Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

NSND BÙI ĐÌNH HẠC: BÀN VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM


“Điện ảnh Việt nam đã có một kỉ nguyên vàng, đó là những thập niên 1960-1970. Đó là thời kỳ mà điện ảnh Việt Nam nhận được sự hẫu thuẫn lớn nhất của toàn xã hội và đổi lại, nó tạo ra một sức mạnh phi thường trong hoàn cảnh cuộc sống khắc nghiệt nhất để thể hiện rõ rệt nhất gương mặt văn hóa và xã hội của đất nước khi đó. Điện ảnh đã không chỉ còn thuần túy là một chuyên ngành nghệ thuật mà đã trở thành một tiếng nói chung của cả dân tộc.”- Là những lời ngợi khen (của đạo diễn, tiến sĩ Dean Wilson -Mỹ) dành cho câu chuyện của Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) 30 năm trước . Ngay từ những năm 1980, ĐAVN bắt đầu khủng hoảng, mặc dù chương trình Chấn hưng điện ảnh cấp Nhà nước được Chính phủ phê duyệt và bước đầu triển khai (1993) song cho đến nay, thậm chí nhìn vào số lượng sản xuất và thể loại phim nở rộ những năm gần đây, giới chuyên môn và những người yêu điện ảnh nước nhà vẫn cho rằng ĐAVN cần chấn hưng và định hướng phát triển để nói lên được tiếng nói văn hóa dân tộc mà nó đại diện. 

Thực tế đã cho thấy, kỷ nguyên vàng của ĐAVN đã xuất hiện trong giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất của dân tộc: trong và những ngày đầu thoát khỏi cuộc chiến. Khi những người làm nghề chỉ có máy quay 16mm, vừa làm phim vừa chiến đấu, vô số nghệ sĩ đã hy sinh ngay trên trường diễn. Như vậy, điều kiện kinh tế, trình độ đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên không phải là những yếu tố gây nên sự thoái trào của điện ảnh?  Nền ĐAVN có thực đáng báo động với “thảm họa” phim thị trường như nhiều ý kiến đưa ra? Phải làm gì để chấn hưng và phát triển ĐAVN? Mang những băn khoăn này, tôi tới gặp cựu Cục trưởng Cục Điện Ảnh, NSND Bùi Đình Hạc. 

ĐIỆN ẢNH LÀ NGHỆ THUẬT, CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI LỚN

P.V: Giới chuyên môn trong nước và quốc tế đã đánh giá rất cao thời kỳ phát triển rực rỡ của điện ảnh Việt Nam trong chiến tranh và những năm đầu độc lập, thống nhất đất nước. Theo những trải nghiệm và quan sát của ông, vì sao ĐA nước nhà lại đạt được thành tựu lớn trong giai đoạn đó?
 NSND Bùi Đình Hạc:  - Điện ảnh Việt Nam có một thời kỳ đạt những đỉnh cao, mà anh em trong ngành chúng tôi gọi là “Kỷ nguyên vàng”. Tạo được gương mặt của nền điện ảnh VN vào đúng thời kỳ khó khăn nhất. Vì nó được cấu trúc hợp lí (trong thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn) và quản lí tốt.
Trong nhiều thập kỷ nay, ĐAVN đã rơi vào thời kỳ khủng hoảng, mặc dù chúng ta vẫn có những đạo diễn, biên kịch, quay phim tài năng, và điều kiện kinh tế và ổn định xã hội đã hơn trước vượt bậc. Và ít nhiều điện ảnh vẫn nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn của Nhà nước so với các ngành nghệ thuật khác. Phải chăng chúng ta chưa hiểu hết về điện ảnh để có định hướng đúng, thưa ông?
Từ khi đổi sang cơ chế thị trường, điện ảnh đã không bắt kịp với sự thay đổi hay nói cách khác chưa có cơ chế, chính sách cho sự phát triển của điện ảnh từ đó. Muốn phát triển ngành điện ảnh cần ba vấn đề: thứ nhất là chiến lược phát triển cùng với các chính sách của Nhà nước đối với ngành điện ảnh; thứ hai là lựa chọn mô hình điện ảnh, bộ máy điều ảnh và phương thức sản xuất, phát hành chiếu bóng điện ảnh và thứ ba là con người- đội ngũ sáng tác, biễu diễn, các chuyên gia, kỹ thuật,….
Tôi nói đến ba yếu tố này bởi vì đặc thù của điện ảnh là ngành cấu thành bởi: nghệ thuật, công nghiệp và thương mại lớn. Điện ảnh khác với các loại hình nghệ thuật khác ở những đặc tính đó. Khi điện ảnh ra đời, đã có người nói rằng, nhiếp ảnh sẽ chết, nhưng nhiếp ảnh không chết mà vẫn phát triển theo đặc điểm riêng của nó- tĩnh có cái đẹp cái tĩnh.Khi vô tuyến truyền hình ra đời, nhiều người lại quên mất đặc thù của điện ảnh mà có quan điểm tương tự. Điện ảnh có một lịch sử phát triển kỹ thuật song hành với sự xuất hiện của nó 100 năm nay, và nay đã có kỹ thuật phim 3D, 4D, màn ảnh lớn. Điện ảnh sẽ vẫn phát triển lớn lao với sự ủng hộ của khoa học kỹ thuật. Kinh tế và kỹ thuật gắn liền với nghệ thuật- đó là đặc thù của điện ảnh.  Điện ảnh là sản phẩm thương mại, có thể mang lại lợi nhuận hàng tỉ đôla mỹ- với những phim bom tấn. Ngay ở Việt Nam, nhiều phim có doanh thu hàng chục tỉ đồng.

MỘT VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ MÔ HÌNH TỰ NUÔI

Vâng, đó quả là ba vấn đề vĩ mô phát triển điện ảnh, ngay bây giờ muốn thay đổi và thực hiện điều đó, ngành điện ảnh cần gì thưa ông?
Muốn chấn hưng điện ảnh phải có Viện Hàn lâm- nơi quy tụ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín. Nơi đây sẽ nghiên cứu tổng thể và cải tổ toàn diện nền điện ảnh từ HTCS đến TTKT.Họ được phép trực tiếp làm việc với cấp trên khi cần ra những quyết định, kế hoạch. Về CSHT, các rạp ở địa phương giờ rất yếu, không thể kéo dài tình trạng này nữa. Rạp chiếu phim của Mesgastar đang kinh doanh rất tốt ở một số thành phố lớn nhưng đó là của tư nhân, nội lực  điện ảnh quốc gia không thể dựa vào đó được  phải có các rạp của mình không thì sản phẩm điện ảnh của mình sản xuất ra thì chiếu ở đâu? Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tại Hà Nội hiện đang phát triển rất tốt, cần nhân rộng mô hình này ở các thành phố lớn.
Điện ảnh có tác động lớn lắm. Điện ảnh càng phát triển thì càng phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa các ngành nghệ thuật. Bởi một tác phẩm điện ảnh thống nhất bởi nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác: tạo hình, âm nhạc, diễn xuất, mỹ thuật, văn học,… và tạo nên một nền văn hóa trong một bộ phim. Điện ảnh có một khả năng hấp thu văn hóa và cuốn hút quần chúng nhân dân mạnh mẽ. Nó có tác động xã hội mạnh lắm mà người làm quản lí, văn hóa không thể quên được đặc thù đó.
Còn về vấn đề kinh tế thưa ông, chúng ta đều biết rằng khoản tiền đầu tư để thực hiện một bộ phim thường ngốn hàng tỉ đồng, có phim lên tới vài chục tỉ đồng.  Phát triển tức là đa dạng hóa, là lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Nhưng tiền đâu để đầu tư vào điện ảnh khi nước ta chưa giàu có để có thể đổ tiền ào ào vào điện ảnh như Mỹ, Pháp, hay Hàn Quốc?
Chúng ta đòi Nhà nước tiền thì lấy đâu ra tiền. Phải có mô hình để nó có thể tự nuôi nó và phát triển. Chẳng hạn, cần có sự phối hợp giữa truyền hình và điện ảnh. Đối với tôi, làm cái gì cũng phải đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống.  Chúng ta thấy rằng Tổng cục điện ảnh Trung Quốc được nhận 3% quảng cáo từ truyền hình, và sau đó họ đã lớn mạnh gấp 10 lần Đài Loan mà trước khi thành lập Tổng cục họ kém điện ảnh Đài Loan 10 lần. Ở Pháp, thì người ta lấy tất cả tiền thuế XNK phim ảnh, thuế truyền hình chuyển hết đầu tư điện ảnh. Họ có đến 50 chương trình trên truyền hình để chiếu phim hoặc giới thiệu phim. Truyền hình và điện ảnh muốn phát triển cần gắn với nhau.
Hoặc giả chúng ta cứ xem điện ảnh là một ngành công nghiệp thương mại mà có chiến lược đầu tư ồ ạt như Mỹ chẳng hạn?
Ngày tôi làm ở Cục điện ảnh, tôi đã đề nghị đi Hollywood, bộ trưởng Trần Hoàn nói với tôi “đi Mỹ giờ vẫn khó lắm”. Tôi bảo tôi không cần đi Mỹ, chỉ cần đi Hollywood vì tôi làm điện ảnh. Đến Hollywood, vừa qua cái cầu thì rầm một cái, quay lại thì cầu sập. Qua một cái cây, một con Kinh Kong nhảy ra thét một tiếng, đẩy nghiêng xe – mọi người sợ hãi thì bên đường người ta cười ầm lên.… Hàng nghìn kỹ thuật viên ở trong khu Đại lộ Hollywood đó… ĐA Mỹ đúng là khổng lồ, đúng là công nghiệp. Nhưng không phải là nó không có điểm yếu. Khán giả và giới phê bình đang kêu phim Mỹ khô quá, không thật, kỹ thuật nhiều quá. Một đạo diễn nổi tiếng của Nga cho rằng, Avatar không có diễn xuất. Vậy đấy, trong điện ảnh cái gì quá đi cũng không tốt. Con người vẫn là chính, là trung tâm. 

TÁC QUYỀN VÀ CHẤT LƯỢNG

Và con người chỉ có thể lao động tốt khi họ có động lực. Đối với người lao động sáng tạo như trong lĩnh vực nghệ thuật mà cụ thể đây là điện ảnh, theo ông trong cơ chế thị trường và mở cửa hiện nay, người nghệ sĩ sáng tạo cần động lực gì?
Hỗ trợ đầu tư không phải là động lực lớn nhất đối với người nghệ sĩ sáng tạo. Ngay cả khi không có tiền, họ vẫn sáng tạo và làm việc nhưng điều quan trọng hơn cả là thành quả - sản phẩm sáng tạo của họ phải được công nhận và được bảo hộ tác quyền. Chính sách bảo vệ quyền tác giả là yếu tố cần. Cục điện ảnh phải lo vấn đề tác quyền và chi phí bản quyền cho các bộ phim.  Hiện nay, một bộ phim (tài liệu, truyền hình) chiếu đi chiếu lại ở nhiều kênh truyền hình trung ương, địa phương; rồi in sang CVD, DVD,... nhưng tác giả và ê kíp làm phim đó không nhận được một khoản thù lao nào, thậm chí hiếm khi được hỏi ý kiến/thông báo.
Như bên Hội âm nhạc hiện nay cũng vậy, các cơ quan nhà nước phải lo vấn đề bản quyền: thu phí, xử phạt chứ không nên để anh em Hội nghề nghiệp họ phải tự xoay sở, tự làm, tự chia nhau...
Trở lại với vấn đề chất lượng tác phẩm điện ảnh nước nhà trong những năm gần đây, ông có đánh giá gì về chất lượng phim hiện nay?
Trong 12 phim truyện điện ảnh dự thi cánh diều 2011, có hai phim nhà nước, còn lại phim tư nhân với rất nhiều thể loại: phim hài, kinh dị, tâm lí xã hội, hiện thực,… cho thấy điện ảnh đang phát triển theo hướng tự nhiên.Vậy, chúng ta phải có hướng đi, tạo môi trường cho nó nó phát triển. Phim Nhà nước đầu tư chỉ có hai phim , như thế là điện ảnh Nhà nước yếu, cần làm cho nó mạnh lên và đầu tư đúng với tầm vóc, chi phí thực hiện tác phẩm. Một tác phẩm điện ảnh có khi nó đại diện tầm vóc cho cả một dân tộc, một nền văn hóa đặc biệt với những thể loại phim lịch sử, chiến tranh.
Chúng ta không nên phân biệt phim nhà nước với phim tư nhân mà gắn với mác phim thị trường. Quan trọng là hiệu quả của tác phẩm và vai trò nhất định của nó đối với công chúng cũng như với người làm nghề.
-         Xin trân trọng cảm ơn ông!


NSND Bùi Đình Hạc là người đã mang những giải vàng từ LHP QT đầu tiên cho điện ảnh Việt Nam từ những năm 1950 với phim tài liệu – Nước về Bắc Hưng Hải, Đường về quê mẹ. Ông có 7 phim được giải Bông Sen vàng (Nguyễn Văn Trỗi, Đường về quê mẹ (phim truyện), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin, Đường về Tổ quốc, Hồ Chí Minh – chân dung một con người (phim tài liệu), một phim được Bông Sen bạc (Hà Nội 12 ngày đêm). Ông được NN phong tặng danh hiệu NSND đợt 1 năm 1984, và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 3- 2007.