Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

NSND CHU THÚY QUỲNH: YÊU NGHỀ, NGHỀ CHẲNG PHỤ



Trong khi nhiều người trong nghề và cả một số nhà nghiên cứu, phê bình về nghệ thuật Múa phàn nàn về sự trầm lắng và thiếu vắng sân khấu Múa chuyên nghiệp, gặp NSND Chu Thúy Quỳnh, người ta lại thấy một niềm lạc quan khác của người làm nghề. 
“Tôi vừa  đi chấm Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc toàn quốc tại Sơn La về. Năm nay Liên hoan được tổ chức thành hai đợt, đợt một do tỉnh Sơn La đăng cai vào tháng 5, đợt 2 vào tháng 8 sẽ diễn ra tại Đăk Lăc. Tham gia đợt 1 này có 10 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với 500 nghệ sĩ và diễn viên tham gia biểu diễn. Rất nhiều tiết mục mới nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ hình thể, biểu cảm đặc sắc, sống động…. “- Bà nói.
Hội nghệ sĩ múa Việt nam ra đời cách nay 20( năm 1990), so với những Hội hoạt động nghệ thuật khác như Nhà Văn, Điện Ảnh, Sân Khấu,… thì muộn hơn nhưng trong đời sống, nghệ thuật Múa đã hình thành, phát triển từ trong lòng Cách mạng theo dấu chân của các đội ca múa nhạc tuyên truyền từ nông tác vũ, văn công sư đoàn, …. Và hơn thế nữa, nghệ thuật múa Việt Nam bám rễ sâu từ các điệu múa dân gian, múa sinh hoạt, múa truyền thống các dân tộc,…. Múa dân tộc đã xuất hiện cùng với những hoạt động nghi lễ trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian. Từ những điệu múa dân gian, múa lễ hội, mà nghệ thuật Múa hình thành với những cách điệu và phóng tác, như các tác phẩm đã trở thành truyền thống của ngành Múa như: Múa nón Mường Lay, múa xòe, múa Mừng nhà mới, Múa đám cưới người Dao, Múa tiếng trống đêm trăng,….
Nhìn lại, 100 chương trình ca múa nhạc, nghệ thuật hiện nay thì cả 100 chương trình đều có múa, nhưng không phải tất cả đều là múa nghệ thuật. Đó có thể chỉ là những tiết mục phụ họa, một tiết mục biểu diễn của nhóm, diễn solo và nhìn lại về chất lượng, NSND Hà Thế Dũng, hiệu trưởng trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố HCM cho rằng “nước ta chưa có đoàn múa độc lập, chưa có một sân khấu dành tiêng cho nghệ thuật Múa để Múa có đất thăng hoa” trong khi “khối lượng tác phẩm nghệ thuật múa đồ sộ đã có bấy lâu nay chưa được quảng bá sâu rộng. Nhiều vở diễn lớn, nổi tiếng bị đóng gói sau một, hai chương trình biểu diễn đơn lẻ.”
Tiếp nối  quan điểm này, NSDN Thúy Quỳnh,  chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt nam chia sẻ:  “Lễ hội lớn, nhỏ hay các chương trình ca nhạc từ giải trí đến chuyên nghiệp đều có tiết mục múa.  Thật đáng mừng vì xã hội  đang cần múa nhưng mặt khác những chương trình mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp của múa chưa làm được nhiều. Những hội diễn có khi rất thành công, nhưng làm sao tập hợp lại được các tiết mục đặc sắc của các đoàn ở khắp các tỉnh thành tham gia hội diễn ấy vào một chương trình lớn lại phụ thuộc nhiều yếu tố”.
Có lẽ cùng chính từ trăn trở này mà Hội nghệ sĩ Múa đã nỗ lực lập kế hoạch và bước đầu thực hiện thành công dự án Quảng bá nghệ thuật Múa trên sân khấu biểu diễn và kết hợp trình chiếu trên truyền hình. Được sự ủng hộ của Liên Hiệp Hội VHNT và tài trợ kinh phí của Nhà nước, chương trình biểu diễn nghệ thuật Múa đã được thực hiện cùng với Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tổ chức hai đợt trong năm nay và chương trình truyền hình quảng bá hàng tuần sẽ chọn lọc các tiết mục đặc sắc từ các đoàn khắp cả nước công chiếu rộng rãi tới khán giả truyền hình trên HTV1, An Viên và một số kênh truyền hình địa phương khác.  Chương trình truyền hình đầu tiên đã phát vào 11h tối ngày 19 tháng 5.
Có thể nói, năm nào múa cũng có liên hoan hội diễn cấp tỉnh, cấp trung ương, … Hội diễn nào cũng nhộn nhịp đông đảo, tưng bừng các diễn viên, các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc. Sự nhộn nhịp ấy không phải vì thù lao cao hay cơ hội tăng tiến mà là nhờ sự tâm huyết của người làm nghề. Diễn viên Múa thường tu nghiệp khổ luyện 6 năm trong nhà trường rồi bươn chải hành nghề kiếm sống. Sự khổ luyện đặc thù của ngành như một thứ lửa thử vàng lòng đam mê, khả năng và lòng nhiệt huyết với Múa.  Hiếm thấy trong giới showbiz Việt, một nghệ sĩ múa giàu có và sành điệu, hay vướng những căng- đan (scandal), chỉ thấy những cái tên Linh Nga, Tuyết Minh, Ly Ly, Cao Hiến Thành, … xướng lên như những nghệ sĩ solo, biên đạo múa, giảng viên trẻ tài năng tâm huyết – những hình ảnh quảng bá tôn vinh cho ngành Múa.
“Nhờ lớp trẻ say mê, nhanh nhạy và tâm huyết với nghề. Chúng tôi mới có thể trụ vững và làm được việc này việc khác . Tôi không phải là người giỏi xoay sở được điều gì. Tất cả là dựa vào sự tâm huyết và nhiệt tình của các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn và những anh chị lớn vẫn rất say mê giảng dạy, sáng tạo, có người hơn thất thập la hy vẫn hàng ngày lên lớp” – bà Quỳnh lạc quan nói.
Yêu Nghề, nghề chẳng phụ. Nhờ lớp già say mê nghiên cứu, lớp trẻ say mê luyện tập, học hỏi và đam mê, những người theo múa không chỉ dựa vào chút năng khiếu mà phải bền gan bền chí luyện tập hà khắc trong suốt cả cuộc đời sự nghiệp; đã khiến Múa có sức sống đặc biệt. Và nhờ vậy múa vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả cũng như trong cơ chế thị trường hiện nay.
Với sức sống và sự sáng tạo, bền chặt gắn liền với hơi thở cuộc sống cộng đồng và trong cuộc sống hiện đại hôm nay, múa xuất hiện muôn hình muôn sắc. Song trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập giao lưu quốc tế sâu rộng như hiện nay, vẫn đặt ra những câu hỏi buộc ngành Múa phải trả lời để Múa có vị thế của một ngành nghệ thuật chuyên nghiệp.

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét