Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Bảo tồn di sản - khó ở giải pháp


Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/Rượu Hồng Đào chưa ngấm đà say. Xứ Quảng, mảnh đất hậu phương cho hành trình mở về phương Nam của người Việt nhạy cảm, sâu sắc, mang trong lòng âm hưởng của nhiều nền văn hóa cổ như Sa Huỳnh, Chămpa và hiện hữu nhiều di sản, di tích văn hóa lớn. Trong đó phải kể đến hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, nhiều dấu ấn văn hóa Chămpa trên các tháp Chăm huyền hoặc. Vậy nên người xứ Quảng vốn nghèo nhưng sang và mang nhiều trọng trách trong việc bảo tồn, giữ gìn những di sản văn hóa đó. Dưới đây là những chia sẻ của ông giám đốc sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Đinh Hài với Trần Nga về cái khó của hoạt động bảo tồn di sản của tỉnh nhà.


Trần Nga: Quảng Nam có tới hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, đồng thời cũng là vùng đất có dấu ấn của văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, ... hẳn bảo tồn di sản là một hoạt động quan trọng, thường xuyên và có nhiều đặc thù khác so với hoạt động bảo tồn di sản của địa bàn khác?
Ông Đinh Hài: Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới đối với hai di tích Hội An và Mỹ Sơn, chúng tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm rất lớn lao đối với việc bảo tồn và bảo vệ di tích văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy từ các cấp lãnh đạo cấp cao của tỉnh đến các cơ quan chuyên môn và địa phương đều có những chương trình cụ thể để bảo vệ và trùng tu. Chúng tôi có những quy hoạch cụ thể hình thành nên các khu vực trong từng di sản, trên cơ sở đó thực hiện các hoạt động bảo vệ phù hợp như, bảo vệ được nguyên trạng các di tích,... Các hoạt động xây dựng, thương mại đều nằm trong quy hoạch: luôn chú ý cân đối không để các mật độ kiến trúc mới xen lẫn làm phá vỡ kiến trúc đô thị cổ, quy hoạch lại khu vực bán hàng trong khu vực đô thị cổ. Khu Mỹ Sơn cũng vậy. Trên quan điểm dựa vào dân, cộng đồng là người phải rành di tích nhất. Đặc biệt ở Hội An, dân sống trong lòng di tích nên vai trò của cộng đồng được phát huy tối đa. Làm thế nào để người dân nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa và phát huy các giá trị đó một cách phù hợp và thực tế là mục tiêu chúng tôi luôn cố gắng thực hiện. Đồng thời từ các đoàn thể đến các em học sinh cũng được giới thiệu về các di tích di sản và thái độ ứng xử với di sản. Tuy không không phải là luật định nghiêm ngặt nhưng luôn là khuyến khích và vận động người dân, phổ biến quy chế cho người dân. Trong công tác xã hội hóa trùng tu, người dân trong phố cổ góp phần, góp sức cùng với nhà nước.
Trần Nga: Thưa ông, những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Quảng Nam hiện nay là gì?
Hiện nay chúng tôi có những tua du lịch văn hóa đặc biệt như Một ngày làm cư dân phố cổ, tái hiện Đêm rằm phố cổ (vào ngày 14 âm lịch hàng tháng); Ở Mỹ Sơn: có chương trình Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; và các hoạt động nghệ thuật đặc trưng văn hóa vùng,... giúp du khách có thể cảm nhận và hiểu những nét đặc trưng văn hóa của Quảng Nam.
Trần Nga:Tuy nhiên, hàng năm Quảng Nam đón hàng triệu khách du lịch, cùng với sự phát triển của đô thị hóa đã tác động không nhỏ tới việc bảo tồn di tích cũng như không gian văn hóa của di tích, Quảng Nam đã làm gì để ngăn ngừa sự xâm lấn này thưa ông?
Trong quá trình phát triển du lịch chúng ta vẫn luôn thấy mặt trái của nó. Đối với tỉnh Quảng Nam trong những năm qua chúng tôi quan niệm giữa phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn văn hóa thì ưu tiên công tác bảo tồn văn hóa. Vì nếu di sản mất đi thì việc phát triển du lịch cũng không còn nữa.Từ nhận thức đó, chính quyền các cấp đều dựa vào văn hóa để có kế hoạch phát triển kinh tế một cách bền vững. Tôi nghĩ rằng đến nay, chưa có sự tác động lớn của du lịch cũng như đô thị hóa đối với các di tích, di sản ở Quảng Nam. Vì chúng tôi có quy chế rõ ràng đối với khách du lịch cũng như hoạt động sinh sống của người dân địa phương trong vùng di tích.
Trần Nga: Quan điểm của ông đối với việc bảo tồn di sản văn hóa (vật thể, và phi vật thể) như thế nào thưa ông?
Trong hoạt động văn hóa nói chung, bảo vệ di sản nói riêng, bảo tồn phải được coi là một hoạt động đặc biệt. Làm thế nào để văn hóa phi vật thể, vật thể không mất đi, không sai lệch như vốn có của nó đồng thời phát huy giá trị của nó như thế nào cho hợp lý, bền vững là điều hết sức quan trọng.
Trần Nga: Có ý kiến cho rằng hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể Chămpa của tỉnh nhà hiện gặp nhiều khó khăn và có “nguy cơ” khó bảo tồn, trùng tu sửa chữa?
Các di tích Chăm ở Quảng Nam phần lớn đã là phế tích, nên việc quan trọng là cứu vãn, bảo vệ cái đang có và tìm cách để trùng tu. Và trùng tu những gì có thể trùng tu chứ không phải là xây dựng lại một cái mới xa lạ với cũ hay gần giống với cái cũ
Trần Nga: Đâu là những nguyên nhân thưa ông?
Hiện nay những di tích kiến trúc gạch và gỗ rất khó phục hổi. Trong quá trình trùng tu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các nghệ nhân ngày nay làm được những viên gạch hay tạc lại những hoa văn trên gỗ, trên gạch, trên đá như ngày xưa không phải là điều dễ dàng. Làm sao để trùng tu mà không làm cái cũ biến dạng đi, hay thành cái mới là một vấn đề. Làm sao để viên gạch xây tháp Chăm không bị rêu mốc như vốn có của nó là điều còn đang nghiên cứu.
Trần Nga: Hướng khắc phục của ngành quản lý văn hóa hiện nay như thế nào thưa ông?
Chúng tôi phải tiếp tục dựa vào các nhà khoa học, dựa vào những nghiên cứu cho việc trùng tu từng di tích cụ thể. Nhờ vào các nhà khoa học và các nghệ nhân lớn tuổi và điều đặc biệt là phải có sự kiên trì, phải có sự say mê .
Trần Nga: Ngành quản lý văn hóa đã thực hiện được bao nhiêu phần theo hướng khắc phục này?
Chúng tôi luôn cố gắng hết sức và tâm niệm trùng tu không phải là tạo ra cái mới. Mặc dầu tài chính cũng rất là quan trọng nhưng cái khó chính là giải pháp trùng tu. Giải pháp phục chế đang có nhiều tranh luận khác nhau.. Hiện nay, Trung tâm bảo tồn di tích Việt Nam đang thử nghiệm và bắt đầu sản xuất gạch trùng tu tháp Chăm. Hy vọng sang năm chúng tôi có thể có sản phẩm này để xây lại các tháp Chăm.
Xin được chia sẻ hy vọng này của Quảng Nam và xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét