Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Mohamed Salmawy: Nhà văn Việt Nam hãy để thế giới biết tới bạn

Mohamed Salmawy là một nhà hoạt động chính trị (nguyên là Quốc vụ khanh  về văn hóa của Chính phủ Ai Cập), một nhà văn, nhà thơ, một kịch gia, nhà phê bình chính trị và văn học nổi tiếng. Sinh ra và lớn lên tại Cairo, thủ đô Ai Cập. Ông đã viết hàng trăm bài báo bình luận về chính trị, văn chương với tư tưởng công bằng và dân chủ. “Những cánh bướm”- Butterfly Wings, cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2011 của ông được xem như tiếng chuông dự báo những thay đổi xã hội lớn lao của Ai Cập mà sau đó không lâu là làn sóng Cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình chưa từng có tiền lệ - Mùa Xuân Ả-rập đã lan ra trên khắp đất nước Ai Cập , và tạo cảm hứng cho các cuộc nổi dậy ở các nước Ả-rập: Yemen, Bahrain, Libya... Đến nay ông đã xuất bản 12 vở kịch, 2 tiểu thuyết, 8 tuyển tập truyện ngắn và một tuyển tập thơ cùng nhiều bài bình luận gây tiếng vang và ảnh hưởng sâu sắc tới độc giả Ai Cập.
- Là vị khách quốc tế phát biểu tham luận đầu tiên tại phiên khai mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội vừa qua, suy nghĩ của ông về không khí và hoạt động của Hội nghị đó như thế nào?
Trong một không gian thấm đẫm văn hóa và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, khi bức màn kéo lên là một sân khấu với bốn mươi lá quốc kì cùng đại diện nhà văn các quốc gia, tôi thấy chúng tôi ở đó đang nắm chặt tay nhau lập nên một Liên hiệp quốc.

 Một Liên hiệp quốc không bàn bạc, tranh luận hay giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, xung đột, tranh giành lãnh thổ, chiến tranh, bom hạt nhân, nguyên tử, khủng hoảng kinh tế, chính trị,... mà Liên hiệp quốc này cùng chung một ngôn ngữ, cùng hướng tới và bàn về cái đẹp, ca ngợi hòa bình, văn hóa, tính nhân văn của nhân loại, những điều tốt đẹp bằng những áng thơ ca, văn chương. Chúng tôi ở đây vì một thế giới hiểu biết, đoàn kết và trân quý nhau hơn.
- Ông đến Việt Nam lần này là lần thứ mấy, ông có cảm nhận gì về văn hóa và con người Việt Nam? Điều gì làm ông thấy thú vị nhất khi tiếp xúc với các nhà văn Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung? Tôi đã thấy ông thường tranh thủ thời gian buổi tối, và lịch nghỉ giữa các cuộc họp và sự kiện, đi thăm rất nhiều điểm ở Hà Nội, như phố cổ, bảo tàng Nghệ thuật, Văn học,...
Tôi đến Việt Nam lần thứ nhất là vào tháng 8 năm 2013, khi chúng tôi quyết định tổ chức Hội nghị lãnh đạo Nhà văn Á - Phi lần thứ nhất tại Hà Nội, do Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ nhà. Nhưng lần đó tôi chưa có cơ hội tìm hiểu Việt Nam, nên lần này tôi cố gắng đi nhiều điểm, để khám phá được nhiều hơn về di sản văn hóa, những đặc trưng văn hóa, tạo nên người Việt Nam vĩ đại. Trải qua những khó khăn, thách thức, đấu tranh giành độc lập, tự do qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt gần đây với mưa bom, quê hương hoang tàn,... dù vậy vẫn không mất đi tính nhân văn, không quên lịch sử, giữ gìn văn hóa dân tộc,... Người Việt Nam rất tốt bụng, dễ mến. Những điều đó không phải có thể tìm thấy nhiều ở những nước trên thế giới có điều kiện và hoàn cảnh tốt. Nhiều dân tộc, quốc gia đã mất đi bản sắc, văn hóa của mình trong và sau những cuộc chiến nhưng Việt Nam không như vậy.
Các bạn có Ngày Thơ Việt Nam - Liên hoan thơ Quốc gia tổ chức khắp các tỉnh. Điều này cũng không có nhiều trên thế giới và sự kiện này cũng làm giàu tính nhân văn, văn hóa của người Việt Nam.
- Trước đây ông đã biết gì về văn học Việt Nam? Tham gia Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần này, ông thấy có điều gì đáng kể nhất giúp ích cho mình trong việc tiếp cận với văn hóa và văn học Việt Nam?
Trước khi tới Việt Nam, chúng tôi có đọc và biết đến Việt Nam là vì nhà đấu tranh cho tự do vĩ đại Hồ Chí Minh, và biết rằng ông cũng là một nhà thơ. Ở góc độ một cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng đặc trưng cá tính của người Việt. Người Việt là những người mạnh mẽ trong chiến đấu, vì tự do, độc lập và cũng là những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ. Tại Hội nghị lần này, chúng tôi có điều kiện đi tới khá nhiều nơi, nhiều địa chỉ văn hóa tại các tỉnh của Việt Nam như Quảng Ninh, Bắc Ninh, vùng ngoại thành Hà Nội như Gia Lâm, đi thăm đền thờ Cao Bá Quát.... chúng tôi đã quan sát và hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống, về cuộc sống, sự phát triển của Việt Nam hiện tại. Tại đền thờ Cao Bá Quát, nhà thơ nước ngoài đồng hành với tôi, hỏi họ thờ Phật hay thánh thần vậy? Tôi đã trả lời họ đấy là một vị Thánh thơ. Điều quan trọng nhất với tôi sau những trải nghiệm và khám phá Việt Nam trong dịp này là Giá trị của người Việt Nam. Đó cũng là lí do vì sao các bạn có nhà thơ vĩ đại như Hồ Chủ tịch, như Cao Bá Quát.
Vâng, văn học vốn được coi là chiếc gương phản chiếu lại đời sống văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Ở Việt Nam, nền tảng văn hóa đó được xây dựng nên từ đời sống lao động và chiến đấu. Cho đến ngày hôm nay, người dân Việt Nam vẫn không ngừng lao động và chiến đấu, và các nhà văn đã lấy đó làm chất liệu cho những sáng tác của mình. Còn ở Ai Cập, sự phát triển của đời sống văn học tại Ai Cập hiện nay như thế nào? Nguồn cảm hứng chủ đạo của các nhà văn, nhà thơ Ai Cập đương đại là gì? Và độc giả Ai Cập đang quan tâm đến dòng văn chương cũng như thể loại như thế nào?
Thi ca rất phát triển và được ưa chuộng ở đất nước chúng tôi. Thi ca phát triển từ thời văn học dân gian gắn với các truyền thuyết. Chúng tôi có nhiều nhà thơ, nhà văn lớn. Nhưng cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, thi ca không phải là số một của nền văn học. Đầu tiên phải kể đến tiểu thuyết, truyện ngắn và rồi đến thi ca. Năm 1998, nhà văn Nagip Markbon... đã được trao tặng Giải Nobel văn học, ông đã mất năm 2006. Nagip Markbon cũng là một người bạn thân thiết của tôi. Người dân Ai Cập rất yêu thích tiểu thuyết. Hiện nay rất nhiều tác giả trẻ viết tiểu thuyết và thơ theo những lối cách tân mới, theo những cách tư duy và niêm luật riêng của họ. Bạn biết đấy, sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Giờ đây rất nhiều nhà văn, nhà thơ viết về những xu hướng mới, điều mới mẻ đang đổi thay tại Ai Cập. Nên có rất nhiều tư tưởng chính trị trong thi ca của người trẻ, và ở thể loại tiểu thuyết cũng vậy. Còn dân chúng rất quan tâm đến văn chương đang thể hiện sự gắn bó với cuộc sống hiện tại của họ.
- Việt Nam và Ai Cập là những nước có truyền thống gắn bó, đoàn kết với nhau trong ngôi nhà chung của cộng đồng các nhà văn Á - Phi, mà người có sáng kiến thành lập nên tổ chức văn học khá rộng rãi và có uy tín này chính là các nhà văn Ai Cập. Đặc biệt vào những năm của thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Hội Nhà văn Á - Phi đã có nhiều sự ủng hộ, động viên tích cực đối với các nhà văn Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là đại diện của các nhà văn xứ sở của sông Nin hùng vĩ, đại diện của những nhà văn trong Hội Nhà văn Á - Phi, mà Việt Nam là một thành viên, ông có thể nói điều gì với các nhà văn Việt Nam ngày hôm nay?
Tôi muốn nói rằng nếu như trước đây và cả bây giờ, những người lính Việt Nam đặc biệt là trong lịch sử, chính là những huyền thoại đấu tranh vì tự do và khiến cả thế giới biết tới Việt Nam, thì giờ đây các nhà văn, thi sĩ Việt Nam hãy noi theo biểu tượng này, hãy viết và làm việc để bạn đọc thế giới biết đến các bạn như từng biết đến những chiến binh Việt Nam. Các bạn có một nền tảng lịch sử, văn hóa và văn học mạnh mẽ để trở thành những biểu tượng văn học của thế giới. Và thế giới cần được biết về văn hóa, con người, dân tộc Việt Nam qua những tác phẩm các bạn viết, các dự án quảng bá văn học các bạn làm. Hãy làm việc, sáng tạo những tác phẩm và trở thành những người lính tiên phong như những người lính Việt Nam nổi tiếng thế giới trước đây, bằng ngôn ngữ của văn chương, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông, và xin chúc cho các nhà văn của xứ sở sông Nin hùng vĩ, cùng tất thảy những nhà văn trong ngôi nhà chung của Hội Nhà văn Á - Phi mà chúng ta vừa mới tái lập cách đây chưa lâu, luôn luôn có được sức khỏe, nhiệt huyết cùng cảm hứng sáng tạo dồi dào để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh mà văn học và nhân loại đã giao phó, vì cuộc sống và những điều tốt đẹp… 



http://vannghetre.com.vn/vi/goc-nhin.nd173/nha-van-m-salmawy-hay-tro-thanh-nhung-nguoi-linh-tien-phong-ve-ngon-ngu.i3338.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét