Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Thách thức trong Quản lí quyền sao chép trong môi trường số

Một lần nữa hiện trạng tồn tại đầy thách thức trong hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ- tài sản trí tuệ cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này được các nhà quản lí, chuyên gia đặt ra toàn cảnh với nhiều cảnh báo trong cuộc hội thảo “Quản lí tập thể Quyền sao chép trong môi trường số” diễn ra sáng qua, 25 tháng 11 năm 2014, tại Hà Nội, do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) phối hợp với đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.

 “Công chúng thường xem vi phạm bản quyền như một dạng “tội phạm không có nạn nhân” nhưng điều này không đúng. Nếu các ý tưởng không được bảo vệ, sau đó các nghệ sĩ, các nhà phát minh và các doanh nghiệp không thể tận hưởng được thành quả sang tạo ban đầu của họ. Nếu điều đó xảy ra, khuyến khích đầu tưu vào dổi mới khong còn, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và xã hội của chúng ta. Nếu không có bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng tốt nhất, nền thơ ca, sách, âm nhạc và nhiều hơn thế nữa, có thể bị gạt ra ngoài lề” – Ông Jack Labert, tùy viên kinh tế Mỹ tại Việt Nam, đưa ra cảnh báo trong bài diễn văn khai mạc Hội thảo.
Tầm quan trọng của Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đặt ra cấp thiết như cội rễ của phát triển xã hội trên nền tảng những sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, công nghiệp,.. được công nhận và bảo vệ, đặc biệt trong kỉ nguyên công nghệ số và internet toàn cầu hóa. 
GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng quan trọng của Internet trong xã hội hiện đại, các cơ hội do nó mang lại cũng như những thách thức đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là việc bảo hộ quyền tác giả, và các biện pháp để bảo vệ hữu hiệu hơn các quyền trên trong bối cảnh công nghệ số nói chung và internet nói riêng phát triển như vũ bão trên thế giới và len lỏi tới các ngõ xóm ở Việt Nam..
Khái quát hệ thống công ước quốc tế và văn bản pháp luật Việt nam trong chuyên đề đầu tiên của hội thảo “Quản lí tập thể quyền tác giả, quyền liên quan”, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục phó cục bản quyền, cho rằng “hoạt động quản lí và thực thi bảo hộ quyền tác giả, cũng như hành lang pháp lí và công cụ thực thi cho các Tổ chức đại diện tập thể Quyền tác giả, quyền liên quan còn chưa hội tụ đủ tiêu chí và chưa đủ mạnh mẽ, đặc biệt đối với hoạt động sao chép, xâm phạm quyền tác giả đang phát triển với nhiều hình thức, trạng thái, trong môi trường số nói chung và internet nói riêng.”
Vấn đề quản lí và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được Nhà nước quan tâm rốt ráo trong trong một thập kỷ nay theo đòi hỏi của thực tiễn cũng như công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước, với một loạt động thái gia nhập các công ước quốc tế bảo hộ quyền tác giả như Berne (2004), Rome (2007), Geneva (2005), Brussels (2006), Trips (2007), và ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực thi về Quyền tác giả, quyền liên quan, Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong các bộ Luật: Dân sự, Sở hữu rí tuệ, Hải Quan, Luật Hình sự, và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Theo chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Chiến: “Quản trị Tập thể quyền sao chép trong môi trường số là vấn đề hoàn toàn mới (ở Việt Nam) và hoạt động này rất phức tạp về nhiều mặt. Bên cạnh đó hệ thống quy định pháp luật, tổ chức quản trị tập thể quyền sao chép còn chưa được chuẩn bị đầy đủ cũng như nhận thức của nhà quản lí và dư luận xã hội còn khá thờ ơ.”
Các diễn giả tham gia Hội thảo lần này đã dựng lên toàn cảnh hiện trạng và chạm đến những lỗ hổng, thách thức trong hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, hành lang pháp lí, công cụ thực thi, đặc biệt trong môi trường số và internet ở Việt Nam song các giải pháp cho những thách thức này được đề cập rất hạn chế.

MINH ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét