Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Nhìn lại hiện tượng văn chương-tiểu thuyết lãng mạn những năm '80

(tiếp theo)
Trần Nga: Theo ông, nếu xu hướng tiểu thuyết lãng mạn tình cảm của những năm 1986-1996 ấy được giới phê bình cởi mở hơn, và định kiến văn chương cũng không khắc nghiệt với nó thì nó có thể trở thành một dòng văn chương đời thường phục vụ người đọc bình dân, hay thị hiếu tiểu thuyết lãng mạn, nhẹ nhàng hay chăng?
NPBVH. Phạm Xuân Nguyên: Quả là trong văn học, loại truyện tình cảm này thường bị coi là “sến”. Có thể từ “sến” là bắt nguồn từ cách đọc chệch, đọc nhại chữ “sentimentalism” (chủ nghĩa tình cảm) trong tiếng Tây để chỉ những tác phẩm thiên về cảm xúc nhẹ nhàng, thoáng qua, sướt mướt. Trong một từ điển văn học của nhà Penguin từ này được cho là để mô tả loại cảm xúc giả tạo và hời hợt (false and superficial emotion). Thành phần đọc loại tiểu thuyết này cũng thường là bình dân. Không chỉ ở ta đâu, mà ở Tây, tiểu thuyết tình cảm cũng ít được đánh giá cao. Cho nên xu hướng này khó thành một “trào lưu” được, nhất là ở ta. Nhưng nó vẫn chuyển động bình thường, nghĩa là vẫn có sách ra, vẫn có người đọc. Nếu nó có chững lại thì chắc là do nhu cầu biến đổi thôi.
NPBVH. Nguyễn Hoà: Nó khó có thể phát triển thành một xu hướng của văn học, nếu chỉ là sản phẩm văn chương đáp ứng nhu cầu tức thời của một số độc giả trong một thời điểm. Đó thường là câu chuyện của con người chứ chưa phải là vấn đề của con người, nên sức sống khó bền. Tôi thấy hầu như các tác phẩm này chưa chứa đựng đầy đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm văn học với nội dung tư tưởng - nghệ thuật riêng. Song khảo sát về mặt xã hội học văn học, nó vẫn có độc giả của nó. Như hôm nay có người ghét văn học mạng, ghét internet,... nhưng không thể phủ nhận xu hướng văn học mạng; có người không thích truyện kinh dị nhưng Di Li vẫn viết, hay như Cấn Văn Khánh với các tác phẩm của chị ấy chẳng hạn, vẫn có độc giả và người hâm mộ đấy chứ. Chúng ta đang sống ở một thời kỳ mà sự phân tầng, sự “chia nhỏ” của thị hiếu văn học nói riêng, của thị hiếu nghệ thuật nói chung, là một sự thật. Sự đa dạng cuộc sống dẫn tới tính đa dạng của sở thích. Ai đó cho mình là “người đọc cao cấp” hay lấy các tiêu chí ít nhiều khắt khe để đánh giá các tác phẩm như bạn đề cập thì rất khó. Người làm phê bình cần tôn trọng sự tồn tại của tác phẩm, cần nhìn tác phẩm trong tính độc lập. Nhưng cần phải tỉnh táo, đừng tán dương quá mức, đừng biến tác phẩm thành áng văn chương mẫu mực, gán cho những phẩm chất mà nó không có; và cũng đừng nên phủ nhận hoặc phê phán nghiệt ngã...
Trần Nga: Trở lại hiện tại hôm nay- Thời buổi kinh tế thị trường, tất cả các thị hiếu được quan tâm như nhau; Thời của suy giảm kinh tế; của thiên tai dịch bệnh, người đọc thế giới nói chung và Việt Nam (chủ yếu là các tác phẩm dịch) nói riêng lại trở lại với dòng tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, tâm lý nhẹ nhàng, hay trinh thám... Dường như mỗi khi có biến động tâm lý xã hội, văn chương phái sinh hay những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, tâm lý, tình cảm,... lại chiếm ưu thế độc giả hơn những dòng văn học khác. Anh có nhận xét gì về hiện tượng này?
NPBVH.Nguyễn Hoà: Như tôi đã trình bày, dù thế nào thì vẫn cần trân trọng những tác phẩm văn chương lãng mạn, tình cảm nhẹ nhàng. Còn căn nguyên sâu xa làm cho các tác phẩm “trỗi dậy” ấy, theo tôi có lẽ chủ yếu liên quan tới tình trạng khủng hoảng tinh thần, cần được giải toả, mà có khi là tìm đến sự bình dị, tìm về cái đơn giản hàng ngày. Dù giá trị tư tưởng - nghệ thuật chưa cao lắm thì các tác phẩm này vẫn đáp ứng được thị hiếu, giúp vào sự giải toả của một số công chúng. Hôm nay, nhận thức của con người và xã hội đã ở trình độ khác, họ càng sáng suốt hơn. Chất lượng của tác phẩm là sức sống của nó trong người đọc, nhà văn đừng ảo tưởng về sản phẩm của mình, nhà phê bình cũng đừng coi mình có quyền phê phán hay phủ nhận. Như cái nghịch lý mà chúng ta đã thấy, có tờ báo bị coi là “lá cải” nhưng số lượng phát hành lại lớn hơn nhiều so với một số tờ báo được coi là “không lá cải”; tôi tin là nhiều người chê “lá cải”, nhưng thi thoảng vẫn ghé mắt xem... “lá cải” ra sao!
NPBVH. Văn Giá: Ngày hôm nay nó được lí giải khác thời ‘1986-19’95 của thế kỷ trước. Dòng văn học đáp ứng thị hiếu đã cao hơn vì chính công chúng của thị hiếu ấy đã thay đổi. Và văn học hôm nay cũng có sứ mệnh thoả mãn tất cả các thị hiếu. Trong khi đó, thị hiếu bây giờ phân hoá cũng rất cao nó có nhóm bạn đọc này, nhóm bạn đọc khác, tác giả này thoả mãn nhóm bạn đọc khác nó không có tính tập trung như trước nữa. Tập trung cũng có cái hay nhưng mà cơ bản là dở. Phân hoá thị hiếu có cái hay là nó làm cho văn học nó nảy nở, đa dạng. Và lí do thứ hai, đời sống hôm nay quá mệt mỏi với áp lực phát triển, đời sống đô thị, số phận con người trở nên mong manh, trong tâm thế hoang mang bất trắc nhiều thách thức.Nên văn học nghiêm trang, đi vào chiều sâu tư tưởng làm người ta ngại đọc. Dòng văn chương tình cảm, kinh dị, trinh thám lại trở lại nhưng tầm chất lượng đã cao hơn. Nhiều nhà văn Việt Nam trẻ hiện nay cũng có những ý thức viết khác, như Cấn Văn Khánh khẳng định văn học được quyền có chức năng giải trí và văn học được quyền theo thị trường, và đã có những cuốn sách thành công với những công chúng riêng của mình.
Trần Nga: Xin ông chia sẻ những suy nghĩ của ông về hiện tượng tiểu thuyết lãng mạn, tình cảm tâm lý, trinh thám dịch đang tràn ngập trên thị trường sách cũng như diễn đàn, tọa đàm hiện nay ở nước ta?
NPB. Phạm Xuân Nguyên: Nếu các loại truyện tình cảm trong nước có chững lại thì một lý do là vì có các sách dịch loại này đang “tràn ngập” thị trường nước ta như chị nói. Sách dịch, bất kể thuộc loại nào, nhất là những sách được chọn lựa kỹ và được dịch nghiêm túc, luôn là một thách thức cho văn học nội địa. Người đọc là người tiêu dùng văn học, họ mua sách và đọc sách theo quy luật tinh thần và thị trường. Truyện tình cảm của nước ngoài cũng nhẹ nhàng nhưng cuốn hút hơn thì họ tìm đọc thôi. Vấn đề ở đây là cũng chung cho toàn bộ nền văn học nước ta, mở cửa đón nhận từ ngoài vào thì phải làm sao làm ra sản phẩm của mình ngang bằng và vượt bên ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét