Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

ĐỒ ÁN QUY HOẠCH HÀ NỘI QUÁ NHIỀU PHẢN BIỆN




Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, cho rằng cấu trúc hồ sơ của đồ án đã không đúng với đề bài đã được Thủ tướng phê duyệt và thiếu hẳn phần quan trọng nhất là quản lý đô thị. Là một đại công trình quy hoạch với tầm nhìn đến năm 2050, song các nhà tư vấn và xây dựng đồ án lại không phân rõ thứ tự các bước triển khai đồ án. Theo ông Nghiêm, lời lẽ trong đồ án rất hay nhưng khi thành bản vẽ đã gây nên thất vọng, nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch công nghiệp, phát triển hạ tầng kỹ thuật..., lại được đề cập quá sơ sài. Không những thế, nhiều lý luận trong đồ án về tái đô thị, đô thị lõi, tổ hợp cộng đồng..., là những khái niệm mà một người có gần 50 năm tuổi nghề như ông "chưa một lần nghe thấy, nói gì đến dân hiểu".
Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, lẽ ra trong quy hoạch phải chỉ rõ khu vực trung tâm hành chính mới của quốc gia đúng như đề bài mà Thủ tướng giao nhưng đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vẫn khẳng định: chưa thống nhất địa điểm xây trung tâm hành chính quốc gia! Việc chưa xác định cụ thể vị trí của trung tâm hành chính Quốc gia được xem là bất cập lớn của Đồ án. Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng cần tính đến bước đi trong xây dựng để ít nhất đến năm 2030 cũng có các trụ sở chính trị - hành chính quốc gia hoạt động ổn định. “Ở Việt Nam suốt 50 năm qua mới dần ổn định trung tâm chính trị ở khu vực Ba Đình mà nay còn lúng túng cả với Mỹ Đình thì sao có thể 20 năm nữa đã ổn định ở Ba Vì?”, giáo sư Nguyên Quang Thái nói.
Tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng: Không nên chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì như thế sẽ là “sự dời đô lần thứ hai”, thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, cũng như quyết định dời đô của vua Lý Thái Tổ.
Cựu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm cho rằng điểm bất hợp lý của đồ án là việc xây dựng đồ án lại được triển khai song song với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với thời gian và tầm nhìn tương ứng: “Nguyên tắc của lập quy hoạch là phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã có, trong khi hiện nay chiến lược này lại mới đang được xây dựng”, ông Kiểm nói. Ông cũng không tán thành việc tách rời trung tâm hành chính và trung tâm chính trị thành hai khu riêng biệt. Theo ông, về pháp luật, ở một chừng mực nào đấy thì hành chính cũng là chính trị. “Đến tận hôm nay, việc di dời Hội trường Ba Đình ra khu Mỹ Đình vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận”, ông nói.
Cụ thể và chi tiết hơn, kỹ sư xây dựng Nguyễn Xuân Hải cho rằng còn nhiều vấn đề mà chưa thấy đồ án đề cập/giải đáp như : Những giải pháp kỹ thuật và hành chính gì để chống việc nhà ở, cửa hàng... được xây bám theo các trục đường mới mở từ đô thị hạt nhân đến các đô thị vệ tinh, từ đô thị lõi lịch sử đến các chuỗi đô thị bao quanh; Giải pháp để các hành lang xanh không bị xâm phạm; Hành lang xanh giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh chủ yếu là vùng đất nông nghiệp trồng trọt, tại vùng nông nghiệ,p quy hoạch khu dân cư nông thôn như thế nào? Các thị trấn, thị tứ ở huyện, xã được nằm trong hệ thống đô thị nào, quản lý sự phát triển của nó ra sao. Ranh giới giữa đô thị và khu vực trồng trọt được xác định và bảo vệ như thế nào? Tại sao lại hạn chế tăng mật độ dân số khu vực nông thôn? Nếu đô thị lõi lịch sử được xác định là sẽ giảm dân số ở mức khá cao (từ 33.300 người/km2 xuống còn 23.000 người/km2 vậy tại sao lại cần xây dựng đường ngầm metro ở khu vực này hoặc mở rộng các con đường trong khu vực này cho tốn kém? ... Trụ sở Quốc hội, trụ sở Trung ương Đảng, các cơ quan đoàn thể của trung ương như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn,Thanh niên,...có đi theo cùng với Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì- Hoà Lạc, gắn với trục Thăng Long không? Trục Thăng Long sẽ đi theo con đường nào? Từ Ba Vì về Ba Đình nó dài rộng bao nhiêu? Nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì – Hòa Lạc là đặt nó ở đô thị vệ tinh và như vậy là mâu thuẫn với chính đồ án đã vạch ra là “ Đô thị hạt nhân là trung tâm chính trị…” . Vậy là Chính phủ và các cơ quan bộ ngành…phải xa dân?! Tôi cho rằng các cơ quan này phải ở đô thị trung tâm, ngày nay chính phủ điện tử nên đâu cần trụ sở phải to rộng. Trụ sở của các cơ quan của thành phố ( địa phương): Uỷ ban Nhân dân thành phố, các Sở, Ban ngành... được xác định nằm ở đâu hay vẫn giữ nguyên như cũ? Hồ Tây và khu vực xung quanh hồ Tây, việc bảo vệ các công trình di sản cũng như tầng cao của các công trình cũng cần được kiểm soát chặt chẽ như khu vực Hồ Gươm, trong đồ án thấy coi nhẹ khu vực này.
Kỹ sư Hải chỉ ra rằng sự phát triển bền vững rất mong manh, bị đe doạ khi Đồ án này chưa tính đến quy hoạch nơi ở cho 3-4 triệu dân phát sinh vào năm 2050 theo tiên lượng. Và lúc đó sẽ: Thu hẹp vành đai xanh nông nghiệp? thu hẹp vành đai xanh cây cối sông hồ? giảm diện tích sàn cho một đầu người ở, lại làm các lồng sắt chuồng cọp? kèm theo đó là một loạt vấn đề phải giải quyết về giao thông đi lại, trường học, bệnh viện, chợ búa...Tầm nhìn 2050 còn chưa tính đến việc băng tan nước biển dâng, đất đai của VN bị thu hẹp thì chắc chắn Thủ đô cũng bị ảnh hưởng.
Tâm huyết và quyết liệt GS. TSKH Nguyễn Trường Tiến chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật nói với VNT qua email: “Quy hoạch Hà nội là vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Những quyết định không đúng và ngộ nhận là sẽ mang lại hậu quả khó lường cho tương lai. Chiếu dời đô của Cụ Lý Công Uẩn đã nói rất rõ, có 214 chữ. Triều đình nhà Lý tồn tại 214 năm, có 8 đời Vua. Vua Lý Chiêu Hoàng không được kể tới vì triều đình vào tay họ Trần”. Là một chuyên gia trong xây dựng hàng đầu, ông Tiến đưa ra nhiều ý kiến và kiến nghị với lập luận thẳng thắn: “Không được chuyển Trung tâm hành chính lên Ba vì cũng như làm trục Tâm linh là đường Hoàng quốc Việt kéo dài, đâm vào núi Ba vì và Hồ Tây” mà nên “Phục hồi lại Hoàng Thành Thăng Long; xây dựng 9 vành đai quanh Hà nội với bán kính 40 km đến 90 km; làm 9 cầu qua sông Hồng; Quy hoạch nên có tầm nhìn 100 năm, 500 năm, 1000 năm. Phải quan tâm đến phong thủy, văn hóa tâm linh, di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề, nông dân, nông thôn, nghĩa trang, đàn Nam giao, đàn xã tắc...; Nên khơi thông các sông, hồ, đào thêm sông Hồ. Nối các sông Hồ hiện hữu với sông Hồng, như sông Tô lịch và sông Hồng xưa; Nên có tứ chấn mới cho Hà nội mở rộng; Chùa một cột, phủ Tây hồ, Bách thảo, Đền ngọc Sơn, Hồ Hoàn kiếm, Hồ Tây, Hoàng Thành Thăng long ...là đặc biệt quan trọng với Hà nội ngoài tứ chấn. Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia phải nằm trong các địa danh trên. Nên học các bài học của Tổ Tiên để dựng nước và giữ nước. Để 1000 năm sau có thể kỷ niệm 2000 năm Thăng long trên chính mảnh đất này. Hồ Hoàn kiếm là rốn của Hà nội. Nên phát triển Hà nội như hoa sen, như Trống đồng, như cồng chiêng, như bánh dầy, đối xứng quanh Hồ của Thần Kim Quy”.Như vậy bên những ưu điểm về hình thức đồ án đồ sộ, bao quát, đầy đủ vừa chi tiết... thể hiện được phần nào mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội, thì nội dung, theo các nhà khoa học, chuyên gia thì Đồ án quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của PPJ còn nhiều điểm nang tính định hướng, thiếu cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo... chưa thể dùng làm cơ sở để quy định chi tiết áp dụng vào thực tế. Dư luận cũng đang chờ đợi Bộ Xây dựng khắc phục và giải đáp những câu hỏi lớn trên như thế nào trước khi Bộ trình Quốc Hội phê duyệt hay chỉ là những chống chế, ngụy biện cho qua!


TRẦN NGA thực hiện

QUÁ NHIỀU CÂU HỎI LỚN CHO ĐỒ ÁN QUY HOẠCH HÀ NỘI


Hà Nội là địa phương nhưng lại là thủ đô của đất nước. Vấn đề quy hoạch xây dựng thủ đô không chỉ là phương diện phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang chiều sâu định hướng phát triển cũng như thể hiện thể diện quốc gia trên trường quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả là tình cảm cũng như kỳ vọng lớn lao mà người dân Việt đặt vào việc xây dựng thủ đô của mình, làm sao để thủ đô duy trì, phát huy địa linh – nhân kiệt ,là ngôi nhà cho con cháu đời đời sau phát triển bền vững, hưng thịnh.

Ba năm nay, từ khi Hà Nội mở rộng địa giới, đô thị phát triển như vũ bão,... Hà Nội thay đổi từng ngày, từng giờ. Dân số Hà Nội xấp xỉ 6,5 triệu người, diện tích rộng 3.344 km2, kiến trúc đô thị ngày càng xộc xệch như cái áo rách không thể vá víu. Đến cuối tháng 4 vừa qua, Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội chính thức được bộ Xây dựng trưng bày lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Gần như ngay lập tức Đồ án nhận được rất nhiều ý kiến, phản biện cũng như kiến nghị cụ thể của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như người dân thủ đô.
Tháng 8 năm 2008, sau khi nghe báo cáo ý tưởng nghiên cứu quy hoạch xây dựng đô thị Hà Nội từ ba liên doanh tư vấn nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đồ án quy hoạch Quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đề năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sự thực hiện của liên danh Perkins Eastman - Hoa Kỳ và Posco E&C và Jina - Hàn Quốc (PPJ). Trong thời gian thực hiện Đồ án, nhiều chuyên gia và người dân Việt trong và ngoài nước quan tâm rất quan tâm cũng như lên tiếng đóng góp, bày tỏ quan điểm và những quan ngại mong rằng những người thực hiện đồ án xây dựng đô thị Hà Nội tầm nhìn 2030-2050 có tầm đúng đắn.
Đến ngày 21-4 vừa qua, Đồ án quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đề năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xuất hiện tại phòng trưng bày của trung tâm triển lãm Vân Hồ, số 2 Hoa Lư nhằm lấy ý kiến của người dân về đồ án. Đúng như dự đoán, Đồ án trưng bày lập tức đã thu hút được đông đảo người xem. Đây là một cuộc trưng bày khá đồ sộ với nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cũng như người thuyết minh chuyên nghiệp.
Sau 3 lần trình bày và sửa đổi bổ sung, Đồ án quy hoạch Hà Nội lần này cơ bản đã đề cập và giải đáp được những bức xúc hiện tại, đồng thời cũng đã định hướng được sự phát triển cho tương lai của Thủ đô.
Trong đồ án Thủ đô Hà Nội nổi bật lên với một chùm đô thị vùng Thủ đô Hà Nội, các đô thị đối trọng là các thành phố thủ phủ của các Tỉnh xung quanh Hà Nội; 5 đô thị vệ tinh: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc có chức năng riêng biệt hỗ trợ đô thị hạt nhân tạo thành chùm đô thị vệ tinh xung quanh đô thị hạt nhân. Có những định hướng rất rõ ràng cho sự phát triển và bảo tồn cho từng loại đô thị.
Đô thị hạt nhân được xác định là trung tâm chính trị, văn hoá, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của cả nước, vùng và thành phố Hà Nội (dân số khoảng 4- 4,5 triệu người). Như vậy có thể khẳng định được là tại đô thị hạt nhân không có khu công nghiệp, không có đào tạo, y tế loại chất lượng không cao (ngoại trừ loại phục vụ cho dân sở tại) và Trung tâm hành chính quốc gia phải nằm ở đây.
Đô thị hạt nhân được mở rộng từ đô thị lõi lịch sử về phía Tây đến tuyến đường vành đai IV, về phía Bắc sông Hồng- khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm ( theo định hướng quy hoạch 1998). Xây dựng chuỗi đô thị nằm dọc đường vành đai IV : Đan Phượng – Hoài Đức- Hà Đông- Thường Tín. Chuỗi đô thị này ôm lấy đô thị lõi lịch sử, có vùng đệm ngăn cách bởi hành lang xanh dọc sông Nhuệ và tiếp nhận nhiều dự án trong số 750 dự án đang rà soát lại. Đô thị lõi lịch sử được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản văn hoá Thăng Long cổ và lối sống truyền thống của người Hà Nội (khống chế 0,8 triệu người, khống chế kiểm soát chiều cao và mật độ). Giữa các đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị bao quanh bao quanh đô thị lịch sử đều có khoảng cách đệm bằng hành lang xanh...

Tuy nhiên bên cạnh sự cảm phục về quy mô hình thức của Đồ án, rất nhiều câu hỏi lớn của giới chuyên môn và các nhà khoa học đặt ra cho chủ đầu tư - Bộ Xây Dựng và đơn vị tư vấn thiết kế PPJ!

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

CHÁY NHÀ, SẬP THANG MÁY... NGƯỜI DÂN CHỊU



“Thị trường bất động sản bị thống trị bởi những người nếu đã có một nhà rồi thì họ có thể có mười nhà. Người không có nhà thì chưa biết đến bao giờ mới có thể sở hữu được một ngôi nhà cho dù có cố "an cư" để "lạc nghiệp". Chính sách nhà ở chúng ta đang thực hiện là phục vụ cho 5% dân số mà bỏ qua 95% dân số còn lại. Cái gốc chính sách xã hội nhà ở của chúng ta đang có vấn đề, nó chỉ tiếp tục làm giàu lên những người đang có nhà, và tiếp tục làm nghèo đi những người không có nhà...- Đó là những lời mở đầu của GS.TSKH Nguyễn Trường Tiến, một trong những nhà thầu hàng đầu Việt Nam trong cuộc Đối thoại với Trần Nga về chất lượng những chung cư cao tầng, những quyền lợi và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với những công trình chung cư nhà ở hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Tiến là tiến sĩ khoa học chuyên ngành Địa kỹ thuật tại Thụy Điển, viện sĩ Viện hàn lâm kỹ thuật công nghệ ASEAN,...Hiện ông là phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Hà Nội- một nhà thầu lâu năm và hàng đầu ở Việt nam; phó chủ tịch Hội nhà thầu Việt Nam.


Thưa ông, dư luận xã hội gần đây phản ánh chất lượng nhà ở chung cư thấp, tình trạng an toàn đáng báo động!
Họ ca thán là đúng. Nếu như ở nước khác, chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ lúc thiết kế, thi công, hoàn công, trong quá trình người ở sử dụng ...họ phải gắn bó 50 năm hay thậm chí đến hết tuổi thọ công trình. Họ phải duy trì sức sống, bảo dưỡng cho nó, chịu trách đến cùng. Một nguyên tắc cơ bản của nghề xây dựng là xây xong một ngôi nhà thì đó là một đứa bé ra đời. Sau đó vẫn phải cho nó ăn uống. Chi phí cho một công trình xây dựng nhà ở như thế hết mười phần thì hiện nay chỉ tính đến khi hoàn công- một phần và chia nhau hết ngay lợi nhuận cũng như một phần đó. Chín phần còn lại để bảo dưỡng ngôi nhà đó rơi vào người sử dụng. Họ là chủ vĩnh viễn và phải chịu tất cả chi phí. Đương nhiên họ đang làm chủ một tài sản mà họ không được làm chủ từ đầu, họ không hiểu gì, biết gì về tài sản mà họ đang sở hữu, họ khhông biết nó được xây dựng như thế nào, thiết kế điện nước ra sao,... họ không được tham gia vào quá trình thiết kế, giám sát ... họ bị gán ghép vào và phải ở cái nhà đó. Đó là một việc không tường minh, không chuyên nghiệp,...
Thị trường nhà ở Việt Nam hiện có nhiều phân khúc, nhà đầu tư có toàn quyền về giá xây, giá nhà, bán cho ai, sử dụng toà nhà đó như thế nào,...theo ông thì đây là do chính sách hay họ tự quyền?
Do chính sách, do thiếu chuyên nghiệp, do đạo đức con người. Hiện nay chúng ta ai cũng đi làm dự án nhà đất, ai cũng đi làm đầu tư bất động sản; ai cũng đi làm xây dựng,... Kỹ sư mới ra trường cũng làm được chủ dự án.Thế thì chết rồi. Người ta không cho một ông bác sĩ mới ra trường cầm dao mổ tim nhưng sẵn sàng cho một kỹ sư mới ra trường làm chủ dự án xây dựng. ít ra anh ta phải đạt một mức kinh nghiệm, mức hiểu biết luật pháp, mức hiểu biết văn hoá kỹ thuật,... nhất định, phải tuyên thệ đạo đức nghề nghiệp,... Chúng ta muốn một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn thì chúng ta phải có những con người làm ngôi nhà ấy đạt tiêu chuẩn. Nếu chúng ta không tiêu chuẩn hoá được con người thì không bao giờ chúng ta có được một sản phẩm đạt tiêu chuẩn hay một ngôi nhà đạt tiêu chuẩn. Điều bất cập là chúng ta có có quy định tiêu chuẩn cho tất cả các sản phẩm nhưng lại không có tiêu chuẩn con người. Nên cả nước đi buôn, đi làm nhà thầu, đi đầu tư bất động sản.... cuối cùng cái nhà đó cháy, thang máy sập, ...thì ai là người chịu hậu quả? Chính là người dân phải chịu.
Vâng, đúng vậy thưa ông. Sự cố cháy tòa nhà 18 tầng đường Lê Văn Lương gây chết người là hồi chuông báo động về chất lượng, an toàn cũng như sinh hoạt trong những tòa nhà chung cư cao tầng. Và hiện nay, cũng chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hay bị phán xét trách nhiệm cho sự việc ấy. Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm thì chính ban nghiệm thu tòa nhà ấy phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng của tòa nhà đó. Ông bình luận như thế nào về nhận định này?
Chắc chắn họ còn đổ lỗi cho nhau nhiều lắm. Toà nhà đó do một công ty cổ phần thuộc tổng chúng tôi thực hiện. Chúng tôi phải thành lập một ban kiểm tra đánh giá lại từ đầu: kỹ thuật, an toàn lao động, tổ chức,... Tuy nhiên sự việc không còn nằm trong việc nội bộ, không phải chỉ kiểm điểm sai sót nữa mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi. Bên công an đã thụ lý hồ sơ, có thể xử lý thành một vụ án. Họ đang trưng dụng những chuyên gia của ngành xây dựng, chúng tôi cũng đang chờ những kết quả điều tra.
Hậu quả như thế là tất yếu khi những người thực hiện nó không chuyên nghiệp. Tôi không đồng ý với nhận định của ông Liêm. Nói gì thì nói chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm. Tại sao chủ đầu tư lại thuê người thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, hay nghiệm thu ấy? Bởi cơ chế ở ta như thế này, người đi nghiệm thu cuối cùng ấy có thể là người của sở xây dựng, phòng cháy chữa cháy, thương binh xã hội,... nhưng họ chỉ là những người làm quản lí nhà nước, chưa chắc họ đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể đánh giá được chất lượng công trình,...
Xin phép được ngắt lời ông, nhưng tại sao tình trạng những người không có kiến thức và trình độ về công trình xây dựng lại đảm nhiệm chức năng nghiệm thu những công trình cần đảm bảo an sinh, tôi thực sự không hiểu?
Bởi vì chúng ta không có tiêu chuẩn ai đủ trình độ giám sát, nghiệm thu công trình. Ai cũng có thể nghiệm thu, giám sát khi họ ngồi vào vị trí ấy. Có nhiều người không đủ năng lực, kiến thức để làm công việc ấy nhưng họ vẫn được ngồi, được làm những việc ấy thì hậu quả người dân phải chịu. Đương nhiên người dân ở đấy không có kiến thức về xây dựng, thi công công trình hay kinh nghiệm về nhà ở rồi.
Vâng như vậy thì nghiệm thu công trình ở ta cũng chỉ mang tính hình thức.
Chỉ trừ những trường hợp công trình nhà ở của Nhà nước thì có ban nghiệm thu trung gian hơn. Còn yếu là hình thức. Người đi chấm công trình phải là những ông thầy giỏi. Ngay cả khi họ là những người giỏi nhưng ông thầy giáo nghèo đi chấm học trò con nhà giàu, con ông cháu cha thì kiểu gì nó cũng đỗ.
Quản lý nhà chung cư, điều lệ nhà chung cư đã được Bộ xây dựng ban hành, nhưng những khu chung cư hiện nay còn rất lộn xộn. Người sử dụng mang những thói quen sống như ngồi bán hàng vỉa hè, quạt bếp than tổ ông,... ở những khu chung cư,... chủ đầu tư tự đặt nội quy, điều lệ, lệ phí dịch vụ tầng hầm, vệ sinh,... đối với những hộ dân sinh sống ở đây. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Chúng tôi đã vấp phải nhiều vấn đề sau khi giao nhà cho người dân sở hữu, sử dụng. Xưa, chúng ta có xí nghiệp quản lí nhà của nhà nước thì bây giờ nếu tư nhân xây nhà thì cũng phải có một tổ chức pháp định có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà ấy. Có một vốn pháp định thu từ lợi nhuận bán nhà, cộng với đóng góp của người dân để bảo hành, bảo vệ, điều chỉnh toà nhà ấy,... Còn hiện nay, chủ đầu tư xây nhà và giao nhà xong là hết trách nhiệm. Chúng ta phải thay đổi, phải coi tòa nhà là cơ thể sống để thay đổi cách tính toán, dự toán giá thành gắn với tuổi đời nhà ở.
Vấn đề là sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư, hay không có cơ chế chính sách rõ ràng, nên vấn đề này còn đang bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm, chủ đầu tư không lo đến việc bảo dưỡng, tuổi thọ công trình cũng có trách nhiệm trong quá trình vận hành sinh hoạt của tòa nhà ấy thì cũng chẳng sao cả?
Vấn đề là chính sách không rõ ràng nên chủ đầu tư không làm cũng chẳng sao. Nhiều điều luật, nghị định hay thông tư, điều lệ của chúng ta rất duy ý chí. Nó không được xây dựng lên từ chính những người được sống, được xây dựng nhà chung cư mà nó được tạo ra bởi những người có lẽ không bao giờ phải mua nhà chung cư, hay ở nhà chung cư.
Với tư cách là chủ đầu tư, nhà thầu, ông suy nghĩ như thế nào về nhận định, "Nhà cho người thu nhập thấp ở Việt nam 150 triệu/căn là hợp lý"? Ông có thể xây dựng và bán được những ngôi nhà với giá như vậy không? Điều kiện của ông là gì?
Nếu hai vợ chồng cán bộ bình thường làm công ăn lương, 4-5 triệu/tháng thì tiết kiệm lắm mỗi tháng họ để dành được 2 triệu/tháng. Vậy bao nhiêu năm thì họ có được 150 triệu và trong thời gian đó họ ở như thế nào?. Vấn đề là làm thế nào để tích luỹ được số tiền như thế; họ phải có bao nhiêu tiền, bao nhiêu tiền họ phải vay, họ được trả trong bao lâu khoản vay đó để mua được ngôi nhà đó. ở nhiều nước trên thế giới, nếu ngôi nhà đó 150 tiệu thì họ chỉ bỏ ra nhiều lắm 30 triệu, còn lại 120 triệu họ sẽ phải trả trong 20 năm. Như thế 20 năm ấy không phải là 120 triệu nữa mà phải là 200 - 250 triệu...
Nếu được là chủ đầu tư, chúng tôi hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó. Chỉ cần chúng ta xuất phát từ quyền lợi ở của người dân. Nhà nước có cơ chế ưu đãi thuế, đất cho chủ đầu tư, có cơ chế ưu đãi cho người mua nhà được vay vốn.Tôi rất tiếc cho đến nay chưa có một chương trình quốc gia ưu tiên triển khai về nhà ở. Trong đấy có những thiết kế, có những thiết bị kỹ thuật xây dựng nhà ở chuẩn cũng như những chính sách xã hội về nhà ở cho người dân. Lợi nhuận của những nhà đầu tư xây dựng nhà ở Việt Nam lớn hơn những nhà đầu tư nhà ở của các nước phát triển trên thế giới. Thật trớ trêu, mình đã nghèo, đã khó lại phải mua nhà, ở nhà với giá quá cao.

Vấn đề khó khăn nhất của nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng hiện nay là gì, thưa ông?
Đó là cơ chế chính sách, chúng ta thay đổi nhiều và nhanh quá. Nhà ở nói chung phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào: thuế, giá đất,... trong khi hai cái này năm nào cũng thay đổi. Nó nguy hiểm vô cùng cho chủ đầu tư. Chính sách không sai nhưng áp dụng cho cụ thể cho trường hợp ấy thì nó lại không đúng. Với tư cách một chủ đầu tư, một nhà thiết kế, một nhà khoa học, tôi hình dung rằng, chúng ta phải có một bộ Luật tồn tại dài lâu chứ cứ Luật rồi lại Nghị định, thông tư hướng dẫn, bổ sung, điều chỉnh,...nhiều khi rất rối rắm và không sát thực.
Chúng tôi ước mơ thành phố HN, các tỉnh có quy hoạch đô thị cụ thể, thực hiện giải phóng mặt bằng,...Khi chúng tôi lập công trình ở đó thì chúng tôi phải trả NN bao nhiêu tiền đất. Đi xin đất, đi đền bù giải phóng mặt bằng là khó nhất trên đời này...