Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Jason Gibbs: Phiêu du cùng nhạc Việt (tiếp)

Đến nhạc gây sốc, não tình và nhạc teen
Tôi đến gặp Jason sau ngày gặp anh ở buổi trò chuyện về Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long. Đợi tôi với một gói xôi trên tay, anh huơ tay thanh minh: “Tôi chưa ăn sáng”. Và dường như anh cũng hào hứng hẳn lên khi tôi đưa anh vào một quán cafe khá đẹp trên đường Trần Hưng Đạo. Sau khi chờ anh báo cáo với bà xã và ăn nốt gói xôi dở, chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện về những câu chuyện âm nhạc Việt Nam mà anh đang theo đuổi. “Có một bài mới nhất của tôi mà tôi chưa công bố đó là tôi có viết về một loại nhạc mà báo giới hồi đó gọi là nhạc gây sốc. Như bài Kiếp đỏ đen của của Duy Mạnh, hay Tình xa khuất do Phương Thanh hát. Lời ca- có thể là lí do chính khiến nó gây sốc. Lời ca như nói chuyện hàng ngày. Tôi cũng suy nghĩ là trong xã hội Việt Nam đang phát triển, người ta sống nhanh hơn, không tập trung nhiều vào một vấn đề, nên việc viết những ca khúc ấy cũng hợp lí. Tất nhiên là theo thẩm mỹ, những bài hát đó thiếu chất thơ nhưng cũng đáp ứng được một nhu cầu của xã hội.” Hay “Phương Thanh cũng là một người đặc biệt, Tôi chưa hiểu rõ về Phương Thanh nhưng tôi thấy rằng người nghe thường đặt niềm tin tưởng, hy vọng mến mộ vào ca sĩ và Phương Thanh làm được điều đó. Tất nhiên là có một số quần chúng khác không thích đâu. Nhưng với nhóm quần chúng yêu thích cô thì họ yêu thích lắm. Có thể vì thế nhiều người khó khăn thấy một người cũng khó khăn như mình nhưng đã thành công nên càng tăng thêm sự yêu mến...
Có lẽ nhiều người đặt câu hỏi, vì sao Gibbs lại có thể cùng lúc tìm hiểu được rất nhiều dòng nhạc ở Việt Nam như thế? Nếu như cách đây 10 năm thì đó quả là những câu chuyện dài, song cảm ơn “internet”. Những câu chuyện về thông tin tư liệu và nguồn của nó đã trở nên rất gần và tiện lợi cho nhà nghiên cứu nhờ công nghệ kỹ thuật số cùng những phần mềm thông minh. Nó đã cho phép Gibbs ngồi làm việc ở thư viện Francisco- cơ quan chính của anh, nhưng hàng ngày vẫn theo dõi được những bài hát mới nhất được công bố, hay ca sĩ mới xuất hiện, hay ca sĩ, nhạc sĩ ra album,... Những đường line ảo đã tạo nên những cây cầu nối Thái Bình Dương rất thật. TS. Gibbs đã có những trang web blog lưu giữ tư liệu, những bài báo về ca sĩ, về bài hát, âm nhạc mà có thể nhiều năm sau ông mới dùng đến. Chính nhờ những đường line này, mà ngay khi dòng nhạc teen xuất hiện, ông đã có những ca khúc trong kho lưu trữ đã nghe được những ca sĩ teen hát, nhảy. Và Gibbs lại bắt đầu hí hoáy ngồi dịch những bài hát ấy sang tiếng Anh để hiểu rõ ý nghĩa lời hát hơn. “Tôi không thích thể loại nhạc này, đây là những bài hát về tình yêu cho những người không biết tình yêu là cái gì. Bài hát cho một cô gái yêu một chàng trai, chàng trai ấy lại yêu một cô gái vớ vẩn nào khác... nhưng mới 13 tuổi thì có thể đó là điều cần thiết. Vì tôi không phải là cô gái 13 tuổi nên tôi không thích”. Gibbs luôn có những kiến giải về dòng nhạc mới, hay một bài hát mới cởi mở, tâm lý như thế. Anh cho rằng một ca khúc có khả năng làm một lối vào một cách suy nghĩ và sống mà ta chưa từng biết đến.
Có nhiều người cho rằng, Paris Bynight là nhạc Việt Nam, còn Jason Gibbs lại nghĩ nhạc Việt Nam là dòng nhạc cổ truyền, và lối vào nhạc cổ truyền thực sự đang là một thách thức lôi cuốn anh. Quả thật, Jason Gibbs đã đến rất gần với văn hoá Việt Nam qua một cánh cửa mà anh tự xem là rất hẹp là âm nhạc nhưng đây là một cánh cửa rất gần, một sự tiếp cận văn hoá rất gần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét