Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Xin đừng để người dân sợ... thời bình



Lời blogger: Trên blog này tôi thường chỉ lưu giữ những bài viết đã đăng báo của mình, như một kho lưu trữ riêng. Rất hiếm, chỉ khoảng một hai bài tôi link của tác giả khác, trước đây là bài viết về em Phương Uyên, cảm kích trước lòng nhiệt thành tuổi trẻ của em mà đăng; và dưới đây là vì cảm kích trắc ẩn, vì nhiệt tâm của chị đồng nghiệp trước số phận một con người. Ngày cuối năm đến, cũng là ngày nhìn lại phía sau và suy nghĩ về phía trước. Mong rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra với sự thật!
(Minh Anh)
         
          Thời điểm cuối năm đang đến gần, nhiều người đang rộn rã, mong chờ những giây phút đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng có một người mẹ, người cha đang sợ hãi đếm từng giờ trôi qua. Bởi cuối tháng 12/2014, con họ -  Nguyễn Văn Chưởng sẽ phải chịu án tử hình (oan ?!). Trong những ngày qua báo chí, truyền thông đã đề cập nhiều đến vụ trọng án này (bên cạnh vụ trọng án của Hồ Duy Hải). Báo chí cũng đã nêu lên các vấn đề cần được làm sáng tỏ trong hai vụ trọng án này. Sau đây, chúng tôi chủ yếu xin đề cập đến câu chuyện về nỗi lòng của cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, trong những ngày cuối cùng tiễn biệt con.

1. Đếm ngày để... chôn con
          Cuối năm, trời rét buốt. Tôi bận túi bụi với công việc nghiên cứu nên không có thời gian quan tâm đến việc khác. Bỗng nhiên, một hôm tôi lướt đọc một lượt các tờ báo, các trang web thì thấy hàng loạt bài viết về tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Mắt tôi cay xè. Tôi bắt đầu quay cuồng với hình ảnh bố mẹ Chưởng, những ngày giá rét, họ đã tọa thiền ngoài vườn hoa, đeo tấm biển to tướng kêu oan cho con mình; những tập đơn kêu oan cao chất ngất của họ; đôi tay nhăn nheo vái lạy trong tiếng nấc của bố Chưởng - một cựu chiến binh (bố tôi cũng là cựu chiến binh)... Rất chéo ngoe, tôi bắt đầu cảm thấy mình có lỗi. Tôi bắt đầu lục vấn mình. Tôi làm báo. Tại sao tôi im lặng lúc này ? Trước đây, tôi đã từng phanh phui nhiều vụ việc tương tự, tuy chưa có vụ án tử hình nhưng có án tù chung thân. Tôi cũng đã từng nhiều lần gặp nguy hiểm nhưng cuối cùng tôi và những nạn nhân kia vẫn vượt qua. Bởi vì, chúng tôi có niềm tin vào bản thân, vào lẽ phải, vào một số đồng nghiệp, Tổng biên tập và một số lãnh đạo cao cấp có lương tri.
          Tôi bắt đầu thức trắng đêm. Đêm thứ nhất, đếm thứ hai, đếm thứ ba... Tôi gọi điện đi khắp nơi, nhờ người tìm kiếm địa chỉ gia đình nhà tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Tôi tìm hiểu hồ sơ về vụ án và trao đổi với một số đồng nghiệp, chính trị gia, chuyên gia... có liên quan.
          Giữa những đêm rét buốt ngực, tôi ôm con vào lòng và tự hỏi về... mẹ Chưởng: Liệu tám năm qua bà ấy có được giấc ngủ nào yên ổn không ? Hơn hai nghìn đêm qua bà ấy đã bao lần cầu mong được ôm đứa con tội nghiệp (oan khiên ?!) vào lòng ? Hơn hai nghìn đêm qua bà ấy đã khóc bao nhiêu lần ?... Và rồi tôi đã quyết định gọi điện cho bà ấy. Tôi tự giới thiệu mình rồi, lắng nghe bà ấy nói. Giọng bà ấy lúc xót xa, lúc lại xa vắng như người chân đi không chạm đất. Thỉnh thoảng bà ấy khóc. Giọng ông (bố Chưởng) thì có vẻ còn tỉnh táo, đôi lúc khá quyết liệt, khúc triết. Tôi đã xem tất cả các video mà các báo đã phỏng vấn ông, có những đoạn giọng ông nấc nghẹn không thành tiếng. Khuôn mặt ông đen sạm, đau đớn, khô khốc. Trò chuyện một lúc rồi tôi cũng mở lời bằng một câu hỏi khá đau xót:
          Cuối năm đang đến gần, mọi người đang chuẩn bị xum họp gia đình, nhưng ông bà lại đang phải chuẩn bị tiễn biệt con ?
          Bà Nguyễn Thị Bích (mẹ Chưởng): ``Tám năm qua tôi vẫn còn bàng hoàng, lo sợ, bức xúc, vì con tôi không giết người mà bị án tử hình. Trong tim tôi lúc nào cũng đau nhói, khi trời rét, trời nóng, lúc ăn ngon... lúc nào cũng nghĩ đến con``.
          Rồi bà khóc. Có bà mẹ nào, ngoài kia giống nỗi đau của bà mẹ này không ? Có bà mẹ nào đang phải đếm từng ngày để... chôn con mình không ? (Ít nhất vào thời điểm này tôi được biết có hai bà mẹ đang phải chịu giông tố như thế).
          Bà đã gặp mẹ của nạn nhân - Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh chưa ?
          Bà run run: ``Tôi chưa. Bởi vì khi họ hiểu lầm mình, mình mà xuống họ lại nghét...``.
          Bà ấy cũng đang đau đớn vì mất con, thì có thể sẽ thấu hiểu được nỗi đau sắp mất con của bà. Vậy đã có lần nào bà có ý định cố gắng gặp họ chưa ?
          Bà im lặng một lúc: ``Tôi chưa. Bởi vì tôi nghĩ nếu mà con tôi chẳng may bị như vậy, thì tôi cũng sẽ rất căm thù người ta (Ý của bà muốn nói là do nỗi đau quá lớn như thế, liệu người ta có nghe oan sai của con mình không hay lại thêm căm thù mình``.
          Tôi đã nói với bà rằng kinh nghiệm tác nghiệp của tôi cho thấy nếu những người đau khổ này ngồi lại với nhau thì ít nhiều sẽ có được sự cảm thông, và cả những ``phép màu`` cũng xuất hiện.
          Bà lại khóc: ``Tôi cầu mong tất cả những người có lương tâm hãy lên tiếng cứu giúp con tôi. Vì con tôi bị oan, chứ nếu như nó làm thì nó chịu chứ tôi cũng không thể kêu được. Nhưng thực tế là nó bị oan quá. Lúc xảy ra vụ trọng án ở Hải Phòng thì nó đang ở nhà - ở Hải Dương, có nhiều người biết. Nó mới 32 tuổi, xin hãy minh oan cho nó, thả nó ra, để nó còn nuôi con, vợ nó bỏ đi rồi. Chúng tôi thì cũng già rồi``.
2. Tôi tin vào sự anh minh của Chủ tịch nước
          Mặc dù sự sống của con bà chỉ còn đếm từng ngày, nhưng bà còn hy vọng hay tin tưởng vào ai, vào điều gì nữa không ?
          Không ai ``ép cung`` nhưng bà vẫn nói rằng bà tin vào sự anh minh của Chủ tịch nước, sự công bằng của pháp luật Việt Nam: ``Tôi vẫn tin, tôi nghĩ rằng Chủ tịch nước chưa biết việc của con tôi thôi. Các lá đơn của tôi chưa đến được tay Chủ tịch, chứ nếu Chủ tịch mà biết thì sẽ xem xét, hoãn thi hành án cho con tôi. Chỉ có Chủ tịch mới cứu được con tôi thôi``.
          Bà nhắc đi nhắc lại hy vọng rằng sẽ gặp được người có tâm, có đức (bà muốn nói đến các nhà báo) để có thể đưa được bức thư kêu oan của bà đến tận tay: Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Bà tin rằng họ cũng là những người cha, người mẹ, nên nếu bà được trình bày trực tiếp thì họ sẽ thấu hiểu nỗi oan của con bà mà cho hoãn án tử hình và xem xét lại vụ trọng án.
          Nỗi đau của ông bà cứ được nhắc đi nhắc lại bao nhiêu năm nay. Mỗi lần có người hỏi, ông bà lại phải nói, lại cảm thấy đau đớn và bất lực. Biết thế nhưng tôi không thể không hỏi ông về bức Huyết thư.
          Báo chí, truyền thông hiện đang lan truyền bức Huyết thư kêu oan của ông gửi Chủ tịch nước, ông viết bức thư đó như thế nào ?
          Giọng ông chắc nịch: ``Tôi đã viết bức thư đó ngày 22/11/2013, sau khi đi kêu oan khắp nơi, theo đúng trình tự pháp luật mà không ai thấu. Lúc đó con tôi sắp đến ngày thi hành án rồi. Đầu tiên tôi cắt máu ở tay nhưng nó không ra nhiều, nên tôi phải lấy kim to trích ở ven và viết bằng ngón tay. Tôi không biết chữ (viết lúng túng) để máu chảy ra rất nhiều mà tôi không thấy đau... Nhưng đến nay tôi vẫn chưa được phúc đáp``. 
          Ông vẫn hy vọng vào sự kỳ diệu chứ ?
          ``Tôi vẫn hy vọng. Rất hy vọng sẽ có một cuộc hồi âm gần đây, của một người lãnh đạo có tâm, có trí vì dân, vì nước, giải oan cho con tôi``.
3. Xin đừng để người dân run sợ... trong thời bình
          Trong những ngày này, Việt Nam đang nồng nhiệt kỉ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Đội quân đã làm lên những chiến thắng thần kì, mang lại hòa bình cho đất nước. Ông Nguyễn Trường Chinh (bố của Chưởng) là một cựu chiến binh. Ông và đồng đội cũng đã góp một phần xương máu vào những chiến thắng đó. Tôi ái ngại hỏi:
          Ông nghĩ gì trong những ngày này, khi cả nước đang hân hoan kỉ niệm, ghi công những người lính, những người cựu chiến binh thì con ông lại đang phải chịu án tử hình (oan?!)?
          Ông buồn bã: ``Tôi không còn lòng dạ nào để nghĩ đến ngày kỉ niệm của riêng mình nữa cô ạ``.
          Có lẽ lúc này ông chỉ nghĩ về sự bất công và quay lưng thôi phải không ?
          Ông quyết liệt: ``Sự bất công, quay lưng lại với tôi lúc này là do MỘT NHÓM NHỎ NGƯỜI (chứ không phải tất cả) vì muốn thăng quan, tiến chức nhanh, khoán án nên đã làm oan sai con tôi (Ông nhắc đến một người cụ thể đã làm oan sai vụ trọng án này). Tại hai phiên tòa, sơ thẩm và phúc tẩm, con tôi đã: Xin Quí tòa cho kiểm tra lại điện thoại của nó trong thời gian xảy ra vụ trọng án (48 tiếng), để thấy rõ những cuộc gọi đi, gọi đến của Chưởng là ngoại phạm; Xin Quí tòa cho gọi những nhân chứng - những người đã xác nhận sự có mặt của Chưởng ở địa phương (Kim Thành - Hải Dương) trong thời điểm xảy ra án mạng ở Hải Phòng; Xin Quí tòa xem xét giấy xác nhận trấn thương và giấy khai bị nhục hình của Chưởng khi vào trại giam Trần Phú (Hải Phòng); Xin Quí tòa xem bằng chứng là các vết thương bị nhục hình vẫn còn hằn trên thân thể Chưởng (cậu đã kể chi tiết, tỉ mỉ những dụng cụ, những hình thức nhục hình, ép cung mà cậu đã phải chịu). Nhưng qua cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều đã bác các bằng chứng đó của con tôi``.
          Lúc đó luật sư bào chữa đã nói gì thưa ông ?
          Ông nhớ lại: ``Luật sư đã yêu cầu tòa ba lần là cần phải xem xét lại các bằng chứng mà con tôi nêu ra, nhưng Tòa không chấp nhận. Ông ấy (O) đã phải kêu lên rằng: Luật này là luật của các ông chứ không phải là luật của pháp luật Việt Nam``. 
          Bây giờ ông đang run sợ ?
          Ông hạ giọng: ``Vâng, đúng thế cô ạ. Tôi đã không sợ thời chiến tranh vì đó là cuộc chiến có mục đích của chúng tôi và đồng đội, nhưng tôi lại đang run sợ trước thời bình. Tôi run sợ trước sự oan sai``.
          Lời cuối cùng trong cuộc trò chuyện này ông muốn nói là gì ?
          Giọng ông có vẻ sợ hãi: ``Đừng để người dân chúng tôi sợ thời bình. Nếu như không có một phép màu nào xuất hiện, giải oan cho con tôi thì xin cho chúng tôi chết thay nó``.  
          Dưới góc nhìn của người làm báo chí, truyền thông, chúng tôi đã nhận thấy, vụ trọng án này là một trong hai ``ngòi nổ`` về niềm tin của công chúng nhân dân (Media people) vào pháp luật, vào những nhà lãnh đạo đất nước. Việc tháo kíp nó là rất khẩn bách, không chỉ là nhiệm vụ của ngành tòa án, kiểm sát, hay chính trị, mà còn là nhiệm vụ của ngành báo chí, truyền thông. Chúng tôi thiển nghĩ, vụ trọng án này cần được xem xét lại, tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm, tránh làm cho người dân khủng hoảng niềm tin trong thời bình chứ không phải trong thời chiến tranh.
 20/12/2014
Thủy Tiên 

2 nhận xét: