã quan sát và hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống, về cuộc sống, sự phát triển của Việt Nam hiện tại. Tại đền thờ Cao Bá Quát, nhà thơ nước ngoài đồng hành với tôi, hỏi họ thờ Phật hay thánh thần vậy? Tôi đã trả lời họ đấy là một vị Thánh thơ. Điều quan trọng nhất với tôi sau những trải nghiệm và khám phá Việt Nam trong dịp này là Giá trị của người Việt Nam. Đó cũng là lí do vì sao các bạn có nhà thơ vĩ đại như Hồ Chủ tịch, như Cao Bá Quát.
Vâng, văn học vốn được coi là chiếc gương phản chiếu lại đời sống văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Ở Việt Nam, nền tảng văn hóa đó được xây dựng nên từ đời sống lao động và chiến đấu. Cho đến ngày hôm nay, người dân Việt Nam vẫn không ngừng lao động và chiến đấu, và các nhà văn đã lấy đó làm chất liệu cho những sáng tác của mình. Còn ở Ai Cập, sự phát triển của đời sống văn học tại Ai Cập hiện nay như thế nào? Nguồn cảm hứng chủ đạo của các nhà văn, nhà thơ Ai Cập đương đại là gì? Và độc giả Ai Cập đang quan tâm đến dòng văn chương cũng như thể loại như thế nào?
Thi ca rất phát triển và được ưa chuộng ở đất nước chúng tôi. Thi ca phát triển từ thời văn học dân gian gắn với các truyền thuyết. Chúng tôi có nhiều nhà thơ, nhà văn lớn. Nhưng cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, thi ca không phải là số một của nền văn học. Đầu tiên phải kể đến tiểu thuyết, truyện ngắn và rồi đến thi ca. Năm 1998, nhà văn Nagip Markbon... đã được trao tặng Giải Nobel văn học, ông đã mất năm 2006. Nagip Markbon cũng là một người bạn thân thiết của tôi. Người dân Ai Cập rất yêu thích tiểu thuyết. Hiện nay rất nhiều tác giả trẻ viết tiểu thuyết và thơ theo những lối cách tân mới, theo những cách tư duy và niêm luật riêng của họ. Bạn biết đấy, sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Giờ đây rất nhiều nhà văn, nhà thơ viết về những xu hướng mới, điều mới mẻ đang đổi thay tại Ai Cập. Nên có rất nhiều tư tưởng chính trị trong thi ca của người trẻ, và ở thể loại tiểu thuyết cũng vậy. Còn dân chúng rất quan tâm đến văn chương đang thể hiện sự gắn bó với cuộc sống hiện tại của họ.
- Việt Nam và Ai Cập là những nước có truyền thống gắn bó, đoàn kết với nhau trong ngôi nhà chung của cộng đồng các nhà văn Á - Phi, mà người có sáng kiến thành lập nên tổ chức văn học khá rộng rãi và có uy tín này chính là các nhà văn Ai Cập. Đặc biệt vào những năm của thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Hội Nhà văn Á - Phi đã có nhiều sự ủng hộ, động viên tích cực đối với các nhà văn Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là đại diện của các nhà văn xứ sở của sông Nin hùng vĩ, đại diện của những nhà văn trong Hội Nhà văn Á - Phi, mà Việt Nam là một thành viên, ông có thể nói điều gì với các nhà văn Việt Nam ngày hôm nay?
Tôi muốn nói rằng nếu như trước đây và cả bây giờ, những người lính Việt Nam đặc biệt là trong lịch sử, chính là những huyền thoại đấu tranh vì tự do và khiến cả thế giới biết tới Việt Nam, thì giờ đây các nhà văn, thi sĩ Việt Nam hãy noi theo biểu tượng này, hãy viết và làm việc để bạn đọc thế giới biết đến các bạn như từng biết đến những chiến binh Việt Nam. Các bạn có một nền tảng lịch sử, văn hóa và văn học mạnh mẽ để trở thành những biểu tượng văn học của thế giới. Và thế giới cần được biết về văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam qua những tác phẩm các bạn viết, các dự án quảng bá văn học các bạn làm. Hãy làm việc, sáng tạo những tác phẩm và trở thành những người lính tiên phong như những người lính Việt Nam nổi tiếng thế giới trước đây, bằng ngôn ngữ của văn chương, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông, và xin chúc cho các nhà văn của xứ sở sông Nin hùng vĩ, cùng tất thảy những nhà văn trong ngôi nhà chung của Hội Nhà văn Á - Phi mà chúng ta vừa mới tái lập cách đây chưa lâu, luôn luôn có được sức khỏe, nhiệt huyết cùng cảm hứng sáng tạo dồi dào để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà văn học và nhân loại đã giao phó, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp… 



http://vannghetre.com.vn/vi/goc-nhin.nd173/nha-van-m-salmawy-hay-tro-thanh-nhung-nguoi-linh-tien-phong-ve-ngon-ngu.i3338.html

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

GS Hoàng Đạo Kính: Đô thị hóa, mất di sản chưa phải chuyện lớn

 Di sản đã và đang mai một, thậm chí bị xóa sổ trong cơn bão đô thị hóa và phát triển kinh tế. Cùng Giáo sư Hoàng Đạo Kính lạm bàn về ứng xử với di sản và tìm lối đi cho di sản trong dòng chảy ồn ã của cuộc sống!

PV. Trần Nga:  “Lối sống đô thị hóa đang nuốt di sản và văn hóa vật thể” từ lâu không còn là nguy cơ, cảnh báo mà đã và đang là một sự thật  hiển hiện ở nước ta, theo Giáo sư hiện trạng và mức độ “nuốt” đang ở mức độ như thế nào? 

- GS. Hoàng Đạo Kính: Các nước trên thế giới đều đứng trước mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản. Nhưng ở Việt Nam, mâu thuẫn này còn lớn hơn bội phần. Bản thân di sản ở Việt Nam vốn hết sức mỏng manh, khiêm tốn và không bền vững, ngay cả những di sản thời Pháp thuộc dù đẹp, duyên dáng nhưng hết sức mảnh dẻ; lại chịu đựng sự phát triển đô thị, nhận thức cộng đồng, quản lí về việc duy trì các di sản trong đô thị hoàn toàn không tương xứng tầm văn hóa phải có. 
Trong khi ngay cả khi có đầy đủ nhận thức, có đầy đủ phương tiện và công cụ thì việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đã là công việc rất khó. Đô thị và nông thôn đều đang bị biến dạng. Thực tế hầu như không có một di sản đô thị nào ngay cả ở thủ đô được an toàn. Nhiều văn hóa vật thể và di sản bị xem nhẹ, chọc thủng, làm rối loạn, phá vỡ thậm chí xóa sổ.

Hiện trạng này ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng như thế nào, thưa ông?

Di sản không phải nhà máy in tiền, nó là hương hoa, là diện mạo, là tâm hồn, là gương mặt, nên nó thường bị người ta xâm lấn, coi nhẹ. Nhưng trong cuộc phát triển ồ ạt đô thị, đặc biệt về mặt không gian một cách không kiểm soát dẫn đến nền văn hóa đô thị, sự thành thị hóa dân cư bị thách thức dữ dội sẽ để lại hậu họa còn lớn hơn rất nhiều việc di sản bị mai một. 

Thủ đô Hà Nội rộng trên 3300 cây số vuông, cứ ba người dân thì có hai người làm ruộng, tức là có hai người không phải thành thị, và một người thành thị hay 30% ấy hầu như cũng không phải đã là thuần thị dân. Trong khi đó, Di sản văn hóa, thành thị hóa dân cư và văn hóa thành thị có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. 

Vâng, có ý kiến cho rằng đã gọi là phát triển thì không thể tách rời phát triển kinh tế, kinh tế hay mục tiêu sinh lời lại không chùn bước trước rào cản nào bởi bản chất thực dụng của nó. Song trên thực tế, tại nhiều đô thị phát triển như Dublin, Amsterdam, Copenhagen,... di sản và phát triển cùng song hành và hài hòa, ở ta chưa làm được hoặc thấy việc bảo tồn và phát triển đô thị lại quá thách thức, là vì sao thưa ông? 

Vấn đề bức xúc trong phát triển đô thị không phải là bảo tồn di sản mà phải đề ra chiến lược phát triển đô thị cân bằng- bền vững, một cách có tính toán để làm sao ngay ở thế hệ chúng ta, trong thời gian vài ba năm sau các đô thị đã hình thành diện mạo của nó. Một đô thị có Diện mạo đã có, diện mạo quen thuộc, diện mạo truyền thống. Phần quen thuộc và truyền thống thì phải nâng niu, song đồng thời cũng phải tạo ra một diện mạo mới. Nhiều phố ở HN hiện nay không khác gì phố ở Tuyên Quang, Yên Bái, ... như vậy chúng ta lại đang phát triển tuyến tính. Phố gì cũng giống nhau hết, phố ở Thủ đô không đẹp hơn, sang hơn, phố ở Lào Cai, Lạng Sơn..., tính thủ đô không có, vì các nhà quy hoạch chúng ta duy thực tế. 

Họ triển khai những con đường rất lớn, rất hiện đại nhưng ngay lập tức xuất hiện hai bên đường là những nhà chia lô, những quán bên đường. Bởi tính toán của chúng ta là tiểu nông, tiểu chủ. Có ở đâu giải tỏa con đường tốn hàng nghìn tỉ ngắn chừng cây số, nhưng hai bên là những ngôi nhà xấu xí, nhỏ vài mét vuông. Vậy là làm đường không phải làm phố. 

 Vâng, nhưng cũng có một thực tế là, người dân cũng thờ ơ với di sản và văn hóa vật thể, chẳng hạn ở đô thị, các ngôi đình, chùa, miếu mạo đều bị thu hẹp, chiếm dụng diện tích không gian, ở nông thôn thì quạnh vắng. Phải chăng bởi vì chính những di sản này, văn hóa vật thể này đã mất dần vị trí trong sinh hoạt cộng đồng?

Văn hóa vật thể ở nông thôn, nó có cuộc sống của nó. Người nông dân cũng có những nhu cầu cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Chúng ta ở thành thị, thì hoài niệm, cứ tiếc nhà gỗ, nhà ba chái, nhưng trong điều tra của chúng tôi thì 90% người dân muốn nhà hiện đại khép kín, không dột nát, bền vững và giờ cũng kiếm đâu gỗ để làm nhà. Người nông dân cũng không thích ở trong ngõ xóm, họ thích ra mặt đường, mặt ngõ.. Nhiều nơi họ muốn tôn tạo, sửa chữa chùa cũ thì cũng nên để họ làm. Hiện giờ đình ít có giá trị sinh hoạt cộng đồng vì người dân chỉ lên đình một hai lần một năm. Do đó, di sản hay văn hóa vật thể có vòng đời, vai trò của nó, nên để cuộc sống tự quyết định. 

 
Vâng, trước hiện trạng mất bản sắc của thủ đô nói riêng và pha loãng bản sắc đô thị Việt Nam nói chung, theo ông chúng ta nên ứng xử ra sao?

Lẽ ra phải phát triển quy hoạch đô thị theo phương thức thâm canh và quảng canh, vì các khu di sản đô thị, các khu trung tâm, phải phát triển theo chiều sâu, giữ gìn trong chừng mực cần thiết, cải tạo nâng cấp và phát triển tương thích với cái cũ - một cách văn hóa. Ở những khu trung tâm lõi của phố cũ cần thực hiện thâm canh- ứng xử đặc biệt. Trong nhu cầu bung ra phát triển rất nhanh, cần sự quảng canh nhưng không phải là sự băm vằm đất, đụng đến đâu cũng bán rồi.

Năm ngoái ông có thực hiện một cuộc triển lãm tranh tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc. Có lẽ đấy cũng là một cuộc triễn lãm tranh đầu tiên diễn ra trong một không gian văn hóa di sản, dụng ý và cảm xúc của ông ở sự kiện này như thế nào, thưa ông? 

Tôi đã dành hơn 40 năm gắn bó với di sản văn hóa và những bức tranh của tôi cũng ảnh hưởng điều này, hướng sâu vào hoài niệm, hình bóng xưa. Dù vẽ hoa hay khung cảnh phố xá, đường làng,... thì những bức tranh đều liên quan đến chiều dĩ vãng. Vẽ hiện tại nhưng lại có hình bóng hôm qua, đó cũng là vết tích của tôi. 

Giữa con phố Hàng Bạc đông đúc, chằng chịt người qua lại, cửa hàng, cửa hiệu, giao thông, các hình thức buôn bán tấp nập, Triển lãm của tôi trong khuôn viên đình Kim Ngân như một ốc đảo yên tĩnh. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tranh tôi được bày trong khung cảnh gắn bó hết sức ngẫu nhiên với từng tế bào, cảm thụ của tôi. Tôi đặt vào đó một niềm hạnh phúc thấm thía trong tình trạng di sản đang tìm kiếm một lối đi trong cuộc sống quay cuồng hiện tại.

Nga Trần thực hiện

http://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-song/gs-hoang-dao-kinh-ung-xu-voi-di-san-trong-bao-do-thi-hoa-111971.html

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Réhahn Croquevielle: Việt Nam nơi cuộc sống là đây

Nhiếp ảnh gia của những cụ già nước Việt

ẬP vào mắt tôi là ba bức ảnh! Chân dung một bà lão người Mông, nụ cười trong đôi mắt nhiều nếp nhăn sáng bừng bức ảnh, đôi bàn tay một màu xanh chàm, một nâu sạm cũng nhiều nếp nhăn như khuôn mặt, thô rám, che miệng. Thung lũng ruộng bậc thang xanh vàng trải thảm trong ánh sáng vừa rực rỡ, vừa huyền ảo - hình như thung lũng Mường Hoa (Sa Pa). Những gương mặt trẻ thơ lấm lem, ánh mắt vui tươi lạc quan đẹp như thiên thần trong những bộ quần áo tả tơi, nước mũi quệt ngang má... Tay bấm nhanh bàn phím vô thức, tôi còm cho người chia sẻ ảnh - tên một người nước ngoài “Sa Pa phải không?” -”Đúng rồi, đường xuống Lao Chải”.

Những bức hình thật kì diệu: Xúc động mạnh, chạm vào nỗi nhớ Sa Pa, một nỗi nhớ ma mị về miền đất trong lành, tinh khiết luôn tách ta ra khỏi cuộc sống giành giật thường nhật nơi phố thị mỗi khi bước vào. Sao anh ấy có thể chụp được những bức ảnh xuất thần như vậy, sao anh ấy có thể nhận thấy đôi bàn tay nhuộm lá chàm xanh, đầy nếp nhăn phủ bóng thời gian và ánh mắt của mế người Dao Đỏ đẹp đến vậy... Những bức hình và mỗi câu hỏi “sao có thể” ấy cứ quấn trong đầu cả buổi, khiến tôi chốc chốc lại mở lại những tấm ảnh xem. Nhiều thời gian sau đó, đôi mắt, bàn tay, khuôn mặt, những nếp nhăn, nụ cười... giấu sau đôi bàn tay thô rám vẫn như trước mắt tôi khi nghe đâu đó nhắc đến Sa Pa, người Mông, miền núi phía Bắc... 
Tác giả những bức ảnh là Réhahn C, một người  “sinh ra và lớn lên ở nước Pháp, tôi yêu Tổ quốc tôi nhưng ở đây, Việt Nam tôi mới thấy mình thực sự sống, một cuộc sống tự do và ý nghĩa.”  Năm 2007, Réhahn đến Hội An thăm hai em bé gái trong Hội từ thiện mà anh tham gia tài trợ, anh đã thốt lên “Cuộc sống đích thực là ở đây” sau một thời gian ngắn ngủi ở lại. Bốn năm sau đó, từ bỏ công ty in ấn ở Pháp, anh về Hội An mở cửa hàng bán kem với bạn và thực hiện đam mê chụp ảnh với những chuyến đi rong ruổi tìm kiếm những gương mặt đặc biệt Việt Nam.
Sau ba năm, một nhiếp ảnh gia không qua trường lớp đào tạo bài bản, Réhahn sở hữu hơn 145.000 bức ảnh chụp chân dung, phong cảnh Việt Nam, mở hai phòng trưng bày ảnh, xuất bản một cuốn sách song ngữ Pháp-Việt “VIETNAM, MOSAIC OF CONTRASTS - Việt Nam những mảnh ghép tương phản” phát hành 29 nước trên thế giới trong năm 2014, với hơn một trăm bức ảnh chân dung trong đó, khiến bất cứ một nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào cũng không tránh khỏi cảm giác ghen tị, thầm thốt lên “anh ta thật tài tình và may mắn”, còn Réhahn thấy thật hạnh phúc khi luôn nhận được những tin nhắn: “Này Réhahn, chúng tôi định sang Lào để thực hiện dự án nhiếp ảnh phong cảnh và con người, nhưng khi xem xong sách VIETNAM, MOSAIC OF CONTRASTS của anh, chúng tôi đổi điểm đến Việt Nam rồi, hẹn gặp anh nhé”.... “Thật kỳ diệu, Việt Nam là một thiên đường, tôi không thể đợi đến tháng 9 mới đi du lịch được, tháng sau tôi sẽ đi và tới Việt Nam.”....
Hàng trăm bức ảnh Việt Nam của anh được đặt mua, đăng tải độc quyền trên những tạp chí hàng đầu thế giới của Mỹ, Anh, Pháp,... như National Geographic, Los Angeles Times, New York Times, GEO. fr... Trong năm 2014, anh được mời thực hiện nhiều triển lãm ảnh Việt Nam ở nhiều quốc gia: Việt Nam, Pháp, Italia, Canada, Ireland. Tên tuổi của anh được gắn với những nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới như Steve McCurry, Jimmy Nelsson, Lee Jeffries... nhờ những tấm hình chân dung đời thường nghèo khó, lam lũ nhưng sáng trong và lạc quan như những thiên thần trong những vùng thiên nhiên hoang sơ nông thôn, miền núi Việt Nam.

Réhahn là một “ông bầu” tình cờ đã đưa dàn “người mẫu ảnh” cụ bà, cụ ông Việt Nam: mế già Dao đỏ, H’Mông, M’nông, bà Xong,.... nổi tiếng khắp thế giới qua những bức ảnh chân dung xuất thần, với đôi mắt ánh niềm vui, khuôn mặt và đôi bàn tay thô ráp, nhiều nếp nhăn của những cuộc đời lam lũ. Réhahn đã mang đến thế giới một hình ảnh Việt Nam rất khác với những gì người nước ngoài, thậm chí cả người Việt Nam vẫn thường thấy, thường nghe thấy, hoặc đang lãng quên mỗi ngày ở nơi thành thị hôm nay.
Anh đi khắp từ Nam ra Bắc, từ thành phố đến vùng nông thôn, nhưng những điểm dừng lâu nhất là những vùng cao miền núi.
Mỗi chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày, điểm đến thường là cả vùng văn hóa địa lí: Bắc, Trung, Nam, tới những miền đất xa xôi, nơi những người Việt Nam nghèo khổ sinh sống, nơi những cảnh đẹp hoang dã nổi tiếng của Việt Nam. Réhahn có lẽ đi nhiều vùng ở Việt Nam nhiều hơn bất cứ một người Việt Nam nào ở độ tuổi 35 như anh. 
Chuyến đi hai nghìn mốt ki lô mét trong 15 ngày vào tháng 9 năm 2013 bằng xe máy tới vùng núi phía Bắc là một chuyến đi nhiều ấn tượng cùng thành công bất ngờ với anh. Từ Hà Nội, đi Bắc Sơn, Ba Bể, Đồng Văn, Sa Pa, Hà Giang, Mù Cang Chải,.. ngày nào cũng miệt mài đi và chụp, đi và chụp từ lúc bình minh tới hoàng hôn, anh có được hơn 5000 tấm ảnh ưng ý sau hành trình. Có những bức chụp sau cả ngày, đêm chờ đợi - Bình minh ở Đồng Văn, có bức chụp trong cả tiếng đồng hồ, có những bức chỉ mất một giây - Người đàn ông hút thuốc lào ở chợ Bắc Hà, bức hình đầu tiên của anh đăng trên tạp chí National Geographic cuối năm 2013. Và rất nhiều bức ảnh trong số này đã dẫn đầu lượt bình chọn đẹp nhất, yêu thích nhất trên các trang tạp chí ảnh hàng đầu thế giới như National Geographic, Photo Manila Global, BTPC,... vượt qua hàng nghìn bức ảnh chân dung, phong cảnh đặc sắc khắp nơi thế giới.


Sống cùng nhân vật
 Nổi bật trong gia tài hơn 145.000 bức ảnh Việt Nam, có đến hơn 80% là ảnh chân dung các cụ ông, cụ bà, trẻ nhỏ; còn lại là ảnh phong cảnh. Dù nghèo khó, dù già nua và cả cuộc đời lam lũ, vất vả mưu sinh hằn lên những nếp nhăn vô số trên khuôn mặt, thì những chân dung trong những bức ảnh của anh đều đang lạc quan, vui vẻ, một niềm vui vẻ thực sự ánh lên trong đôi mắt; và người già và trẻ thơ thật là giống nhau ở điểm lạc quan này.
Réhahn có nhiều người bạn “mẫu ảnh” khắp ba miền, từ cụ già Hà Nhì đến em gái M’nông nhỏ, đặc biệt các cụ hàng xóm ở Hội An. “Tôi là người thích la cà, trò chuyện và chia sẻ. Những câu chuyện đằng sau những bức ảnh đôi khi tôi thích hơn chính bức ảnh đó. Tôi nghĩ tôi may mắn vì sống ở Việt Nam, có nhiều thời gian đi du lịch và gặp gỡ những con người tuyệt vời như vậy. Trong năm phút sẽ chẳng bao giờ hứa hẹn một bức hình đẹp, thời gian là một bí mật của tôi. Người Việt Nam thật dễ gần, chỉ cần bạn mỉm cười với họ thì cánh tay sẽ rộng mở đón bạn”. Nắm được bí quyết này, cộng với vốn tiếng Việt chút ít. Réhahn luôn chiếm được cảm tình yêu mến của các “mẫu ảnh”.

Khi chiếc xe máy của anh rè rè vào bản, những đứa trẻ con chạy biến thật nhanh, nhưng chỉ năm phút sau, chúng lại gần, và cuộc trò chuyện bắt đầu. Trẻ em thật dễ vui tươi. “Tôi thích những người già, họ toát lên vẻ thông thái và cuộc đời của họ thể hiện trên khuôn mặt. Khuôn mặt như một thư viện cuộc đời. Người già thường có nhiều nếp nhăn và mỗi nếp nhăn lại kể một câu chuyện. Bạn có thể đoán được họ giàu hay nghèo, họ bao nhiêu  tuổi, họ có làm nghề nông hay không. Hầu hết tôi gặp đều là những người già nghèo khó nhưng họ còn cười nhiều hơn cả con trẻ.
 
Có những khi tôi gặp và chụp ảnh họ cả tiếng đồng hồ nhưng lúc nào cũng thấy họ cười. Đôi khi tôi cảm thấy họ như trẻ con vậy. Ngay cả khi đã 80 tuổi thì sự hồn nhiên vẫn là một phần trong con người họ.” - Réhahn nói, và cười, nụ cười của anh cũng thật giống “mẫu ảnh” cụ Xong nổi tiếng của anh. Cụ Xong là mẫu ảnh trong bức chân dung anh chọn làm ảnh bìa cuốn sách “Việt Nam những mảnh ghép tương phản”.

Bức ảnh đã chụp từ ba năm trước, cụ lúc đó 73 tuổi. Gần cả cuộc đời cụ làm nghề chèo ghe cho khách du lịch dọc sông Hoài ở Hội An.  Ngay khi đăng bức ảnh này lên facebook, bức chân dung cụ Xong nhanh chóng đạt hàng nghìn lượt like và được bình chọn là bức ảnh được khán giả yêu thích nhất trên trang bình chọn ảnh trực tuyến.
Theo Réhahn, bức ảnh này là yếu tố chính tạo nên sự thành công của cuốn sách. Nụ cười, những nếp nhăn trên đôi bàn tay và gương mặt bà là những yếu tố làm cho bức hình trở nên đặc biệt. Vẻ hồn hậu, thân thiện, lam lũ của bà toát lên sự vui tươi của cuộc đời trong ánh mắt.

Giờ đây cụ ông Xong rất tự hào vì vợ ông là một người nổi tiếng, xuất hiện trên bìa sách, trên báo, mạng xã hội, mọi người Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đều biết đến bà lão vợ ông, người có khuôn mặt vô số nếp nhăn, sần sì khắc họa thời gian nhưng đôi mắt xuất thần ánh lạc quan cười tươi dù miệng che giấu sau bàn tay ấy.

“Hồi tháng 9, tôi thực hiện một triển lãm lớn với tựa đề Một Việt Nam tại Paris với 5000 khách mời, bức ảnh bà Xong này được in thành poster lớn và xuất hiện trên khắp báo chí của Pháp, bà ấy còn nổi tiếng hơn cả tôi”. - Réhahn nói. Gần cả cuộc đời cụ, lần đầu tiên có một anh thanh niên trai trẻ hỏi cụ có “ước mơ gì?” và gần cả cuộc đời chèo thuyền, cho đến tuổi thất thập cổ lai hy, cụ bà Xong chỉ “mong ước mua được một chiếc ghe mới để chở khách cho an toàn”. Từ số tiền bán bức ảnh và bán sách, Réhahn đã mua tặng người bạn vong niên -  người luôn im lặng bên anh, đưa anh đi loanh quanh sông Hoài mỗi khi căng thẳng, buồn rầu, một chiếc ghe gỗ mới.

Hầu hết các mẫu ảnh, nhất là các cụ già đều trở thành những người bạn của anh. Réhahn thường trở lại thăm họ, tặng ảnh, tặng sách, chia sẻ nhuận bút, thành công và chia sẻ cả những ước mơ.

Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bận rộn cho đến tháng 8 tìm một gương mặt đại sứ du lịch Việt Nam, và đại sứ du lịch Việt Nam trong nước vẫn chưa có gương mặt nào cho năm 2014 thì Réhahn chính là một “đại sứ du lịch Việt Nam” tiêu biểu nhất trong năm qua, đã mang đến thế giới một hình ảnh Việt Nam phong cảnh - con người tuyệt đẹp, những “bức ảnh hơn ngàn lời nói” trong niềm hân hoan hạnh phúc của người nghệ sĩ: “Tôi rất may mắn, tất cả các triển lãm vừa qua đều thành công. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi, bình luận tốt đẹp và mọi người khi xem xong triển lãm đều muốn khám phá Việt Nam. Và đó chính là điều tôi mong muốn”. - Còn kế hoạch cho năm mới ư? “Năm tới, tôi sẽ tới các lễ hội ảnh lớn ở  New York, Toronto, Cuba, Bỉ, Pháp để giới thiệu Việt Nam. Tôi cũng sẽ đi tiếp tới những vùng cao nguyên Trung bộ, vùng đồng bằng Mekong, tôi vẫn còn nhiều nơi chưa tới!”.
Với Việt Nam, Réhahn luôn có một tình yêu đẹp, đẹp hơn cả những bức ảnh của anh.

Bài đăng Báo Văn Nghệ số 1-2/2015
và http://vannghetre.com.vn/vi/quoc-te.nd171/rehahn-croquevielle-viet-nam-noi-cuoc-song-la-day.i2778.html