Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Tranh Ấn Độ- sự quan tâm mới của các bảo tàng và nhà sưu tập

Hội họa thuộc thời trung cổ đến khai sáng thời Mughals, còn gọi là cổ điển đang trở thành mối quan mới của các bảo tàng và nhà sưu tập khắp nơi trên thế giới. Một khi đã ngắm nhìn thì bạn sẽ ngắm lại lần nữa. Tính kịch trong từng họa tiết của tranh Ấn Độ có sức thu hút không cưỡng được. Theo cách tính của các học giả hiện nay thì dòng tranh cực kỳ phong phú này có niên đại phổ rất rộng, từ thế kỷ 12 đến 19. Đối với thế giới nghệ thuật, tranh Ấn độ nổi tiếng và đặc trưng là tranh tiểu cảnh được tẩm màu và đá quý. Đây được xem là những bức tranh phong nhã tràn đầy tư tưởng tôn giáo và cảm xúc văn chương, gắn liền với đế chế Mughal hùng mạnh (1560 - 1858). Gần đây, nhiều cuộc triển lãm có tính đột phá được tổ chức tại nhiều bảo tàng, gallery thậm chí với nhiều bộ sưu tập đặc sắc không chỉ được triển làm mà còn biến thành những cuộc đấu giá li kỳ. Tuy nhiên bao giờ tranh thời tiền và hậu Mughals được chú ý hơn cả. Người xem luôn thấy được lịch sử phức hợp của những tín ngưỡng tôn giáo, địa lý, sắc tộc và con người xuất hiện trong các trường phái và thời đại đa dạng trong hội họa Ấn Độ, được thể hiện một cách hài hòa, tinh tế. Những dòng tranh về đạo Phật và các nhà tu hành Jain, những sắc màu nóng của vương quốc Rajput, kỹ họa của các họa sĩ về những cung điện, vương triều Hồi giáo, dòng họ Medici (là một trong những gia đình quyền lực nhất châu Âu từ thế kỷ 15 đến 17) cũng như niềm khao khát nghệ thuật của những vị vua Mughal; những bản khắc Châu Âu và bản in thời kỳ Phục Hưng được cất giấu trong túi xách của các nhà truyền giáo Dòng tên; những bức họa chân dung theo lối của người Anh và Hà Lan (xuất hiện ở miền Đông Ấn), tất cả đều lưu lại những ảnh hưởng đối với những họa sĩ nơi đây. Năm ngoái, tại bảo tàng nghệ thuật metropolitan, cuộc triển lãm khẳng định đẳng cấp ngay từ cái tên: “Kỳ quan của thời đại: Những họa phẩm bậc thầy của Ấn Độ giai đoạn 1100- 1900”, đã diễn ra rầm rộ. Triển lãm là cuộc trưng bày những tác phẩm của 40 họa sĩ lớn của Ấn Độ. Điều đáng chú ý họ chỉ là những họa sĩ cặm cụi và ẩn danh trong nước nhưng được các nhà bảo trợ đánh giá rất cao. Cuốn sách giới thiệu triển lãm đã viết rằng họa sĩ bậc thầy, Abu’l Hasan, một họa sĩ chuyên vẽ cung điện của Mughal, đã kín đáo kí vào bức tranh tả quang cảnh đám đông vui vẻ dùng xẻng xúc phân voi của ông. Còn cuộc triển lãm Met diễn ra ở bảo tàng Rietberg ở Zurich đã làm thay đổi định kiến về tranh và hội họa Ấn Độ thế kỷ 18-19 – một dòng tranh mà trước đây các nhà sưu tập đã lảng tránh không ưa. Thành công của triển lãm được ghi nhận đã tạo nên một mặt bằng nhận thức hiểu biết mới về hội họa và tranh của Ấn Độ giai đoạn này. Trường phái hội họa Pahari hay Hill đã phát triển ở dải Himalayan miền Bắc Ấn khi quyền lực trung tâm của Mughal suy yếu. Bên cạnh đó là sự lớn mạnh của trường phái Raj (Anh) và Nhóm hội họa Đông Ấn chuyên vẽ chân dung và phong cảnh kiểu phương Tây. Những trường phái này phát triển và thành dòng chủ lưu trong suốt hai thế kỷ 18 và 19 tại Ấn. Giai đoạn chuyển tiếp này đã được khai thác sâu hơn trong cuộc triển lãm đình đám “Những ông hoàng và họa sĩ ở Mughal Delhi, 1707-1857” kéo dài từ ngày 6 tháng 5 năm ngoái tại Bảo tàng Xã hội Châu Á tại New York. Điều thú vị là bộ sưu tập được thu thập qua nhiều thập kỷ này là của một tay buôn chuyên nghiệp của vùng này.
Ngày nay, các nhà trưng bày và bán đấu giá cho rằng không chỉ các nhà sưu tập tranh Ấn Độ hiện đại và đương đại đang gia tăng mà cả nhà sưu tập tranh Ấn thời kỳ sớm hơn. Đặc biệt nhiều nhà sưu tầm Ấn Độ đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa hiện đại như Tyed Mehta hay M.F. Hunsain và nay họ đang tìm kiếm những bức họa thời kỳ trước đó cho những bộ sưu tập của mình. “Đôi mắt của những nhà sưu tập giờ đang nhìn ngược lại phía sau” – Sandhya Jain Patel, một chuyên gia nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á của Christie (một công ty chuyên bán đấu giá nghệ thuật quốc tế) tại New York nói. “Cho tới gần đây, lĩnh vực triển lãm, mua bán tranh tưởng như đã hấp hối cùng với sự lão hóa của các nhà sưu tập tư nhân.” – Brendan Lynch, chuyên gia nghệ thuật Ấn Độ, Hồi giáo của Tuần châu Á – New York nói - “Bỗng nhiên, trong hai ba năm trở lại đây lại sống dậy cùng sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập trẻ ” “Nó đã luôn là thị trường hẹp nhưng giờ nó sẽ mở rộng hơn” – Francesca Galloway, một người chuyên mua bán tranh Ấn Độ từ những năm 70 của thế kỷ trước cho rằng – “Chúng tôi đang thấy sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập châu Âu, Ấn Độ, châu Á mới. Và tất nhiên là cả những bảo tàng và nhà sưu tập Mỹ, những người này luôn luôn rất nghiêm túc”. Một khi đã tiếp xúc với sự huyền diệu sống động của tranh Ấn Độ, người ta có thể dễ dàng hiểu vì sao nó lại cuốn hút đến thế. Sự cuốn hút này thường khởi đầu bởi vẻ đẹp của sắc màu hoặc những chủ thể, nhân vật đầy mê hoặc – một con voi rong chơi hay một maharana (vị vua) lẫm liệt phục trang đặc biệt từ đầu đến chân, cưỡi ngựa, đang săn đuổi một con lợn rừng. Khung cảnh và tính lịch sử đã tăng thêm phần sâu sắc và quyến rũ cho những bức tranh này. Càng tìm hiểu, càng thấy cuốn hút. Những điều kì lạ về dòng tranh này khiến những người buôn tranh và chuyên bán đấu giá không mong muốn người mua của họ hiểu biết nhiều về Krishna (Vị thần biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc) hay những bài thơ tình bằng tiếng Phạn. “Lĩnh vực này thực quá đặc biệt, nó chứa đựng rất nhiều câu hỏi phức tạp” – Lynch nói. Ananda Kentish Coomaraswamy, là một trong số các nhà sưu tập châu Âu đầu tiên đã mua tranh Ấn bằng tình yêu trong sáng chứ không phải bị ảnh hưởng bởi trường phái hội họa hay tôn giáo. Ông đã thu thập được một bộ tranh tiểu họa Ấn Độ quan trọng. Sau này ông đã tặng bộ tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật Boston khi không có có tổ chức nào ở Ấn Độ muốn sở hữu nó. Coomaraswamy (mất năm 1947) được coi là một nhà sưu tập tiểu cảnh Ấn Độ đầu tiên, cùng với Edwin Binney, nhà sáng lập màu sáp Crayola, cũng là người đã hiến tặng những bức tranh tiểu cảnh Ấn Độ cho bảo tang San Diego. Gần đây hơn, vào mùa thu năm 2010, hãng Galloway đã bán bộ sưu tập tranh Ấn tuyệt đẹp của nhà làm phim James Ivory. James đã thu thập bộ tranh này trong suốt thời gian quay phim tại Ấn Độ. Nhà làm phim lừng danh, người California của hãng Merchant Ivory này đã mê tranh Ấn ngay từ lần đầu tiên ông nhìn thấy. Lần ấy, ông tới thăm Raymond Lewis người buôn tranh nổi tiếng ở San Francisco để mua một bản khắc Canaletto. Đúng khi Lewis mang tranh Ấn cho người mua xem, James đi qua và liếc mắt nhìn, lập tức ông đặt vấn đề và mua nó. Ivory thừa nhận rằng” “Hôm đó là tháng 10 năm 1959, tôi đã ngay lập tức đặt vé đi New Delhi để tới vương quốc nghệ thuật Ấn Độ ở Connaught và bắt đầu mua tranh tiểu cảnh”. Bộ phim tài liệu Lưỡi gươm và Cây sáo (The Sword and the Flute) của ông sau này đã thể hiện tình yêu văn hóa Ấn Độ cũng như sự cuốn hút ngược lại của nghệ thuật hội họa tiểu cảnh Ấn Độ đối với nhà làm phim tài ba này. Một người bạn lớn của Ivoy, ông Stuart Cary Welch (mất năm 2008), cũng là một tay sưu tập tranh Ấn cự phách. Welch là một chuyên gia tự học huyền thoại. Ông từng là trưởng phòng nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo tại các bảo tàng Nghệ thuật Harvad và Metropolitan. Bộ sưu tập mở rộng của Welch về nghệ thuật Ấn và Đạo hồi đã được hãng Sotheby (hãng bán đấu giá tác nghệ thuật quốc tế) bán tại London vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái, thu được 29.3 triệu bảng Anh, một con số tăng vọt so với dự toán ban đầu Tháng 3 năm 2008, hãng Christie đã lập kỉ lục bán đấu giá cho bức tranh “Dàn nhạc chơi trong Raga cho Balwant Dev Singh trong suốt mùa mưa” (1745 -50), dát vàng của họa sĩ Nainsukh theo trường phái Pahari, thu về 2,25 triệu đô Mỹ so với 150.000 đô la Mỹ theo dự đoán ban đầu. Bộ sưu tập của những nhà sưu tập tranh Ấn Độ sắc sảo nhất không thể đem bán nhưng nó có thể được triển lãm vào mùa xuân này tại bảo tàng nghệ thuật và khảo cổ Ashmolean của Anh tại Oxford. Vào ngày 22 tháng 4 tới đây, những “Hình ảnh về Mughal Ấn Độ”: Bộ sưu tập của ngài Howard Hodgkin, gồm 115 bức tranh và bản vẽ do người nghệ sĩ đương đại này thu tập trong suốt cuộc đời ông. Bộ sưu tập mang tính cá nhân cao này cũng là một ví dụ về sự đa dạng của các trường phái hội họa từ Mughal, Deccani, Sultanate tới Pahari, cũng như phản chiếu sự yêu mến của ông này đối với những chú voi. Trở lại New York, một khu mua sắm nhỏ có thể được thực hiện tại sự kiện Tuần Châu Á. Tại đó có thể có một bức họa nào đó sẽ gây chấn động như bức tranh ở cuộc đấu giá Ashmolean. Brendan Lynch sẽ mang tới Người đàn bà hát(khoảng năm 1760) – bức họa chân dung nữ danh ca bằng màu nước trên chất liệu giấy vàng của họa sĩ lừng danh thời Mughal, Manohar, vẽ tại Kishangarh. Học giả tranh Ấn Độ J.P Losty cho rằng vị vua của Kishangarh đã bị mê hoặc bởi người phụ nữ này và đã mua lại bức chân dung về cô này sau 30 năm so với bức vẽ cô trước đó trong bộ sưu tập của Hodgkin. Những bức họa chân dung trước đó của danh ca này sẽ được bán trong suốt tuần châu Á. Galloway cũng mang tới một bức họa hiếm hoi thời kỳ đầu của Rajput Bhagavata Purana, 1520–30, bằng màu nước và dát vàng. Đó là sự điên rồ của tháng Ba đối với những nhà sưu tập tranh Ấn Độ. “Một khi mà bạn bắt đầu, bạn thực sự không thể dừng lại” – Patel nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét