Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

NGUYỄN THIỆN ĐẠO VÀ NHỮNG PHỨC ĐIỆU DÂN TỘC



Rời quê hương Việt Nam từ năm 14 tuổi, Nguyễn Thiện Đạo tới Paris. Năng khiếu và niếm say mê đã giúp ông đã thi đỗ vào Nhạc viện Quốc gia Paris, nhanh chóng trở thành hiện tượng của trường và trở thành một trong năm học trò xuất sắc nhất của thiên tài âm nhạc Oliver Messiaen, một nhà soạn nhạc lớn nhất thế giới thế kỳ XX. Và rồi, trân trọng tài năng của học trò, Oliver Messiaen đã ghi nhận “Nguyễn Thiện Đạo là người nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ XX”. Ông là một hiện tượng trong nghệ thuật âm nhạc hàn lâm thế giới với tài năng kết hợp tinh hoa âm nhạc Đông Tây, Nguyễn Thiện Đạo đã chỉ huy nhiều dàn nhạc hợp xướng hoành tráng khởi lên giữa trung tâm châu Âu, những thanh âm dân tộc thấm đẫm “khí thiêng hào sảng của sông núi Việt” kỳ ảo, tinh tế, như những lớp sóng vang vọng, trầm buồn, hào hùng,… và ông đã là “một chiếc cầu đặc biệt nối liền âm nhạc Việt Nam tới những bến bờ xa lắc để thế giới từ lạ lẫm đã trở thành ngưỡng mộ”.
Đằng sau những danh hiệu “Giáo sư- Nhạc sĩ”, “tài năng âm nhạc xuất chúng”,  và những giải thưởng quốc tế  “André Caplet” của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp, huân chương “Chevalier des Art et des Lettres”, ….danh hiệu “Vinh danh đất Việt”, “Huân chương kháng chiến hạng Ba” do nhà nước Việt Nam phong tặng; sự vinh danh trong các từ điển Danh nhân lớn nhất thế giới  của Pháp “Le petit Larousse” và “Le Petit Robert”; “Who is who” của Mỹ, “Who is who in music” của Anh;  là một Nguyễn Thiện Đạo bay bổng với  tình yêu quê hương  lai láng, tràn ngập sự tự hào và ngưỡng mộ tinh thần hào sảng dân tộc. Mê mị với âm nhạc dân tộc trong tâm bào, nhà soạn nhạc với mong muốn “ được đóng góp tốt nhất cho nền âm nhạc bác học Việt Nam, muốn cùng các nhạc sĩ Việt Nam tạo ra một dòng nhạc Việt Nam xứng tầm trên thế giới”….
Năm mươi năm gắn bó với âm nhạc, sáng tác hơn 90 tác phẩm, nhiều tác phẩm được coi là “quan trọng không thể thiếu được” khi nói đến những tác phẩm âm nhạc thế giới, Nguyễn Thiện Đạo vẫn trong trạng thái như mê sảng, phiêu diêu nơi cảm hứng sáng tác, nơi khởi nguồn tác phẩm mà ông đang theo đuổi mà hầu như âm nhạc của ông chỉ mới diễn tả được phần nào,….
Ông sang Pháp từ năm 14 tuổi, thi đỗ vào Nhạc viện Quốc gia Paris, và ngay từ năm thứ nhất ông đã trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị - sinh viên năm nhất nhận giải thưởng của Nhạc viện với tác phẩm khí nhạc “Thành đồng tổ quốc” (thơ Tố Hữu), phải chăng thành công này đã giúp ông quyết định theo con đường sáng tác bắt nguồn từ truyền thống và bản sắc dân tộc?

Từ tấm bé tôi đã say mê con đường nghệ thuật. Trong đầu tôi luôn vang vẳng dòng nhạc phức điệu. Thời thơ ấu, khi được về quê, nằm trên con đê làng nhìn mây bay,nghe tiếng sáo diều quyện chim hót, tiếng dòng sông Đáy nhẹ reo, thả hồn vào thiên nhiên hầu như vô tận, trong tôi một dòng nhạc phức điệu diệu kỳ mê hoặc. Cho đến hôm nay, dòng nhạc phức điệu này vẫn đeo đuổi tôi trong những giấc mơ hồng, nhưng sáng dậy không thể nào viết lại như đã nghe trong giấc mơ. Ôi thật đúng ! điệu nhạc trong tâm bào là điệu nhạc tuyệt mỹ nhất... Âm nhạc truyền thống và dân ca luôn cháy bỏng trong tâm bào tôi.  
Cho tới nay, tôi rung động khi nghe những bản nhạc bác học Tây Âu, nhưng khi nghe một điệu ngâm thơ, một bản nhạc cổ truyền thì tinh anh tôi như bay trên thể phách, hồn tôi thiêm thiếp lâng lâng nơi cõi chết... Giải thưởng nhất môn soạn nhạc Nhạc viện Paris chỉ là một ngọn gió nhẹ thổi trong khoảng trống cõi lòng tôi. Lão Tử nói "khoảng trống luôn sẽ được lắp đầy"...
Tiếp thu nền giáo dục hiện đại Pháp, ông lại sáng tác  những tác phẩm âm nhạc hàn lâm  thấm đẫm văn hóa - nghệ thuật truyền thống dân tộc, ông đã kết hợp giữa tính hiện đại và truyền thống như thế nào trong những tác phẩm của mình?
Cố gắng học hỏi thấu đáo tận cùng kỹ thuật, khoa học- nghệ thuật phối khí Tây Âu và kết hợp với tư tưởng độc đáo thuần Việt để dựng xây một dòng nhạc của riêng mình. Con đường đích thực dân tộc dẫn đến nhân loại. Như các đạo diễn điện ảnh, nhà soạn nhạc phải học hỏi, am hiểu tuyệt đối kỹ thuật xây dựng tác phẩm, nhưng phải nói lên tiếng nói độc đáo của thuần dân tộc mình.
   Muốn xây dựng một dòng nhạc độc đáo được thế giới công nhận, các nhà soạn nhạc phải cùng nhau đoàn kết tìm một dòng nhạc đi từ dân ca thuần Việt.  Đừng để ghen ghét, đố kỵ, phá phách bao trùm trên đầu ta như bao nhiêu thế kỷ qua.
Những năm gần đây, ông hay về Việt Nam dựng những vở nhạc kịch lớn, xin ông cho biết khó khăn và thuận lợi khi dựng những vở khí nhạc lớn của ông tại nước nhà?
Khai bút trong căn nhà trên đất mẹ nhìn ra mặt hồ, hai cây phượng vĩ như biết hát,
vở ba lê Sóng nhạc Trương Chi, vở nghệ thuật tổng hợp Định Mệnh Bất Chợt (Kiều) v.v... được công diễn tại Nhà hát lớn đối với tôi là một vinh dự và niềm vui  lớn. Nhưng tâm nguyện của tôi là muốn đóng góp tốt nhất cho nền âm nhạc nước nhà. Vinh quang luôn song hành cùng đau thương. Thành công mang mầm thất bại, thất bại cũng dẫn đến thành công vì lòng thành cảm kích Trời Đất. Trong cái khó, ló cái khôn, mình phải thích nghi và khai thác những điểm mạnh, sự nhạy bén của nhạc công trong nước. Và làm việc giữa những người Việt Nam với nhau, mình dễ hiểu nhau hơn.
Có thể thấy rất rõ hai cảm hứng sáng tác lớn của ông qua những tác phẩm: Mỵ Châu Trọng Thủy; Khóc tố Như, Định mệnh bất chợt, Sóng tình Trương Chi,… những thiên tình sử đẫm lệ và Bà mẹ Việt Nam, Tây Nguyên, Hồn đất Việt, Hồn Thiêng Sông núi,… tôn vinh, hào sảng khí phách dân tộc. Điều gì đã đưa ông đến những cảm hứng sáng tạo này?
Sau những trăn trở và suy nghĩ của mình, tôi nhận ra dân tộc ta, non sông ta mang hai điểm chính : hào khí và trữ tình. Người nghệ sỹ sáng tác kết tinh được hai điểm này trong tác phẩm của mình chắc dẫn đến thành công. Song muốn thành công phải có ba điều kiện : tài năng thiên phú, ngày đêm điên dại với nghệ thuật ( tử vì đạo ) và thời cơ.
 Trong hầu hết các tác phẩm của tôi, tôi cố gắng thổi hồn dân tộc vào, để cao tính  nhân văn, gạt bỏ giáo điều xu thời. Tôi luôn nhớ câu của thi hào Ba lan Adam Mickiewicz : "Ta bay trên đầu thế kỷ nhân gian".  Tâm hồn tôi hoàn toàn tự do bay bổng trên giải Trường sơn nhớ đến các chiến sỹ "xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước" và biết bao oan hồn lẩn khuất nơi đây.  Nào Vạn lý trường thành, Hy mã lạp sơn, núi Phú sĩ, thác Niagara, núi Kilimandjaro đỉnh cao nhất Phi châu, nào Tây thi, Dương quý phi, Kiều,  tôi hoàn toàn tự do nhập hồn vào hầu đồng và quên hết cả.
Trong những tác phẩm nhạc kịch dựng gần đây của ông, không chỉ có sự phối hợp của nhiều thể loại opera, ballet, … mà còn có cả nhạc: đồng quê, rock, tiếng tỳ bà, ca trù,… sự kết hợp này đã mang đến cho công chúng nhiều ngạc nhiện và trải nghiệm âm nhạc thú vị. Nhưng đối với ông, nhà sáng tác, đó có phải là do những âm thanh đã bất lực khi biểu đạt những cảm xúc và ý tưởng khiến ông phải mượn đến những thể loại nghệ thuật âm nhạc khác?
Tôi đưa rock, ca trù, ngâm thơ, hầu đồng v.v...vào một vài tác phẩm là đã chọn cho nó đúng chỗ. Những tác phẩm này mang tính chất sân khấu. Dùng ngũ cung thẳng băng để sáng tác, theo ý thô thiển của tôi, có lẽ là cái bình phong đôi chút dễ dãi.
Âm thanh không bao giờ bất lực. Nếu âm thanh không được dùng đúng chỗ,không được kết nối tinh xảo, diệu huyền thì nó nó trở thành bất lực mà nó còn làm thính giả "đau bụng"  (nghĩa đen ) vì âm nhạc có tác dụng trực tiếp đến thần kinh, khác với các nghệ thuật khác. Trong vở opera ballet Kiều, tôi đã đưa nhạc rock vào màn" Kiều thác loạn lầu Ngưng bích" vì chỉ loại nhạc này, trong bối cảnh này mới tả được thác loạn, mới đem cho khán giả ngạc nhiên, sững sờ rồi đồng cảm. Nếu chỉ tìm cái lạ cho lạ thì không có tác dụng gì cả.
Tôi có đưa ngâm thơ, ca trù, chầu văn, hầu đồng ... vào một vài tác phẩm của tôi không phải để tạo một sự khác lạ mà chính là để âm nhạc bác học giao hưởng phong phú hơn, có những nét mới hơn. Hãy tìm cái hay trong sáng tác trước cái đúng hay sai. Quan niệm phải đúng (? ) vì quá hãi hùng cái sai (?) làm người nghệ sĩ sáng tác co rúm lại, tự trói mình vì giáo điều đè nặng trên đầu. Vậy cứ chân thành đóng góp tốt nhất cho nền văn hiến thuần Việt. Lòng thành cảm kích Trời Đất. Không cho ngoại vật động đến tâm mình.
Nhạc bác học vẫn kén chọn độc giả Việt, nhạc sĩ suy nghĩ sao về điều này? Ông đã bao giờ lên kế hoạch biểu diễn gần với công chúng như một chương trình quảng bá nhạc bác học cho đại đa số công chúng trên các sân vận động lớn, quảng trường lớn ở Việt nam chưa?
Nhạc bác học luôn kén người nghe từ New-york đến Tokyo vì nó đòi hỏi sự quen thuộc và nhất là sự cố gắng tìm hiểu. Âm nhạc mang cá tính trừu tượng nên nó hơi xa thực tế, trong khi văn thơ, hội hoạ gần xã hội hơn.  Thời nay, con người tìm cái dễ dãi, loại nhạc tiêu khiển, hưởng thụ thật nhanh. Nhưng thời nào cũng thế, bác học uyên thâm và dễ dãi nhất thời đều ở chung trong ý thức hệ nhất nguyên.
Ông có thể chia sẻ với độc giả đôi điều về kế hoạch sáng tác của ông trong năm mới đang đến rồi không?
     Tháng 2-2014 này, tác phẩm Tiên Du do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đặt viết sẽ ra mắt tại Paris khai mạc Năm Việt Nam tại Pháp. Tôi đang sáng tác một bản giao hưởng cho Dàn nhạc giao hưởng VN. Tháng 10, Chủ tịch Hội nhạc sĩ VN Đỗ Hồng Quân có mời tôi tham gia trong Festival lớn sẽ diễn ra tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét