Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

GEORGES CONDOMINAS - NHÀ DÂN TỘC HỌC VĂN HÓA HỌC UYÊN BÁC


Georges Condominas, một trong những nhà dân tộc học chói sáng nhất nửa sau thế kỷ 20,là người đại diện cho một thế hệ, một trường phái “điền dã” kinh điển trong nghiên cứu khoa học xã hội. Không nhận mình là nhà Việt Nam học song Georges Condominas được giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá là “nằm trong số học giả phương Tây sớm thấy rõ và đi sâu tìm hiểu bản sắc văn hoá của Việt Nam và Đông Nam Á”.
Ông chính là người đã làm cho ngôi làng “Ndnut và làng Sar Luk, hết sức hẻo lánh,… nằm trên những con đường vào loại hiểm trở nhất Tây nguyên” vô danh bỗng trở thành nổi tiếng khắp thế giới mà các nhà nhân chủng học, khảo cổ học, âm nhạc học và hàng chục ngành khoa học uyên bác khác ít nhiều liên quan khắp năm châu đều biết tới, thậm chí kinh ngạc với phát hiện một bộ đàn đá thời tiền sử có niên đại khoảng 3000 năm, ở ngôi làng Dnut Lieng Krak, cách Sar Luk 10 km; cùng những kết quả nghiên cứu dân tộc học mà ông thu thập trong thời gian sống cùng dân làng Sar Luk.
Ông đã về Việt Nam trong dịp triển lãm “Chúng tôi ăn rừng” Georges Condominas ở Sar Luk do bảo tàng Dân tộc Học Việt Nam kết hợp với bảo tàng Quai Branly (Pháp) tổ chức từ ngày 10-12 tới 16-3 tại Hà Nội. Đây là một trưng bày tái hiện “không gian văn hoá, dân tộc” của người Mnông Gar khuôn định về không gian và thời gian: làng Sar Luk, 1948-1049.
Với mong muốn thực hiện được điều lí tưởng như Henri Matisse đã thực hiện với nhà thờ Vence, ông đã nảy ra “ý tưởng nắm bắt được tính toàn thể, trong đó thực tại không bị phân tán thành từng khu vực tách rời nhau, mà tất cả tương hợp với nhau trong một cái đẹp tổng thể”. Sau hai năm thực hiện việc nghiên cứu “dân tộc học như một cách sống” bằng phương pháp điền dã thực địa bản địa bền bỉ và khoa học, ông đã dựng nên một công trình nghiên cứu dân tộc học được đánh giá là “một thể loại hoàn toàn mới” về người Mnông Gar ở miền Trung Việt Nam. Condominas là Yoo- cách gọi thân thiết và tôn kính nhất đối với người từ nơi xa đến- của người làng Mnông Gar ở Sar Luk, và “Condo uyên bác và kính yêu” của giới nhân chủng học và dân tộc học.
Dưới đây là cuộc hỏi chuyện giữa T.N và nhà dân tộc học vĩ đại 86 tuổi, Condo kính yêu về những kí ức ở Sar Luk và những trải nghiệm về sự hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng của ông!

60 NĂM TRƯỚC, Ở LÀNG SAR LUK
Vào những năm 40 của thế kỷ 20, phương pháp nghiên cứu thực địa còn rất mới, song ông đã thực hiện được “một sự gần gũi với thực tế bản địa, to lớn hơn tất cả những gì đã toan làm trước đó” khi đến sống ở làng Sar Luk. Lúc đó ông mới 27 tuổi, vì sao ông lại chọn người Mnông Gar và ngôi làng của họ mà không phải một tộc người K’ho, Bana,..?

GS. Georges Condominas: Lúc đầu tôi định nghiên cứu người Êđê, nhưng lúc đó người Êđê cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu rồi. Riêng bác sĩ Y Join, người đã giới thiệu người Mnông với tôI cũng đã có mấy công trình nghiên cứu đặc sắc về người Êđê. Ông bác sĩ này có một số y tá giúp việc là người Êđê. Họ thường đến làng Sar Luk và kể rằng có một tộc người sống ở đó rất hoang sơ. Những hiểu biết đầu tiên mà tôi biết về họ chính là nhờ những người y tá này. Khi biết tôi muốn tìm hiểu một tộc người, chị y tá Bbut đã gợi ý tôI nên đến đó. Tiếp sau đó là bác sĩ Bernard Y Join cũng khuyên tôI nên đến với tộc người Mnông Gar chưa từng được nhà khoa học nào động tới này. Thế là tôi đã tìm đến ngôi làng Sar Luk xin được làm một người dân bình thường của làng. Già làng đã cho phép tôI làm một ngôI nhà và tham gia mọi hoạt động của dân làng như ăn uống, chơI bời, trò chuyện đến đốt rẫy, tỉa lúa, đám cưới, tang ma, đến lễ hội và cả tham dự những phiên toà theo luật tục của làng. Làng Sar Luk nhỏ bé nằm cheo leo trên một ghềnh đá nhìn xuống sông Krông Nô.
Khi đến sống ở làng, ông không biết tiếng Mnông, vậy người nào đã giúp ông hoà nhập với dân làng?
GS. Georges Condominas: Tất cả người làng đã giúp tôi. Lúc đầu có ông Dorr, trạc tuổi tôI, tôI gặp trong rừng trên đường tìm vào làng. Mnông Gar là cộng đồng lớn. Giai đoạn đầu họ tương đối dè dặt với tôi. Họ thận trọng và cũng có người cởi mở hơn. Đó là một cộng đồng tuyệt vời, họ sống với nhau, quây quần, hỗ trợ nhau trong lúc vui buồn khó khăn hay khi say. Anh Kroong nhỏ là một người rất hài hước, chỉ cần anh ta nói vài câu là mọi người phá lên cười. Anh ấy thường sử dụng các câu thơ nói và “biến đổi” đi phù hợp với hoàn cảnh. Sau một thời gian sống cùng và chia sẻ, tôi được đón nhận. Tôi hiểu biết văn hoá của họ qua cuộc sống hàng ngày. Kroong on ngược lại là một người kín đáo. Phải nỗ lực lắm mới làm anh ta nói nhưng lại có tầm hiểu biết văn hoá, về các nghi lễ tập tục rất rộng.
Người Mnông không có chữ viết, vậy các chữ chú thích tên các đồ vật, hay con người trên các tấm ảnh và tư liệu điền dã của ông là cách ông ghi lại phiên âm tiếng nói của họ theo mẫu tự La tinh?

GS. Georges Condominas: Khi một người dân tộc học không hiểu được ngôn ngữ mà phải thông qua phiên dịch thì công việc của người phiên dịch cũng đồng thời thực hiện việc nghiên cứu. Vì thế khi người nghiên cứu có được ngôn ngữ thì anh ta không phải phụ thuộc vào năng lực ngôn ngữ của người khác. TôI học tiếng Mnông Gar qua việc ghi chép có hệ thống từ vựng, các thành ngữ trong bối cảnh sử dụng khác nhau. Vẽ các đồ vật, các cửu chỉ, cách làm, ghi và phiên âm lại các lời cầu khấn, lời ca, … bằng cách sử dụng hệ thống phiên âm quốc tế của nhà ngôn ngữ học người Pháp. Cùng một âm thì được phiên âm một cách giống nhau. Tôi có sử dụng một số kí tự khác để thể hiện đúng hơn âm của tiếng Mnông Gar mà kí tự phiên âm quốc tế không có như dấu hai chấm, dấu móc, dấu mũ,… trên nguyên âm o để thể hiện những dạng cấu âm của nguyên âm này;

Trong triển lãm này có nhiều đồ vật của người Mnông và Ê đê mà ông đã đổi bằng áo vét, vải, thuốc lá, tiền,… của mình, như vậy cách trao đổi hàng hoá ở làng thời đó đã diễn ra như thế nào?

GS.Georges Condominas: Tuy một tộc người sống biệt lập ở vùng hẻo lánh nhưng hoạt động giao lưu và trao đổi vẫn diễn ra giữa các vùng và tộc người khác về cả mặt văn hoá vật chất và tinh thần. Người Mnông Gar thời đó cũng vậy. Họ mua bán bằng hình thức trao đổi hàng hoá. Cô gái Mnông đội khăn và thậm chí mặc quần áo của cô gái tộc người khác. Ngôi nhà của tôi nằm giữa làng, và cũng giống như những ngôI nhà khác, nhà không có cửa. Ai thích vào thì vào. Một hôm, một chàng thanh niên chạy vào cầm theo cái khố đàn ông và cột đâm trâu và xin đổi lấy cái áo vét kaki của tôi. Tôi đồng ý, thế là anh ấy cầm áo về. Ở đây các giá trị được đánh giá theo cảm quan. Anh ta nghĩ rằng hai vật ấy tương đương với nhau, hoặc anh ta thích quá thì phải đổi hai ba cáI lấy một như thế. Hay chiếc giỏ tra hạt tôi đổi bằng một sải vải Chúc Bâu. Người ta không nghĩ đến túng thiếu hay được nhiều, được ít ở cuộc trao đổi này. Dân làng lúc đó hầu nhhư chưa biết tới đồng tiền. Tôi thì luôn cố gắng sưu tập tất cả những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, ngửi thấy,… ai muốn đổi gì tôi cũng đổi. Và tôi cũng chủ động đổi những vật tôi chưa có bằng thứ “tiền” chủ của nó thích.
Các nhà dân tộc học khi đi thực địa thường thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Điều khó nhất theo họ là ăn cùng. Ông đã sống với người Mnông và chắc hẳn đã ăn cùng họ.Trong cuốn sách của mình, ông kể rằng mình sau lễ hiến trâu, người Mnông thường cho lòng trâu vào nấu xáo. Ông có nhớ cảm giác của mình khi thử món ăn này?
GS.Georges Condominas: Tôi thường thử trước khi đặt câu hỏi. Khi đâm trâu xong có một nồi nước xáo rất lớn. Tôi hỏi dân làng có gì trong nồi nước xáo thế. Dân làng bảo “có cứt trâu trong đấy, đấy”. Tôi nghĩ rằng không hoàn toàn như vậy, đó là chút rạ, cỏ hay là phân non còn trong ruột. Khi được trả lời như vậy, tất nhiên tôi không thấy hào hứng lắm. Đó không phải là món ăn tôi thích. Nhưng tôi cũng cố gắng. Còn có thể đánh giá đó có phải là nghệ thuật ẩm thực hay không thì rất khó. Vì chỉ có người Mnông mới có thể đánh giá được thức ăn của họ mà thôi. Khi mà phải đưa ra một sự đánh giá cá nhân mà đó là đánh giá của người đã được sinh ra, nuôI dạy ở Paris thì sự đánh giá đó không phù hợp, mà phảI hỏi là người Mnông thưởng thức những món ăn đó như thế nào! Đó là những cảm nghĩ của tôi. Nếu như so sánh ẩm thực giữa các nước, thì bạn luôn nói rằng món của nước tôi ngon hơn.
Những ngày cuối cùng của chuyến thực địa, và khi rời làng về Pháp, ông bị ốm rất nặng, sốt mê man nhiều ngày dẫn đến liệt cả hai chân. Có lúc nào ông cảm thấy những điều mình đã làm thật “ngốc nghếch” với ý nghĩ “Mình đã có thể phải trả giá cả cuộc sống của mình vì nó” hay không?
GS. Georges Condominas: Không, lúc đó tôi chỉ mong muốn mình nhanh chóng bình phục. Tôi cầu mong là mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp hơn. Đối với những nhà dân tộc học chúng tôi thì thời gian rất quan trọng. Phải dành thời gian nhiều hơn trước khi đánh giá cũng như nhận xét về một hiện tượng và một sự vật. Nhiều khi chúng ta không thể có một ý kiến thẳng băng về một hiện tượng mà cần một thời gian tìm và hiểu lâu dài. Tôi cũng cảnh báo những người muốn đi điền dã như tôi. Mới đầu nhìn thì đơn giản đấy nhưng sau có nhiều điều khó khăn. Bởi vì chia sẻ cuộc sống với những người mà chúng ta chưa bao giờ từng biết, với những cách sống khác ta vẫn sống thì ta phải trả giá. Bên cạnh những điều tuyệt vời và vui vẻ còn có những góc khuất nữa.
HOÀ NHẬP - LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH
Theo ông điều gì là quan trọng nhất để hoà nhập được với một cộng đồng khác?
GS. Georges Condominas: Ối giời ơi! như bạn đã biết khi quay về Pháp, tôi ở tình trạng rất khó khăn vì tôi phải nhập viện ngay. Rồi phải tái hoà nhập với cuộc sống ở Pháp và cũng phảI mất thời gian rất lâu để hoà nhập được. Điều quan trọng nhất để hoà nhập với một cộng đồng là luôn luôn là chính mình và không nên cố gắng thể hiện mình là ai. Người khác tự hiểu về bạn qua những gì bạn quan tâm và sống. Những người xung quanh chúng ta sẽ yêu chúng ta khi chúng ta quan tâm đến họ. Sự hoà nhập là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian. Và mình thế nào thì mình thể hiện như thế tốt nhất và thể hiện một cáI tự nhiên nhất. Đến một ngôi làng mới như vậy thì phải mất vài tuần người dân mới bắt đầu quen với tôi. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ là một đìêu rất quan trọng, vì nếu có thể nói chuyện được với họ, đùa với họ thì sự hiểu nhau diễn ra nhanh hơn. Ngay cả khi bạn hát không hay thì bạn cũng thuyết phục được rất nhiều người. Khi sống với một nhóm người dân tộc, thì lúc đầu bạn thấy mình rất lạ lẫm nhưng sau đó bạn thấy mình cũng có thể sống như họ. Nhưng đó là một quá trình dài, không phảI ngày một ngày hai mà có thể sống quen với họ phảI là một quá trình rất lâu để thích nghi để hiểu.
Năm 2003 và 2006 ông đã trở về thăm làng Sar Luk. Ông đã rất xúc động dù thời gian ông ở làng đã cách hơn nửa thế kỷ. Làng cũng đã có nhiều đổi thay, khác xưa. Điều gì đã làm ông xúc động nhất?
GS. Georges Condominas:Tất cả những gì thuộc về con người đều luôn luôn biến đổi. Khi mà người ta đồng ý là nhân chứng của một cộng đồng như thế thì như những người khác tôi khó chấp nhận sự thay đổi, vì mình đã gắn bó với nó rồi. Nhưng dù sao sự tiếc nuối đó không đáng kể lắm. Cái mà làm cho chúng ta khổ tâm là điều chúng ta nghĩ rằng “thôi tôi đã quá già rồi, mọi sự việc đều đã quá thay đổi, thay đổi quá nhiều. Có lẽ tôi cũng sắp không còn thuộc về thế giới này nữa”. (bật khóc)

Đứng trước xu thế vật chất hoá văn hoá của các dân tộc, theo ông việc bảo tồn và phát triển bản sắc giá trị văn hoá cần chú ý đến những điều gì?
GS. Georges Condominas: Việc đó trước hết phải tôn trọng giá trị văn hoá có sẵn. Chúng ta phải tôn trọng chính bản thân những nét văn hoá, chính nó trước chứ không phải làm nó đẹp hơn theo suy nghĩ của chúng ta mà phải giữ gìn nó, giữ nguyên nó, tôn trọng chính nó trước. Khi trở về Sar Luk, thoạt nhìn, làng không còn nhiều điều để xem nữa so với cáI tôI đã từng được biết và chiến tranh đã làm những người dân bị xáo trộn sâu sắc. Tuy nhiên ký ức xã hội vẫn tồn tại sống động, thậm chí ở những người trẻ tuổi nhất. Ký ức thuộc về họ và chắn chắn chính họ là những người làm điều họ mong muốn với ký ức đó.

NHỚ ÔNG CONDO YÊU KÍNH!


"Georges Condominas đã ra đi trong đêm thứ bảy 16 rạng sáng chủ nhật 17/7/2011.Thế giới vừa mất một trong những nhà dân tộc học lớn nhất của mình. Chắc chắn trong những ngày đến sự kiện này sẽ gây xao động không chỉ ở Pháp, và ở Việt Nam, nơi nhà bác học này đặc biệt gắn bó. Và tôi chắc ở một nơi sâu tít trong tận cùng Tây Nguyên, tại cái làng nhỏ có tên là Sar Luk bên bờ con sông Krong Nô hoang vắng, dưới chân dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, một dân tộc rất nhỏ tên là dân tộc Mnông Gar sẽ làm lễ bỏ mả cho ông, Yoo Condo thân thiết của họ - Yoo là cách người Mnông Gar gọi người nơi khác đến mà đã trở nên ruột thịt...:- http://bee.net.vn/channel/1988/201107/Nha-van-Nguyen-Ngoc-Tien-dua-Condo-cua-Tay-Nguyen-1805936/
Lặng người vì tin ông đã ra đi! Lục lại bản thảo và đọc lại bài trò chuyện dài với ông hơn hai tiếng đồng hồ trong dịp ông đến Hà Nội nhân triển lãm "Chúng tôi ăn rừng"...Khi tôi hỏi ông về cảm xúc khi về thăm lại Tây Nguyên, trước sự thay đổi của Tây nguyên, ông nắm chặt tay vợ và nói "Cái mà làm cho chúng ta khổ tâm là chúng ta nghĩ rằng - thôi tôi đã quá già rồi, mọi việc đều đã quá thay đổi, thay đổi quá nhiều.Có lẽ tôi cũng sắp không còn thuộc về thế giới này nữa”- rồi ông bật khóc.
Cuộc trò chuyện với ông đã ám ảnh tôi rất nhiều trong thời gian sau đó, nhất là khi viết hay đọc về văn hóa tôi lại nhớ đến ông và nghĩ về cách tiếp cận một lối sống, để hiểu một tộc người, một nền văn hóa khác mình của ông. Ông không chỉ để lại một triết lí cho ngành khoa học dân tộc học - như một cách sống, mà còn để lại cho chúng ta một phương thức hòa nhập và tôn trọng văn hóa mà ông là một mminh chứng sống động.
Condo, you have been in our hearts in vain!