Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nhìn lại Điện ảnh Việt Nam một thập kỷ: Phát triển nhưng ...mất dần đi!

“Khủng hoảng kịch bản điện ảnh chất lượng điện ảnh lên đỉnh điểm”, “Cách kể của nhà biên kịch cũ hơn những năm 1990”, “Không còn nhà quay phim nữa chỉ còn những nhà ghi hình”, “âm thanh, lời thoại thật thảm họa,” “Không có diễn viên điện ảnh đích thực”, “không có những công trình lí luận phê bình điện ảnh”, “mặc cảm về định hướng”… là những gì mà chính những nhà biên kịch, đạo diễn, sản xuất trong ngành đã nhìn nhận về điện ảnh Việt Nam trong một thập kỷ qua (2002 – 2012).
Lí giải cho sự khủng hoảng kịch bản điện ảnh chất lượng, nhà biên kịch Bành Mai Phương cho rằng chất lượng kịch bản sa sút do “xuất phát từ số lượng kịch bản hạn chế” và “cảm hứng viết kịch bản” cũng thui chột. Nếu như số lượng kịch bản nhiều sẽ dễ dàng cho việc lựa chọn cũng như so sánh chất lượng kịch bản hơn. Tuy nhiên nhiều năm nay, đầu ra của kịch bản quá hẹp khiến các nhà biên kịch chủ yếu sáng tác theo đơn đặt hàng. Cảm xúc viết kịch bản điện ảnh cho những bộ phim một tập hay phim truyện điện ảnh cũng không có sân chơi, vì không có kênh truyền hình nào chiếu phim một tập.
Mặc dù Hội điện ảnh tích cực hỗ trợ nghệ sĩ biên kịch sáng tác qua những trại hè và khoản kinh phí nhất định, nhưng xem ra mục tiêu có được những kịch bản sâu sắc từ những Hội trại này chưa hiệu quả khi các nhà biên kịch đã ủ sẵn đơn đặt hàng hoặc tham gia như một chuyến nghỉ dưỡng, gặp mặt vui vẻ!

Đạo diễn Đoàn Minh Tuấn cho rằng, phim truyện điện ảnh Việt Nam không thể gọi là phát triển, chuyên nghiệp khi mà nhìn vào những mặt chính: cách kể của nhà biên kịch, cách dàn dựng, kỹ thuật quay phim, dựng phim, âm thanh/lời thoại, diễn xuất… hết sức cũ, thiếu tính thuyết phục, thiếu áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, thiếu chuyên nghiệp. Hơn nữa việc thiếu vắng những tác phẩm lí luận phê bình điện ảnh nghiêm túc cho thấy một hình ảnh của điện ảnh Việt đang “thật thảm hại” và “đáng lo ngại”. Ngay cả những bộ phim đề tài chiến tranh hiện nay cũng không “thuyết phục bằng phim cũ - như Chị Tư Hậu’.
Dòng phim điện ảnh do nhà nước đặt hàng, tài trợ vốn được coi là dòng phim chủ lưu thì trong hai mươi năm trở lại đây đã không còn giữ được vai trò và vị thế. Nhớ lại đã có một thời, dòng phim truyện nhựa do nhà nước đặt hàng thống lĩnh khắp các rạp chiếu phim trên khắp cả nước tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ và sâu rộng; tham dự nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế; đào tạo và xây dựng được một đội ngũ đạo diễn, diễn viên,… xuất sắc, tâm huyết với nghề; Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt nam, NSƯT Vũ Xuân Hưng bộc lộ nỗi xót xa, nuối tiếc “thật khó để nghĩ rằng dòng phim này mất đi vai trò chủ lưu như hiện nay”. Tính từ ngày thành lập đến nay, Nhà nước đặt hàng khoảng 600 bộ phim, nhưng riêng trong hơn hai mươi năm trở lại đây (từ sau khi xóa bỏ bao cấp – 1986 đến nay) chỉ có khoảng 30-40 bộ phim trong số ấy. Đồng hành sự suy giảm về số lượng là sự suy giảm về chất lượng các phim nhà nước đặt hàng. “Thật không vui khi phải khẳng định rằng, từ khi Việt Nam bước vào cơ chế thị trường đến nay chỉ có một bộ phim truyện nhựa – điện ảnh do nhà nước đặt hàng có lãi lớn số còn lại thì không đủ vốn, hoặc thoi thóp chiếu vài buổi ở rạp rồi đắp chiếu” – Ông Hưng nói.
Trong hàng loạt các nguyên nhân gây sự sụt giảm về chất lượng phim điện ảnh Nhà nước: giảm sự đầu tư về vốn, thiếu chính sách bảo trợ điện ảnh của nhà nước khi Việt nam gia nhập WTO, sự tràn lan nhập khẩu phim ngoại, sự lớn mạnh của truyền hình thì chính các nhà làm phim, cơ sở sản xuất phim được nhà nước đặt hàng/bảo trợ bấy lâu nay đã tự đánh mất mình. Ông Hưng cho rằng “Những đơn vị sản xuất phim được nhà nước đầu tư nhưng lại đang làm việc thiếu chuyên nghiệp, hay đã mất đi tính chuyên nghiệp trước đây của mình. Người cũ thì già quá còn người trẻ thì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc” còn các ban ngành, hội, và nghệ sĩ thì “vô cảm trước những nguyên nhân trên mà không hành động/hành động không hiệu quả.”
Ở thể loại phim tài liệu – phim khoa học cũng vậy, “Việt Nam là cường quốc phim tài liệu” là câu chuyện của hơn 20 năm trở về trước. Còn mười năm qua thì chưa có một bộ phim tài liệu chứa “thông điệp cũng như tạo ấn tượng mạnh đến người xem” - TS. Sĩ Trung nhận xét – “cái tươi mới đa chiều, sinh động của hiện thực không có mà thay vào đó là những lời bình chủ quan, áp đặt.” Và “dường như các tác giả sợ rằng người xem sẽ không hiểu mà quên mất đặc tính của điện ảnh và truyền hình là ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh”.
Sau hai mươi năm đất nước đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì nền điện ảnh Việt đang có “xu hướng phát triển nhưng mất dần đi”. Chúng ta đang thiếu những kịch bản có chất lượng, chưa nói đến có tầm vóc quốc tế; thiếu những nghệ sĩ, diễn viên có tầm vóc sáng tạo và ảnh hưởng công chúng, xã hội; mất dần thị trường nội địa trong khi chưa vươn được tới thị trườn khu vực cũng như quốc tế. Phim ảnh hiện nay chỉ phục vụ công chúng ở những rạp chiếu phim đô thị máy lạnh mà không đến được với 80% độc giả ở nông thôn, miền núi. Như thế cũng đồng nghĩa rằng Điện ảnh đang mất dần đi sự ảnh hưởng cũng như tham gia vào đời sống tinh thần của nhân dân.
Trong khi ngành nghệ thuật thứ bảy đặc biệt này, ở nhiều nước đã trở thành nền công nghiệp cho siêu lợi nhuận, hay là công cụ bảo tồn, duy trì, định hướng, và quảng bá văn hóa dân tộc, tư tưởng của dân tộc ấy. Định hướng nào cho con đường đi của Điện ảnh rõ ràng vẫn đang là nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của điện ảnh sau chặng đường vẫy vùng với những thành tích và hiện trạng nhiều “thảm họa” trong hơn 20 năm qua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét