Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

GS Hoàng Đạo Kính: Đô thị hóa, mất di sản chưa phải chuyện lớn

 Di sản đã và đang mai một, thậm chí bị xóa sổ trong cơn bão đô thị hóa và phát triển kinh tế. Cùng Giáo sư Hoàng Đạo Kính lạm bàn về ứng xử với di sản và tìm lối đi cho di sản trong dòng chảy ồn ã của cuộc sống!

PV. Trần Nga:  “Lối sống đô thị hóa đang nuốt di sản và văn hóa vật thể” từ lâu không còn là nguy cơ, cảnh báo mà đã và đang là một sự thật  hiển hiện ở nước ta, theo Giáo sư hiện trạng và mức độ “nuốt” đang ở mức độ như thế nào? 

- GS. Hoàng Đạo Kính: Các nước trên thế giới đều đứng trước mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản. Nhưng ở Việt Nam, mâu thuẫn này còn lớn hơn bội phần. Bản thân di sản ở Việt Nam vốn hết sức mỏng manh, khiêm tốn và không bền vững, ngay cả những di sản thời Pháp thuộc dù đẹp, duyên dáng nhưng hết sức mảnh dẻ; lại chịu đựng sự phát triển đô thị, nhận thức cộng đồng, quản lí về việc duy trì các di sản trong đô thị hoàn toàn không tương xứng tầm văn hóa phải có. 
Trong khi ngay cả khi có đầy đủ nhận thức, có đầy đủ phương tiện và công cụ thì việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đã là công việc rất khó. Đô thị và nông thôn đều đang bị biến dạng. Thực tế hầu như không có một di sản đô thị nào ngay cả ở thủ đô được an toàn. Nhiều văn hóa vật thể và di sản bị xem nhẹ, chọc thủng, làm rối loạn, phá vỡ thậm chí xóa sổ.

Hiện trạng này ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng như thế nào, thưa ông?

Di sản không phải nhà máy in tiền, nó là hương hoa, là diện mạo, là tâm hồn, là gương mặt, nên nó thường bị người ta xâm lấn, coi nhẹ. Nhưng trong cuộc phát triển ồ ạt đô thị, đặc biệt về mặt không gian một cách không kiểm soát dẫn đến nền văn hóa đô thị, sự thành thị hóa dân cư bị thách thức dữ dội sẽ để lại hậu họa còn lớn hơn rất nhiều việc di sản bị mai một. 

Thủ đô Hà Nội rộng trên 3300 cây số vuông, cứ ba người dân thì có hai người làm ruộng, tức là có hai người không phải thành thị, và một người thành thị hay 30% ấy hầu như cũng không phải đã là thuần thị dân. Trong khi đó, Di sản văn hóa, thành thị hóa dân cư và văn hóa thành thị có mối quan hệ gắn bó với nhau chặt chẽ. 

Vâng, có ý kiến cho rằng đã gọi là phát triển thì không thể tách rời phát triển kinh tế, kinh tế hay mục tiêu sinh lời lại không chùn bước trước rào cản nào bởi bản chất thực dụng của nó. Song trên thực tế, tại nhiều đô thị phát triển như Dublin, Amsterdam, Copenhagen,... di sản và phát triển cùng song hành và hài hòa, ở ta chưa làm được hoặc thấy việc bảo tồn và phát triển đô thị lại quá thách thức, là vì sao thưa ông? 

Vấn đề bức xúc trong phát triển đô thị không phải là bảo tồn di sản mà phải đề ra chiến lược phát triển đô thị cân bằng- bền vững, một cách có tính toán để làm sao ngay ở thế hệ chúng ta, trong thời gian vài ba năm sau các đô thị đã hình thành diện mạo của nó. Một đô thị có Diện mạo đã có, diện mạo quen thuộc, diện mạo truyền thống. Phần quen thuộc và truyền thống thì phải nâng niu, song đồng thời cũng phải tạo ra một diện mạo mới. Nhiều phố ở HN hiện nay không khác gì phố ở Tuyên Quang, Yên Bái, ... như vậy chúng ta lại đang phát triển tuyến tính. Phố gì cũng giống nhau hết, phố ở Thủ đô không đẹp hơn, sang hơn, phố ở Lào Cai, Lạng Sơn..., tính thủ đô không có, vì các nhà quy hoạch chúng ta duy thực tế. 

Họ triển khai những con đường rất lớn, rất hiện đại nhưng ngay lập tức xuất hiện hai bên đường là những nhà chia lô, những quán bên đường. Bởi tính toán của chúng ta là tiểu nông, tiểu chủ. Có ở đâu giải tỏa con đường tốn hàng nghìn tỉ ngắn chừng cây số, nhưng hai bên là những ngôi nhà xấu xí, nhỏ vài mét vuông. Vậy là làm đường không phải làm phố. 

 Vâng, nhưng cũng có một thực tế là, người dân cũng thờ ơ với di sản và văn hóa vật thể, chẳng hạn ở đô thị, các ngôi đình, chùa, miếu mạo đều bị thu hẹp, chiếm dụng diện tích không gian, ở nông thôn thì quạnh vắng. Phải chăng bởi vì chính những di sản này, văn hóa vật thể này đã mất dần vị trí trong sinh hoạt cộng đồng?

Văn hóa vật thể ở nông thôn, nó có cuộc sống của nó. Người nông dân cũng có những nhu cầu cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Chúng ta ở thành thị, thì hoài niệm, cứ tiếc nhà gỗ, nhà ba chái, nhưng trong điều tra của chúng tôi thì 90% người dân muốn nhà hiện đại khép kín, không dột nát, bền vững và giờ cũng kiếm đâu gỗ để làm nhà. Người nông dân cũng không thích ở trong ngõ xóm, họ thích ra mặt đường, mặt ngõ.. Nhiều nơi họ muốn tôn tạo, sửa chữa chùa cũ thì cũng nên để họ làm. Hiện giờ đình ít có giá trị sinh hoạt cộng đồng vì người dân chỉ lên đình một hai lần một năm. Do đó, di sản hay văn hóa vật thể có vòng đời, vai trò của nó, nên để cuộc sống tự quyết định. 

 
Vâng, trước hiện trạng mất bản sắc của thủ đô nói riêng và pha loãng bản sắc đô thị Việt Nam nói chung, theo ông chúng ta nên ứng xử ra sao?

Lẽ ra phải phát triển quy hoạch đô thị theo phương thức thâm canh và quảng canh, vì các khu di sản đô thị, các khu trung tâm, phải phát triển theo chiều sâu, giữ gìn trong chừng mực cần thiết, cải tạo nâng cấp và phát triển tương thích với cái cũ - một cách văn hóa. Ở những khu trung tâm lõi của phố cũ cần thực hiện thâm canh- ứng xử đặc biệt. Trong nhu cầu bung ra phát triển rất nhanh, cần sự quảng canh nhưng không phải là sự băm vằm đất, đụng đến đâu cũng bán rồi.

Năm ngoái ông có thực hiện một cuộc triển lãm tranh tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc. Có lẽ đấy cũng là một cuộc triễn lãm tranh đầu tiên diễn ra trong một không gian văn hóa di sản, dụng ý và cảm xúc của ông ở sự kiện này như thế nào, thưa ông? 

Tôi đã dành hơn 40 năm gắn bó với di sản văn hóa và những bức tranh của tôi cũng ảnh hưởng điều này, hướng sâu vào hoài niệm, hình bóng xưa. Dù vẽ hoa hay khung cảnh phố xá, đường làng,... thì những bức tranh đều liên quan đến chiều dĩ vãng. Vẽ hiện tại nhưng lại có hình bóng hôm qua, đó cũng là vết tích của tôi. 

Giữa con phố Hàng Bạc đông đúc, chằng chịt người qua lại, cửa hàng, cửa hiệu, giao thông, các hình thức buôn bán tấp nập, Triển lãm của tôi trong khuôn viên đình Kim Ngân như một ốc đảo yên tĩnh. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tranh tôi được bày trong khung cảnh gắn bó hết sức ngẫu nhiên với từng tế bào, cảm thụ của tôi. Tôi đặt vào đó một niềm hạnh phúc thấm thía trong tình trạng di sản đang tìm kiếm một lối đi trong cuộc sống quay cuồng hiện tại.

Nga Trần thực hiện

http://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-song/gs-hoang-dao-kinh-ung-xu-voi-di-san-trong-bao-do-thi-hoa-111971.html

1 nhận xét: