Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

TS. Vũ Đức Trinh: Bi quan về môi trường ở Việt Nam

Trần Nga: Là một trong những việt kiều trí thức tiên phong hỗ trợ hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước sớm với nước ngoài, và có nhiều cống hiến tích cực, ông có thấy rằng ngày càng được chính sách hỗ trợ tốt hơn không?
TS. Vũ Đức Trinh: Chắc chắn có nhiều thay đổi chứ. Nhưng cơ chế của khoa học bên này không đơn thuần, song nội bộ phải tự giải quyết thôi. Có điều tôi muốn nói thêm, người trong nước cũng như những cơ quan quản lý về khoa học trong nước phải đánh giá đúng mức sự vất vả của người Việt kiều hay của những ai mang về được những chương trình, dự án hợp tác. Phải hình dung được tất cả những khó khăn người ta gặp bên ngòai cũng như những nỗ lực, quyết tâm, công sức và thời gian để đi làm được những chương trình hợp tác, không phải dễ dàng đến gõ cửa là được. Mà phải viết dự án, thông qua những hội đồng,.. rất vất vả và nhiều công sức.
Trần Nga: Trước thềm hội nghị Việt kiều tòan cầu lần thứ nhất vừa tổ chức vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội chưa thực sự khuyến khích Việt kiều trí thức về làm việc tại nước nhà, ông suy nghĩ gì về điều này?
Đúng là chính sách và lời tuyên bố thì nhiều năm rồi đã có. Nhưng cụ thể xúc tiến và thực hiện như thế nào? Nhưng cho đến nay chưa có một dự án, chương trình có tầm cỡ nào được giao cho Việt kiều và như thế cũng sẽ không hiểu họ sẽ vấp váp ở đâu. Nói như thế không có nghĩa là Việt kiều hơn trí thức trong nước đâu. Sử dụng tốt những người tri thức trong nước song song vói sử dụng tốt tri thức việt Kiều trên thế giới ở rất nhiều lĩnh vực để mình có những cơ sở để quyết định chiến lược, chính sách thì sẽ rất hiệu quả. Nói chung là tôi chưa thấy có gì đột phá để thấy là có chứ không phải chỉ là nói. Còn về đầu tư, anh đã làm kinh tế thì anh phải chịu sự cạnh tranh thôi.
Trần Nga: Theo quan sát của tôi, người Việt Kiều về nước tham dự hội nghị lần này đa phần trên 50 tuổi, có lẽ do phần nhiều tâm lý về già người ta thường nghĩ về, hướng về cội nguồn, còn người trẻ thì đang ăn cây nào, rào cây ấy?
Đúng là chúng tôi khi về già thì hướng về quê hương, đất nước nhiêu hơn chứ lúc tôi trẻ tôi cũng chẳng thích nghe chèo đâu. Thế hệ hai thì khác, họ không có kí ức tuổi thơ hay ấn tượng Việt Nam. Nói chúng thờ ơ thì không đúng, nhưng khi chúng trao đổi với nhau tiếng ngoại quốc, sinh sống lớn lên ở trong môi trường đó, gia đình lại không đủ kiên nhẫn để hướng cho con cũng như nói tiếng Việt với con cái, thì việc xa cách là tất yếu. Chúng khác chúng tôi, những người trưởng thành rồi mới rời quê hương đi. Hẳn là phải có những chính sách khuyến khích và kêu gọi hướng về tổ quốc mới với thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở ngoại quốc.
Trần Nga: Vâng, tôi đã suy nghĩ về điều này, khi ông bộ trưởng Bộ y tế Đức, gốc Việt Phipplip Roesler trả lời phỏng vấn "ngài còn bao nhiêu chất châu Á?" là "cái mắt dẹt, cái mũi tẹt và mái tóc đen" và bên trong thì "ít thôi, thích món ăn châu Á như nhiều người Đức khác"
Mặc dù chúng ta lấy làm tự hào về nguồn gốc của ông ấy giống chúng ta nhưng nguồn gốc Việt chỉ có vai trò là yếu tố là may mắn thôi, chứ nó không dính dáng gì đến sự tài năng bẩm sinh cũng như môi trường giáo dục và người dạy bảo (người cha nuôi, một sĩ quan Đức)- những yếu tố làm nên thành công của ông ấy.
Trần Nga: Ông từng là phó giám đốc viện vệ sinh môi trường thành phố Laussane, ông đánh giá môi trường ở Việt Nam như thế nào?
Khi tôi về quê, tôi nhìn thấy những bãi rác, những hành động vô ý thức trong việc thải rác, tôi đã mường tượng được tương lai vì đó chính là chuyên ngành của tôi. Khi phát triển kinh tế sẽ có những bãi rác. Ở đó sẽ có chai thủy tinh, thuốc hóa chất, bi đông, rác thải y tế, nhựa, plastic,.. Tôi muốn quê tôi tiene phong trong lĩnh vực đó và đã có những gợi ý, thuyết phục nhưng chưa được đâu. Bây giờ họ đang lo xây đình, xây chùa trước chứ chưa quan tâm nhiều đến việc đó. Quan trọng là người dân, người lãnh đạo phải có ý thức, có kỷ luật chứ không phải chỉ là kêu gọi tự nguyện. Tôi thấy rất bi quan đến nay những bãi rác thải vẫn chưa có được xử lý. Nhà xây hiện đại nhưng cống thoát nước lại chạy ra sông Hồng, ao hồ. Rồi nước thải từ các khu công nghiệp cũng chảy vào sông hồ. Tôi cũng rất sợ cái boxit trên Tây Nguyên.
Trần Nga: Ông cũng quan tâm đến “chương trình Boxit”?
Vâng, tôi cũng là người kí trong bản đề nghị xem xét lại đó. Ban đầu tôi cũng không biết ai là ngườii khởi xướng cái đó. Sau một thời gian tìm hiểu trong bạn bè và giới khoa học. Nói thật rằng khi tôi thấy việc đó tôi thấy lương tâm mình không cho phép im lặng. Bởi trước hết tôi là người trong nghề, tôi hiểu hết những vấn đề của nó. Nếu mình không làm, không lên tiếng thì còn ai nữa. Chính tôi đã đến những nơi sản xuất boxit nhôm, đó là chuyên nghành của tôi, tôi hiểu nó ảnh hưởng tới môi trường như thế nào. Ở Thụy Sĩ ,vùng tôi ở cũng từng có dự án sản xuất nhôm mà người dân địa phương phải đấu tranh mất 50 năm thì vấn đề mới được giải quyết tốt đẹp, dự án mới được bỏ đi và cây cối mới sống lại được. Người làm kinh tế thì luôn muốn bảo vệ lợi ích của mình. Trong khoa học thì không phải lúc nào cũng chỉ có trắng và đen.
Trần Nga:Theo tôi được biết, năm 2008, ông là một trong ba Việt Kiều được Bộ Ngoại Giao VN tặng bằng khen Việt kiều tiêu biểu, đó là vì những thành tích gì thưa ông?
Nói chữ tiêu biểu thì hơi ngại. Nhưng tôi thực sự rất xúc động khi nhận được sự ghi nhận những đóng góp của tôi, có lẽ từ phong trào đấu tranh từ thời sinh viên cùng đồng bào mình làm nhiều việc lớn để nói tiếng nói khác ủng hộ cho cuộc chiến đang diễn ra ở quê nhà; thứ nữa là sự cố gắng tạo cơ hội hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động khoa học kỹ thuật trong quá khứ cũng như hiện tại; cũng như đã tạo quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền Thụy sĩ với cộng đồng người Việt Nam. Về phía cá nhân tôi tạm gọi là kết thúc “một giai đoạn lịch sử”.

Trần Nga: Vì sao lại khép lại “một giai đoạn lịch sử” thưa ông? Vậy hiện tại ông đang có hoạt động hợp tác khoa học nào không?
Đó là sự suy nghĩ tương lai của tôi. Nhưng chuyện này cũng khó lắm. Vì tôi đã về hưu không còn chức quyền nữa. Song tôi vẫn luôn cố gắng trong hoạt động liên kết người Việt Nam ở Thụy sĩ để bảo vệ quyền lợi cho những người VN ở bên đó, giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết. Và hướng những hoạt động về Việt Nam. Tôi mong muốn có được niềm tin giữa chính sách, lời nói, và hiện thực để tiếp tục làm việc cũng như thuyết phục được những người còn do dự, còn chưa quan tâm tới đất nước.

TS. Vũ Đức Trinh: thương cho những "công dân phụ" thời trọng phát triển kinh tế, kinh doanh


TS. Vũ Đức Trinh, một trí thức Việt kiều Thụy sĩ, nguyên chủ tịch Hội đoàn kết người Việt Nam tại Thụy Sĩ, một trong ba gương mặt Việt kiều tiêu biểu năm 2008, đã có những đóng góp không ngừng nghỉ trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học ứng dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; nhiều lần rớm nước mắt trong cuộc trò chuyện với Trần Nga khi nói về những tâm tư hướng về đất nước, đến những người nghèo khổ, thiếu thốn, đến những hình ảnh bi quan về môi trường sống, đến hướng phát triển xã hội có phần lệch lạc,... ở Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng: cần những hành động và việc làm đột phá hơn nữa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và ứng dụng,... Mong muốn có niềm tin vào lời nói, chính sách và hiện thực hơn nữa,... để tiếp tục nỗ lực hoạt động cũng như thuyết phục những Việt Kiều khác hướng về đất nước,...
Trần Nga: Tiến sĩ sang Thụy Sĩ từ năm bao nhiêu tuổi?
Sau khi học xong tú tài, năm đó là 1963. Tôi sang Đại học Bách khoa Liên bang, thành phố Lausanne,Thụy Sĩ du học.
Trần Nga:Rồi ông làm việc và định cư tại Thụy Sĩ sau khi ra trường?
Vâng, tôi học chuyên ngành khoa học công nghệ, rồi tiếp tục học kinh tế chính trị, kinh tế kỹ thuật, khi làm việc thì hướng vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng hóa học. hai mươi gần về sau tôi làm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, bảo vệ lao động, nghiên cứu về những người lao động tiếp xúc với hóa chất độc, bụi độc,...sự biến hóa của hóa chất như thế nào trong cơ thể con người với hàm lượng ra sao và nó ảnh hưởng ntn đến sức khỏe, con người nói chung. Ngành của tôi đòi hỏi kiến thức về hóa chất, hóa học, sinh học, sinh hóa, y học, ...
Trần Nga:Được biết tiến sĩ từng là phó giám đốc, trợ lý giám đốc, trưởng phòng khoa học nhiều Viện nghiên cứu, trong đó có viện Vệ sinh môi trường, Viện nghiên cứu khoa học bảo hộ lao động của thành phố Laussane, ông bắt đầu có những hoạt động hướng về đất nước khi nào?

Từ khi là sinh viên tôi đã hoạt động trong phong trào phản chiến chống Mỹ, ủng hộ đất nước giành độc lập trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Sau năm 1975, tham gia thành lập Hội đoàn kết người Việt tại Thụy sĩ. Tôi là người đã về nước từ năm 1976 đến nay. Mấy chục lần tôi cũng không nhớ hết.
Trần Nga:Về nước ông hoạt động gì?
Trước năm 1987, hoạt động chủ yếu là tìm hiểu tình hình đất nước, tìm thập hiểu cơ chế và khả năng nghiên cứu khoa học trong nước. Lãnh đạo phong trào Hội đoàn kết VN ở Thụy sĩ hướng về đất nước. Đầu thập niên 90, tôi là một trong những người đầu tiên được mời về nước theo chương trình Chuyển giao tri thức thông qua kiều dân (TOKTEN) của Liên hiệp quốc được khởi động lại ở Việt Nam. Kết hợp với công việc chuyên môn của mình tôi đã hỗ trợ đồng nghiệp Việt Nam những phương pháp phân tích, cho mẫu chuẩn, thiết bị,... tạo điều kiện học tập.
Trần Nga:Có vẻ như việc ông hợp tác, tổ chức các chương trình hợp tác hoạt động tại Việt Nam là do điều kiện hoàn cảnh?
Không do tôi tình nguyện chứ, làm gì có ai bắt buộc được mình.
Trần Nga: Vì sao ông lại có sự lựa chọn đó khi mà học xong đại học ông đã không trở về nước ngay?
Trả lời một cách thẳng thắn nhé!
Trần Nga: Vâng, tất nhiên rồi ạ?
Từ hồi nhỏ đến giờ, sự ám ảnh duy nhất của tôi là non nước xứ sở này, đất nước Việt Nam ta sẽ như thế nào, mình tham gia được gì để đất nước phát triển mạnh mẽ, văn minh như các nước khác. (rớm nước mắt). Đó là sự ám ảnh và cũng là động lực của tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và làm việc. Tôi nhớ rõ khi 8 tuổi tôi đã có suy nghĩ đó. Khi tôi thấy nước khác phát triển tôi tự đặt câu hỏi với nước mình. Tất nhiên tôi không có những ảo tưởng chính trị. Tôi chỉ có những lo âu, suy tư về tình hình đất nước từ an ninh quốc phòng, đến vấn đề văn hóa, phát triển kinh tế, đến sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường,... Thực sự nó là như vậy.
Trần Nga: Điều gì ông suy tư nhiều trong sự phát triển xã hội Việt Nam hiện nay?
Trong thời buổi ưu tiên phát triển kinh tế, tôi thấy tội nghiệp cho những người trí thức, những nhà khoa học nghiên cứu cơ bản, nhà giáo, những người có xu hướng bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống,...Không phải ai cũng có đầu óc kinh doanh được thì chẳng lẽ những người đó chỉ là công dân “phụ” hay sao. Chỉ cần một người ham chuộng công việc của mình, nghề của mình thì cũng là rất quan trọng. Còn nhiều điều khác quan trọng không phải chỉ có anh làm kinh doanh giỏi được đề cao. Tất nhiên những người làm kinh tế cần được đề cao nhưng bên cạnh đó không thể nào quên được những người làm việc trong những lĩnh vực khác.
Trần Nga: Và ông thấy rằng, sự phát triển xã hội ở Việt Nam đang khập khễnh?

Tất nhiên là vậy. Tôi rất muốn gặp, muốn nghe những câu chuyện không phải là mua mảnh đất này, bán mảnh đất kia, tiền triệu tiền tỉ,...mà nơi nào tôi cũng thấy. Những câu chuyện về chương trình nghệ thuật, về tác phẩm nghệ thuật hay hát chèo, hát bội, ... cũng rất lý thú nhưng ít người nói đến.

(còn tiếp: TS. Vũ Đức Trinh: bi quan về môi trường Việt Nam)

Bảo tồn di sản - khó ở giải pháp


Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/Rượu Hồng Đào chưa ngấm đà say. Xứ Quảng, mảnh đất hậu phương cho hành trình mở về phương Nam của người Việt nhạy cảm, sâu sắc, mang trong lòng âm hưởng của nhiều nền văn hóa cổ như Sa Huỳnh, Chămpa và hiện hữu nhiều di sản, di tích văn hóa lớn. Trong đó phải kể đến hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, nhiều dấu ấn văn hóa Chămpa trên các tháp Chăm huyền hoặc. Vậy nên người xứ Quảng vốn nghèo nhưng sang và mang nhiều trọng trách trong việc bảo tồn, giữ gìn những di sản văn hóa đó. Dưới đây là những chia sẻ của ông giám đốc sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Đinh Hài với Trần Nga về cái khó của hoạt động bảo tồn di sản của tỉnh nhà.


Trần Nga: Quảng Nam có tới hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, đồng thời cũng là vùng đất có dấu ấn của văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, ... hẳn bảo tồn di sản là một hoạt động quan trọng, thường xuyên và có nhiều đặc thù khác so với hoạt động bảo tồn di sản của địa bàn khác?
Ông Đinh Hài: Từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới đối với hai di tích Hội An và Mỹ Sơn, chúng tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm rất lớn lao đối với việc bảo tồn và bảo vệ di tích văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy từ các cấp lãnh đạo cấp cao của tỉnh đến các cơ quan chuyên môn và địa phương đều có những chương trình cụ thể để bảo vệ và trùng tu. Chúng tôi có những quy hoạch cụ thể hình thành nên các khu vực trong từng di sản, trên cơ sở đó thực hiện các hoạt động bảo vệ phù hợp như, bảo vệ được nguyên trạng các di tích,... Các hoạt động xây dựng, thương mại đều nằm trong quy hoạch: luôn chú ý cân đối không để các mật độ kiến trúc mới xen lẫn làm phá vỡ kiến trúc đô thị cổ, quy hoạch lại khu vực bán hàng trong khu vực đô thị cổ. Khu Mỹ Sơn cũng vậy. Trên quan điểm dựa vào dân, cộng đồng là người phải rành di tích nhất. Đặc biệt ở Hội An, dân sống trong lòng di tích nên vai trò của cộng đồng được phát huy tối đa. Làm thế nào để người dân nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa và phát huy các giá trị đó một cách phù hợp và thực tế là mục tiêu chúng tôi luôn cố gắng thực hiện. Đồng thời từ các đoàn thể đến các em học sinh cũng được giới thiệu về các di tích di sản và thái độ ứng xử với di sản. Tuy không không phải là luật định nghiêm ngặt nhưng luôn là khuyến khích và vận động người dân, phổ biến quy chế cho người dân. Trong công tác xã hội hóa trùng tu, người dân trong phố cổ góp phần, góp sức cùng với nhà nước.
Trần Nga: Thưa ông, những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Quảng Nam hiện nay là gì?
Hiện nay chúng tôi có những tua du lịch văn hóa đặc biệt như Một ngày làm cư dân phố cổ, tái hiện Đêm rằm phố cổ (vào ngày 14 âm lịch hàng tháng); Ở Mỹ Sơn: có chương trình Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; và các hoạt động nghệ thuật đặc trưng văn hóa vùng,... giúp du khách có thể cảm nhận và hiểu những nét đặc trưng văn hóa của Quảng Nam.
Trần Nga:Tuy nhiên, hàng năm Quảng Nam đón hàng triệu khách du lịch, cùng với sự phát triển của đô thị hóa đã tác động không nhỏ tới việc bảo tồn di tích cũng như không gian văn hóa của di tích, Quảng Nam đã làm gì để ngăn ngừa sự xâm lấn này thưa ông?
Trong quá trình phát triển du lịch chúng ta vẫn luôn thấy mặt trái của nó. Đối với tỉnh Quảng Nam trong những năm qua chúng tôi quan niệm giữa phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn văn hóa thì ưu tiên công tác bảo tồn văn hóa. Vì nếu di sản mất đi thì việc phát triển du lịch cũng không còn nữa.Từ nhận thức đó, chính quyền các cấp đều dựa vào văn hóa để có kế hoạch phát triển kinh tế một cách bền vững. Tôi nghĩ rằng đến nay, chưa có sự tác động lớn của du lịch cũng như đô thị hóa đối với các di tích, di sản ở Quảng Nam. Vì chúng tôi có quy chế rõ ràng đối với khách du lịch cũng như hoạt động sinh sống của người dân địa phương trong vùng di tích.
Trần Nga: Quan điểm của ông đối với việc bảo tồn di sản văn hóa (vật thể, và phi vật thể) như thế nào thưa ông?
Trong hoạt động văn hóa nói chung, bảo vệ di sản nói riêng, bảo tồn phải được coi là một hoạt động đặc biệt. Làm thế nào để văn hóa phi vật thể, vật thể không mất đi, không sai lệch như vốn có của nó đồng thời phát huy giá trị của nó như thế nào cho hợp lý, bền vững là điều hết sức quan trọng.
Trần Nga: Có ý kiến cho rằng hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể Chămpa của tỉnh nhà hiện gặp nhiều khó khăn và có “nguy cơ” khó bảo tồn, trùng tu sửa chữa?
Các di tích Chăm ở Quảng Nam phần lớn đã là phế tích, nên việc quan trọng là cứu vãn, bảo vệ cái đang có và tìm cách để trùng tu. Và trùng tu những gì có thể trùng tu chứ không phải là xây dựng lại một cái mới xa lạ với cũ hay gần giống với cái cũ
Trần Nga: Đâu là những nguyên nhân thưa ông?
Hiện nay những di tích kiến trúc gạch và gỗ rất khó phục hổi. Trong quá trình trùng tu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các nghệ nhân ngày nay làm được những viên gạch hay tạc lại những hoa văn trên gỗ, trên gạch, trên đá như ngày xưa không phải là điều dễ dàng. Làm sao để trùng tu mà không làm cái cũ biến dạng đi, hay thành cái mới là một vấn đề. Làm sao để viên gạch xây tháp Chăm không bị rêu mốc như vốn có của nó là điều còn đang nghiên cứu.
Trần Nga: Hướng khắc phục của ngành quản lý văn hóa hiện nay như thế nào thưa ông?
Chúng tôi phải tiếp tục dựa vào các nhà khoa học, dựa vào những nghiên cứu cho việc trùng tu từng di tích cụ thể. Nhờ vào các nhà khoa học và các nghệ nhân lớn tuổi và điều đặc biệt là phải có sự kiên trì, phải có sự say mê .
Trần Nga: Ngành quản lý văn hóa đã thực hiện được bao nhiêu phần theo hướng khắc phục này?
Chúng tôi luôn cố gắng hết sức và tâm niệm trùng tu không phải là tạo ra cái mới. Mặc dầu tài chính cũng rất là quan trọng nhưng cái khó chính là giải pháp trùng tu. Giải pháp phục chế đang có nhiều tranh luận khác nhau.. Hiện nay, Trung tâm bảo tồn di tích Việt Nam đang thử nghiệm và bắt đầu sản xuất gạch trùng tu tháp Chăm. Hy vọng sang năm chúng tôi có thể có sản phẩm này để xây lại các tháp Chăm.
Xin được chia sẻ hy vọng này của Quảng Nam và xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!