Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

TS. Phạm Sĩ Liêm: Ngành Quản lý nhà chung cư còn yếu quá!


Chung cư cao tầng và những khu đô thị chung cư mới xuất hiện ở nước ta và đã bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình sử dụng. Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người sở hữu căn hộ chung cư vẫn diễn ra không chiểu theo những quy định hay luật định. Chủ đầu tư có quyền quyết định mọi giá cả, chi phí dịch vụ, quyết định cho ai mua, ai không được mua,… Trong khi xây dựng nhà cao tầng ở Việt nam còn rất mới mẻ thì những nhà quản lý, giám sát của ngành Xây dựng còn yếu và lỏng lẻo. Tuy nhiên bài học về phòng cháy và chữa cháy cho chung cu cao tầng trong vụ cháy toà nhà 18 tầng tại Lê Văn Lương có thực sự là bài học đắt giá cho ngành Xây dựng hay không? Hay chỉ là sự ầm ĩ nhất thời như tính chất vốn có có mỗi cuộc xì căng đan…. Đó là một phần nội dung của cuộc thoại tuần này giữa TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng với Trần Nga và đồng nghiệp.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những bản thiết kế xây dựng những chung cư cao tầng ở HN hiện nay? Có ý kiến cho rằng, thực chất đó là những bản thiết kế copy của Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan,...?
Tôi không biết căn cứ vào đâu mà ý kiến đó nói là copy. Nhưng chúng ta là nước đi sau, xây chung cư cao tầng cũng là mới ở nước ta nên việc tham khảo và sao chép là chuyện bình thường miễn là nó tốt cho người ở.
Hiện nay có những quy định tiêu chuẩn về nhà chung cư cao tầng (CCCT) không?
Chung cư cao tầng của ta cũng có phân loại, quy định để ở là 10 tầng có thang máycứ 10 tầng trở lên thì gọi là CCCT. Về kết cấu có chung cơ thấp tầng và cao tầng. Thấp tầng từ 5 tầng trở xuống và không có thang máy.
Đô thị và nhà ở chung cư đang phát triển mạnh mẽ ở các thành phố và khu ngoại thành, là một chuyên gia xây dựng theo ông nguy cơ, hệ luỵ của nhà cao tầng là gì thưa ông?
Sự phát triển chung cư cao tầng là xu thế chung toàn thế giới. Sự thâm dụng đất đô thị về không gian và long đất để tăng thêm mật độ ở, nhường thêm nhiều chỗ cho cây xanh và công trình khác. Tuy nhiên khi những nhà đầu tư tham lam thì những không gian sinh hoạt công cộng, cấp cứu chữa cháy,… càng hạn hẹp. Nhà cao tầng đặt ra vấn đề đầu tiên là an toàn, chống bão, chống cháy, tốn điện năng hơn,... ở những khu vực nhà cao tầng có mật độ dày, những hộ gia đình ở tầng thấp có thể thiếu ánh nắng mặt trời gây stress; gió ở khu vực này cũng mạnh hơn, thậm chí còn tự tạo ra gió rít; nhiệt độ ở những khu chung cư mật độ dày thiếu không gian cây xanh nhiệt độ bao giờ cũng lớn hơn nơi khác khoảng 10.… Vì thế khi xây dựng một toà nhà cao tầng phải rất thận trọng lưu ý khắc phục những nguy cơ, hạn chế.
Theo đánh giá của ông, chung cư cao tầng ở Hà nội đạt được bao nhiêu phần trăm cho những tiêu chuẩn đó?
Nói chung, các bản thiết kế xây dựng luôn phải theo những có tiêu chuẩn. Trong quá trình xây dựng hoặc theo ý của chủ đầu tư có thể bị cắt giảm hay thực hiện ẩu thì việc xác định đạt tiêu chuẩn hay không của toà nhà đó sẽ thuộc về khâu thẩm định, nghiệm thu. Phải có sự tham gia, giám sát của các cơ quan nhà nước. Trên thực tế đạt tiêu chuẩn hay không phụ thuộc vào khâu thẩm định. Tôi mong rằng thành phố HN nên tổ chức kiểm tra chất lượng nhà CCCT hiện nay để nắm được tình hình cụ thể nhất mức độ an toàn cũng như những nguy cơ cho người dân sinh sống trong những toà nhà đó.
Thưa ông, nhưng cho đến nay nhiều sự cố xây dựng cũng như tai nạn trong sử dụng ở những toà nhà chung cư cao tầng đã xảy ra. Gần đây nhất là vụ hoả hoạn gây chết người đặc biệt nghiêm trọng tại khu chung cư 18 tầng JSC chưa có nhà thẩm định nào lên tiếng nhận trách nhiệm?
Nhà thấp tầng cũng cháy cũng chết người. Chúng ta không nên gây hoang mang cho những người ở nhà cao tầng. Vấn đề là chúng ta phải làm đúng quy chuẩn trong thiết kế và thi công, nghiêm khắc trong nghiệm thu.
Xây nhà cao tầng ở Việt Nam còn rất mới. Không thể tránh những vấp váp nhất định nhưng nhất định phải làm rõ những sai trái, những thiếu sót chỗ nào, người chịu trách nhiệm cụ thể. Để làm tốt hơn chứ không nên ầm ĩ hai ngày rồi đâu lại vào đấy. Ai vô trách nhiệm, để cho nó qua đi khi chưa đạt yêu cầu thì phải nghiêm trị. Nếu dốt, chưa biết thì phải được hướng dẫn, giáo dục và cảnh cáo để làm tốt hơn.
Theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh những vấn đề nổi cộm xung quanh chất lượng công trình xây dựng chung cư cao tầng trước những nguy cơ an toàn sinh sống của người dân, thì việc quản lý ở những khu CCCT này cũng có rất nhiều bất cập. Những người dân sinh sống trong những toà nhà này phụ thuộc rất lớn vào chủ đầu tư, quản lý toà nhà. Họ phải tuân theo những quy định, yêu cầu trong khi chính họ là chủ sở hữu ngôi nhà của mình.
Cái đó là vấn đề rất đúng hiện nay. Có thể nói việc quản lý ở các CCCT hiện nay đang rất lộn xộn. Tôi không hiểu được, nhà đầu tư đòi giá bán, giá dịch vụ rất cao trên cơ sở nào; quy định những phần như tầng hầm, thang máy, hay hành lang, … thuộc sở hữu của nhà đầu tư hay người sở hữu không rõ ràng. Có chủ đầu tư tính toàn bộ chi phí xây dựng công trình vào giá bán nhà, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu tầng hầm, tầng trệt, thang máy, hành lang,… rồi tự tổ chức điều hành quản lí mấy khu vực đó thu phí của người dân…. Vì sao anh ta vẫn làm được những điều đó!
Từ thực tế cho thấy, những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và căn hộ là do hợp đồng mua bán không rõ ràng, nên khi xảy ra tranh chấp rất phức tạp để xử lý!
Xin thưa, thế thì các nhà quản lí để làm gì? Hiện nay việc quản lí nhà của thuộc Ngành Xây dựng. Ngành đã có Luật, điều lệ rồi, thì anh nào có nhiệm vụ phải đi kiểm tra, hướng dẫn, thậm chí bắt buộc phải tuân theo quy định. Còn người dân thiếu hiểu biết mà kí vào những hợp đồng như thế thì cơ quan quản lý nhà nước phải xử lí việc đó, đến hướng dẫn họ sửa chữa việc đó. Hợp đồng không thể trái với quy định của Nhà nước. Có thể hiện nay bộ phận quản lí này còn yếu quá, cần tăng cường làm cho được việc. Khẳng định cuối cùng mà nói, quản lý chung cư là quyền và trách nhiệm của những người chủ căn hộ ở đó chứ không phải của chủ đầu tư, ông ta quản lý một thời kỳ quá độ thôi.
Là một chuyên gia xây dựng, ông có lời khuyên gì với những cư dân đang sống trong những tòa nhà chung cư cao tầng hiện nay ở Hà Nội?
Họ phải có một ban quản trị và quản lý tốt. Họ chính là những người có quyền tổ chức hay đảm bảo an toàn cho mình trong những ngôi nhà mà họ làm chủ sở hữu. Bộ Xây dựng đã đưa ra điều lệ quản lý chung cư mới tốt hơn trước rất nhiều. Nó quy định trách nhiệm và quyền hạn của chủ sở hữu chung cư trong đó, chứ không thuộc về nhà đầu tư hay BQL ở nơi nào cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Nguy cơ sử dụng vũ khí gia tăng

Những năm gần đây, những vụ án giết người, cướp của hay thanh trừng cá nhân, băng nhóm bằng súng đã diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần từ 3-5 triệu đồng là có thể mua được một khẩu súng. Hình ảnh những cô gái sành điệu, xinh đẹp đứng nhìn bạn trai nã đạn vào người đi đường rồi bỏ đi chơi như không có chuyện gì xảy ra,... cho thấy súng không còn là của lạ hay là “hàng cấm” nữa. Dư luận cho rằng có nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng sử dụng súng chưa được xét xử nghiêm khắc, luật hình sự không điều chỉnh cũng như xử lý được nhiều hành vi phạm tội có sử dụng vũ khí sát thương nguy hiểm,... Trong cuộc trò chuyện với Tran Nga về “hiện tượng” này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã nhiều lần khẳng định sự bùng phát tội phạm dùng súng và cảnh báo về nguy cơ mở rộng sang những đối tượng sử dụng khác...
Luật sư Nguyễn Văn Chiến có hơn hai mươi năm hành nghề luật sư, tham gia tranh tụng hơn một nghìn vụ án hình sự,... Ông hiện là Phó tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, giảng vien học viện tư pháp,...
Tran Nga: Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa rất nhiều tin hác về những sự vụ sử dụng súng bắn người trên đường phố: Ngày 9/3 TAND HN đã xét xử vụ án xả súng bắn người trên phố Nghi Tàm, quận Hoàn Kiếm; ngày 10/3 cơ quan điều tra quận 1 TPHCM khởi tố điều tra vụ án xả súng giữa ban ngày ở quận 1. Như vậy là tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí mà ở đây là súng đang gia tăng. Ông suy nghĩ như thế nào về hiện trạng tàng trữ, mua bán và sử dụng vũ khí đã khá phổ biến hiện nay?
Đúng là tình trạng sử dụng vũ khí trái phép đang gia tăng và đáng báo động. Năm 2009 bùng phát những băng nhóm tội phạm dùng các lại súng săn, súng hai nòng bắn đạn ghém, đạn chì có sức sát thương cao xuất xứ từ TQ, để thanh toán lẫn nhau. Trước đây chúng ta chỉ mới có quản lý vũ khí quân dụng, thô sơ nhưng hiện nay xuất hiện nhiều loại vũ khí nóng, vũ khí lạnh, những vũ khí không thuộc quân dụng nhưng nó lại có tính nguy hiểm, sát thương cao. Chúng ta chưa có biện pháp quản lý và luật điều chỉnh kịp thời. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn loại vũ khí này nhập lậu, bày bán công khai thì tình trạng tội phạm hình sự có sử dụng loại vũ khí này sẽ rất phổ biến và bùng phát mở rộng sang đối tượng sử dụng khác.
Tran Nga:Thưa Luật sư, trong những thân chủ của ông, có nhiều trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng không?
Tôi đã tham gia nhiều vụ án người phạm tội có sử dụng vũ khí. Trong số đó có người người bị xử lí về mặt hình sự vì chỉ vì mâu thuẫn cá nhân đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng – giết người, cướp tài sản; đặc biệt nghiêm trọng- giết nhiều người, có tổ chức; có người bị xử lý vì tội tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép;...
Họ thường có tâm lý cũng như tính cách như thế nào khi trang bị cho mình những vũ khí này?
Tôi thấy rằng, các đối tượng ở trong các môi trường sống, tính chất công việc, hoàn cảnh sống, học vấn, nhận thức pháp luật khác nhau, khi có trong tay vũ khí quân dụng họ có những suy nghĩ, mục đích sử dụng khác nhau. Có người cất giữ vũ khí quân dụng nhiều năm như là một vật kỉ niệm, một thứ thứ vũ khí phòng thân, họ thường là những người đã từng có thời gian quản lý, tiếp xúc với vũ khí quân dụng; có người do tình cờ nhặt được, mò được nhưng đến một ngày đẹp trời nào đó, sự mâu thuẫn, xích mích trong đời sống xã hội của họ bùng phát, họ chợt nhớ đến vũ khí của mình, đem ra sử dụng; có người cố tình trang bị cho mình vũ khí để phòng thân, tăng cường sức mạnh, chống kẻ gian... và hậu quả là nhẹ thì bị xử lí về tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, nặng hơn khi đã gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự phán xét của pháp luật cho nhiều hành vi vi phạm.
Khi một người trang bị vũ khí, súng, dao trong người có được coi là có ý đồ gây thương tích, đe dọa tính mạng cho người khác không?Phải chăng hình phạt cho hành vi tàng trữ vũ khí kuá nhẹ khiến cho nhiều người sẵn sàng cất dấu để phòng thân không?
Nếu họ chưa nói ra bằng lời hay đem ra sử dụng để dọa gây thương tích hoặc đe dọa tước đoạt tính mạng người khác thì chưa thể coi là có ý đồ cố ý gây thương tích hoặc đe dọa tính mạng cho người khác. Đa số người tàng trữ vũ khí không hiểu rõ được Bộ luật Hình sự của nước ta có những điều luật quy định khung hình phạt rất nghiêm khắc về hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí của họ.
Và vai trò của pháp luật cũng như cơ quan quản lý, giám sát những vấn đề này?
Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp tăng cường sự phối hợp nhằm quản lý chặt chẽ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng, không để thất thoát vào những người không có thẩm quyền sử dụng, mua bán cũng như lọt vào tay những phần tử xấu, những băng nhóm tội phạm. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều loại vũ khí quân dụng thoát khỏi sự quản lý của cơ quan chức năng không thu hồi được. Cơ chế quản lý, giám sát và kiểm tra, kiểm soát, phân loại vũ khí thể thao, và gia dụng của chúng ta còn xem nhẹ, buông lỏng dẫn đến các loại vũ khí nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, ngoài xã hội. Chúng ta cần có những chiến dịch truy soát, thu hồi những loại vũ khí nóng (các loại súng, đạn, thuốc nổ...), vũ khí lạnh (các loại dao găm, lưỡi lê, kiếm, đao, mã tấu, và các loại tương tự khác), có những quy định cụ thể trong luật để điều chỉnh, quản lý những loại vũ khí không thuộc loại quân dụng và thô sơ có nguồn gốc từ TQ đang nở rộ trên thị trường trong thời gian gần đây, đồng thời xử lí nghiêm những hành vi vi phạm thì mới ngăn chặn được tình hình tội phạm sử dụng các loại vũ khí bùng phát trong thời gian qua.

Tran Nga:Cụ thể là Điều 230 và 233 bộ Luật hình sự đã đủ để chúng ta điều chỉnh cũng như xử lý nghiêm minh loại tội phạm này?
Những quy định này là từ những năm chúng ta chưa mở cửa giao lưu kinh tế quốc tế sâu, rộng như hiện nay. Các loại vũ khí thể thao, súng săn do thời điểm ban hành BLHS trước đây chưa có loại công suất lớn, tính sát thương cao thậm chí hơn cả loại vũ khí quân dụng thông thường như hiện nay nên chưa có sự điều chỉnh những quy định của pháp luật HS kịp thời. Rõ ràng với những loại vũ khí súng săn, thể thao, phát sinh trong giai đoạn hiện nay mà các băng nhóm sử dụng không thuộc vũ khí quân sự/ thô sơ thì luật hình sự còn thiếu những quy định điều chỉnh. Trước mắt các cơ quan hưu quan cần có những hướng dẫn để xử lý kịp thời những hành vi sử dụng những vũ khí này. Tiếp đó là chúng ta cần có một….?
Tran Nga:Luật sư có cho rằng cấm sử dụng vũ khí là điều không tốt?
Tại sao lại không tốt?
Tran Nga:Thường cái gì cấm thì có nhiều người tìm cách tiếp cận và sử dụng nhiều!Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Cannada, Philippin,... cho phép người dân mua bán, tàng trữ và sử dụng súng.
Không giống như việc cứ cho dùng blog, internet thoải mái, chán đi thì tự thôi, lĩnh vực này rất nhạy cảm và hậu quả nó để lại rất khôn lường, nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe, sinh mạng con người bất cứ lúc nào. Ở các nước phát triển họ có hệ thống quản lý, giám sát rất chặt chẽ, hơn nữa ý thức pháp luật của người dân rất cao, đa số họ điều tiết được hành vi xã hội cũng như hiểu rõ được sử dụng súng trong trường hợp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như thế nào.... Còn ở ta, nhận thức pháp luật của người dân còn rất hạn chế, họ chưa hiểu được tác hại của sử dụng súng như thế nào; hệ thống quản lý, giám sát cũng còn rất yếu. Nên việc cấm chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí nói chung là rất cần thiết và cần có biện pháp tăng cường hơn trong công tác quản lý, rà soát, kiểm tra giám sát.
Tran Nga: Vâng, tôi cũng đồng ý với quan điểm nói cấm với vũ khí sát thương. Ngay cả Mỹ, Cannada, hay Philippin (gần đây đã ban hành lệnh cấm sử dụng vũ khí) cũng phải trả giá cho việc này với nhiều vụ xả súng giết người hàng loạt,... Tuy nhiên, theo ông để cho việc cấm này chúng ta nên gia tăng khung hình phạt cho hành vi tàng trữ, chế tạo, mua bán, sử dụng?
Việc tăng hình phạt ở hành vi nào chúng ta cần có quốc hội xem xét. Nhưng trước hết chúng ta cần có được luật có thể điều chỉnh tất cả hành vi phát sinh trong xã hội, để những hành vi gây nguy hại cho xã hội được quy định xử lý kịp thời, thì việc ngăn chặn các hành vi phạm tội mới phát sinh sẽ tích cực hơn.
Tran Nga: Có ý kiến cho rằng “98% người dân Việt Nam trưởng thành không có ý thức hành vi vi phạm pháp luật”, ông suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
Đánh giá như vậy theo tôi là chủ quan, chưa có cuộc điều tra cơ bản nào cho chúng ta một con số cụ thể về mức độ hiểu biết pháp luật của người dân. Tuy nhiên hiện tượng thực hiện một hành vi phạm tội mà không biết mình vi phạm luật dân sự hay hình sự là rất phổ biến. Như việc có người vay mượn tiền nhau, bỏ đi làm ăn, bên cho vay đi tố cáo thành ra phạm tội chiếm dụng tài sản; các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi ích kinh tế, luật pháp kinh tế nhưng không lường được những tình huống pháp lý xảy ra cho tình huống giao dịch đó cần chuẩn hóa như thế nào dẫn đến có nhiều trường hợp doanh nhân làm kinh tế giỏi nhưng khi cơ quan điều tra vào kiểm tra thì họ lại mắc tội hình sự; các nhà quản lý, lãnh đạo ra những quyết định mà không biết mình vi phạm quy định pháp luật,... Phần nhiều người dân chưa có ý thức về hành vi vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

DẤU TÍCH KẺ CHỢ ...


Thăng Long kinh kỳ cũng là Thăng Long Kẻ Chợ. Phải chăng, chính sự giao thoa của hai dòng chảy văn hóa này đã tạo ra một cốt cách rất riêng cho người Hà Nội ? Không trầm lặng, tĩnh tại như cố đô Huế, không phồn hoa đô hội như Sài Gòn mà là cái thâm trầm, sắc sảo, thanh lịch chỉ có ở người Tràng An,... Lí giải cho những hiện tượng kết tinh và hội tụ văn hóa Thăng Long- Hà Nội trong nhiều thời kỳ, cũng như những tâm sự của ông cho chúng ta nhiều suy nghĩ...

Trần Nga: Hà Nội từ thế kỉ 11 đã là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng từ thế kỉ 19 đến nay, nơI đây không còn giữ vai trò là trung tâm kinh tế nữa mà nổi bật với vị thế trung tâm chính trị văn hóa. Theo ông khi thủ đô của một nước không giữ vai trò trung tâm kinh tế có phải là một yếu thế?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Trước hết cần phải thấy rằng không phải cứ thủ đô là phải có vị trí kinh tế thứ nhất, nên cách đặt vấn đề cho vai trò Hà Nội là kinh tế chủ chốt là sai. Không nhất thiết thủ đô phải là trung tâm kinh tế, thủ đô Oasinhtơn, hay Rio de Janeiro, không phải là trung tâm kinh tế hàng đầu của Mỹ, Brazin.Thủ đô chỉ cần đảm bảo các yếu tố chính trị, nếu được cả vị trí kinh tế thì càng tốt, nhưng không đặt vấn đề phải là trung tâm kinh tế số một. Anh Nguyễn Khắc Viện cách đây 40 năm đã cho rằng không nên đưa nông thôn vào thành phố, sẽ làm loãng thành phố. Thành phố nên tách bạch vì cách quản lí thành phố khác hẳn nông thôn. Theo tôi, thủ đô của một nước trước hết nó phải là nơi thuận lợi về chính trị, văn hóa còn kinh tế phát triển đến đâu thì tùy.
Theo quan sát của ông, vì sao Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa?
Thăng Long- Hà Nội, từ khi vua Lí Thái Tổ đưa kinh đô về đồng bằng sông Hồng, đến nay là nơi kinh kỳ, thủ đô 700-800 năm. Bởi nó là trung tâm chính trị, giáo dục: học hành- thi cử nên hội tụ những danh nhân, trí thức người Thăng Long cũng như khắp các địa phương về sống và làm việc. Nhiều danh nhân ở tỉnh khác về sống ở Thăng Long, chính những người đó đã mang lại những đặc điểm, tinh tế của các địa phương đến Hà Nội. Nên không chỉ những vật chất tốt nhất, của ngon vật lạ như Cam xã Đoài, quế Quảng Nam,.. mang tiến vua mà cả những trí thức, sĩ tử cũng mang đến HN những nét văn hóa hay và chung đúc thành nền văn hóa của Hà Nội.
Từ thế kỉ 17-18, nhà buôn và giáo sĩ Phương Tây đến VN thường gọi Thăng long là Kẻ Chợ. Kẻ Chợ cũng là tên gọi không chính thức của kinh thành Thăng Long ngày xưa. Khi nói đến Kẻ Chợ tức là nói tới nơi buôn bán. Theo ông Văn hóa Kẻ Chợ ảnh hưởng như thế nào tới văn hóa của Thăng Long - HN, cốt cách của người Hà Nội?
Văn hóa HN không phải là văn hóa của buôn bán mà nó là văn hóa của Thăng Long, đất kinh kỳ, nơi ở của các vị vua quan, trí thức văn hóa ở các vùng khác dồn về, coi như hùn vốn mà tạo thành văn hóa TL. Nếu nói văn hóa Kẻ Chợ tức là văn hóa buôn bán, còn văn hóa Thăng Long không phải là văn hóa buôn bán, nó là văn hóa chữ nghĩa, đạo đức, do các triều đình và nhà Nho lớn của chúng ta tạo nên. Có thể nói văn hóa Kẻ Chợ chỉ là một phần của văn hóa Thăng Long.
Vậy dấu ấn của Kẻ Chợ hiện hữu trong văn hóa như thế nào?
Tại vì sao các làng nghề lại dồn về TL? Đó là hiện tượng của bất kỳ một thủ đô nào bởi thủ đô là nơi làm ăn buôn bán lớn nhất. Nên tứ xứ không làm ăn được ở quê mình hay muốn mở rộng phát triển mạnh kinh doanh thì phải tìm về thủ đô. Tôi nhớ sau trước đây, ở phường Cổ Vũ (Hàng Gai) sau cái đình và cây đa mà hiện nay vẫn còn có một phường in sách Nho, sách Nôm. Tại sao làng nghề đó lại xuất hiện ở đó? Bởi vì ở kinh đô, nơi học hành, thi cử nơi trung tâm giáo dục, người ta cần sách nên việc in sách có nhiều cơ hội phát triển. Mỗi một phường có một . Do nhu cầu phát triển cảu thủ đô nên các làng nghề, các phường được phát triển.
Vâng, tôi cũng nghĩ rằng cái chất thanh lịch Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An đó nhất định không phải hình thành từ văn hóa Kẻ Chợ.
Tạo nên cái con người chẳng thơm cũng thể hoa nhài không phải là do buôn bán mà là do những nhà Nho tạo nên. Như phố Hàng Gai ngày xưa, là nơi cư trú của các quan, nhà Nho thanh liêm nghỉ hưu về ở. Đây cũng là nơi buôn bán các sách vở thời ấy. Vì thế các sĩ tử về Thăng Long thi cử thường đến để mua sách, và cũng là để nhìn những cô thiếu nữ Hàng Gai nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng, nết na có giáo dục. Con gái Hàng Đào thì nổi tiếng buôn bán giỏi. Mẹ tôi con một ông lang bên Bắc Ninh nhưng học chữ Nho rất nhiều, bà biết bốc thuốc và rất thương người. Cứ chủ nhật hàng tuần là ăn mày đến và bà cho tiền. Bà đặt một chum nước vối trước cửa hàng, bất kì ai đi qua cũng có thể múc nước uống. Đấy văn hóa HN là như thế, đó không phải là văn hóa buôn bán. Mà là do giáo dục của Nho giáo để lại, đồng thời nó cũng đi vào văn hóa buôn bán, không phải là chụt giật, ăn cắp của nhau.
Trong kí ức của mình, ông thấy Hà Nội phát triển đẹp nhất thời điểm nào?
Những năm bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (khoảng '45 - '53). Lúc đó xã hội thay đổi hoàn toàn theo ý nghĩa đẹp nhất. Khi cách mạng bùng nổ không cần tuyên truyền mọi người cũng theo hết cả. Nhà giàu có nhất thì hiến vàng, chủ đồn điền hiến đất. Khi đánh nhau thì mọi người cầm lửa tự tay đốt nhà mình. Người Hà Nội tản cư về nông thôn được yêu thương bao bọc. Người nông dân có củ khoai, củ sắn, có mái nhà, cái giường tốt nhất đều dành cho, ban đêm đi ngủ không phải đóng cửa, không có ăn cắp. Lúc đó tôi là bộ đội, cấp chỉ huy và và lính ăn, mặc như nhau, rất quân bình và thân tình. Tinh thần cũng như động cơ những năm đó là thương yêu nhau là chính rất đẹp.
Cho đến nay, đặc biệt là gần đây, văn hóa TL- HN của người thành phố thủ đô có nhiều điều đang phải suy nghĩ nhất là lối sống cộng đồng. Theo ông văn hóa Thăng Long còn lại trong văn hóa Hà Nội là gì, chúng ta có lại gì của nghìn năm Thăng Long?
Nói văn hóa HN thì chưa hết mà phải nói là văn hóa VN chúng ta còn lại gì. Mặc dù những điểm tối, thăng trầm của lịch sử đã khiến văn hóa TL, VN mai một nhưng văn hóa HN vẫn còn, Vn vẫn còn rất nhiều vì nó còn nằm trong vô thức của dân tộc. Cái gốc của văn hóa ở trong bất cứ người VN nào cũng vẫn ví như là huyền thoại về bánh dầy bánh chưng, hay trầu cau. Trong thế hệ trẻ nhất bây giờ mặc váy, vét theo kiểu tây, đón dâu bằng xe Méc xe- det,... nhưng trước đó lễ ăn hỏi phải có mâm cau trầu, mặc dầu tục ăn trầu hiếm gặp nơi đô thị, Đó là hồn Việt tồn tại trong hàng nghìn năm, nó nhắc nhở tình yêu chân thật, tình yêu thực sự giữa hai vợ chồng. Đó là văn hóa vô hình, cái hồn đó còn rất nhiều trong cuộc sống. Hay như tiếng Việt là một minh chứng, mặc dầu nó có tới 70% từ vựng là gốc Hán Việt nhưng 30% còn lại là từ vựng gốc Việt. Điều này được Bác Hồ rất chú ý, ông đã sửa hội Hồng Thập Tự thành Chữ Thập Đỏ,... hay cái tồn tại cho đến bây giờ, kết tinh hồn VN sâu đậm nhất đó là Tết. Việt Kiều dù sống sung sướng ở châu Âu, Mỹ, những người con xa quê hương,... đều đặt vé, tìm về quê hương, về VN ăn Tết. Tết tượng trưng nhất cho tinh thần gia đình, và chữ hiếu,... Đó là bản sắc văn hóa của Việt Nam chỉ thấy ở Việt Nam.
Nếu tìm kiếm nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội so với những địa phương khác thì đó là gì?
Đó là sự tập trung những cái hay nhất của các địa phương gộp lại thành tinh thần của HN. Văn học là sự thể hiện tâm hồn của Hn thì văn học nảy nở nhất ở HN. Đó là tinh hoa của các địa phương gộp lại . Nó đặc biệt cái gì thì khó nói nhưng chỉ biết nó là như thế. Nó có hai hành trình từ các địa phương dồn về HN và hương của Hn lại tỏa về địa phương.
Như vậy, việc người địa phương về TL-HN đã đúc nên văn hóa người HN là một quá trình tiếp biến từ lâu trong lịch sử, nhưng hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng rằng quá trình đô thị hóa, cũng như việc người dân tứ xứ đổ về Hà Nội quá đông đã làm biến đổi văn hóa Hà Nội. Theo ông điều này có mâu thuẫn không?
Theo tôi điều chúng ta nói đến là tinh hoa văn hóa các vùng hội tụ và làm thành nền văn hóa HN truyền thống theo chân các danh nhân, sĩ từ từ xa xưa là một quá trình. Bây giờ HN có dân số và diện tích tăng gấp 10 lần thì rất khó yêu cầu cũng như duy trì mọi vùng, mọi người có văn hóa HN. Mọi việc phải có tiệm tiến.
Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe!

Ian McIntosh và cuộc đối thoại quảng cáo đường phố Việt


“Đây không phải là quảng cáo” được họa sĩ Ian McIntosh (Australia) thể hiện trên16 tác phẩm đang trưng bày tại phòng tranh Văn Việt, 36 Lý Thường Kiệt đã cho người xem nhiều phản ứng tâm lý. Song phải thừa nhận người họa sĩ này đã thể hiện những gì anh nhìn thấy thật sinh động và thành thực. Thoạt nhìn có vẻ các bức tranh được làm theo cách khá đơn giản. Ian đã sử dụng những tờ poster quảng cáo của các tạp chí, dán báo, tạp chí, rồi vẽ lên đó những mảng màu, thêm những lớp chữ bằng tiếng Anh, tiếng Việt, những con số,... nhưng đối với họa sĩ, việc sáng tác không phải dễ dàng “tôi đã thực hiện các tác phẩm này trong nhiều năm qua”- anh cho biết. Trong vai một người xem tranh, trò chuyện với Ian, chúng tôi biết rằng những chi tiết tưởng như rất nhỏ nhặt trong những bức tranh ấy đều có đời sống hiện thực riêng cũng như có những ý nghĩa của cuộc sống.
Xem những bức tranh của anh, tôi cảm thấy ở đó có một cái nhìn mới về Việt Nam, có sự hài hước, buồn cười trong từng bức tranh với những hình ảnh của “văn hóa quảng cáo đường phố”?
Vâng, tôi cố gắng thể hiện những điều mà tôi thấy thú vị, lôi cuốn và hài hước mà tôi quan sát về cuộc sống bình thường hàng ngày trên đường phố. Khi tôi tới Việt nam, nhìn mọi thứ đều rất lôi cuốn và mới mẻ. Tôi đã mong muốn được ghép tất cả chúng vào với nhau và mang vào tranh của tôi.
Tôi tới VN nhiều lần và tôi cũng “phải lòng” rất nhiều lần. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đến Vn, tôi thích văn hóa, con người Việt Nam. Đã cho tôi những cảm xúc tốt khi sáng tác như công việc nghệ thuật của tôi.
Nhưng các bức tranh của anh hỗn độn qúa, có quá nhiều thứ ở đó, tiếng Việt, tiếng Anh, các dòng quảng cáo, hình ảnh,...mọi dòng quảng cáo có thể thấy trên các tờ báo?
Hầu hết các bức tranh của tôi là diễn tả về sự thay đổi ở Việt Nam mà tôi nhìn thấy trên đường phố. Tôi đã mang tất cả những sự thay đổi đó vào tranh của tôi. Và thể hiện nhiều, rất nhiều bức tranh khác nhau trong một bức tranh. Mọi thứ đang thay đổi, đang chuyển động nên có thể bạn thấy nó không rõ ràng.
Vâng có thể tôi là phụ nữ nên thích nhìn mọi thứ phải sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi nghĩ là làm sao người ta lại có thể thích những thứ lộn xộn, luộm thuộm và nhem nhuốc được nhỉ?!
(cười), nhưng nhiều thứ ở VN không rõ ràng vì nó đang thay đổi, nó không thể sạch sẽ hay ngăn nắp được. Nhiều tòa nhà mới được xây dựng bên cnạh những ngôi nhà cũ. Mỗi khi trở lại HN, đạp xe đi quanh thành phố, tôi thấy nhiều tòa nhà cũ đã biến mất và cảm thấy buồn nhưng mọi thứ đang thay đổi. Mọi người đang nghĩ về tương lai, nghĩ về những điều tốt đẹp hơn. Vui hơn và tôi cũng vậy. Trong bức tranh của tôi có những điều đã trôi qua như những con số lịch sử ‘75, 1968, có con số hiện tại 2009,có cả những điều riêng tư như tên người yêu cũ của tôi. Việt Nam đã, đang và luôn thay đổi, nhìn vào bức tranh của tôi bạn có thể thấy điều đó.
Nói một chút về một số bức tranh của anh nhé, bức số 2 này, anh viết “Món quà Viet” có những cô gái xinh đẹp trong bộ đồ truyền thống đội mâm lễ,...
Vâng đó là văn hóa truyền thống đi chùa của người Việt,
Được gắn với những dòng quảng cáo khác và những dòng chữ Kh B T, anh yêu em?, “chết”, “tình yêu” “Lan oi”,... những dòng chữ anh viết xung quanh có ý nghĩa gì?
Không nghiêm trọng như thế đâu.Tôi đã thấy tờ lịch trong văn phòng có hình ảnh những cô gái đang đi chùa đẹp như thế, và nhìn ra ngoài văn phòng trên những bức tường này, bức tường kia tôi thấy những hình ảnh khác, như dòng chữ khác như thế. Tôi đã đưa tất cả cùng một lúc vào bức tranh của mình. Còn bạn, bạn thích bức tranh nào của tôi?
Tôi thích bức tranh này của anh! Một thực tế được anh thể hiện ít lộn hơn. Một cô gái xinh đẹp trong bộ đồ áo cưới với những câu hỏi “Do i look beautiful enough for him?”, “who will look after the children when i go back to work?”, “Anh yêu em?”,... đã thể hiện những tâm trạng khác nhau, những vấn đề khác không phải lúc nào cũng đẹp và dễ dàng như ngắm một cô dâu xinh như vậy.
Vâng, cô ấy cũng đang thay đổi cuộc sống của mình. Cô ấy đang phải suy nghĩ nhiều hơn.
Còn bức tranh kia cũng là một cô gái đẹp. Anh hẳn rất thích cô ấy phải không?
Vâng, rất thích. Một bức poster với màu đỏ mạnh mẽ. Cô người mẫu có một khuôn mặt đẹp tuyệt vời nhưng bên trong cô ấy là điều gì? Cô ấy suy nghĩ ra sao, ngòai khuôn mặt đẹp có gì tốt đẹp hơn?
Trong bức tranh của anh tôi thấy hầu hết đều có dòng chữ KhBT 0903.....,hoặc Kh C bêtông 0912... anh thấy những dòng chữ này ở mọi nơi đúng không? Anh thấy nó có đẹp không?
Đúng vậy, tôi thấy nó mọi nơi ở Hà Nội và đôi chỗ ở Sài Gòn. Đôi khi nhìn cũng thấy thú vị. Khi nhìn thấy nó trên các tờ báo là biết ngay là ở Việt Nam. Tôi muốn vẽ những gì đang diễn ra và tôi thấy điều đó ngay trong chính những dòng quảng cáo đó. Bốn năm tôi tới HN, thì người quảng cáo chỉ dùng số điện thoại để bàn thôi nhưng bây giờ thì là số di động. Rõ ràng là có sự thay đổi lớn.
Và tôi cũng có một tâm trạng khác, đó là anh đang cười nhạo chúng tôi với văn hóa quảng cáo đường phố hỗn độn và nhem nhuốc đó? Anh nghĩ sao?
Tôi biết là sẽ có những người không thích những bức tranh của tôi. Đó không phải là những ý tưởng thể hiện hay nhất về sự thay đổi, chuyển động của xã hội. Nhưng tôi vẫn muốn thử xem. Cũng có người nói với tôi là bức tranh của anh thật buồn cười.

Tất nhiên những điều anh thể hiện là những gì anh nhìn thấy, nó là sự thật.
Những gì tôi thể hiện là những điều tôi nhìn thấy và tôi cho rằng rất Việt Nam. Nhiều người nói thích những bức vẽ lại hoa văn, họa tiết bằng chì trên giấy dó của tôi ở những triển lãm trước hơn, thích tôi vẽ truyền thống hơn. Tôi không thể điều khiển được điều đó. Điều tôi quan tâm hơn cả là tôi góp một phần vào nghệ thuật Việt Nam đương đại.
Những bức tranh của anh không chỉ là những hình ảnh buồn cười. Tôi hiểu là anh đã làm việc nghiêm túc.
Tôi rất nghiêm túc. Nghệ thuật đối với tôi rất quan trọng. Nó là phương tiện giao tiếp của tôi với Việt Nam, với mọi người. Thông qua nghệ thuật, tôi trò chuyện, tâm sự, đối thoại với cộng đồng. Nghệ thuật là ngôn ngữ quốc tế mà.
Nếu sang năm anh tới VN và không thấy những hình ảnh trên tường, đường phố như những hình ảnh trong các tác phẩm của anh, anh nghĩ như thế nào?
Mọi thứ đều có thể thay đổi. Thông qua những việc làm thì mọi thứ sẽ thay đổi.Và thay đổi từ ngay từ bây giờ.
Xin cảm ơn anh!