Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

TS. Vũ Đức Trinh: thương cho những "công dân phụ" thời trọng phát triển kinh tế, kinh doanh


TS. Vũ Đức Trinh, một trí thức Việt kiều Thụy sĩ, nguyên chủ tịch Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thụy Sĩ, một trong ba gương mặt Việt kiều tiêu biểu năm 2008, đã có những đóng góp không ngừng nghỉ trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học ứng dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; nhiều lần rớm nước mắt trong cuộc trò chuyện với Trần Nga khi nói về những tâm tư hướng về đất nước, đến những người nghèo khổ, thiếu thốn, đến những hình ảnh bi quan về môi trường sống, đến hướng phát triển xã hội có phần lệch lạc,... ở Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng: cần những hành động và việc làm đột phá hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và ứng dụng,... Mong muốn có niềm tin vào lời nói, chính sách và hiện thực hơn nữa,... để tiếp tục nỗ lực hoạt động cũng như thuyết phục những Việt Kiều khác hướng về đất nước,...
Trần Nga: Tiến sĩ sang Thụy Sĩ từ năm bao nhiêu tuổi?
Sau khi học xong tú tài, năm đó là 1963. Tôi sang Đại học Bách khoa Liên bang, thành phố Lausanne,Thụy Sĩ du học.
Trần Nga:Rồi ông làm việc và định cư tại Thụy Sĩ sau khi ra trường?
Vâng, tôi học chuyên ngành khoa học công nghệ, rồi tiếp tục học kinh tế chính trị, kinh tế kỹ thuật, khi làm việc thì hướng vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng hóa học. hai mươi gần về sau tôi làm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, bảo vệ lao động, nghiên cứu về những người lao động tiếp xúc với hóa chất độc, bụi độc,...sự biến hóa của hóa chất như thế nào trong cơ thể con người với hàm lượng ra sao và nó ảnh hưởng ntn đến sức khỏe, con người nói chung. Ngành của tôi đòi hỏi kiến thức về hóa chất, hóa học, sinh học, sinh hóa, y học, ...
Trần Nga:Được biết tiến sĩ từng là phó giám đốc, trợ lý giám đốc, trưởng phòng khoa học nhiều Viện nghiên cứu, trong đó có viện Vệ sinh môi trường, Viện nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động của thành phố Laussane, ông bắt đầu có những hoạt động hướng về đất nước khi nào?

Từ khi là sinh viên tôi đã hoạt động trong phong trào phản chiến chống Mỹ, ủng hộ đất nước giành độc lập trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Sau năm 1975, tham gia thành lập Hội đoàn kết người Việt tại Thụy sĩ. Tôi là người đã về nước từ năm 1976 đến nay. Mấy chục lần tôi cũng không nhớ hết.
Trần Nga:Về nước ông hoạt động gì?
Trước năm 1987, hoạt động chủ yếu là tìm hiểu tình hình đất nước, tìm thập hiểu cơ chế và khả năng nghiên cứu khoa học trong nước. Lãnh đạo phong trào Hội đoàn kết VN ở Thụy sĩ hướng về đất nước. Đầu thập niên 90, tôi là một trong những người đầu tiên được mời về nước theo chương trình Chuyển giao tri thức thông qua kiều dân (TOKTEN) của Liên hiệp quốc được khởi động lại ở Việt Nam. Kết hợp với công việc chuyên môn của mình tôi đã hỗ trợ đồng nghiệp Việt Nam những phương pháp phân tích, cho mẫu chuẩn, thiết bị,... tạo điều kiện học tập.
Trần Nga:Có vẻ như việc ông hợp tác, tổ chức các chương trình hợp tác hoạt động tại Việt Nam là do điều kiện hoàn cảnh?
Không do tôi tình nguyện chứ, làm gì có ai bắt buộc được mình.
Trần Nga: Vì sao ông lại có sự lựa chọn đó khi mà học xong đại học ông đã không trở về nước ngay?
Trả lời một cách thẳng thắn nhé!
Trần Nga: Vâng, tất nhiên rồi ạ?
Từ hồi nhỏ đến giờ, sự ám ảnh duy nhất của tôi là non nước xứ sở này, đất nước Việt Nam ta sẽ như thế nào, mình tham gia được gì để đất nước phát triển mạnh mẽ, văn minh như các nước khác. (rớm nước mắt). Đó là sự ám ảnh và cũng là động lực của tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và làm việc. Tôi nhớ rõ khi 8 tuổi tôi đã có suy nghĩ đó. Khi tôi thấy nước khác phát triển tôi tự đặt câu hỏi với nước mình. Tất nhiên tôi không có những ảo tưởng chính trị. Tôi chỉ có những lo âu, suy tư về tình hình đất nước từ an ninh quốc phòng, đến vấn đề văn hóa, phát triển kinh tế, đến sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường,... Thực sự nó là như vậy.
Trần Nga: Điều gì ông suy tư nhiều trong sự phát triển xã hội Việt Nam hiện nay?
Trong thời buổi ưu tiên phát triển kinh tế, tôi thấy tội nghiệp cho những người trí thức, những nhà khoa học nghiên cứu cơ bản, nhà giáo, những người có xu hướng bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống,...Không phải ai cũng có đầu óc kinh doanh được thì chẳng lẽ những người đó chỉ là công dân “phụ” hay sao. Chỉ cần một người ham chuộng công việc của mình, nghề của mình thì cũng là rất quan trọng. Còn nhiều điều khác quan trọng không phải chỉ có anh làm kinh doanh giỏi được đề cao. Tất nhiên những người làm kinh tế cần được đề cao nhưng bên cạnh đó không thể nào quên được những người làm việc trong những lĩnh vực khác.
Trần Nga: Và ông thấy rằng, sự phát triển xã hội ở Việt Nam đang khập khễnh?

Tất nhiên là vậy. Tôi rất muốn gặp, muốn nghe những câu chuyện không phải là mua mảnh đất này, bán mảnh đất kia, tiền triệu tiền tỉ,...mà nơi nào tôi cũng thấy. Những câu chuyện về chương trình nghệ thuật, về tác phẩm nghệ thuật hay hát chèo, hát bội, ... cũng rất lý thú nhưng ít người nói đến.

(còn tiếp: TS. Vũ Đức Trinh: bi quan về môi trường Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét