Đứng trước những ưu tư và những định kiến của một lớp nhà văn trung tuổi với văn học mạng hôm nay, đồng thời nhìn vào thị phần sách tiểu thuyết lãng mạn tình cảm dịch đang tràn ngập thị trường sách văn chương hôm nay, bỗng nhớ về những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, Lê Văn Trương và gần hơn là hiện tượng tiểu thuyết tâm lý, lãng mạn từng xuất hiện và có được đông đảo bạn đọc bình dân, thị tứ, thị trấn, và cả những cô cậu học trò mới lớn,... ưa chuộng một cách nồng nhiệt, vào khoảng những năm 1987-1994. Đến nỗi các hiệu sách, nhà phát hành thời đó thường cố gắng chế bản dàn trang thành nhiều tập để thu được nhiều tiền thuê, mua hơn, mà người đọc vẫn chấp nhận. Song hiện tượng này không được giới phê bình văn chương lúc đó quan tâm, nó còn chịu áp lực định kiến văn chương, xã hội mạnh mẽ với giọng điệu mỉa mai “văn chương phin nõn Đồng Xuân”. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PV.VNT với nhà phê bình văn họcnhà phê bình văn học (NPBVH) VănXuân Giá (Trường Đại Học Văn Hoá), NPBVH Nguyễn Hoà (Báo Nhân dân), NPBVH Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn Học) ,để cùng nhìn lại một hiện tượng văn chương từng có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng bạn đọc bình dân. Và chúng ta cùng suy ngẫm về sự thiếu vắng hay sự cần thiết hay không những cuốn tiểu thuyết đại chúng, đời thường, với những chia sẻ tình cảm,ước mơ chuyển tải những đạo lý, tình người bình dị của cuộc sống.
Trần Nga: Thưa ông, ông có thể chia sẻ quan sát của mình về hiện tượng tiểu thuyết lãng mạn, tâm lý, được coi là sến- cách đây gần hai mươi năm, xuất hiện rôm rả trong các tiệm cho thuê sách truyện thời đó mà hầu như vắng bóng trong văn đàn phê bình, giới thiệu?
NPBVH. Phạm Xuân Nguyên: Một hiện tượng xuất hiện tất là vì có nhu cầu cho nó xuất hiện. Những tiểu thuyết lãng mạn tình cảm hồi 1988 – 1994/5 nếu có ra rầm rộ như chị nói thì tôi nghĩ là vì hồi đó nó đã được phépcó cơ hội ra được. Loại sách này trước 1945 có nhiều, ở Sài Gòn trước 1975 cũng có nhiều, nhưng ở miền Bắc thời chiến tranh thì ít có. Thời đổi mới, nhu cầu con người ta được mở rộng và phân tán, đa dạng và đa tạp, một bộ phận người đọc thích có những tác phẩm chỉ nói chuyện tình cảm yêu đương thôi, chỉ những chuyện tình lãng mạn, mộng mơ thôi, họ muốn đọc kiểu truyện đó cho nhẹ nhẹ nhàng đầu óc, cho vui đời lên thêm. Và bản thân các nhà văn, những người viết truyện, cũng ý thức được là đã đến lúc có thể viết những truyện như thế. Còn một lý do nữa, văn học những năm ấy là thời chuyển đoạn, viết như cũ thì không thể viết được nữa, viết mới thì đang tìm kiếm, vậy thì viết khác loại khác giọng cũng là một cách tìm đường phát triển.
NPBVH Văn Giá: Ngay sau đổi mới (năm 1986) một hai năm, trong đời sống văn chương lúc đó đã xuất hiện ồ ạt một loạt các loại chuyện tình cảm tâm lý, tình yêu, tay ba tay tư, vụ án trinh thám, vụ án, chưởng, kinh dị,... khá tưng bừng. Có tác giả viết chính thống ngay ngắn chuyên nghiệp nhưng thấy một xu hướng như thế thì họ xoay sang viết kiếm tiền. Sự xuất hiện ào ạt như vậy xuất hiện có lí do của nó. Trước đây chúng ta văn học một chiều, nghiêm trang quá, những sách về tình yêu lứa đôi, tình cảm riêng tư tay ba tay tư, chuyện ma kinh dị, trinh thám... là cấm kỵ, không ai nhắc đến. Văn chương nghiêm ngắn một chiều kéo dài nên tẻ nhạt. Nên sau đó khi được mở cửa, lập tức nó ào ạt xuất hiện như một sự lấp chỗ trống. Lúc mới xuất hiện nó bung phá và hỗn loạn. Lúc đầu người ta đọc nó ghê ghớm lắm như một sự khai phá mới. Các nhà văn cũng thoả mãn thị hiếu này đổ xô viết. Tất nhiên tính thẩm mỹ không cao. Lúc đó cũng có người nói với giọng ác ý đó là dòng văn chương “phin nõn Đồng Xuân”. Song lúc đó nó thoả mãn thị hiếu độc giả. Nhưng theo tôi quan sát thì bắt đầu từ năm 1995 trở lại đây, không ai bảo ai, nó tự chuội đi. Có viết cũng không ai đọc, bão hoà và người đọc đã chán rồi. Hoá ra là văn học không chỉ thoả mãn thị hiếu người đọc mà nó phải nói lên một điều gì đó sâu xa của cuộc sống. Hoá ra một nền văn học thực sự phải là nền văn học phải có chiều sâu, phải có sự dằn vặt đối với cuộc sống, có ý nghĩ của đời sống.
Trần Nga: Ông có nhận xét gì về hiện tượng Lê Văn Trương, một nhà văn cũng từng được coi là nhà văn mơ mộng, lãng mạn nửa đầu thế kỷ 20. Với khoảng 200 tác phẩm “vào thời kỳ ấy tuy hấp dẫn được độc giả thị thành, nhưng không mấy tác phẩm đứng lại được với thời gian?
NPBVH Xuân Giá: Lê Văn Trương hiện nay cũng là một người thiệt thòi. Nhiều người chưa sẵn sàng để nghiên cứu, ông làm được một điều mà các nhà văn khác không quan tâm. Ông muốn cho thanh niên Việt có chí khí, mạnh mẽ anh hùng, đầy tinh thần dân tộc, đầy khát vọng. Trong đời sống văn chương thời nào cũng vậy, điều hoà giữa tinh hoa và đại chúng rất khó giải quyết. Khi thì tinh hoa nổi trội nhưng cũng có thời đại chúng mạnh. Nhưng nói chung không nên phủ nhận nhau. Không nên định kiến nhau. Nhưng chắc chắn rằng nhìn vào một nền văn học của một dân tộc người ta chỉ tính đến cái tinh hoa, đấy là cái căn cước của văn hoá dân tộc. Cái đại chúng không nói được gì hết. Nhưng không nên phủ nhận cái đại chúng, nó có vị trí và quan trọng của nó với thị hiếu và biết đâu trong những tác phẩm ấy có thể nổi trội một điều gì đó nổi bật. Ở VN ta vẫn có một cái nhìn định kiến, kể cả người đọc cũng thế. Song trong xã hội phát triển hiện nay, giải trí cũng có những mặt bằng khác nhau. Chỉ mong những người viết tránh đáp ứng nhu cầu thị hiếu tầm thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét