Những năm trở lại đây, tội phạm giết người dã man tuổi vị thành niên và tuổi hai mươi gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng những kẻ tội phạm này “vô cảm”, “lạnh lùng”, “máu lạnh”, “sát thủ”, “tàn độc”. GS Lương Cần Liêm có cái nhìn trái chiều về vấn đề này khi cho rằng những “sát thủ” được cho là “máu lạnh” như Lê Văn Luyện chỉ là những người mắc bệnh tâm thần và họ đáng thương hơn là đáng trách.
GS Lương Cần Liêm là bác sĩ tâm thần CKII. Hiện ông là giảng viên trường đại học Y Paris, Pháp. Ông còn là Chủ tịch Hội Pháp Việt Tâm thần và Tâm lý Y học, chủ tịch Hội Những Người Bạn Chữ Thập Đỏ Việt Nam (Pháp).
Gọi người bệnh là “vô cảm” không phải văn minh
Thưa giáo sư, hai ba năm trở lại đây, hiện tượng “sát thủ” tuổi vị thành niên và ở tuổi 20 ở Việt nam xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Xét ở góc độ tâm lý học xã hội, ông nhận xét gì về hiện tượng này?
Về góc độ tâm lý xã hội thì hành vi này là tổng hợp của ba yếu tố nhất định không tách rời với nhau: kém giáo dục, loạn tâm lý và thiếu ý thức pháp luật.
Các phương tiện truyền thông đại chúng thường miêu tả những sát thủ này “máu lạnh”, “mặt tỉnh bơ”, khi bị bắt dù đã “giết người man rợ”, với những “động cơ thấp hèn”.
Theo ông những kẻ phạm tội này có thực sự “vô cảm” như thế? Nói một cách khác, có thể lí giải hiện tượng “máu lạnh” khi truy sát giết người và thái độ “vô cảm” khi mới bị bắt như thế nào, thưa ông?
Con người sống trong xã hội có hai cảm nhận bình thường để tự kiểm soát mình: mặc cảm tội lỗi và cảm xúc tinh thần trách nhiệm. Hai trạng thái này được đưa vào tâm lý từ lúc tuổi thơ ấu trong gia đình rồi sau đó ở nhà trường và cuối cùng khi bước vào đám đông xã hội vô danh.
Ba mức này như ba tầng của một ngôi nhà, phải “ăn khớp và đồng nhất” với nhau. Do đó, “người mặt tỉnh bơ” có thể là người bị loạn tâm lý. Nếu chỉ biết trừng phạt “người mặt tỉnh bơ” thì không phải là điều trị. Gọi là “vô cảm” đối với người bệnh thì lại là không phải văn minh. Nếu không phải là người bệnh mà “vô cảm” thì chính là người đó cương quyết nghĩ là việc mình đã làm là việc đúng. Có khi họ biết có trách nhiệm nhưng không thấy có nhiều tội lỗi, hoặc tính chắc là toà án sẽ không bao giờ xử đúng, xử kịp… như một số việc khác đã thấy.
Thưa giáo sư, mọi người thường nói đến những chấn thương tâm lí của người bị hại và công chúng khi vụ việc xảy ra. Còn đối với những kẻ phạm tội sát nhân tuổi vị thành niên này, những vấn đề về tâm lí, tính cách của họ có thay đổi và thường có xu hướng bị tác động như thế nào?
Những chấn thương tâm lý của người bị hại và công chúng là một vấn đề của sức khoẻ cộng đồng thuộc về trách nhiệm của chính quyền qua các phương tiện truyền thông. Thứ nhất là không “dạy đời”, thứ hai là không bỏ qua, thứ ba giải quyết tức khắc tại nơi để không cho lan ra như dịch thành tin đồn, thư tư là cho biết kết quả một cách trung thực.
Những chấn thương tâm lý của người bị hại và công chúng không phải là nỗi lo âu của kẻ phạm tội. Trừ những trường hợp là có ý đồ muốn công chúng biết rõ nỗi khổ đau của mình và tố cáo hệ thống (như một số sự cố của học sinh thất vọng ở trường bên Mỹ).
