Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

DẤU TÍCH KẺ CHỢ ...


Thăng Long kinh kỳ cũng là Thăng Long Kẻ Chợ. Phải chăng, chính sự giao thoa của hai dòng chảy văn hóa này đã tạo ra một cốt cách rất riêng cho người Hà Nội ? Không trầm lặng, tĩnh tại như cố đô Huế, không phồn hoa đô hội như Sài Gòn mà là cái thâm trầm, sắc sảo, thanh lịch chỉ có ở người Tràng An,... Lí giải cho những hiện tượng kết tinh và hội tụ văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong nhiều thời kỳ, cũng như những tâm sự của ông cho chúng ta nhiều suy nghĩ...

Trần Nga: Hà Nội từ thế kỉ 11 đã là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng từ thế kỉ 19 đến nay, nơI đây không còn giữ vai trò là trung tâm kinh tế nữa mà nổi bật với vị thế trung tâm chính trị văn hóa. Theo ông khi thủ đô của một nước không giữ vai trò trung tâm kinh tế có phải là một yếu thế?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Trước hết cần phải thấy rằng không phải cứ thủ đô là phải có vị trí kinh tế thứ nhất, nên cách đặt vấn đề cho vai trò Hà Nội là kinh tế chủ chốt là sai. Không nhất thiết thủ đô phải là trung tâm kinh tế, thủ đô Oasinhtơn, hay Rio de Janeiro, không phải là trung tâm kinh tế hàng đầu của Mỹ, Brazin.Thủ đô chỉ cần đảm bảo các yếu tố chính trị, nếu được cả vị trí kinh tế thì càng tốt, nhưng không đặt vấn đề phải là trung tâm kinh tế số một. Anh Nguyễn Khắc Viện cách đây 40 năm đã cho rằng không nên đưa nông thôn vào thành phố, sẽ làm loãng thành phố. Thành phố nên tách bạch vì cách quản lí thành phố khác hẳn nông thôn. Theo tôi, thủ đô của một nước trước hết nó phải là nơi thuận lợi về chính trị, văn hóa còn kinh tế phát triển đến đâu thì tùy.
Theo quan sát của ông, vì sao Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa?
Thăng Long- Hà Nội, từ khi vua Lí Thái Tổ đưa kinh đô về đồng bằng sông Hồng, đến nay là nơi kinh kỳ, thủ đô 700-800 năm. Bởi nó là trung tâm chính trị, giáo dục: học hành- thi cử nên hội tụ những danh nhân, trí thức người Thăng Long cũng như khắp các địa phương về sống và làm việc. Nhiều danh nhân ở tỉnh khác về sống ở Thăng Long, chính những người đó đã mang lại những đặc điểm, tinh tế của các địa phương đến Hà Nội. Nên không chỉ những vật chất tốt nhất, của ngon vật lạ như Cam xã Đoài, quế Quảng Nam,.. mang tiến vua mà cả những trí thức, sĩ tử cũng mang đến HN những nét văn hóa hay và chung đúc thành nền văn hóa của Hà Nội.
Từ thế kỉ 17-18, nhà buôn và giáo sĩ Phương Tây đến VN thường gọi Thăng long là Kẻ Chợ. Kẻ Chợ cũng là tên gọi không chính thức của kinh thành Thăng Long ngày xưa. Khi nói đến Kẻ Chợ tức là nói tới nơi buôn bán. Theo ông Văn hóa Kẻ Chợ ảnh hưởng như thế nào tới văn hóa của Thăng Long - HN, cốt cách của người Hà Nội?
Văn hóa HN không phải là văn hóa của buôn bán mà nó là văn hóa của Thăng Long, đất kinh kỳ, nơi ở của các vị vua quan, trí thức văn hóa ở các vùng khác dồn về, coi như hùn vốn mà tạo thành văn hóa TL. Nếu nói văn hóa Kẻ Chợ tức là văn hóa buôn bán, còn văn hóa Thăng Long không phải là văn hóa buôn bán, nó là văn hóa chữ nghĩa, đạo đức, do các triều đình và nhà Nho lớn của chúng ta tạo nên. Có thể nói văn hóa Kẻ Chợ chỉ là một phần của văn hóa Thăng Long.
Vậy dấu ấn của Kẻ Chợ hiện hữu trong văn hóa như thế nào?
Tại vì sao các làng nghề lại dồn về TL? Đó là hiện tượng của bất kỳ một thủ đô nào bởi thủ đô là nơi làm ăn buôn bán lớn nhất. Nên tứ xứ không làm ăn được ở quê mình hay muốn mở rộng phát triển mạnh kinh doanh thì phải tìm về thủ đô. Tôi nhớ sau trước đây, ở phường Cổ Vũ (Hàng Gai) sau cái đình và cây đa mà hiện nay vẫn còn có một phường in sách Nho, sách Nôm. Tại sao làng nghề đó lại xuất hiện ở đó? Bởi vì ở kinh đô, nơi học hành, thi cử nơi trung tâm giáo dục, người ta cần sách nên việc in sách có nhiều cơ hội phát triển. Mỗi một phường có một . Do nhu cầu phát triển cảu thủ đô nên các làng nghề, các phường được phát triển.
Vâng, tôi cũng nghĩ rằng cái chất thanh lịch Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An đó nhất định không phải hình thành từ văn hóa Kẻ Chợ.
Tạo nên cái con người chẳng thơm cũng thể hoa nhài không phải là do buôn bán mà là do những nhà Nho tạo nên. Như phố Hàng Gai ngày xưa, là nơi cư trú của các quan, nhà Nho thanh liêm nghỉ hưu về ở. Đây cũng là nơi buôn bán các sách vở thời ấy. Vì thế các sĩ tử về Thăng Long thi cử thường đến để mua sách, và cũng là để nhìn những cô thiếu nữ Hàng Gai nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng, nết na có giáo dục. Con gái Hàng Đào thì nổi tiếng buôn bán giỏi. Mẹ tôi con một ông lang bên Bắc Ninh nhưng học chữ Nho rất nhiều, bà biết bốc thuốc và rất thương người. Cứ chủ nhật hàng tuần là ăn mày đến và bà cho tiền. Bà đặt một chum nước vối trước cửa hàng, bất kì ai đi qua cũng có thể múc nước uống. Đấy văn hóa HN là như thế, đó không phải là văn hóa buôn bán. Mà là do giáo dục của Nho giáo để lại, đồng thời nó cũng đi vào văn hóa buôn bán, không phải là chụt giật, ăn cắp của nhau.
Trong kí ức của mình, ông thấy Hà Nội phát triển đẹp nhất thời điểm nào?
Những năm bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (khoảng '45 - '53). Lúc đó xã hội thay đổi hoàn toàn theo ý nghĩa đẹp nhất. Khi cách mạng bùng nổ không cần tuyên truyền mọi người cũng theo hết cả. Nhà giàu có nhất thì hiến vàng, chủ đồn điền hiến đất. Khi đánh nhau thì mọi người cầm lửa tự tay đốt nhà mình. Người Hà Nội tản cư về nông thôn được yêu thương bao bọc. Người nông dân có củ khoai, củ sắn, có mái nhà, cái giường tốt nhất đều dành cho, ban đêm đi ngủ không phải đóng cửa, không có ăn cắp. Lúc đó tôi là bộ đội, cấp chỉ huy và và lính ăn, mặc như nhau, rất quân bình và thân tình. Tinh thần cũng như động cơ những năm đó là thương yêu nhau là chính rất đẹp.
Cho đến nay, đặc biệt là gần đây, văn hóa TL- HN của người thành phố thủ đô có nhiều điều đang phải suy nghĩ nhất là lối sống cộng đồng. Theo ông văn hóa Thăng Long còn lại trong văn hóa Hà Nội là gì, chúng ta có lại gì của nghìn năm Thăng Long?
Nói văn hóa HN thì chưa hết mà phải nói là văn hóa VN chúng ta còn lại gì. Mặc dù những điểm tối, thăng trầm của lịch sử đã khiến văn hóa TL, VN mai một nhưng văn hóa HN vẫn còn, Vn vẫn còn rất nhiều vì nó còn nằm trong vô thức của dân tộc. Cái gốc của văn hóa ở trong bất cứ người VN nào cũng vẫn ví như là huyền thoại về bánh dầy bánh chưng, hay trầu cau. Trong thế hệ trẻ nhất bây giờ mặc váy, vét theo kiểu tây, đón dâu bằng xe Méc xe- det,... nhưng trước đó lễ ăn hỏi phải có mâm cau trầu, mặc dầu tục ăn trầu hiếm gặp nơi đô thị, Đó là hồn Việt tồn tại trong hàng nghìn năm, nó nhắc nhở tình yêu chân thật, tình yêu thực sự giữa hai vợ chồng. Đó là văn hóa vô hình, cái hồn đó còn rất nhiều trong cuộc sống. Hay như tiếng Việt là một minh chứng, mặc dầu nó có tới 70% từ vựng là gốc Hán Việt nhưng 30% còn lại là từ vựng gốc Việt. Điều này được Bác Hồ rất chú ý, ông đã sửa hội Hồng Thập Tự thành Chữ Thập Đỏ,... hay cái tồn tại cho đến bây giờ, kết tinh hồn VN sâu đậm nhất đó là Tết. Việt Kiều dù sống sung sướng ở châu Âu, Mỹ, những người con xa quê hương,... đều đặt vé, tìm về quê hương, về VN ăn Tết. Tết tượng trưng nhất cho tinh thần gia đình, và chữ hiếu,... Đó là bản sắc văn hóa của Việt Nam chỉ thấy ở Việt Nam.
Nếu tìm kiếm nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội so với những địa phương khác thì đó là gì?
Đó là sự tập trung những cái hay nhất của các địa phương gộp lại thành tinh thần của HN. Văn học là sự thể hiện tâm hồn của Hn thì văn học nảy nở nhất ở HN. Đó là tinh hoa của các địa phương gộp lại . Nó đặc biệt cái gì thì khó nói nhưng chỉ biết nó là như thế. Nó có hai hành trình từ các địa phương dồn về HN và hương của Hn lại tỏa về địa phương.
Như vậy, việc người địa phương về TL-HN đã đúc nên văn hóa người HN là một quá trình tiếp biến từ lâu trong lịch sử, nhưng hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng rằng quá trình đô thị hóa, cũng như việc người dân tứ xứ đổ về Hà Nội quá đông đã làm biến đổi văn hóa Hà Nội. Theo ông điều này có mâu thuẫn không?
Theo tôi điều chúng ta nói đến là tinh hoa văn hóa các vùng hội tụ và làm thành nền văn hóa HN truyền thống theo chân các danh nhân, sĩ từ từ xa xưa là một quá trình. Bây giờ HN có dân số và diện tích tăng gấp 10 lần thì rất khó yêu cầu cũng như duy trì mọi vùng, mọi người có văn hóa HN. Mọi việc phải có tiệm tiến.
Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét