Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

TRỊNH TUÂN "THÀNH CÔNG THÌ ÍT, THẤT BẠI THÌ NHIỀU"

Với những bức tranh sơn mài mang tinh thần của Gustav Klimt cùng những chi tiết trang trí lấp lánh, ngôn ngữ tạo hình mạch lạc, đơn giản hiện đại, họa sĩ Trịnh Tuân đã thổi một luồng sinh khí mới cho tranh sơn mài truyền thống Việt Nam. Trong triển lãm “Giấc mơ Hà Nội”(năm 2007), Trịnh Tuân đã gây sự chú ý đặc biệt tới giới phê bình nghệ thuật cũng như khán giả với 11tác phẩm vẽ về Hà Nội. Hoạ sỹ Lê Ngọc Hân đã thốt lên rằng: “Lâu lắm rồi mới được xem một seri tranh đặc biệt về Hà Nội. Tranh của Trịnh Tuân có thể nhắc đến như một thế hệ sau của Bùi Xuân Phái vẽ về Hà Nội”. Người họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội này tự nhận mình chỉ là một người cần mẫn làm việc, và trong quá trình cặm cụi ấy nẩy ra những phát kiến, những ứng dụng hiệu quả để biểu hiện cảm xúc nghệ thuật trên chất liệu khuôn mẫu như sơn mài.
Xưởng vẽ sơn mài ở 17 Lý Quốc Sư, Hà Nội của ông cùng vợ - họa sĩ Công Kim Hoa, hiện là nơi sáng tác và cũng là nơi hai vợ chồng ông truyền những kinh nghiệm và kỹ thuật cho những họa sĩ trẻ trong và ngoài nước yêu thích sơn mài.
Cho tới nay, hoạ sĩ Trịnh Tuân đã triển lãm tranh tại nhiều quốc gia khắp các châu lục: Nhật Bản Trung Quốc, Đức, Singaore, Đan Mạch, Pháp, Ác-hen-ti-na, Úc, Thái Lan, Is-ra-el, Ý, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ,…
Đôi năm một triển lãm quốc tế, nhưng Trịnh Tuân vẫn cho rằng, với ông, vẽ sơn mài, thành công thì ít mà thất bại thì nhiều.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa T.N và họa sĩ Nguyễn Tuân về sự sáng tác cũng như tác phẩm và tình yêu quê hương của anh!

Hồi học ở trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (Việt Nam, năm 1979), ông đã học chuyên ngành gì vậy?
Tôi học chuyên ngành tạo dáng công nghiệp (cười rất tươi- PV). Thực sự trước khi thi vào trường tôi cũng không biết nhiều về tạo dáng công nghiệp. Từ nhỏ tôi ham mê vẽ, hội họa mới là niềm đam mê của tôi. Đến năm 1997, tôi đã tham gia học khóa đào tạo thạc sĩ đầu tiên của trường Đại học Mỹ thuật chuyên ngành Hội hoạ.
Vì sao ông lại chọn sơn mài? và lại dùng kỹ thuật tạo hình để sáng tác những mảng khối trong tranh của mình?
Tôi học chuyên ngành thiết kế - design, nhưng vẫn say mê vẽ. Ban đầu tôi cũng sáng tác trên nhiều loại chất liệu khác nhau như sơn dầu, khắc gỗ,… nhưng sau một thời gian dài, từ năm 1995 tôi bắt đầu tập trung vào sơn mài vì nhận thấy đây là vật liệu hấp dẫn tôi nhất. Càng đi sâu vào sơn mài thì tôi thấy mình không thể thoát ra khỏi nó được nữa. Và tôi cũng vẫn gắn bó với ngành tạo dáng công nghiệp (giảng dạy thiết kế tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp), chính loại hình này đã giúp tôi có được những khác biệt trong ngôn ngữ tạo hình.
Xem những bức tranh sơn mài của ông, người ta cảm nhận thấy tinh thần của danh hoạ Gustav Klimt, màu sắc và hình khối rất Tây (hiện đại). Ông có cho là như vậy?
Chính xác. Sơn mài là chất liệu truyền thống, rất Á Đông. Những cái mà bạn gọi Tây đấy chính là phong cách, ngôn ngữ của design mà tôi đã đưa vào trong những tác phẩm của tôi. Đặc biệt, tôi có nhiều đồng cảm với Gustav Klimt. Tranh của Klimt có không gian và tinh thần của hoà sắc sơn mài truyền thống Việt Nam. Có thể tinh thần của Klimt ngấm dần vào tranh của tôi.
Ông có thể nói rõ hơn về sự cảm nhận không gian sơn mài trong tranh sơn dầu của Klimt không?
Tranh của Klimt sử dụng rất nhiều chi tiết décor – trang trí. Chính vì điều này tôi nhận thấy có sự gần gũi với nghệ thuật Phương Đông và đặc biệt với những tác phẩm sơn mài. Trong cảm nhận của tôi, hoà sắc trong tranh của Klimt rất gần với hoà sắc và bảng màu của tranh sơn mài, màu vàng của Klimt tôi có cảm giác nó như màu vàng lá, hay những màu đỏ nó gợi nhiều đến màu đỏ của son trai. Thêm nữa cách tạo màu trong sơn mài là kết quả của sự kết hợp của nhiều lớp nhiều màu, tranh của Klimt cũng có điểm đó.
Trong các bức tranh của ông mà tôi thấy gần đây trên galery Thaivibu.com, như pain, maturity, mature love, satification,… có những nét ánh sáng khi thì dày đặc, khi nằm ngang, khi uốn lượn,… sự trùng lặp về mô tuýp này chứa đựng ẩn ý gì thưa ông?
Mô tuyp mà bạn nói đến đó là sự giao thoa của ánh sáng. Là sự va đập chứ không phải một thứ ánh sáng của thời gian sáng hay chiều cụ thể. Nó cũng là một ngôn ngữ để biểu tải cảm xúc, tâm trạng, sự vận động tinh thần của nhân vật trong tranh.
Mô túyp đó xuất hiện ở trong tranh của tôi ở giai đoạn cuối năm 2007 đến đầu 2009. Giai đoạn trước hay sau đó tôi lại tìm những mô túyp khác cũng như hướng sáng tạo khác. Tôi làm việc theo kế hoạch, tự đặt cho mình trong hai hoặc ba năm sẽ phải có sự thay đổi trong sáng tác. Điều này nhiều khi cũng không dễ dàng gì. Từ năm nay (2010) tôi lại đang thử nghiệm pop - art trên chất liệu sơn mài.
Sơn mài vốn không dễ pha trộn hay biến đổi trong kỹ thuật và màu sắc mài sơn. Có khi nào ông thấy bất lực không điều khiển được vật liệu này trong sáng tác?
Đối với tôi vẽ sơn mài thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Đôi khi cũng rất mệt mỏi. Nếu như vẽ sơn dầu, mỗi lúc bạn có thể thấy được sự tiến triển thì sơn mài chỉ mới biết được kết quả khi bức tranh đã hoàn thành. Và nhiều lúc kết quả lại không được như mong đợi. Bạn biết đấy, vẽ một bức tranh sơn mài phải hai- ba tháng mới xong nên cái khó là bạn luôn phải duy trì cảm xúc đó trong một thời gian dài và đôi khi cảm xúc đó còn bị kỹ thuật của chất liệu chi phối.
Trong các triển lãm của mình, triển lãm nào anh cảm thấy thích thú nhất?
Cách đây 4 năm (2007), tôi đã bày một seria tranh phố (Hà Nội) gồm 11 bức trong triển lãm Giấc mơ Hà Nội cùng với hai họa sĩ đến từ Malaysia và Philippines. Những bức tranh vẽ về Hà Nội này là những bức tranh được lựa trọn trong nhiều bức mà tôi đã làm trong vòng ba năm. Hiện nay tôi vẫn còn giữ chúng. Những bức tranh tôi vẽ đó là những gì tôi hiểu nhất, tường tận nhất với tình cảm yêu thương. Đó cũng là một Hà Nội khác biệt, dẫu ẩn dụ nhưng đó là Hà Nội chứ không phải ở đâu khác.
Đối với anh, Hà Nội đẹp như thế nào?
Tôi thích nhất HN trong kí ức tuổi thơ rất yên bình với những con phố cho dù lúc đó là thời chiến tranh. Tôi và lũ bạn thường chơi trên những mỏm chênh vênh của cầu Long Biên sau mỗi trận bom oach tạc để vui đùa. Cầu Long Biên trong kí ức của tôi thực sự sâu sắc. Cho đến bây giờ, cây cầu vẫn thế - chỉ dành cho xe đạp và xe máy. Thỉnh thoảng
tôi vẫn cùng bạn bè đi bộ trên cầu hay đi xuống bãi Giữa sông Hồng chơi, chụp ảnh và đôi khi chỉ để ngẫm nghĩ một điều gì đó buâng quơ...
Vậy còn hiện tại thì sao?
Tôi thực sự buồn khi ngày ngày chứng kiến Hà Nội thay đổi xấu đi. Hà Nội bây giờ không có mấy thời khắc yên ả để ta thấy thanh thản. Phong cách sống của người Hà Nội cũng đã thay đổi nhiều. Hà Nội cần phải được thay đổi và có lẽ cần cả đến những biện pháp hành chính cứng rắn hơn để có một Hà Nội - như xưa.
Xin cảm ơn anh và chúc anh thêm nhiều thành công mới!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét