Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Jason Gibbs: Phiêu du cùng nhạc Việt

Trong khi giới nghiên cứu và phê bình âm nhạc trong nước khá kín đáo và thưa vắng những công bố hoạt động hay kết quả nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như bình luận về những thể loại, trào lưu, các dòng nhạc trong nước thì Jason Gibbs, tiến sĩ âm nhạc cổ điển, một nhạc công, một anh chàng thủ thư tại thư viện San Francisco, liên tục trong vài năm trở lại đây làm xôn xao dư luận Việt với nhiều bài nghiên cứu, khảo cứu tái hiện những hiện tượng âm nhạc trong lịch sử và đương đại của Việt Nam một cách công phu, tỉ mỉ có nhiều khám phá thú vị về văn hoá Việt Nam phản ánh qua đời sống của những ca khúc, những thể loại nhạc, những gương mặt ca sĩ.
Từ Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long
Tháng 4 năm 2008, NXB Tri Thức đã làm xôn xao dư luận trong giới âm nhạc, yêu thích âm nhạc Việt Nam với cuốn sách: Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long-Câu chuyện âm nhạc Việt Nam. Đây là một tập hợp những bài dịch của Trương Công Quý từ nguyên ngữ tiếng Anh những bài viết nghiên cứu, tìm hiểu của tác giả Jason Gibbs về nhạc Việt thế kỷ 20, như: Bài Tây, lời Ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương của Việt Nam trước 1940;Nhạc tiền chiến: Khởi đầu của ca khúc phổ thông Việt Nam;Cải cách và truyền thống trong ca khúc phổ thông Việt Nam thời kỳ đầu; Kịch nói, La Scène Tonkinoise (Hội kịch Bắc kỳ), và những bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên; Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: Những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17 ; Nhạc vàng “hoá vàng” ; Điệu Rumba trên dòng Cửu Long: Bolero - một dạng ca khúc phổ thông Việt Nam ;Trần Tiến: Người hát rong của thời Đổi Mới; Hà Nội “rock” như thế nào? Lối vào Rock’n’Roll ở Việt Nam;....
Tiến sĩ âm nhạc cổ điển, chuyên về nhạc thính phỏng, giao hưởng và cổ điển đến từ bang San Francisco (Hoa Kỳ), Jason Gibbs lại có một ý thích và niềm đam mê là nghiên cứu và nghe tân nhạc Việt Nam. Anh có nhiều đêm dài nằm nghe những vở ca cải lương mùi mẫn, những bài hát tiền chiến, ca vọng cổ, rồi nhạc vàng, tân cổ giao duyên,... Bắt đầu là từ sự tò mò, tìm hiểu thông qua tư liệu ở thư viện, ở cộng đồng người Việt sống ở bang San Francisco, và rồi đến năm 1993, anh có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên để tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng, với cái nôi của nền âm nhạc ông đang tìm hiểu. Đến nay, anh đã có đến 10 lần tới Việt Nam để thu thập tư liệu, khảo sát cho những nghiên cứu về nhạc Việt, đặc biệt là dòng nhạc quần chúng, nhạc bình dân. Cuối tháng sáu vừa qua, một lần nữa những hình ảnh, giai điệu, bài hát hay những trào lưu tân nhạc Việt đã sống lại cùng với những hình ảnh lịch sử đã trôi qua trong buổi gặp gỡ trò chuyện với Jason Gibb, dịch giả Nguyễn Trương Quý, ca sĩ nhạc rock Tiến Đạt, Phương Loan (NXB Trí Thức): Những bài tây lời ta đầu tiên như Quand Madelon của Camille Robert do những người hát xẩm ở Sài Gòn thể hiện, đến những bài tân nhạc đầu tiên của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, hay một số bài hát Việt đầu tiên xuất hiện trong những vở kịch người Việt đóng kịch Tây đầu tiên,...được Gibbs đưa ra giới thiệu.
Điều thú vị trong những sưu tầm của Gibbs làm ngạc nhiên độc giả là những hình ảnh trên báo chí hay một bản tranh Đông Hồ khắc vẽ những người Việt nhảy Đầm từ những năm 30 của thế kỷ 20, đến những bản Bolero Việt Nam rất lạ. Bolero vốn là một điệu rumba, nhưng vào Việt Nam, dưới những giọng ca mùi mẫn của nghệ sĩ Việt Nam những giai điệu của vọng cổ, oán- nằm ngoài những thanh âm của nhạc Tây được đưa vào, luyến láy đầy xúc cảm thậm chí Gibbs còn phát hiện một chút rock trong giọng hát của Chế Linh khi hát “Đôi ngả chia ly”... Không hề dấu giếm, Gibbs thổ lộ rằng anh rất ham mê tân cổ giao duyên với giọng ca Minh Vượng- Lệ Thuỷ. Với một vẻ mặt đầy háo hức, Gibbs giới thiệu những bản nhạc sưu tầm cùng những nhận xét của anh. Nhưng điều thú vị nhất trong việc nghiên cứu, sưu tầm của mình là anh đã được gặp rất nhiều nhạc sĩ, nhiều nhân vật có sự trải nghiệm, có vốn sống trong những hoàn cảnh ra đời của những bài hát ấy. Khi đi gặp nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời của những bài hát tiền chiến thì lại được ông Tơ dắt đi gặp ông Phạm Văn Các, một nghệ sĩ chuyên thổi kèn trong những quán bar xưa,...cứ thế nhân duyên với nhân vật, với sự kiện và những bài hát đã kéo Jason Gibbs gần với âm nhạc Việt, văn hoá Việt hơn.
Gần hơn trong dòng tân nhạc Việt là rock, mà người Việt gọi là nhạc giật gân khi nó mới du nhập vào Việt Nam cũng được Gibbs tìm hiểu rất công phu từ thời mới xuất hiện ở Sài Gòn qua một số đĩa thâm nhập từ Mỹ, qua dòng Việt Kiều từ Tân Đảo về nước, và có thể cả từ những người lính phục vụ ở Hải Phòng,... Tiến Đạt-một rocker khá nổi tiếng của ban nhạc Gạt Tàn Đầy, đã tỏ ý khâm phục việc nghiên cứu tỉ mỉ, chuyên nghiệp của Gibbs: “Tôi đã hai lần đọc bài viết về Rock Hà Nội của ông Gibbs, nhưng chưa lần nào trọn vẹn, vì quá nhiều thông tin khiến tôi phải lần tìm trở lại. Viết lời bài hát rock bằng tiếng Việt là rất khó đối với người sáng tác rock chúng tôi, nó cũng được Gibb tìm cách giải thích tỉ mỉ...”.
Khám phá sự gặp gỡ Đông-Tây trong nhạc Việt và đồng thời cũng tìm thấy điểm sâu lắng bản địa, những nét Việt Nam trong dòng nhạc ấy là một quá trình tìm tòi công phu, tỉ mỉ song đem lại cho Jason nhiều điều thú vị. Là một người được học và nghiên cứu sâu về nhạc bác học, nhạc cổ điển, đã tìm hiểu nhạc cổ điển ở nhiều nước châu Âu nhưng lại có hứng thú và quyết tâm nghiên cứu tìm hiểu về dòng nhạc phổ thông- đại chúng ở Việt Nam, Jason cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Khi viết bài về nhạc Bolero, Gibbs đã phải tìm đến một người bạn Việt Kiều Úc, chuyên gia nghiên cứu đàn tranh Việt Nam để trau dồi kiến thức về nhạc cổ truyền Việt, “Tôi luôn phải tìm kiếm những nhà chuyên môn để bổ sung kiến thức cho mình- Gibbs nói- Nhưng trong bài rock-thì việc phân tích rất dễ dàng đối với tôi. Tôi có thể viết lại những nốt nhạc rock mà nhạc sĩ sáng tác của Gạt Tàn Đầy không biết”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét