Trần Nga: Là một trong những việt kiều trí thức tiên phong hỗ trợ hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước sớm với nước ngoài, và có nhiều cống hiến tích cực, ông có thấy rằng ngày càng được chính sách hỗ trợ tốt hơn không?
TS. Vũ Đức Trinh: Chắc chắn có nhiều thay đổi chứ. Nhưng cơ chế của khoa học bên này không đơn thuần, song nội bộ phải tự giải quyết thôi. Có điều tôi muốn nói thêm, người trong nước cũng như những cơ quan quản lý về khoa học trong nước phải đánh giá đúng mức sự vất vả của người Việt kiều hay của những ai mang về được những chương trình, dự án hợp tác. Phải hình dung được tất cả những khó khăn người ta gặp bên ngòai cũng như những nỗ lực, quyết tâm, công sức và thời gian để đi làm được những chương trình hợp tác, không phải dễ dàng đến gõ cửa là được. Mà phải viết dự án, thông qua những hội đồng,.. rất vất vả và nhiều công sức.
Trần Nga: Trước thềm hội nghị Việt kiều tòan cầu lần thứ nhất vừa tổ chức vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội chưa thực sự khuyến khích Việt kiều trí thức về làm việc tại nước nhà, ông suy nghĩ gì về điều này?
Đúng là chính sách và lời tuyên bố thì nhiều năm rồi đã có. Nhưng cụ thể xúc tiến và thực hiện như thế nào? Nhưng cho đến nay chưa có một dự án, chương trình có tầm cỡ nào được giao cho Việt kiều và như thế cũng sẽ không hiểu họ sẽ vấp váp ở đâu. Nói như thế không có nghĩa là Việt kiều hơn trí thức trong nước đâu. Sử dụng tốt những người tri thức trong nước song song vói sử dụng tốt tri thức việt Kiều trên thế giới ở rất nhiều lĩnh vực để mình có những cơ sở để quyết định chiến lược, chính sách thì sẽ rất hiệu quả. Nói chung là tôi chưa thấy có gì đột phá để thấy là có chứ không phải chỉ là nói. Còn về đầu tư, anh đã làm kinh tế thì anh phải chịu sự cạnh tranh thôi.
Trần Nga: Theo quan sát của tôi, người Việt Kiều về nước tham dự hội nghị lần này đa phần trên 50 tuổi, có lẽ do phần nhiều tâm lý về già người ta thường nghĩ về, hướng về cội nguồn, còn người trẻ thì đang ăn cây nào, rào cây ấy?
Đúng là chúng tôi khi về già thì hướng về quê hương, đất nước nhiêu hơn chứ lúc tôi trẻ tôi cũng chẳng thích nghe chèo đâu. Thế hệ hai thì khác, họ không có kí ức tuổi thơ hay ấn tượng Việt Nam. Nói chúng thờ ơ thì không đúng, nhưng khi chúng trao đổi với nhau tiếng ngoại quốc, sinh sống lớn lên ở trong môi trường đó, gia đình lại không đủ kiên nhẫn để hướng cho con cũng như nói tiếng Việt với con cái, thì việc xa cách là tất yếu. Chúng khác chúng tôi, những người trưởng thành rồi mới rời quê hương đi. Hẳn là phải có những chính sách khuyến khích và kêu gọi hướng về tổ quốc mới với thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc.
Trần Nga: Vâng, tôi đã suy nghĩ về điều này, khi ông bộ trưởng Bộ y tế Đức, gốc Việt Phipplip Roesler trả lời phỏng vấn "ngài còn bao nhiêu chất châu Á?" là "cái mắt dẹt, cái mũi tẹt và mái tóc đen" và bên trong thì "ít thôi, thích món ăn châu Á như nhiều người Đức khác"
Mặc dù chúng ta lấy làm tự hào về nguồn gốc của ông ấy giống chúng ta nhưng nguồn gốc Việt chỉ có vai trò là yếu tố là may mắn thôi, chứ nó không dính dáng gì đến sự tài năng bẩm sinh cũng như môi trường giáo dục và người dạy bảo (người cha nuôi, một sĩ quan Đức)- những yếu tố làm nên thành công của ông ấy.
Trần Nga: Ông từng là phó giám đốc viện vệ sinh môi trường thành phố Laussane, ông đánh giá môi trường ở Việt Nam như thế nào?
Khi tôi về quê, tôi nhìn thấy những bãi rác, những hành động vô ý thức trong việc thải rác, tôi đã mường tượng được tương lai vì đó chính là chuyên ngành của tôi. Khi phát triển kinh tế sẽ có những bãi rác. Ở đó sẽ có chai thủy tinh, thuốc hóa chất, bi đông, rác thải y tế, nhựa, plastic,.. Tôi muốn quê tôi tiene phong trong lĩnh vực đó và đã có những gợi ý, thuyết phục nhưng chưa được đâu. Bây giờ họ đang lo xây đình, xây chùa trước chứ chưa quan tâm nhiều đến việc đó. Quan trọng là người dân, người lãnh đạo phải có ý thức, có kỷ luật chứ không phải chỉ là kêu gọi tự nguyện. Tôi thấy rất bi quan đến nay những bãi rác thải vẫn chưa có được xử lý. Nhà xây hiện đại nhưng cống thoát nước lại chạy ra sông Hồng, ao hồ. Rồi nước thải từ các khu công nghiệp cũng chảy vào sông hồ. Tôi cũng rất sợ cái boxit trên Tây Nguyên.
Trần Nga: Ông cũng quan tâm đến “chương trình Boxit”?
Vâng, tôi cũng là người kí trong bản đề nghị xem xét lại đó. Ban đầu tôi cũng không biết ai là ngườii khởi xướng cái đó. Sau một thời gian tìm hiểu trong bạn bè và giới khoa học. Nói thật rằng khi tôi thấy việc đó tôi thấy lương tâm mình không cho phép im lặng. Bởi trước hết tôi là người trong nghề, tôi hiểu hết những vấn đề của nó. Nếu mình không làm, không lên tiếng thì còn ai nữa. Chính tôi đã đến những nơi sản xuất boxit nhôm, đó là chuyên nghành của tôi, tôi hiểu nó ảnh hưởng tới môi trường như thế nào. Ở Thụy Sĩ ,vùng tôi ở cũng từng có dự án sản xuất nhôm mà người dân địa phương phải đấu tranh mất 50 năm thì vấn đề mới được giải quyết tốt đẹp, dự án mới được bỏ đi và cây cối mới sống lại được. Người làm kinh tế thì luôn muốn bảo vệ lợi ích của mình. Trong khoa học thì không phải lúc nào cũng chỉ có trắng và đen.
Trần Nga:Theo tôi được biết, năm 2008, ông là một trong ba Việt Kiều được Bộ Ngoại Giao VN tặng bằng khen Việt kiều tiêu biểu, đó là vì những thành tích gì thưa ông?
Nói chữ tiêu biểu thì hơi ngại. Nhưng tôi thực sự rất xúc động khi nhận được sự ghi nhận những đóng góp của tôi, có lẽ từ phong trào đấu tranh từ thời sinh viên cùng đồng bào mình làm nhiều việc lớn để nói tiếng nói khác ủng hộ cho cuộc chiến đang diễn ra ở quê nhà; thứ nữa là sự cố gắng tạo cơ hội hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động khoa học kỹ thuật trong quá khứ cũng như hiện tại; cũng như đã tạo quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền Thụy sĩ với cộng đồng người Việt Nam. Về phía cá nhân tôi tạm gọi là kết thúc “một giai đoạn lịch sử”.
Trần Nga: Vì sao lại khép lại “một giai đoạn lịch sử” thưa ông? Vậy hiện tại ông đang có hoạt động hợp tác khoa học nào không?
Đó là sự suy nghĩ tương lai của tôi. Nhưng chuyện này cũng khó lắm. Vì tôi đã về hưu không còn chức quyền nữa. Song tôi vẫn luôn cố gắng trong hoạt động liên kết người Việt Nam ở Thụy sĩ để bảo vệ quyền lợi cho những người VN ở bên đó, giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết. Và hướng những hoạt động về Việt Nam. Tôi mong muốn có được niềm tin giữa chính sách, lời nói, và hiện thực để tiếp tục làm việc cũng như thuyết phục được những người còn do dự, còn chưa quan tâm tới đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét