Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

NSND ĐÌNH QUANG: SÂN KHẤU KỊCH VẪN ĐANG CẦM HƠI

Có thể nói, từ khi cách mạng tháng 8 thành công (1945), kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến hơn một thập kỷ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1985-1990), sân khấu kịch tuy mới xuất hiện nhưng nhanh chóng làm bá chủ đời sống văn hóa của đông đảo giới trí thức, chiến sĩ đến quần chúng nhân dân. Sự xung đột của những tuyến nhân vật, tính kịch trong loại hình sân khấu này cùng sức nặng nội dung chuyển tải những mâu thuẫn, sự thật trần trụi, khốc liệt của đời sống mà hàng ngày người dân cảm, gặp, thấy lên sân khấu nghệ thuật đã thuyết phục người xem. Nhiều vở kịch đã gây chấn động dư luận, và kích thích khán giả hướng đến sự hiện hữu của công lý và sự mạnh mẽ, dũng cảm đời thường. Sân khấu kịch đã thành công trong vai trò là một loại hình nghệ thuật có vị trí trong lòng khán giả đồng thời còn là tiếng nói mạnh mẽ của trí thức trong xã hội. Tuy nhiên, gần 30 năm trở lại đây, hoạt động của sân khấu kịch suy giảm, yếu ớt, đôi khi le lói một, hai vở của nhà hát Tuổi Trẻ, nhà hát Lan Anh… Vì sao sân khấu kịch – một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện ở nước ta trong vòng chưa đầy một thế kỷ, nở hoa rồi lụi tàn? Sự tiếp nhận của công chúng (nhà quản lí, giới chuyên môn, bình luận và khán giả) đối với loại hình nghệ thuật mới này đã như thế nào? Sự tiếp biến của một loại hình nghệ thuật – như sân khấu kịch với thời đại cần những điều kiện gì? Đó là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo Văn nghệ với Giáo sư, tiến sĩ, NSND Đình Quang, một người gắn bó với nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời kỳ đầu. 
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang (Nguyễn Đình Quang - 1928) là một tên tuổi có nhiều đóng góp lớn cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở cả bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lí luận phê bình và quản lí.Ông viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu lí luận sân khấu và văn hóa, một số cuốn sau này được ông tập hợp trong bộ Tuyển tập Đình Quang: Về sân khấu Việt Nam, Về sân khấu nước ngoài (1962), Về văn học nghệ thuật (1995), Về văn hóa (1999) đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Ông từng là thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (1983-1994) và hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. 
  
P.V: Là một người gắn bó cả cuộc đời với sân khấu kịch, trong kí ức của Giáo sư, thời điểm huy hoàng của nhất của sân khấu kịch là thời gian nào? 

 Đó chính là giai đoạn 1960-1985. Và Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc năm 1985, chính là năm huy hoàng nhất của sân khấu kịch phía Bắc. Hội diễn năm’85 đã diễn ra 5 tỉnh thành. Ở thành phố Hồ chí Minh, năm vở diễn: Nhân danh công lí, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước, Nhân chứng và lịch sử được báo chí Sài Gòn gọi là 5 chiếc xe tăng vào giải phóng Sài Gòn về văn hóa. Còn miền Bắc coi là những phát súng đầu tiên của đổi mới tư duy. Nhân danh công lí đòi hỏi sự công bằng trước pháp luật, hay Mùa hè ở biển đặt ra những mâu thuẫn nhận thức giữa các thế hệ khác nhau; hay Nhân chứng lịch sử nói về vấn đề thực chất, mối quan hệ căn nguyên của cuộc chiến chống Pháp; Đỉnh cao mơ ước nói đến lí tưởng của thanh niên. Cả giới VHNT lúc đó đều công nhận sâu khấu đã mở đầu cho sự đổi mới tư duy. 
 P.V: Về phía khán giả thì sao ạ? Công chúng đón nhận những vở kịch này như thế nào thưa ông?
Thời ấy phải nói là làm nghệ thuật là vinh quang. Người ta đối với nghệ sĩ trân trọng lắm. Có khi cả khán phòng im phăng phắc, có khi vỡ òa tiếng cười đến vỡ rạp. Những vở kịch về vấn đề xã hội: tiêu cực, tham nhũng, … khán giả hăm hở xem, đông lắm. Có những vở diễn cả trăm đêm. Người xem thấy được giải tỏa, thấy ở đó tiếng nói công tâm. Không có chuyện tán gẫu, bá cổ, ăn uống trong rạp như bây giờ. Người ta đi xem, là người ta có nhu cầu tâm tưởng, còn giờ là giải trí. Một vở kịch người ta xem thấy nó giải đáp một vài băn khoăn của người xem trong cuộc sống, hay nó giải thích và làm cho sự hiểu biết, nhận thức của con người ta tiến lên thì mới là nghệ thuật. Còn lại nhiều vở, ca ngợi xuôi chiều thì khiến những người lãnh đạo phấn khởi, hỉ hả chứ không giúp gì cho sự phát triển của xã hội, thì nó cũng chỉ có giá trị nhất thời thôi.

 P.V: Trong những vở kịch ông dựng đầu tiên ấy, những vở nào để lại nhiều ấn tượng với ông? 
 Làm thì nhiều nhưng đáng nói thì đấy là: Một quê hương Việt Nam, Bạch Đằng Liễu (Xuân Trình); Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ). Một quê hương Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ, nó đưa ra hai mặt: có người dũng cảm, có người nhát gan, có người cảm thấy mình không đủ sức theo được đã xin ra khỏi Đảng để khỏi mang tiếng Đảng. Hay mâu thuẫn giữa ông bí thư đảng ủy dũng cảm nhưng ông chủ tịch lại chuyên bàn lùi. Lúc đó, người duyệt ở Hà Nội người viết ở Vĩnh Linh, nên giữa người viết và người thông qua nó không khớp nhau về nhận thức. Hay Bạch Đằng Liễu lúc đó phê phán mấy cậu chủ tịch xã và chống lại tham nhũng, cửa quyền, cũng bị phê phán lắm. hay Bệnh Sĩ – người mình cứ tự phỉnh nịnh, phù phiếm, cho mình là lương tâm nhân loại mà không thấy mặt yếu, mặt dở của mình – thì vở diễn đã đặt ra những vấn đề khiến người ta phải suy nghĩ.
P.V: Ông có cho rằng những vở kịch nói lên những mặt trái của xã hội, thì nó lại thu hút được khán giả và tạo được tiếng vang không? 
Gọi là mặt trái thì không đúng, vì thường các vở mà mâu thuẫn của nó là đấu tranh với những tiêu cực trong xã hội thì luôn là cái tiến bộ nó đấu tranh với cái lạc hậu. Cho nên trong những vở ấy đều có mặt tiến bộ và lạc hậu chứ không thuần túy, vì đấu một người tham nhũng, cửa quyền thì phải là một anh trong sạch, thanh liêm. Nhưng lúc đó ở mình vẫn có tư tưởng lương tâm nhân loại, cái gì cũng tốt, nói cái gì tiêu cực thì người ta cho là định kiến. Cho nên nó cũng gặp cái khó.
 Sân khấu kịch từng tỏa ánh hào quang huy hoàng nhưng gần ba mươi năm nay, sân khấu kịch không còn thấy bóng dáng những vở kịch có tiếng vang như trước. Các vở diễn cũng ít xuất hiện, thỉnh thoảng mới thấy có một, hai vở hút khách của sân khấu kịch Lan Anh.
  Sân khấu hiện nay đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nó khủng hoảng cũng từ sau Hội diễn năm 1985 ấy. Vì lúc đó bắt đầu đổi mới cơ chế kinh tế. Bước sang một cơ chế quản lí kinh tế mới mà giới VHNT gần như không được chuẩn bị về cơ chế, hoạt động. Phải nói Nhà nước đề ra xã hội hóa văn học nghệ thuật nhưng không có những biện pháp đi kèm với nó. Cái lúng túng ấy cho đến hôm nay.
 Đứng trước thực tế đó, miền Nam vốn là cơ chế thị trường nên thích ứng nhanh hơn, còn miền Bắc vốn quen với bao cấp đâm lúng túng. Chính vì chỗ đó đối với người làm sân khấu miền Nam năng động hơn miền Bắc. Còn đối với người xem, sau một cuộc chiến tranh 30 năm người ta mệt mỏi rồi nên thiên về giải trí tiêu khiển. Nhìn chung, cả kịch nói lẫn sân khấu dân tộc ở hai miền Nam- Bắc đều khó khăn như nhau. Sân khấu Sài Gòn năng nổ, đông khách, sầm uất hơn nhưng vẫn thiên về giải trí, khôi hài, đồng tính, thỉnh thoảng mới có đôi ba tiết mục phản ánh xã hội một cách sâu sắc. Dù là miền Nam gọi là sầm uất hay thưa thớt vắng vẻ ở miền Bắc thì cả hai bên đứng về mặt nghệ thuật mà nói đều coi là nền sân khấu đang òi ọp.  
Vâng, bên cạnh chuyển đổi cơ chế kinh tế, còn có sự mở cửa và giao lưu với quốc tế, khiến nhiều dòng văn hóa và trào lưu nghệ thuật đổ ào vào nước ta và làm suy yếu đời sống nghệ thuật truyền thống dân tộc. Quan điểm của ông về vai trò sân khấu kịch nước ta như thế nào? 
Lẽ ra, trong những bước chuyển đổi của xã hội thì sân khấu phải là ngành có sức mạnh nhất. Bởi bản chất thẩm mĩ của sân khấu là xung đột và mâu thuẫn, chính thông qua những xung đột mâu thuẫn xã hội nó phản ánh tình hình xã hội một cách sâu sắc nhất. Trong khi xã hội ta lúc này ngổn ngang bao nhiêu chuyện, đang dữ dội, mất thăng bằng giữa đời sống kinh tế và đời sống văn hóa nhưng sân khấu gần như không liên quan. Toàn nói những chuyện ở đâu đâu. Đến lúc này sân khấu vẫn là cầm hơi thôi chứ so với những thể loại như nhạc nhẹ, hay Bước nhảy hoàn vũ(chương trình truyền hình),… thì nó không gây được sóng gió. Nhưng nếu nền nghệ thuật của nước toàn những bài ca yêu thích, hay Vietnam’s got talent, thì đâu gọi là một nền nghệ thuật có chất lượng được. Nó chỉ là một thứ giải trí cho vui. 
Hiện nay, từ sân khấu truyền thống: Tuồng, chèo, cải lương tồn tại hàng trăm năm nay đến sân khấu kịch xuất hiện trong gần một trăm năm nay đều thoi thóp, èo uột. Ông có sự cảnh báo hay lạc quan nào ở hiện tượng này không thưa ông? 
  Nghệ thuật truyền thống khó khăn và khủng hoảng hiện giờ là điều tất nhiên. Gọi là truyền thống tức là nó có một vai trò lịch sử nhất định. Còn xã hội thay đổi và biến chuyển mà nghệ thuật truyền thống đó không có sự thay đổi về nội dung hoặc hình thức, không có sự cải biến mới thì làm sao hấp dẫn được người xem. Đồ cổ mua để dùng thì khó lắm. Nghệ thuật truyền thống muốn được yêu thích thì phải tự hiện đại hóa lên. Hiện nay có hai dòng suy nghĩ: bảo thủ - ôm cổ truyền không nghĩ đến đòi hỏi của người xem, ngược lại người muốn làm cái mới lại không nghiên cứu kỹ cái cổ truyền thành phá phách.
 Vậy làm thế nào để duy trì nghệ thuật truyền thống trong thời đại mở cửa văn hóa, kinh tế như hiện nay, thưa ông? 
Làm thế nào là một sự thử thách một cuộc thí nghiệm. Các viện nghiên cứu khi đưa ra một sản phẩm, họ phải qua bao nhiêu thí nghiệm, tốn nhiều tiền bạc và thời gian cho cuộc thí nghiệm. Sân khấu cũng vậy, không mạnh dạn với những thí nghiệm thì làm sao thay đổi được. Như tôi đây, khi mới bắt đầu hút thuốc lá cũng phải tập mới nghiện được. Huống chi nghệ thuật là tinh thần, để chuyển đổi tinh thần thì phải có thời gian và có sự biến chuyển. Bắt được cái gu thẩm mĩ và cho người ta quen dần với nó là việc làm cần sự nhất quán, kiên định và có tầm. Nhưng nước ta dở thế này: nếu ông khen dân tộc, khen quá thì không sao, nếu chê đúng thì người ta bảo chuộng ngoại, coi thường truyền thống. Tức là tự do tư tưởng trong nghệ thuật cũng như trong chính trị đều thiếu. Không có tự do thì không thể có chân lí được. 
Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông mạnh khỏe!

Tranh Ấn Độ- sự quan tâm mới của các bảo tàng và nhà sưu tập

Hội họa thuộc thời trung cổ đến khai sáng thời Mughals, còn gọi là cổ điển đang trở thành mối quan mới của các bảo tàng và nhà sưu tập khắp nơi trên thế giới. Một khi đã ngắm nhìn thì bạn sẽ ngắm lại lần nữa. Tính kịch trong từng họa tiết của tranh Ấn Độ có sức thu hút không cưỡng được. Theo cách tính của các học giả hiện nay thì dòng tranh cực kỳ phong phú này có niên đại phổ rất rộng, từ thế kỷ 12 đến 19. Đối với thế giới nghệ thuật, tranh Ấn độ nổi tiếng và đặc trưng là tranh tiểu cảnh được tẩm màu và đá quý. Đây được xem là những bức tranh phong nhã tràn đầy tư tưởng tôn giáo và cảm xúc văn chương, gắn liền với đế chế Mughal hùng mạnh (1560 - 1858). Gần đây, nhiều cuộc triển lãm có tính đột phá được tổ chức tại nhiều bảo tàng, gallery thậm chí với nhiều bộ sưu tập đặc sắc không chỉ được triển làm mà còn biến thành những cuộc đấu giá li kỳ. Tuy nhiên bao giờ tranh thời tiền và hậu Mughals được chú ý hơn cả. Người xem luôn thấy được lịch sử phức hợp của những tín ngưỡng tôn giáo, địa lý, sắc tộc và con người xuất hiện trong các trường phái và thời đại đa dạng trong hội họa Ấn Độ, được thể hiện một cách hài hòa, tinh tế. Những dòng tranh về đạo Phật và các nhà tu hành Jain, những sắc màu nóng của vương quốc Rajput, kỹ họa của các họa sĩ về những cung điện, vương triều Hồi giáo, dòng họ Medici (là một trong những gia đình quyền lực nhất châu Âu từ thế kỷ 15 đến 17) cũng như niềm khao khát nghệ thuật của những vị vua Mughal; những bản khắc Châu Âu và bản in thời kỳ Phục Hưng được cất giấu trong túi xách của các nhà truyền giáo Dòng tên; những bức họa chân dung theo lối của người Anh và Hà Lan (xuất hiện ở miền Đông Ấn), tất cả đều lưu lại những ảnh hưởng đối với những họa sĩ nơi đây. Năm ngoái, tại bảo tàng nghệ thuật metropolitan, cuộc triển lãm khẳng định đẳng cấp ngay từ cái tên: “Kỳ quan của thời đại: Những họa phẩm bậc thầy của Ấn Độ giai đoạn 1100- 1900”, đã diễn ra rầm rộ. Triển lãm là cuộc trưng bày những tác phẩm của 40 họa sĩ lớn của Ấn Độ. Điều đáng chú ý họ chỉ là những họa sĩ cặm cụi và ẩn danh trong nước nhưng được các nhà bảo trợ đánh giá rất cao. Cuốn sách giới thiệu triển lãm đã viết rằng họa sĩ bậc thầy, Abu’l Hasan, một họa sĩ chuyên vẽ cung điện của Mughal, đã kín đáo kí vào bức tranh tả quang cảnh đám đông vui vẻ dùng xẻng xúc phân voi của ông. Còn cuộc triển lãm Met diễn ra ở bảo tàng Rietberg ở Zurich đã làm thay đổi định kiến về tranh và hội họa Ấn Độ thế kỷ 18-19 – một dòng tranh mà trước đây các nhà sưu tập đã lảng tránh không ưa. Thành công của triển lãm được ghi nhận đã tạo nên một mặt bằng nhận thức hiểu biết mới về hội họa và tranh của Ấn Độ giai đoạn này. Trường phái hội họa Pahari hay Hill đã phát triển ở dải Himalayan miền Bắc Ấn khi quyền lực trung tâm của Mughal suy yếu. Bên cạnh đó là sự lớn mạnh của trường phái Raj (Anh) và Nhóm hội họa Đông Ấn chuyên vẽ chân dung và phong cảnh kiểu phương Tây. Những trường phái này phát triển và thành dòng chủ lưu trong suốt hai thế kỷ 18 và 19 tại Ấn. Giai đoạn chuyển tiếp này đã được khai thác sâu hơn trong cuộc triển lãm đình đám “Những ông hoàng và họa sĩ ở Mughal Delhi, 1707-1857” kéo dài từ ngày 6 tháng 5 năm ngoái tại Bảo tàng Xã hội Châu Á tại New York. Điều thú vị là bộ sưu tập được thu thập qua nhiều thập kỷ này là của một tay buôn chuyên nghiệp của vùng này.
Ngày nay, các nhà trưng bày và bán đấu giá cho rằng không chỉ các nhà sưu tập tranh Ấn Độ hiện đại và đương đại đang gia tăng mà cả nhà sưu tập tranh Ấn thời kỳ sớm hơn. Đặc biệt nhiều nhà sưu tầm Ấn Độ đã sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa hiện đại như Tyed Mehta hay M.F. Hunsain và nay họ đang tìm kiếm những bức họa thời kỳ trước đó cho những bộ sưu tập của mình. “Đôi mắt của những nhà sưu tập giờ đang nhìn ngược lại phía sau” – Sandhya Jain Patel, một chuyên gia nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á của Christie (một công ty chuyên bán đấu giá nghệ thuật quốc tế) tại New York nói. “Cho tới gần đây, lĩnh vực triển lãm, mua bán tranh tưởng như đã hấp hối cùng với sự lão hóa của các nhà sưu tập tư nhân.” – Brendan Lynch, chuyên gia nghệ thuật Ấn Độ, Hồi giáo của Tuần châu Á – New York nói - “Bỗng nhiên, trong hai ba năm trở lại đây lại sống dậy cùng sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập trẻ ” “Nó đã luôn là thị trường hẹp nhưng giờ nó sẽ mở rộng hơn” – Francesca Galloway, một người chuyên mua bán tranh Ấn Độ từ những năm 70 của thế kỷ trước cho rằng – “Chúng tôi đang thấy sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập châu Âu, Ấn Độ, châu Á mới. Và tất nhiên là cả những bảo tàng và nhà sưu tập Mỹ, những người này luôn luôn rất nghiêm túc”. Một khi đã tiếp xúc với sự huyền diệu sống động của tranh Ấn Độ, người ta có thể dễ dàng hiểu vì sao nó lại cuốn hút đến thế. Sự cuốn hút này thường khởi đầu bởi vẻ đẹp của sắc màu hoặc những chủ thể, nhân vật đầy mê hoặc – một con voi rong chơi hay một maharana (vị vua) lẫm liệt phục trang đặc biệt từ đầu đến chân, cưỡi ngựa, đang săn đuổi một con lợn rừng. Khung cảnh và tính lịch sử đã tăng thêm phần sâu sắc và quyến rũ cho những bức tranh này. Càng tìm hiểu, càng thấy cuốn hút. Những điều kì lạ về dòng tranh này khiến những người buôn tranh và chuyên bán đấu giá không mong muốn người mua của họ hiểu biết nhiều về Krishna (Vị thần biểu tượng của tình yêu và hạnh phúc) hay những bài thơ tình bằng tiếng Phạn. “Lĩnh vực này thực quá đặc biệt, nó chứa đựng rất nhiều câu hỏi phức tạp” – Lynch nói. Ananda Kentish Coomaraswamy, là một trong số các nhà sưu tập châu Âu đầu tiên đã mua tranh Ấn bằng tình yêu trong sáng chứ không phải bị ảnh hưởng bởi trường phái hội họa hay tôn giáo. Ông đã thu thập được một bộ tranh tiểu họa Ấn Độ quan trọng. Sau này ông đã tặng bộ tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật Boston khi không có có tổ chức nào ở Ấn Độ muốn sở hữu nó. Coomaraswamy (mất năm 1947) được coi là một nhà sưu tập tiểu cảnh Ấn Độ đầu tiên, cùng với Edwin Binney, nhà sáng lập màu sáp Crayola, cũng là người đã hiến tặng những bức tranh tiểu cảnh Ấn Độ cho bảo tang San Diego. Gần đây hơn, vào mùa thu năm 2010, hãng Galloway đã bán bộ sưu tập tranh Ấn tuyệt đẹp của nhà làm phim James Ivory. James đã thu thập bộ tranh này trong suốt thời gian quay phim tại Ấn Độ. Nhà làm phim lừng danh, người California của hãng Merchant Ivory này đã mê tranh Ấn ngay từ lần đầu tiên ông nhìn thấy. Lần ấy, ông tới thăm Raymond Lewis người buôn tranh nổi tiếng ở San Francisco để mua một bản khắc Canaletto. Đúng khi Lewis mang tranh Ấn cho người mua xem, James đi qua và liếc mắt nhìn, lập tức ông đặt vấn đề và mua nó. Ivory thừa nhận rằng” “Hôm đó là tháng 10 năm 1959, tôi đã ngay lập tức đặt vé đi New Delhi để tới vương quốc nghệ thuật Ấn Độ ở Connaught và bắt đầu mua tranh tiểu cảnh”. Bộ phim tài liệu Lưỡi gươm và Cây sáo (The Sword and the Flute) của ông sau này đã thể hiện tình yêu văn hóa Ấn Độ cũng như sự cuốn hút ngược lại của nghệ thuật hội họa tiểu cảnh Ấn Độ đối với nhà làm phim tài ba này. Một người bạn lớn của Ivoy, ông Stuart Cary Welch (mất năm 2008), cũng là một tay sưu tập tranh Ấn cự phách. Welch là một chuyên gia tự học huyền thoại. Ông từng là trưởng phòng nghệ thuật Ấn Độ và Hồi giáo tại các bảo tàng Nghệ thuật Harvad và Metropolitan. Bộ sưu tập mở rộng của Welch về nghệ thuật Ấn và Đạo hồi đã được hãng Sotheby (hãng bán đấu giá tác nghệ thuật quốc tế) bán tại London vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái, thu được 29.3 triệu bảng Anh, một con số tăng vọt so với dự toán ban đầu Tháng 3 năm 2008, hãng Christie đã lập kỉ lục bán đấu giá cho bức tranh “Dàn nhạc chơi trong Raga cho Balwant Dev Singh trong suốt mùa mưa” (1745 -50), dát vàng của họa sĩ Nainsukh theo trường phái Pahari, thu về 2,25 triệu đô Mỹ so với 150.000 đô la Mỹ theo dự đoán ban đầu. Bộ sưu tập của những nhà sưu tập tranh Ấn Độ sắc sảo nhất không thể đem bán nhưng nó có thể được triển lãm vào mùa xuân này tại bảo tàng nghệ thuật và khảo cổ Ashmolean của Anh tại Oxford. Vào ngày 22 tháng 4 tới đây, những “Hình ảnh về Mughal Ấn Độ”: Bộ sưu tập của ngài Howard Hodgkin, gồm 115 bức tranh và bản vẽ do người nghệ sĩ đương đại này thu tập trong suốt cuộc đời ông. Bộ sưu tập mang tính cá nhân cao này cũng là một ví dụ về sự đa dạng của các trường phái hội họa từ Mughal, Deccani, Sultanate tới Pahari, cũng như phản chiếu sự yêu mến của ông này đối với những chú voi. Trở lại New York, một khu mua sắm nhỏ có thể được thực hiện tại sự kiện Tuần Châu Á. Tại đó có thể có một bức họa nào đó sẽ gây chấn động như bức tranh ở cuộc đấu giá Ashmolean. Brendan Lynch sẽ mang tới Người đàn bà hát(khoảng năm 1760) – bức họa chân dung nữ danh ca bằng màu nước trên chất liệu giấy vàng của họa sĩ lừng danh thời Mughal, Manohar, vẽ tại Kishangarh. Học giả tranh Ấn Độ J.P Losty cho rằng vị vua của Kishangarh đã bị mê hoặc bởi người phụ nữ này và đã mua lại bức chân dung về cô này sau 30 năm so với bức vẽ cô trước đó trong bộ sưu tập của Hodgkin. Những bức họa chân dung trước đó của danh ca này sẽ được bán trong suốt tuần châu Á. Galloway cũng mang tới một bức họa hiếm hoi thời kỳ đầu của Rajput Bhagavata Purana, 1520–30, bằng màu nước và dát vàng. Đó là sự điên rồ của tháng Ba đối với những nhà sưu tập tranh Ấn Độ. “Một khi mà bạn bắt đầu, bạn thực sự không thể dừng lại” – Patel nói.

Gs Lương Cần Liêm, bác sĩ tâm thần CKII: Mổ xẻ sự “vô cảm” của “sát thủ máu lạnh”

Những năm trở lại đây, tội phạm giết người dã man tuổi vị thành niên và tuổi hai mươi gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng những kẻ tội phạm này “vô cảm”, “lạnh lùng”, “máu lạnh”, “sát thủ”, “tàn độc”. GS Lương Cần Liêm có cái nhìn trái chiều về vấn đề này khi cho rằng những “sát thủ” được cho là “máu lạnh” như Lê Văn Luyện chỉ là những người mắc bệnh tâm thần và họ đáng thương hơn là đáng trách. GS Lương Cần Liêm là bác sĩ tâm thần CKII. Hiện ông là giảng viên trường đại học Y Paris, Pháp. Ông còn là Chủ tịch Hội Pháp Việt Tâm thần và Tâm lý Y học, chủ tịch Hội Những Người Bạn Chữ Thập Đỏ Việt Nam (Pháp).  
Gọi người bệnh là “vô cảm” không phải văn minh 
 Thưa giáo sư, hai ba năm trở lại đây, hiện tượng “sát thủ” tuổi vị thành niên và ở tuổi 20 ở Việt nam xuất hiện và có chiều hướng gia tăng. Xét ở góc độ tâm lý học xã hội, ông nhận xét gì về hiện tượng này? 
 Về góc độ tâm lý xã hội thì hành vi này là tổng hợp của ba yếu tố nhất định không tách rời với nhau: kém giáo dục, loạn tâm lý và thiếu ý thức pháp luật. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường miêu tả những sát thủ này “máu lạnh”, “mặt tỉnh bơ”, khi bị bắt dù đã “giết người man rợ”, với những “động cơ thấp hèn”.  
Theo ông những kẻ phạm tội này có thực sự “vô cảm” như thế? Nói một cách khác, có thể lí giải hiện tượng “máu lạnh” khi truy sát giết người và thái độ “vô cảm” khi mới bị bắt như thế nào, thưa ông?

 Con người sống trong xã hội có hai cảm nhận bình thường để tự kiểm soát mình: mặc cảm tội lỗi và cảm xúc tinh thần trách nhiệm. Hai trạng thái này được đưa vào tâm lý từ lúc tuổi thơ ấu trong gia đình rồi sau đó ở nhà trường và cuối cùng khi bước vào đám đông xã hội vô danh. Ba mức này như ba tầng của một ngôi nhà, phải “ăn khớp và đồng nhất” với nhau. Do đó, “người mặt tỉnh bơ” có thể là người bị loạn tâm lý. Nếu chỉ biết trừng phạt “người mặt tỉnh bơ” thì không phải là điều trị. Gọi là “vô cảm” đối với người bệnh thì lại là không phải văn minh. Nếu không phải là người bệnh mà “vô cảm” thì chính là người đó cương quyết nghĩ là việc mình đã làm là việc đúng. Có khi họ biết có trách nhiệm nhưng không thấy có nhiều tội lỗi, hoặc tính chắc là toà án sẽ không bao giờ xử đúng, xử kịp… như một số việc khác đã thấy.  
Thưa giáo sư, mọi người thường nói đến những chấn thương tâm lí của người bị hại và công chúng khi vụ việc xảy ra. Còn đối với những kẻ phạm tội sát nhân tuổi vị thành niên này, những vấn đề về tâm lí, tính cách của họ có thay đổi và thường có xu hướng bị tác động như thế nào?  
Những chấn thương tâm lý của người bị hại và công chúng là một vấn đề của sức khoẻ cộng đồng thuộc về trách nhiệm của chính quyền qua các phương tiện truyền thông. Thứ nhất là không “dạy đời”, thứ hai là không bỏ qua, thứ ba giải quyết tức khắc tại nơi để không cho lan ra như dịch thành tin đồn, thư tư là cho biết kết quả một cách trung thực. Những chấn thương tâm lý của người bị hại và công chúng không phải là nỗi lo âu của kẻ phạm tội. Trừ những trường hợp là có ý đồ muốn công chúng biết rõ nỗi khổ đau của mình và tố cáo hệ thống (như một số sự cố của học sinh thất vọng ở trường bên Mỹ).  
 Giam giữ không phải cách chữa bệnh  
Hiện tượng kẻ phạm tội có khuôn mặt được cho là lạnh lùng đó là biểu hiện của những xu hướng tâm lý như thế nào thưa ông? 
Tâm lý con người có ba ngôi: cái “Trên-tôi”, cái “Tôi” và cái “Ấy” nằm dưới cái Tôi theo thuyết tâm lý phân tâm của ông Freud. Cái “Ấy” thuộc về thú tính tồn tại trong con người. Cái “Trên-tôi” là dàn bộ luật của văn hoá và xã hội chấp nhận được. Cái “Tôi” là căn cước cho tôi suy nghĩ, hành động, lấy trách nhiệm. Mất thăng bằng giữa ba ngôi này là gốc làm loạn tâm lý (troubles psychologiques): hoặc “nhiễu tâm” (névrose), hoặc “bệnh loạn tâm thần” (psychose), hoặc “bệnh nhân cách” (psychopathie). 
Nếu nói đến bệnh nghiện thì có thể là một trong ba loại loạn tâm lý nói trên mà do đó, phải chữa bệnh hơn là chỉ trừng pháp cấm đoán. Những người bị mắc bệnh có khi chính họ không biết/không thấy phạm tội mà xã hội nói là phạm tội nên họ bơ bơ như không phải chuyện của họ. Ví dụ người bệnh phân liệt “nghe trong tai và trong đầu” là phải giết diệt ma quỉ thì có thể bỗng nhiên không kiềm chế được mà giết cha ruột của mình vì nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ bé bị đánh đập, không có tình thương mà chỉ nghe cha nói “mầy là đồ ma quỉ”.
Theo giáo sư, sự trừng phạt giam giữ đối với những kẻ phạm tội này có làm nên sự thay đổi về nhân cách của họ thời gian giam giữ hay không? 
Tâm lý xã hội của pháp luật và giam giữ được hiểu ra sao? Pháp luật là để nói cho công dân biết thế nào là công lý, thế nào là trách nhiệm trước khi nghĩ đến pháp luật (chỉ) là dụng cụ trừng phạt. Do đó, chúng ta phân biệt pháp lý và pháp luật. Nói cách khác, trách nhiệm nhà chức trách là giáo dục công dân biết ý niệm công lý và trách nhiệm. Trách nhiệm của các nhà văn hoá trong đó có cả các tôn giáo là giáo dục đạo đức. Giam giữ tức là giảm tự do đi lại: giảm tự do không phải là cách tốt làm cho người có tội biết rõ vì sao mình phạm tội. Giảm tự do người phạm tội là hy vọng họ sợ mà không tái diễn lại hành động, tức là sống với tâm lý sợ. Ngoài ra, giam tự do là để bảo vệ xã hội chứ không phải để giúp nhân cách người phạm tội, ý thức lỗi của mình để tự giác thành người mới.


 Theo giáo sư, chúng ta nên có thái độ như thế nào với những kẻ tội phạm và có thể đưa ra những giải pháp gì để giải tỏa tâm lý cũng như những chấn động tâm lý cho kẻ tội phạm và công chúng? 
Tinh thần xã hội tốt đẹp là phải chấp nhận có bệnh tâm lý và có người điều trị. Các bác sĩ tâm lý khác hẳn với nhà làm giáo dục, giáo huấn và nhà tu. Họ phải hiểu biết về đời sống văn hoá của cá thể tâm lí.  
Ở nước ta cần nghiên cứu rõ nguồn gốc triết lý của đạo đức là gì? Đạo Phật, nói đến Nhân quả. Thật ra, Nhân quả là tổng hợp những (kết) quả của nhân loại (tức loài người), tức là nhân quả là vốn của văn hoá đất nước mà từng người một được hưởng hoặc phải trả giá để giải phóng ảnh hưởng nó đến cuộc sống của mình. Nếu lớn lên mà chỉ thấy cha hành xác mẹ mình thì đến thế hệ sau mình sẽ lặp lại những gì mình biết. Nói vậy thì nhân quả với người phạm tội là sao? Là gia đình phải giúp người ấy giác ngộ tội là gì, lỗi là gì: tội thì phải trả đúng giá của nó, lỗi thì có thể sửa sai cho sau này thành người tốt.