Giam giữ không phải cách chữa bệnh
Hiện tượng kẻ phạm tội có khuôn mặt được cho là lạnh lùng đó là biểu hiện của những xu hướng tâm lý như thế nào thưa ông?
Tâm lý con người có ba ngôi: cái “Trên-tôi”, cái “Tôi” và cái “Ấy” nằm dưới cái Tôi theo thuyết tâm lý phân tâm của ông Freud.
Cái “Ấy” thuộc về thú tính tồn tại trong con người. Cái “Trên-tôi” là dàn bộ luật của văn hoá và xã hội chấp nhận được. Cái “Tôi” là căn cước cho tôi suy nghĩ, hành động, lấy trách nhiệm. Mất thăng bằng giữa ba ngôi này là gốc làm loạn tâm lý (troubles psychologiques): hoặc “nhiễu tâm” (névrose), hoặc “bệnh loạn tâm thần” (psychose), hoặc “bệnh nhân cách” (psychopathie).
Nếu nói đến bệnh nghiện thì có thể là một trong ba loại loạn tâm lý nói trên mà do đó, phải chữa bệnh hơn là chỉ trừng pháp cấm đoán. Những người bị mắc bệnh có khi chính họ không biết/không thấy phạm tội mà xã hội nói là phạm tội nên họ bơ bơ như không phải chuyện của họ.
Ví dụ người bệnh phân liệt “nghe trong tai và trong đầu” là phải giết diệt ma quỉ thì có thể bỗng nhiên không kiềm chế được mà giết cha ruột của mình vì nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ bé bị đánh đập, không có tình thương mà chỉ nghe cha nói “mầy là đồ ma quỉ”.
Theo giáo sư, sự trừng phạt giam giữ đối với những kẻ phạm tội này có làm nên sự thay đổi về nhân cách của họ thời gian giam giữ hay không?
Tâm lý xã hội của pháp luật và giam giữ được hiểu ra sao? Pháp luật là để nói cho công dân biết thế nào là công lý, thế nào là trách nhiệm trước khi nghĩ đến pháp luật (chỉ) là dụng cụ trừng phạt. Do đó, chúng ta phân biệt pháp lý và pháp luật.
Nói cách khác, trách nhiệm nhà chức trách là giáo dục công dân biết ý niệm công lý và trách nhiệm. Trách nhiệm của các nhà văn hoá trong đó có cả các tôn giáo là giáo dục đạo đức. Giam giữ tức là giảm tự do đi lại: giảm tự do không phải là cách tốt làm cho người có tội biết rõ vì sao mình phạm tội. Giảm tự do người phạm tội là hy vọng họ sợ mà không tái diễn lại hành động, tức là sống với tâm lý sợ. Ngoài ra, giam tự do là để bảo vệ xã hội chứ không phải để giúp nhân cách người phạm tội, ý thức lỗi của mình để tự giác thành người mới.
Theo giáo sư, chúng ta nên có thái độ như thế nào với những kẻ tội phạm và có thể đưa ra những giải pháp gì để giải tỏa tâm lý cũng như những chấn động tâm lý cho kẻ tội phạm và công chúng?
Tinh thần xã hội tốt đẹp là phải chấp nhận có bệnh tâm lý và có người điều trị. Các bác sĩ tâm lý khác hẳn với nhà làm giáo dục, giáo huấn và nhà tu. Họ phải hiểu biết về đời sống văn hoá của cá thể tâm lí.
Ở nước ta cần nghiên cứu rõ nguồn gốc triết lý của đạo đức là gì? Đạo Phật, nói đến Nhân quả. Thật ra, Nhân quả là tổng hợp những (kết) quả của nhân loại (tức loài người), tức là nhân quả là vốn của văn hoá đất nước mà từng người một được hưởng hoặc phải trả giá để giải phóng ảnh hưởng nó đến cuộc sống của mình. Nếu lớn lên mà chỉ thấy cha hành xác mẹ mình thì đến thế hệ sau mình sẽ lặp lại những gì mình biết. Nói vậy thì nhân quả với người phạm tội là sao? Là gia đình phải giúp người ấy giác ngộ tội là gì, lỗi là gì: tội thì phải trả đúng giá của nó, lỗi thì có thể sửa sai cho sau này thành người tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét