Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

"PHẢI MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TRỞ THÀNH TRẺ THƠ"



 Phạm Tuyên là một nhạc sĩ nổi tiếng, đúng hơn ông là nhạc sĩ của những bài hát nổi tiếng được ưa thích, người ta hát những bài hát của ông mọi nơi: từ các lâm trường - Bài ca người thợ rừng, hầm mỏ ­- Bài ca người thợ mỏ, từ thành phố - Thành phố mười mùa hoa đến nông thôn- Con kênh ta đào, miền núi đến biển khơi - Bám biển quê hương,…Từ Làng Sen đến Trường Sơn – Chiêc gậy Trường Sơn, Đem Cha Lo, từ Hà Nội - Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh - hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất,),… và những ca khúc của ông gắn bó với khán giả từ những năm học mẫu giáo – Trường của cháu đây là trường mầm non, Mẹ và cô, thiếu nhi – thiếu niên đến Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng,…
PHẦN THƯỞNG LỚN NHẤT LÀ SỰ GHI NHẬN CỦA QUẦN CHÚNG
 Hành trình sáng tác của ông dõi theo hành khúc cuộc sống của đông đảo quần chúng lao động và khán giả cũng thấy trong đó phần cuộc sống rộn ràng, tươi sáng của tình yêu, sự chân thành, những bài học và cuả những phút xao xuyến, quyến luyến trước thiên nhiên của chính mình. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của ông còn theo hành trình của dân tộc, hát lên tiếng nói của nhân dân: Chiến đấu vì độc lập tự do, Hát dưới cờ Hà Nội, Màu cờ tôi yêu, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,…
Nhắc đến Phạm Tuyên, người ta không khỏi không nhắc đến thân phụ ông, nhà báo Phạm Quỳnh bậc trí thức tiêu biểu Việt Nam hiện đại, và đến cả những giải thưởng cao quý mà bị coi là đến với ông muộn màng, nhưng đó là chỉ là những  gì khán giả yêu mến ông và đề tài giới truyền thông đặt ra liên quan đến những vấn đề có tính thời sự, còn bản thân nhạc sĩ, lúc nào cũng với nụ cười hiền hậu nói về những sáng tác, những kỉ niệm với khán giả của mình cũng như tâm huyết mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong những sáng tác nghệ thuật âm nhạc.
Sau cuộc hội nghị nọ, mọi người đứng lên hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, ông đã hỏi người bên cạnh có biết tác giả của bài hát này là ai không, người nọ nói không biết còn ông thì hân hoan. Ông cho rằng đối với người nhạc sĩ điều quan trọng nhất là tác phẩm có chỗ đứng trong đời sống quần chúng: “Những sự ghi nhận của đời sống là tốt nhất với tôi, nếu sự ghi nhận của đời sống trùng với sự bình chọn thì thật vui nhưng phần thưởng lớn nhất của tôi là tác phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng khán giả.”


 PHẢI MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ TRỞ THÀNH TRẺ THƠ
Nhưng đề tài trò chuyện nhạc sĩ Phạm Tuyên hứng thú và cũng trăn trở nhất là mảng sáng tác cho thiếu nhi. Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi ông là một tác giả đầu tư cho thế hệ thiếu nhi và không ngoa khi gọi ông là nhạc sĩ của trẻ em. Ngay cả khi Hội Nhạc sĩ đề xuất tác phẩm lựa chọn đăng kí  giải thưởng Hồ Chí Minh ông, ông đã mong muốn trong đó chọn những bài thiếu nhi. Gia tài sáng tác cho thiếu nhi của ông phải nói là đồ sộ với hàng trăm bài, chiếm đến 1/3 tổng số bài hát của ông. Nhiều vị giám đốc NXB Kim Đồng đến hỏi và đề nghị ông tuyển chọn để in Tuyển tập bài hát cho thiếu nhi, lần nào về, các vị ấy cũng hoan hỉ bởi nhận được số lượng bài hát nhiều hơn mong đợi. Đến nay ông có đến năm tuyển tập các bài hát thiếu nhi được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản và phát hành. Trong đó tuyển tập tiểu sử nhạc sĩ bằng ảnh cho trẻ cùng các bài hát được trẻ rất thích thú còn nhạc sĩ thì cảm động.
Và chính những sáng tác ở mảng đề tài này đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng “Như bài Tiến lên Đoàn viên, tôi được ba lần giải thưởng”. Ban đầu, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác nhiều bài cho trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn và sau này là trường Thiếu sinh quân Việt Nam – nơi ông công tác từ năm 1949. Nhưng ông thực sự nổi tiếng bởi nhiều sáng tác cho lứa tuổi mầm non, mà bài hát đầu tiên do cô con gái ép buộc.  Bữa đó, đón cô con gái bé bỏng  từ trường mầm non A phố Thợ Nhuộm về, cô bé rỉ tai ông nói: Cô giáo muốn nhờ bố viết cho một bài hát. Ông trả lời con, bố đã bao giờ viết bài hát cho mẫu giáo đâu? Chịu thôi! Cô bé quay đi, nói: thế thì mai con không đi học nữa. Sợ quá, hai ngày sau ông mang sáng tác mới nhờ vợ xem thử. Vợ ông hào hứng: ồ bài hát này được đấy, trẻ nhỏ hát được. Mang đến cho cô giáo, bất ngờ cô giáo khen: Ồ bài này hay quá  và hát reo lên” Trường của cháu đây là trường mầm non”. Các trường mầm non ở Hà Nội lúc đó cũng thích quá đến xin và hát, chỉ thay đổi câu cuối bài hát thành tên trường mình: trường của cháu đây là trường Họa Mi,… và sức sống của nó lan tỏa đi khắp các trường mầm non cả nước.
Hay “Chú Voi con ở Bản Đôn” của ông giờ đã 22 tuổi,  mang âm hưởng dân ca Ê Đê đi khắp cả nước, được làm nhạc hiệu của đài phát thanh tỉnh Đắc Lak. Có điều lạ là, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và người lớn khác thích hát nhiều bài hát thiếu nhi của ông. Nhạc sĩ Trần Tiến với cái mũ  phớt rộng vành của thổ dân Meehico rất hay đàn và hát bài này trong những chương trình biểu diễn của ông, hay ca sĩ Lê Dung, Mỹ Linh cũng thường hát Cánh én tuổi thơ của ông.  Về điểm này chỉ có thể giải thích người viết đã thâm nhập được vào đời sống của trẻ và một sáng tác cho trẻ có chất lượng thì không chỉ trẻ con thích mà người lớn cũng thích. Viết cho trẻ con không phải viết cho người lớn những gì không xài được thì để cho trẻ con. Nếu như Tô Hoài không trân trọng trẻ con thì không thể có Dế mèn phiêu lưu kí.  Và nói như Picasso:  Phải mất nhiều thời gian để trở thành trẻ thơ. Những nghiên cứu giáo dục hiện đại cho trẻ cũng cho thấy, với trẻ sự đối thoại có tác dụng hơn là độc thoại.
Nhạc sĩ của Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc năm 2012, thừa nhận: Sự thẩm định của trẻ cũng rất buồn cười, thích thì đọc, thì hát chứ không phê bình gì cả. Viết cho trẻ vừa là nghệ thuật vừa là vấn đề tâm lí sư phạm. Trẻ con mẫu giáo, thiếu nhi, thiếu niên rất khác nhau với những quãng giọng và khả năng khác nhau.Tôi học điều này từ vợ tôi, bà ấy là một giáo sư tâm lí học trẻ. Đừng nghĩ trẻ con ngày nay giống ngày xưa, vì chúng phát triển có gia tốc. Các mảng thông tin trên thế giới đều đến với chúng. Nếu người nào muốn dùng âm nhạc răn dạy trẻ thì không đúng đâu. Các cụ ngày xưa răn dạy trẻ cũng dùng những câu đồng dao rất vui, hồn nhiên để tiếp cận trẻ. Trẻ thích vừa học vừa chơi chứ răn dạy nhiều thì trẻ chả thích đâu. Cách đây 20 năm, tôi đã nghĩ đến việc này, làm sao giữ bản sắc dân tộc trong những sáng tác cho trẻ em. Và tôi tìm về những khúc đồng dao, từ hàng trăm khúc đồng dao, tôi đã chọn được vài chục bài và viết lại lời phổ nhạc như bà còng đi chợ, hay gánh gánh gồng gồng,…Bà còng thì dạy trẻ tính trung thực, Gánh gánh gồng gồng dạy trẻ nghĩ đến người khác,..

Là người tâm huyết và gửi gắm nhiều tâm tư vào nhạc trẻ em, ông không dấu được nỗi niềm tâm tư khi quan sát thị hiếu và đời sống âm nhạc trẻ hôm nay. Vấn đề sáng tác cho trẻ không được quan tâm, nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ sáng tác theo đơn đặt hàng là chính, âm nhạc thị trường đã hướng họ theo yêu cầu thị trường nhiều hơn là thị hiếu. Trước hiện tượng lớp trẻ hiện nay bị cuốn theo nhà Hàn, nhạc Âu, ông cho rằng: “Vấn đề đặt ra là phải giáo dục âm nhạc trẻ như thế nào. Và xã hội thì việc quảng bá như thế nào? Tôi thiết tha mong, bộ giáo dục, Bộ văn hóa truyền thông, cần phải quan tâm đến vấn đề này.Lấy cái hay hơn để đẩy lùi cái xấu chứ không nên cấm. Nếu cấm nghe loại nhạc này, loại kia mà không có gì hay hơn cho tụi nhỏ xem và nghe thì cũng không được. Trong khi đó giới trẻ rất nhanh nhạy, chúng vào youtube là kiếm được bài dễ nghe, bài chúng thích. Thích thì không gì ngăn cản được. Cấm chỉ là hạ sách mà vẫn không yên tâm. Trách nhiệm này là của tổng thể xã hội. Những người đổ tâm sức làm việc này cũng phải có cơ chế thích đáng, đừng để họ sáng tác không công….”
Nhiều người sáng tác nghiệp dư thường mang tác phẩm đến nhờ ông viết giới thiệu, thậm chí có người sáng tác không biết nhạc đến nhờ ông ghi lại nhạc. Ông nhận lời nhưng nói: Nhờ tôi ghi lại nhạc thì tôi ghi thôi nhưng đừng nghĩ đây là phương tiện để quảng bá tên tuổi. Yêu âm nhạc, viết nhạc thì rất tốt nhưng đừng nghĩ rằng âm nhạc là cái cầu đưa mình đến với mọi người và công danh.
 

1 nhận xét:

  1. Bài này của mình đăng trên báo Văn nghệ bị TBT đổi tên thành "Trường của cháu đây là trường mầm non" - ngộ hén

    Trả lờiXóa