Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

NGÀY SÁCH VIỆT NAM VÀ KHẨU HIỆU "TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC"


 “Tôn vinh văn hóa đọc” là một khái niệm lớn được lựa chọn là “khẩu hiệu lớn”, mục đích đầu tiên mà Bộ Thông tin và truyền thông muốn gửi tới công chúng trong các sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 2.  Song “Văn hóa đọc” ở Việt Nam đang là một khái niệm mờ và đang chờ đợi khái niệm (dùng để) định nghĩa rõ nét vế bên kia của mình.

Như những khái niệm khác liên quan đến phạm trù văn hóa, “Văn hóa đọc” được hiểu là tập hợp thống nhất những giá trị đọc, hành vi/ứng xử đọc, chuẩn mực đọc, hành vi ứng xử với sách và người làm sách, phát hành sách (tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành – xuất bản,...) của xã hội nói chung, bao gồm từ cơ chế, chính sách của nhà quản lý, cơ quan quản lí nhà nước, tới cộng đồng xã hội và cụ thể ở mỗi cá nhân. 

Và xây dựng văn hóa đọc hay phát triển văn hóa đọc, nói cho cùng chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, là hình thành và phát triển thói quen đọc sách, kỹ năng đọc sách lành mạnh của họ. Từ đó, việc thâu nhận kiến thức, giá trị của sách đến với người đọc tự nhiên, một hành trình giáo dục, học tập tự nguyện và song hành với cá nhân cả cuộc đời. 

Câu trả lời cho những câu hỏi tựa như: Vậy văn hóa đọc của người Việt đang ở đâu?  Người Việt có văn hóa đọc không? Xây dựng văn hóa đọc của người Việt thì bắt đầu từ đâu?/ phát triển như thế nào? thực sự là những thách thức đối với các cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức xã hội để ý nghĩa to lớn của Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống và phát huy vai trò của sách, cũng như ảnh hưởng thay đổi thực sự nền tảng giáo dục xã hội như định hướng/ mong muốn của Chính phủ:“Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người”.


Thách thức, khó khăn này trở nên đặc thù bởi trong điều kiện kinh tế và một bối cảnh dân trí, nền tảng tri thức của Việt Nam đang đặt trong “một thế giới phẳng”- nơi công nghệ thông tin internet xóa nhòa mọi biên giới lãnh thổ, nơi nền tri thức, kiến thức, nghiên cứu khắp thế giới được cập nhật hàng ngày, nơi mà đề tài thông tin bùng nổ trong tích tắc phục vụ các nhu cầu thông tin (dễ dãi, lười biếng,...), cuốn những dự tính tìm kiếm thông tin của người sử dụng trôi tuột vào dòng thông tin đa dạng khác.  


phần tiếp theo Sách & ngành xuất bản Việt phát triển ở đâu?


TRẦN NGA - Nguồn báo Văn Nghệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét