Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Vi phạm bản quyền - tội phạm không có nạn nhân?




Luật đã đủ - sao vi phạm còn tràn lan?

Hội sách quốc tế Frankfurt 2013 chứng kiến sự kiện ra mắt Nhà xuất bản "khủng" nhất thế giới cho ra đời hàng trăm nghìn đầu sách mới mỗi năm, sau sự hợp nhất của hai nhà xuất bản lớn Penguin và Random. Trong một cuộc đối thoại giới thiệu về Nhà xuất bản tại Hội sách giữa Markus Dohle với các biên tập viên và chuyên gia từ năm tạp chí thương mại xuất bản quốc tế hàng đầu: PƯ's George Slowik, Publishers Weekly, The Bookseller, PublishNews Brazil, Bruchreport,  kéo dài 4 tiếng, về định hướng và tầm nhìn phát triển của Nhà xuất bản khổng lồ này trong chiến lược vươn khắp thế giới thì châu Á với thị trường khổng lồ, tiềm năng, đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở cả lĩnh vực xuất bản in ấn và điện tử là  Trung Quốc, lại không phải là đích tới ưu tiên. Cho dù "Trung Quốc là cơ hội rất lớn" song nhìn toàn cảnh, đặc biệt là vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả và quyền liên quan khiến cho Penguin Random vẫn xem thị trường châu Á đầy tiềm năng là "bước tiếp cận sau" dù thị trường châu Âu đã già cỗi.


Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu và giao lưu văn hóa rộng, bảo hộ và quản lí quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra như một nhu yếu tự nhiên và căn cốt cho sự phát triển xã hội trên nền tảng những sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ,...; và cũng là điều kiện bắt buộc cho Việt Nam có thể tham gia các tổ chức quốc tế, sân chơi quốc tế công bằng và đảm bảo lợi ích vị thế cũng như kinh tế.  

 Không thể phủ nhận hiệu quả của công ước Bernen đã thổi một luồng gió mới thay đổi cục diện Ngành xuất bản ở Việt Nam, sự chuyên nghiệp hóa và bài bản đã xuất hiện những nhà sách, nhà xuất bản sở hữu dòng sách cũng như đối tượng cho riêng mình: như: Nhã Nam với các loại sách văn học dịch, nhất là những tác phẩm đoạt giải của quốc tế; NXB Trẻ thì nổi bật với các loại truyện thiếu nhi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…; Công ty Văn hóa Phương Nam tạo uy tín với bạn đọc qua các tác phẩm văn học, nghiên cứu của Trung Quốc;... NXB Giáo dục cũng đầu tư cho những cuốn Bách khoa toàn thư mua bản quyền lớn,...Nhiều Nhà xuất bản nổi tiếng như Cambridge, Oxford,...đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội... bắt tay cho những khảo sát thị trường và liên kết hợp tác.

 Song trong vòng năm năm sau đó, thị trường xuất bản phát triển theo chiều hướng mới với sự trở lại "lợi hại hơn xưa" của các nhà làm sách lậu. Các đơn vị này sang Trung Quốc,  mua cả bao tải sách về thuê dịch và xin giấy phép liên kết in, phát hành, hoặc in lậu những cuốn sách được mua bản quyền, thậm chí họ còn phát hành trước cả sách của nhà mua bản quyền thực sự. Người làm sách bản quyền nản, các nhà xuất bản nước ngoài lặng lẽ rút văn phòng đại diện khỏi Việt Nam. Kết quả là thị trường xuất bản Việt những năm 2009- 2013, lũng đoạn bởi là những mảng sao chép vi phạm bản quyền hoặc được bán bản quyền lậu với giá bèo từ các môi giới hoặc NXB địa phương của Trung Quốc. Cho đến đầu năm 2013,  truyền thông đã lên án những vi phạm và chất lượng xuống cấp nghiêm trọng vi phạm văn hóa, quốc thể của một số bộ sách trong số đó, khiến thị trường sách bản quyền lậu và rẻ từ Trung Quốc mới chững lại. 


Năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập công ước Bernen (bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiếp đó là Công ước Rome (2007- bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng), Công ước Geneva (2005- bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép), Công ước Brussels (2006 - liên quan đến việc phân phối tín hiệu màn chương trình truyền qua vệ tinh), Hiệp định Trips (2007- về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ),...
Đồng thời ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực thi về Quyền tác giả, quyền liên quan, Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Hệ th.ống pháp lý đã có và cho phép Việt nam có thể tham gia các hiệp ước, hiệp định bảo hộ quyền tác giả quốc tế, nhưng  vì sao hiện tượng sách bản quyền không hợp pháp lại tràn lan, lũng đoạn thị trường xuất bản Việt nam trong nhiều năm qua?  Vì sao sau mỗi đợt bắt in lậu, sách lậu, nhà làm sách lậu lại trở lại với cửa hàng to lớn, khang trang hơn và làm sách vi phạm bản quyền, in nhái, in lậu ngang nhiên hơn?
Câu trả lời khá dễ thấy khi hiện tượng kéo dài quá lâu: Việt nam đã đạt được tiến bộ trên mặt trận pháp lý song chưa kiên quyết cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta chưa có chế tài thực thi mạnh mẽ khiến các điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Cùng với nó là hệ thống quản lí, giám sát lỏng lẻo và yếu công cụ hạn chế quyền thực thi, giám sát, xử lí. Chưa nói đến những khía cạnh tiêu cực khác. 

Quản lí quyền sao chép trong môi trường số - làm sao đây?

  Một lần nữa hiện trạng tồn tại đầy thách thức trong hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ- tài sản trí tuệ cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này được các nhà quản lí, chuyên gia đặt ra toàn cảnh với nhiều cảnh báo trong cuộc hội thảo “Quản lí tập thể Quyền sao chép trong môi trường số” do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) phối hợp với đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, cuối tháng 11 vừa qua. Các diễn giả tham gia Hội thảo lần này đã dựng lên toàn cảnh hiện trạng và chạm đến những lỗ hổng, thách thức trong hoạt động bảo vệ, quản lí quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trong môi trường số và internet ở Việt Nam song các giải pháp cho những thách thức này được đề cập rất hạn chế. 


GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng quan trọng của Internet trong xã hội hiện đại, các cơ hội do nó mang lại cũng như những thách thức đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là việc bảo hộ quyền tác giả, và các biện pháp để bảo vệ hữu hiệu hơn các quyền trên trong bối cảnh công nghệ số nói chung và internet nói riêng phát triển như vũ bão trên thế giới và len lỏi tới các ngõ xóm ở Việt Nam.

Song “Quản trị Tập thể quyền sao chép trong môi trường số là vấn đề hoàn toàn mới (ở Việt Nam) và hoạt động này rất phức tạp về nhiều mặt. Bên cạnh đó hệ thống quy định pháp luật, tổ chức quản trị tập thể quyền sao chép còn chưa được chuẩn bị đầy đủ cũng như nhận thức của nhà quản lí và dư luận xã hội còn khá thờ ơ.” - Chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Chiến cho biết.
 “Công chúng thường xem vi phạm bản quyền như một dạng “tội phạm không có nạn nhân” nhưng điều này không đúng. Nếu các ý tưởng không được bảo vệ, sau đó các nghệ sĩ, các nhà phát minh và các doanh nghiệp không thể tận hưởng được thành quả sang tạo ban đầu của họ. Nếu điều đó xảy ra, khuyến khích đầu tưu vào dổi mới khong còn, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và xã hội của chúng ta. Nếu không có bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng tốt nhất, nền thơ ca, sách, âm nhạc và nhiều hơn thế nữa, có thể bị gạt ra ngoài lề” – Ông Jack Labert, tùy viên kinh tế Mỹ tại Việt Nam, đưa ra cảnh báo.


Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra ngày càng cấp thiết như cội rễ của phát triển xã hội, đặc biệt trong kỉ nguyên toàn cầu hóa với đòn bẩy công nghệ số và internet.  Đồng thời vấn đề bảo hộ bản quyền và minh bạch trong bảo vệ, quản lí, thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan cũng như quyền sở hữu trí tuệ đang là những thách thức cam go trong các vòng đàm phán gia nhập các tổ chức cũng như hiệp định hợp tác quốc tế của Việt Nam.  Các chính phủ Mỹ, Australia,...  đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hơn nữa môi trường pháp lý , cam kết cao hơn nữa trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được kỳ vọng là hiệp định kiểu mẫu của khu vực, với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, mà ở đó có tới 80% đang sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền.
          Hành lang pháp lí mới được ban hành còn nhiều bất cập, thậm chí còn chưa đủ để bảo vệ quyền tác giả, quyền quản lí tập thể trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, cùng với nó là sự đa dạng và phát sinh nhiều hình thức mới tương ứng với các quyền cũng như vấn đề, phạm vi cần điều chỉnh. Hoạt động quản lí và thực thi bảo hộ quyền tác giả, cũng như hành lang pháp lí và công cụ thực thi cho các Tổ chức đại diện tập thể Quyền tác giả, quyền liên quan còn chưa hội tụ đủ tiêu chí và chưa đủ mạnh mẽ, đặc biệt đối với hoạt động sao chép, xâm phạm quyền tác giả đang phát triển với nhiều hình thức, trạng thái, đặc biệt trong môi trường số nói chung và internet nói riêng. Công nghệ số và internet đã tạo nên một môi trường mà ở đó hoạt động sao chép là đặc tính vốn có của nó, sao chép xảy ra khắp mọi nơi, và ranh giới giữa bản gốc và bản sao hầu như là không có. 

 MINH ANH
Báo Văn Nghệ 12/ 2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét