Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

CHÁY NHÀ, SẬP THANG MÁY... NGƯỜI DÂN CHỊU



“Thị trường bất động sản bị thống trị bởi những người nếu đã có một nhà rồi thì họ có thể có mười nhà. Người không có nhà thì chưa biết đến bao giờ mới có thể sở hữu được một ngôi nhà cho dù có cố "an cư" để "lạc nghiệp". Chính sách nhà ở chúng ta đang thực hiện là phục vụ cho 5% dân số mà bỏ qua 95% dân số còn lại. Cái gốc chính sách xã hội nhà ở của chúng ta đang có vấn đề, nó chỉ tiếp tục làm giàu lên những người đang có nhà, và tiếp tục làm nghèo đi những người không có nhà...- Đó là những lời mở đầu của GS.TSKH Nguyễn Trường Tiến, một trong những nhà thầu hàng đầu Việt Nam trong cuộc Đối thoại với Trần Nga về chất lượng những chung cư cao tầng, những quyền lợi và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với những công trình chung cư nhà ở hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Tiến là tiến sĩ khoa học chuyên ngành Địa kỹ thuật tại Thụy Điển, viện sĩ Viện hàn lâm kỹ thuật công nghệ ASEAN,...Hiện ông là phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Hà Nội- một nhà thầu lâu năm và hàng đầu ở Việt nam; phó chủ tịch Hội nhà thầu Việt Nam.


Thưa ông, dư luận xã hội gần đây phản ánh chất lượng nhà ở chung cư thấp, tình trạng an toàn đáng báo động!
Họ ca thán là đúng. Nếu như ở nước khác, chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ lúc thiết kế, thi công, hoàn công, trong quá trình người ở sử dụng ...họ phải gắn bó 50 năm hay thậm chí đến hết tuổi thọ công trình. Họ phải duy trì sức sống, bảo dưỡng cho nó, chịu trách đến cùng. Một nguyên tắc cơ bản của nghề xây dựng là xây xong một ngôi nhà thì đó là một đứa bé ra đời. Sau đó vẫn phải cho nó ăn uống. Chi phí cho một công trình xây dựng nhà ở như thế hết mười phần thì hiện nay chỉ tính đến khi hoàn công- một phần và chia nhau hết ngay lợi nhuận cũng như một phần đó. Chín phần còn lại để bảo dưỡng ngôi nhà đó rơi vào người sử dụng. Họ là chủ vĩnh viễn và phải chịu tất cả chi phí. Đương nhiên họ đang làm chủ một tài sản mà họ không được làm chủ từ đầu, họ không hiểu gì, biết gì về tài sản mà họ đang sở hữu, họ khhông biết nó được xây dựng như thế nào, thiết kế điện nước ra sao,... họ không được tham gia vào quá trình thiết kế, giám sát ... họ bị gán ghép vào và phải ở cái nhà đó. Đó là một việc không tường minh, không chuyên nghiệp,...
Thị trường nhà ở Việt Nam hiện có nhiều phân khúc, nhà đầu tư có toàn quyền về giá xây, giá nhà, bán cho ai, sử dụng toà nhà đó như thế nào,...theo ông thì đây là do chính sách hay họ tự quyền?
Do chính sách, do thiếu chuyên nghiệp, do đạo đức con người. Hiện nay chúng ta ai cũng đi làm dự án nhà đất, ai cũng đi làm đầu tư bất động sản; ai cũng đi làm xây dựng,... Kỹ sư mới ra trường cũng làm được chủ dự án.Thế thì chết rồi. Người ta không cho một ông bác sĩ mới ra trường cầm dao mổ tim nhưng sẵn sàng cho một kỹ sư mới ra trường làm chủ dự án xây dựng. ít ra anh ta phải đạt một mức kinh nghiệm, mức hiểu biết luật pháp, mức hiểu biết văn hoá kỹ thuật,... nhất định, phải tuyên thệ đạo đức nghề nghiệp,... Chúng ta muốn một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn thì chúng ta phải có những con người làm ngôi nhà ấy đạt tiêu chuẩn. Nếu chúng ta không tiêu chuẩn hoá được con người thì không bao giờ chúng ta có được một sản phẩm đạt tiêu chuẩn hay một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn. Điều bất cập là chúng ta có có quy định tiêu chuẩn cho tất cả các sản phẩm nhưng lại không có tiêu chuẩn con người. Nên cả nước đi buôn, đi làm nhà thầu, đi đầu tư bất động sản.... cuối cùng cái nhà đó cháy, thang máy sập, ...thì ai là người chịu hậu quả? Chính là người dân phải chịu.
Vâng, đúng vậy thưa ông. Sự cố cháy tòa nhà 18 tầng đường Lê Văn Lương gây chết người là hồi chuông báo động về chất lượng, an toàn cũng như sinh hoạt trong những tòa nhà chung cư cao tầng. Và hiện nay, cũng chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị phán xét trách nhiệm cho sự việc ấy. Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm thì chính ban nghiệm thu tòa nhà ấy phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng của tòa nhà đó. Ông bình luận như thế nào về nhận định này?
Chắc chắn họ còn đổ lỗi cho nhau nhiều lắm. Toà nhà đó do một công ty cổ phần thuộc tổng chúng tôi thực hiện. Chúng tôi phải thành lập một ban kiểm tra đánh giá lại từ đầu: kỹ thuật, an toàn lao động, tổ chức,... Tuy nhiên sự việc không còn nằm trong việc nội bộ, không phải chỉ kiểm điểm sai sót nữa mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi. Bên công an đã thụ lý hồ sơ, có thể xử lý thành một vụ án. Họ đang trưng dụng những chuyên gia của ngành xây dựng, chúng tôi cũng đang chờ những kết quả điều tra.
Hậu quả như thế là tất yếu khi những người thực hiện nó không chuyên nghiệp. Tôi không đồng ý với nhận định của ông Liêm. Nói gì thì nói chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm. Tại sao chủ đầu tư lại thuê người thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, hay nghiệm thu ấy? Bởi cơ chế ở ta như thế này, người đi nghiệm thu cuối cùng ấy có thể là người của sở xây dựng, phòng cháy chữa cháy, thương binh xã hội,... nhưng họ chỉ là những người làm quản lí nhà nước, chưa chắc họ đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể đánh giá được chất lượng công trình,...
Xin phép được ngắt lời ông, nhưng tại sao tình trạng những người không có kiến thức và trình độ về công trình xây dựng lại đảm nhiệm chức năng nghiệm thu những công trình cần đảm bảo an sinh, tôi thực sự không hiểu?
Bởi vì chúng ta không có tiêu chuẩn ai đủ trình độ giám sát, nghiệm thu công trình. Ai cũng có thể nghiệm thu, giám sát khi họ ngồi vào vị trí ấy. Có nhiều người không đủ năng lực, kiến thức để làm công việc ấy nhưng họ vẫn được ngồi, được làm những việc ấy thì hậu quả người dân phải chịu. Đương nhiên người dân ở đấy không có kiến thức về xây dựng, thi công công trình hay kinh nghiệm về nhà ở rồi.
Vâng như vậy thì nghiệm thu công trình ở ta cũng chỉ mang tính hình thức.
Chỉ trừ những trường hợp công trình nhà ở của Nhà nước thì có ban nghiệm thu trung gian hơn. Còn yếu là hình thức. Người đi chấm công trình phải là những ông thầy giỏi. Ngay cả khi họ là những người giỏi nhưng ông thầy giáo nghèo đi chấm học trò con nhà giàu, con ông cháu cha thì kiểu gì nó cũng đỗ.
Quản lý nhà chung cư, điều lệ nhà chung cư đã được Bộ xây dựng ban hành, nhưng những khu chung cư hiện nay còn rất lộn xộn. Người sử dụng mang những thói quen sống như ngồi bán hàng vỉa hè, quạt bếp than tổ ông,... ở những khu chung cư,... chủ đầu tư tự đặt nội quy, điều lệ, lệ phí dịch vụ tầng hầm, vệ sinh,... đối với những hộ dân sinh sống ở đây. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Chúng tôi đã vấp phải nhiều vấn đề sau khi giao nhà cho người dân sở hữu, sử dụng. Xưa, chúng ta có xí nghiệp quản lí nhà của nhà nước thì bây giờ nếu tư nhân xây nhà thì cũng phải có một tổ chức pháp định có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà ấy. Có một vốn pháp định thu từ lợi nhuận bán nhà, cộng với đóng góp của người dân để bảo hành, bảo vệ, điều chỉnh toà nhà ấy,... Còn hiện nay, chủ đầu tư xây nhà và giao nhà xong là hết trách nhiệm. Chúng ta phải thay đổi, phải coi tòa nhà là cơ thể sống để thay đổi cách tính toán, dự toán giá thành gắn với tuổi đời nhà ở.
Vấn đề là sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư, hay không có cơ chế chính sách rõ ràng, nên vấn đề này còn đang bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm, chủ đầu tư không lo đến việc bảo dưỡng, tuổi thọ công trình cũng có trách nhiệm trong quá trình vận hành sinh hoạt của tòa nhà ấy thì cũng chẳng sao cả?
Vấn đề là chính sách không rõ ràng nên chủ đầu tư không làm cũng chẳng sao. Nhiều điều luật, nghị định hay thông tư, điều lệ của chúng ta rất duy ý chí. Nó không được xây dựng lên từ chính những người được sống, được xây dựng nhà chung cư mà nó được tạo ra bởi những người có lẽ không bao giờ phải mua nhà chung cư, hay ở nhà chung cư.
Với tư cách là chủ đầu tư, nhà thầu, ông suy nghĩ như thế nào về nhận định, "Nhà cho người thu nhập thấp ở Việt nam 150 triệu/căn là hợp lý"? Ông có thể xây dựng và bán được những ngôi nhà với giá như vậy không? Điều kiện của ông là gì?
Nếu hai vợ chồng cán bộ bình thường làm công ăn lương, 4-5 triệu/tháng thì tiết kiệm lắm mỗi tháng họ để dành được 2 triệu/tháng. Vậy bao nhiêu năm thì họ có được 150 triệu và trong thời gian đó họ ở như thế nào?. Vấn đề là làm thế nào để tích luỹ được số tiền như thế; họ phải có bao nhiêu tiền, bao nhiêu tiền họ phải vay, họ được trả trong bao lâu khoản vay đó để mua được ngôi nhà đó. ở nhiều nước trên thế giới, nếu ngôi nhà đó 150 tiệu thì họ chỉ bỏ ra nhiều lắm 30 triệu, còn lại 120 triệu họ sẽ phải trả trong 20 năm. Như thế 20 năm ấy không phải là 120 triệu nữa mà phải là 200 - 250 triệu...
Nếu được là chủ đầu tư, chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó. Chỉ cần chúng ta xuất phát từ quyền lợi ở của người dân. Nhà nước có cơ chế ưu đãi thuế, đất cho chủ đầu tư, có cơ chế ưu đãi cho người mua nhà được vay vốn.Tôi rất tiếc cho đến nay chưa có một chương trình quốc gia ưu tiên triển khai về nhà ở. Trong đấy có những thiết kế, có những thiết bị kỹ thuật xây dựng nhà ở chuẩn cũng như những chính sách xã hội về nhà ở cho người dân. Lợi nhuận của những nhà đầu tư xây dựng nhà ở Việt Nam lớn hơn những nhà đầu tư nhà ở của các nước phát triển trên thế giới. Thật trớ trêu, mình đã nghèo, đã khó lại phải mua nhà, ở nhà với giá quá cao.

Vấn đề khó khăn nhất của nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng hiện nay là gì, thưa ông?
Đó là cơ chế chính sách, chúng ta thay đổi nhiều và nhanh quá. Nhà ở nói chung phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào: thuế, giá đất,... trong khi hai cái này năm nào cũng thay đổi. Nó nguy hiểm vô cùng cho chủ đầu tư. Chính sách không sai nhưng áp dụng cho cụ thể cho trường hợp ấy thì nó lại không đúng. Với tư cách một chủ đầu tư, một nhà thiết kế, một nhà khoa học, tôi hình dung rằng, chúng ta phải có một bộ Luật tồn tại dài lâu chứ cứ Luật rồi lại Nghị định, thông tư hướng dẫn, bổ sung, điều chỉnh,...nhiều khi rất rối rắm và không sát thực.
Chúng tôi ước mơ thành phố HN, các tỉnh có quy hoạch đô thị cụ thể, thực hiện giải phóng mặt bằng,...Khi chúng tôi lập công trình ở đó thì chúng tôi phải trả NN bao nhiêu tiền đất. Đi xin đất, đi đền bù giải phóng mặt bằng là khó nhất trên đời này...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét