Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

NSND ĐÌNH QUANG: SÂN KHẤU KỊCH VẪN ĐANG CẦM HƠI

Có thể nói, từ khi cách mạng tháng 8 thành công (1945), kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến hơn một thập kỷ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1985-1990), sân khấu kịch tuy mới xuất hiện nhưng nhanh chóng làm bá chủ đời sống văn hóa của đông đảo giới trí thức, chiến sĩ đến quần chúng nhân dân. Sự xung đột của những tuyến nhân vật, tính kịch trong loại hình sân khấu này cùng sức nặng nội dung chuyển tải những mâu thuẫn, sự thật trần trụi, khốc liệt của đời sống mà hàng ngày người dân cảm, gặp, thấy lên sân khấu nghệ thuật đã thuyết phục người xem. Nhiều vở kịch đã gây chấn động dư luận, và kích thích khán giả hướng đến sự hiện hữu của công lý và sự mạnh mẽ, dũng cảm đời thường. Sân khấu kịch đã thành công trong vai trò là một loại hình nghệ thuật có vị trí trong lòng khán giả đồng thời còn là tiếng nói mạnh mẽ của trí thức trong xã hội. Tuy nhiên, gần 30 năm trở lại đây, hoạt động của sân khấu kịch suy giảm, yếu ớt, đôi khi le lói một, hai vở của nhà hát Tuổi Trẻ, nhà hát Lan Anh… Vì sao sân khấu kịch – một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện ở nước ta trong vòng chưa đầy một thế kỷ, nở hoa rồi lụi tàn? Sự tiếp nhận của công chúng (nhà quản lí, giới chuyên môn, bình luận và khán giả) đối với loại hình nghệ thuật mới này đã như thế nào? Sự tiếp biến của một loại hình nghệ thuật – như sân khấu kịch với thời đại cần những điều kiện gì? Đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo Văn nghệ với Giáo sư, tiến sĩ, NSND Đình Quang, một người gắn bó với nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời kỳ đầu. 
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang (Nguyễn Đình Quang - 1928) là một tên tuổi có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở cả bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lí luận phê bình và quản lí.Ông viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu lí luận sân khấu và văn hóa, một số cuốn sau này được ông tập hợp trong bộ Tuyển tập Đình Quang: Về sân khấu Việt Nam, Về sân khấu nước ngoài (1962), Về văn học nghệ thuật (1995), Về văn hóa (1999) đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Ông từng là thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (1983-1994) và hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. 
  
P.V: Là một người gắn bó cả cuộc đời với sân khấu kịch, trong kí ức của Giáo sư, thời điểm huy hoàng của nhất của sân khấu kịch là thời gian nào? 

 Đó chính là giai đoạn 1960-1985. Và Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc năm 1985, chính là năm huy hoàng nhất của sân khấu kịch phía Bắc. Hội diễn năm’85 đã diễn ra 5 tỉnh thành. Ở thành phố Hồ chí Minh, năm vở diễn: Nhân danh công lí, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước, Nhân chứng và lịch sử được báo chí Sài Gòn gọi là 5 chiếc xe tăng vào giải phóng Sài Gòn về văn hóa. Còn miền Bắc coi là những phát súng đầu tiên của đổi mới tư duy. Nhân danh công lí đòi hỏi sự công bằng trước pháp luật, hay Mùa hè ở biển đặt ra những mâu thuẫn nhận thức giữa các thế hệ khác nhau; hay Nhân chứng lịch sử nói về vấn đề thực chất, mối quan hệ căn nguyên của cuộc chiến chống Pháp; Đỉnh cao mơ ước nói đến lí tưởng của thanh niên. Cả giới VHNT lúc đó đều công nhận sâu khấu đã mở đầu cho sự đổi mới tư duy. 
 P.V: Về phía khán giả thì sao ạ? Công chúng đón nhận những vở kịch này như thế nào thưa ông?
Thời ấy phải nói là làm nghệ thuật là vinh quang. Người ta đối với nghệ sĩ trân trọng lắm. Có khi cả khán phòng im phăng phắc, có khi vỡ òa tiếng cười đến vỡ rạp. Những vở kịch về vấn đề xã hội: tiêu cực, tham nhũng, … khán giả hăm hở xem, đông lắm. Có những vở diễn cả trăm đêm. Người xem thấy được giải tỏa, thấy ở đó tiếng nói công tâm. Không có chuyện tán gẫu, bá cổ, ăn uống trong rạp như bây giờ. Người ta đi xem, là người ta có nhu cầu tâm tưởng, còn giờ là giải trí. Một vở kịch người ta xem thấy nó giải đáp một vài băn khoăn của người xem trong cuộc sống, hay nó giải thích và làm cho sự hiểu biết, nhận thức của con người ta tiến lên thì mới là nghệ thuật. Còn lại nhiều vở, ca ngợi xuôi chiều thì khiến những người lãnh đạo phấn khởi, hỉ hả chứ không giúp gì cho sự phát triển của xã hội, thì nó cũng chỉ có giá trị nhất thời thôi.

 P.V: Trong những vở kịch ông dựng đầu tiên ấy, những vở nào để lại nhiều ấn tượng với ông? 
 Làm thì nhiều nhưng đáng nói thì đấy là: Một quê hương Việt Nam, Bạch Đằng Liễu (Xuân Trình); Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ). Một quê hương Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ, nó đưa ra hai mặt: có người dũng cảm, có người nhát gan, có người cảm thấy mình không đủ sức theo được đã xin ra khỏi Đảng để khỏi mang tiếng Đảng. Hay mâu thuẫn giữa ông bí thư đảng ủy dũng cảm nhưng ông chủ tịch lại chuyên bàn lùi. Lúc đó, người duyệt ở Hà Nội người viết ở Vĩnh Linh, nên giữa người viết và người thông qua nó không khớp nhau về nhận thức. Hay Bạch Đằng Liễu lúc đó phê phán mấy cậu chủ tịch xã và chống lại tham nhũng, cửa quyền, cũng bị phê phán lắm. hay Bệnh Sĩ – người mình cứ tự phỉnh nịnh, phù phiếm, cho mình là lương tâm nhân loại mà không thấy mặt yếu, mặt dở của mình – thì vở diễn đã đặt ra những vấn đề khiến người ta phải suy nghĩ.
P.V: Ông có cho rằng những vở kịch nói lên những mặt trái của xã hội, thì nó lại thu hút được khán giả và tạo được tiếng vang không? 
Gọi là mặt trái thì không đúng, vì thường các vở mà mâu thuẫn của nó là đấu tranh với những tiêu cực trong xã hội thì luôn là cái tiến bộ nó đấu tranh với cái lạc hậu. Cho nên trong những vở ấy đều có mặt tiến bộ và lạc hậu chứ không thuần túy, vì đấu một người tham nhũng, cửa quyền thì phải là một anh trong sạch, thanh liêm. Nhưng lúc đó ở mình vẫn có tư tưởng lương tâm nhân loại, cái gì cũng tốt, nói cái gì tiêu cực thì người ta cho là định kiến. Cho nên nó cũng gặp cái khó.
 Sân khấu kịch từng tỏa ánh hào quang huy hoàng nhưng gần ba mươi năm nay, sân khấu kịch không còn thấy bóng dáng những vở kịch có tiếng vang như trước. Các vở diễn cũng ít xuất hiện, thỉnh thoảng mới thấy có một, hai vở hút khách của sân khấu kịch Lan Anh.
  Sân khấu hiện nay đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nó khủng hoảng cũng từ sau Hội diễn năm 1985 ấy. Vì lúc đó bắt đầu đổi mới cơ chế kinh tế. Bước sang một cơ chế quản lí kinh tế mới mà giới VHNT gần như không được chuẩn bị về cơ chế, hoạt động. Phải nói Nhà nước đề ra xã hội hóa văn học nghệ thuật nhưng không có những biện pháp đi kèm với nó. Cái lúng túng ấy cho đến hôm nay.
 Đứng trước thực tế đó, miền Nam vốn là cơ chế thị trường nên thích ứng nhanh hơn, còn miền Bắc vốn quen với bao cấp đâm lúng túng. Chính vì chỗ đó đối với người làm sân khấu miền Nam năng động hơn miền Bắc. Còn đối với người xem, sau một cuộc chiến tranh 30 năm người ta mệt mỏi rồi nên thiên về giải trí tiêu khiển. Nhìn chung, cả kịch nói lẫn sân khấu dân tộc ở hai miền Nam- Bắc đều khó khăn như nhau. Sân khấu Sài Gòn năng nổ, đông khách, sầm uất hơn nhưng vẫn thiên về giải trí, khôi hài, đồng tính, thỉnh thoảng mới có đôi ba tiết mục phản ánh xã hội một cách sâu sắc. Dù là miền Nam gọi là sầm uất hay thưa thớt vắng vẻ ở miền Bắc thì cả hai bên đứng về mặt nghệ thuật mà nói đều coi là nền sân khấu đang òi ọp.  
Vâng, bên cạnh chuyển đổi cơ chế kinh tế, còn có sự mở cửa và giao lưu với quốc tế, khiến nhiều dòng văn hóa và trào lưu nghệ thuật đổ ào vào nước ta và làm suy yếu đời sống nghệ thuật truyền thống dân tộc. Quan điểm của ông về vai trò sân khấu kịch nước ta như thế nào? 
Lẽ ra, trong những bước chuyển đổi của xã hội thì sân khấu phải là ngành có sức mạnh nhất. Bởi bản chất thẩm mĩ của sân khấu là xung đột và mâu thuẫn, chính thông qua những xung đột mâu thuẫn xã hội nó phản ánh tình hình xã hội một cách sâu sắc nhất. Trong khi xã hội ta lúc này ngổn ngang bao nhiêu chuyện, đang dữ dội, mất thăng bằng giữa đời sống kinh tế và đời sống văn hóa nhưng sân khấu gần như không liên quan. Toàn nói những chuyện ở đâu đâu. Đến lúc này sân khấu vẫn là cầm hơi thôi chứ so với những thể loại như nhạc nhẹ, hay Bước nhảy hoàn vũ(chương trình truyền hình),… thì nó không gây được sóng gió. Nhưng nếu nền nghệ thuật của nước toàn những bài ca yêu thích, hay Vietnam’s got talent, thì đâu gọi là một nền nghệ thuật có chất lượng được. Nó chỉ là một thứ giải trí cho vui. 
Hiện nay, từ sân khấu truyền thống: Tuồng, chèo, cải lương tồn tại hàng trăm năm nay đến sân khấu kịch xuất hiện trong gần một trăm năm nay đều thoi thóp, èo uột. Ông có sự cảnh báo hay lạc quan nào ở hiện tượng này không thưa ông? 
  Nghệ thuật truyền thống khó khăn và khủng hoảng hiện giờ là điều tất nhiên. Gọi là truyền thống tức là nó có một vai trò lịch sử nhất định. Còn xã hội thay đổi và biến chuyển mà nghệ thuật truyền thống đó không có sự thay đổi về nội dung hoặc hình thức, không có sự cải biến mới thì làm sao hấp dẫn được người xem. Đồ cổ mua để dùng thì khó lắm. Nghệ thuật truyền thống muốn được yêu thích thì phải tự hiện đại hóa lên. Hiện nay có hai dòng suy nghĩ: bảo thủ - ôm cổ truyền không nghĩ đến đòi hỏi của người xem, ngược lại người muốn làm cái mới lại không nghiên cứu kỹ cái cổ truyền thành phá phách.
 Vậy làm thế nào để duy trì nghệ thuật truyền thống trong thời đại mở cửa văn hóa, kinh tế như hiện nay, thưa ông? 
Làm thế nào là một sự thử thách một cuộc thí nghiệm. Các viện nghiên cứu khi đưa ra một sản phẩm, họ phải qua bao nhiêu thí nghiệm, tốn nhiều tiền bạc và thời gian cho cuộc thí nghiệm. Sân khấu cũng vậy, không mạnh dạn với những thí nghiệm thì làm sao thay đổi được. Như tôi đây, khi mới bắt đầu hút thuốc lá cũng phải tập mới nghiện được. Huống chi nghệ thuật là tinh thần, để chuyển đổi tinh thần thì phải có thời gian và có sự biến chuyển. Bắt được cái gu thẩm mĩ và cho người ta quen dần với nó là việc làm cần sự nhất quán, kiên định và có tầm. Nhưng nước ta dở thế này: nếu ông khen dân tộc, khen quá thì không sao, nếu chê đúng thì người ta bảo chuộng ngoại, coi thường truyền thống. Tức là tự do tư tưởng trong nghệ thuật cũng như trong chính trị đều thiếu. Không có tự do thì không thể có chân lí được. 
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông mạnh khỏe!

2 nhận xét: