Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

ĐỒ ÁN QUY HOẠCH HÀ NỘI QUÁ NHIỀU PHẢN BIỆN




Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, cho rằng cấu trúc hồ sơ của đồ án đã không đúng với đề bài đã được Thủ tướng phê duyệt và thiếu hẳn phần quan trọng nhất là quản lý đô thị. Là một đại công trình quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050, song các nhà tư vấn và xây dựng đồ án lại không phân rõ thứ tự các bước triển khai đồ án. Theo ông Nghiêm, lời lẽ trong đồ án rất hay nhưng khi thành bản vẽ đã gây nên thất vọng, nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch công nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật..., lại được đề cập quá sơ sài. Không những thế, nhiều lý luận trong đồ án về tái đô thị, đô thị lõi, tổ hợp cộng đồng..., là những khái niệm mà một người có gần 50 năm tuổi nghề như ông "chưa một lần nghe thấy, nói gì đến dân hiểu".
Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, lẽ ra trong quy hoạch phải chỉ rõ khu vực trung tâm hành chính mới của quốc gia đúng như đề bài mà Thủ tướng giao nhưng đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vẫn khẳng định: chưa thống nhất địa điểm xây trung tâm hành chính quốc gia! Việc chưa xác định cụ thể vị trí của trung tâm hành chính Quốc gia được xem là bất cập lớn của Đồ án. Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng cần tính đến bước đi trong xây dựng để ít nhất đến năm 2030 cũng có các trụ sở chính trị - hành chính quốc gia hoạt động ổn định. “Ở Việt Nam suốt 50 năm qua mới dần ổn định trung tâm chính trị ở khu vực Ba Đình mà nay còn lúng túng cả với Mỹ Đình thì sao có thể 20 năm nữa đã ổn định ở Ba Vì?”, giáo sư Nguyên Quang Thái nói.
Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng: Không nên chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì như thế sẽ là “sự dời đô lần thứ hai”, thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, cũng như quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ.
Cựu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm cho rằng điểm bất hợp lý của đồ án là việc xây dựng đồ án lại được triển khai song song với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với thời gian và tầm nhìn tương ứng: “Nguyên tắc của lập quy hoạch là phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã có, trong khi hiện nay chiến lược này lại mới đang được xây dựng”, ông Kiểm nói. Ông cũng không tán thành việc tách rời trung tâm hành chính và trung tâm chính trị thành hai khu riêng biệt. Theo ông, về pháp luật, ở một chừng mực nào đấy thì hành chính cũng là chính trị. “Đến tận hôm nay, việc di dời Hội trường Ba Đình ra khu Mỹ Đình vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận”, ông nói.
Cụ thể và chi tiết hơn, kỹ sư xây dựng Nguyễn Xuân Hải cho rằng còn nhiều vấn đề mà chưa thấy đồ án đề cập/giải đáp như : Những giải pháp kỹ thuật và hành chính gì để chống việc nhà ở, cửa hàng... được xây bám theo các trục đường mới mở từ đô thị hạt nhân đến các đô thị vệ tinh, từ đô thị lõi lịch sử đến các chuỗi đô thị bao quanh; Giải pháp để các hành lang xanh không bị xâm phạm; Hành lang xanh giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh chủ yếu là vùng đất nông nghiệp trồng trọt, tại vùng nông nghiệ,p quy hoạch khu dân cư nông thôn như thế nào? Các thị trấn, thị tứ ở huyện, xã được nằm trong hệ thống đô thị nào, quản lý sự phát triển của nó ra sao. Ranh giới giữa đô thị và khu vực trồng trọt được xác định và bảo vệ như thế nào? Tại sao lại hạn chế tăng mật độ dân số khu vực nông thôn? Nếu đô thị lõi lịch sử được xác định là sẽ giảm dân số ở mức khá cao (từ 33.300 người/km2 xuống còn 23.000 người/km2 vậy tại sao lại cần xây dựng đường ngầm metro ở khu vực này hoặc mở rộng các con đường trong khu vực này cho tốn kém? ... Trụ sở Quốc hội, trụ sở Trung ương Đảng, các cơ quan đoàn thể của trung ương như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn,Thanh niên,...có đi theo cùng với Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì- Hoà Lạc, gắn với trục Thăng Long không? Trục Thăng Long sẽ đi theo con đường nào? Từ Ba Vì về Ba Đình nó dài rộng bao nhiêu? Nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì – Hòa Lạc là đặt nó ở đô thị vệ tinh và như vậy là mâu thuẫn với chính đồ án đã vạch ra là “ Đô thị hạt nhân là trung tâm chính trị…” . Vậy là Chính phủ và các cơ quan bộ ngành…phải xa dân?! Tôi cho rằng các cơ quan này phải ở đô thị trung tâm, ngày nay chính phủ điện tử nên đâu cần trụ sở phải to rộng. Trụ sở của các cơ quan của thành phố ( địa phương): Uỷ ban Nhân dân thành phố, các Sở, Ban ngành... được xác định nằm ở đâu hay vẫn giữ nguyên như cũ? Hồ Tây và khu vực xung quanh hồ Tây, việc bảo vệ các công trình di sản cũng như tầng cao của các công trình cũng cần được kiểm soát chặt chẽ như khu vực Hồ Gươm, trong đồ án thấy coi nhẹ khu vực này.
Kỹ sư Hải chỉ ra rằng sự phát triển bền vững rất mong manh, bị đe doạ khi Đồ án này chưa tính đến quy hoạch nơi ở cho 3-4 triệu dân phát sinh vào năm 2050 theo tiên lượng. Và lúc đó sẽ: Thu hẹp vành đai xanh nông nghiệp? thu hẹp vành đai xanh cây cối sông hồ? giảm diện tích sàn cho một đầu người ở, lại làm các lồng sắt chuồng cọp? kèm theo đó là một loạt vấn đề phải giải quyết về giao thông đi lại, trường học, bệnh viện, chợ búa...Tầm nhìn 2050 còn chưa tính đến việc băng tan nước biển dâng, đất đai của VN bị thu hẹp thì chắc chắn Thủ đô cũng bị ảnh hưởng.
Tâm huyết và quyết liệt GS. TSKH Nguyễn Trường Tiến chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật nói với VNT qua email: “Quy hoạch Hà nội là vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Những quyết định không đúng và ngộ nhận là sẽ mang lại hậu quả khó lường cho tương lai. Chiếu dời đô của Cụ Lý Công Uẩn đã nói rất rõ, có 214 chữ. Triều đình nhà Lý tồn tại 214 năm, có 8 đời Vua. Vua Lý Chiêu Hoàng không được kể tới vì triều đình vào tay họ Trần”. Là một chuyên gia trong xây dựng hàng đầu, ông Tiến đưa ra nhiều ý kiến và kiến nghị với lập luận thẳng thắn: “Không được chuyển Trung tâm hành chính lên Ba vì cũng như làm trục Tâm linh là đường Hoàng quốc Việt kéo dài, đâm vào núi Ba vì và Hồ Tây” mà nên “Phục hồi lại Hoàng Thành Thăng Long; xây dựng 9 vành đai quanh Hà nội với bán kính 40 km đến 90 km; làm 9 cầu qua sông Hồng; Quy hoạch nên có tầm nhìn 100 năm, 500 năm, 1000 năm. Phải quan tâm đến phong thủy, văn hóa tâm linh, di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề, nông dân, nông thôn, nghĩa trang, đàn Nam giao, đàn xã tắc...; Nên khơi thông các sông, hồ, đào thêm sông Hồ. Nối các sông Hồ hiện hữu với sông Hồng, như sông Tô lịch và sông Hồng xưa; Nên có tứ chấn mới cho Hà nội mở rộng; Chùa một cột, phủ Tây hồ, Bách thảo, Đền ngọc Sơn, Hồ Hoàn kiếm, Hồ Tây, Hoàng Thành Thăng long ...là đặc biệt quan trọng với Hà nội ngoài tứ chấn. Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia phải nằm trong các địa danh trên. Nên học các bài học của Tổ Tiên để dựng nước và giữ nước. Để 1000 năm sau có thể kỷ niệm 2000 năm Thăng long trên chính mảnh đất này. Hồ Hoàn kiếm là rốn của Hà nội. Nên phát triển Hà nội như hoa sen, như Trống đồng, như cồng chiêng, như bánh dầy, đối xứng quanh Hồ của Thần Kim Quy”.Như vậy bên những ưu điểm về hình thức đồ án đồ sộ, bao quát, đầy đủ vừa chi tiết... thể hiện được phần nào mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội, thì nội dung, theo các nhà khoa học, chuyên gia thì Đồ án quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của PPJ còn nhiều điểm nang tính định hướng, thiếu cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo... chưa thể dùng làm cơ sở để quy định chi tiết áp dụng vào thực tế. Dư luận cũng đang chờ đợi Bộ Xây dựng khắc phục và giải đáp những câu hỏi lớn trên như thế nào trước khi Bộ trình Quốc Hội phê duyệt hay chỉ là những chống chế, ngụy biện cho qua!


TRẦN NGA thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét