Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng: Xin đừng để người dân sợ... thời bình



Lời blogger: Trên blog này tôi thường chỉ lưu giữ những bài viết đã đăng báo của mình, như một kho lưu trữ riêng. Rất hiếm, chỉ khoảng một hai bài tôi link của tác giả khác, trước đây là bài viết về em Phương Uyên, cảm kích trước lòng nhiệt thành tuổi trẻ của em mà đăng; và dưới đây là vì cảm kích trắc ẩn, vì nhiệt tâm của chị đồng nghiệp trước số phận một con người. Ngày cuối năm đến, cũng là ngày nhìn lại phía sau và suy nghĩ về phía trước. Mong rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra với sự thật!
(Minh Anh)
         
          Thời điểm cuối năm đang đến gần, nhiều người đang rộn rã, mong chờ những giây phút đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng có một người mẹ, người cha đang sợ hãi đếm từng giờ trôi qua. Bởi cuối tháng 12/2014, con họ -  Nguyễn Văn Chưởng sẽ phải chịu án tử hình (oan ?!). Trong những ngày qua báo chí, truyền thông đã đề cập nhiều đến vụ trọng án này (bên cạnh vụ trọng án của Hồ Duy Hải). Báo chí cũng đã nêu lên các vấn đề cần được làm sáng tỏ trong hai vụ trọng án này. Sau đây, chúng tôi chủ yếu xin đề cập đến câu chuyện về nỗi lòng của cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, trong những ngày cuối cùng tiễn biệt con.

1. Đếm ngày để... chôn con
          Cuối năm, trời rét buốt. Tôi bận túi bụi với công việc nghiên cứu nên không có thời gian quan tâm đến việc khác. Bỗng nhiên, một hôm tôi lướt đọc một lượt các tờ báo, các trang web thì thấy hàng loạt bài viết về tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Mắt tôi cay xè. Tôi bắt đầu quay cuồng với hình ảnh bố mẹ Chưởng, những ngày giá rét, họ đã tọa thiền ngoài vườn hoa, đeo tấm biển to tướng kêu oan cho con mình; những tập đơn kêu oan cao chất ngất của họ; đôi tay nhăn nheo vái lạy trong tiếng nấc của bố Chưởng - một cựu chiến binh (bố tôi cũng là cựu chiến binh)... Rất chéo ngoe, tôi bắt đầu cảm thấy mình có lỗi. Tôi bắt đầu lục vấn mình. Tôi làm báo. Tại sao tôi im lặng lúc này ? Trước đây, tôi đã từng phanh phui nhiều vụ việc tương tự, tuy chưa có vụ án tử hình nhưng có án tù chung thân. Tôi cũng đã từng nhiều lần gặp nguy hiểm nhưng cuối cùng tôi và những nạn nhân kia vẫn vượt qua. Bởi vì, chúng tôi có niềm tin vào bản thân, vào lẽ phải, vào một số đồng nghiệp, Tổng biên tập và một số lãnh đạo cao cấp có lương tri.
          Tôi bắt đầu thức trắng đêm. Đêm thứ nhất, đếm thứ hai, đếm thứ ba... Tôi gọi điện đi khắp nơi, nhờ người tìm kiếm địa chỉ gia đình nhà tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Tôi tìm hiểu hồ sơ về vụ án và trao đổi với một số đồng nghiệp, chính trị gia, chuyên gia... có liên quan.
          Giữa những đêm rét buốt ngực, tôi ôm con vào lòng và tự hỏi về... mẹ Chưởng: Liệu tám năm qua bà ấy có được giấc ngủ nào yên ổn không ? Hơn hai nghìn đêm qua bà ấy đã bao lần cầu mong được ôm đứa con tội nghiệp (oan khiên ?!) vào lòng ? Hơn hai nghìn đêm qua bà ấy đã khóc bao nhiêu lần ?... Và rồi tôi đã quyết định gọi điện cho bà ấy. Tôi tự giới thiệu mình rồi, lắng nghe bà ấy nói. Giọng bà ấy lúc xót xa, lúc lại xa vắng như người chân đi không chạm đất. Thỉnh thoảng bà ấy khóc. Giọng ông (bố Chưởng) thì có vẻ còn tỉnh táo, đôi lúc khá quyết liệt, khúc triết. Tôi đã xem tất cả các video mà các báo đã phỏng vấn ông, có những đoạn giọng ông nấc nghẹn không thành tiếng. Khuôn mặt ông đen sạm, đau đớn, khô khốc. Trò chuyện một lúc rồi tôi cũng mở lời bằng một câu hỏi khá đau xót:
          Cuối năm đang đến gần, mọi người đang chuẩn bị xum họp gia đình, nhưng ông bà lại đang phải chuẩn bị tiễn biệt con ?
          Bà Nguyễn Thị Bích (mẹ Chưởng): ``Tám năm qua tôi vẫn còn bàng hoàng, lo sợ, bức xúc, vì con tôi không giết người mà bị án tử hình. Trong tim tôi lúc nào cũng đau nhói, khi trời rét, trời nóng, lúc ăn ngon... lúc nào cũng nghĩ đến con``.
          Rồi bà khóc. Có bà mẹ nào, ngoài kia giống nỗi đau của bà mẹ này không ? Có bà mẹ nào đang phải đếm từng ngày để... chôn con mình không ? (Ít nhất vào thời điểm này tôi được biết có hai bà mẹ đang phải chịu giông tố như thế).
          Bà đã gặp mẹ của nạn nhân - Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh chưa ?
          Bà run run: ``Tôi chưa. Bởi vì khi họ hiểu lầm mình, mình mà xuống họ lại nghét...``.
          Bà ấy cũng đang đau đớn vì mất con, thì có thể sẽ thấu hiểu được nỗi đau sắp mất con của bà. Vậy đã có lần nào bà có ý định cố gắng gặp họ chưa ?
          Bà im lặng một lúc: ``Tôi chưa. Bởi vì tôi nghĩ nếu mà con tôi chẳng may bị như vậy, thì tôi cũng sẽ rất căm thù người ta (Ý của bà muốn nói là do nỗi đau quá lớn như thế, liệu người ta có nghe oan sai của con mình không hay lại thêm căm thù mình``.
          Tôi đã nói với bà rằng kinh nghiệm tác nghiệp của tôi cho thấy nếu những người đau khổ này ngồi lại với nhau thì ít nhiều sẽ có được sự cảm thông, và cả những ``phép màu`` cũng xuất hiện.
          Bà lại khóc: ``Tôi cầu mong tất cả những người có lương tâm hãy lên tiếng cứu giúp con tôi. Vì con tôi bị oan, chứ nếu như nó làm thì nó chịu chứ tôi cũng không thể kêu được. Nhưng thực tế là nó bị oan quá. Lúc xảy ra vụ trọng án ở Hải Phòng thì nó đang ở nhà - ở Hải Dương, có nhiều người biết. Nó mới 32 tuổi, xin hãy minh oan cho nó, thả nó ra, để nó còn nuôi con, vợ nó bỏ đi rồi. Chúng tôi thì cũng già rồi``.
2. Tôi tin vào sự anh minh của Chủ tịch nước
          Mặc dù sự sống của con bà chỉ còn đếm từng ngày, nhưng bà còn hy vọng hay tin tưởng vào ai, vào điều gì nữa không ?
          Không ai ``ép cung`` nhưng bà vẫn nói rằng bà tin vào sự anh minh của Chủ tịch nước, sự công bằng của pháp luật Việt Nam: ``Tôi vẫn tin, tôi nghĩ rằng Chủ tịch nước chưa biết việc của con tôi thôi. Các lá đơn của tôi chưa đến được tay Chủ tịch, chứ nếu Chủ tịch mà biết thì sẽ xem xét, hoãn thi hành án cho con tôi. Chỉ có Chủ tịch mới cứu được con tôi thôi``.
          Bà nhắc đi nhắc lại hy vọng rằng sẽ gặp được người có tâm, có đức (bà muốn nói đến các nhà báo) để có thể đưa được bức thư kêu oan của bà đến tận tay: Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Bà tin rằng họ cũng là những người cha, người mẹ, nên nếu bà được trình bày trực tiếp thì họ sẽ thấu hiểu nỗi oan của con bà mà cho hoãn án tử hình và xem xét lại vụ trọng án.
          Nỗi đau của ông bà cứ được nhắc đi nhắc lại bao nhiêu năm nay. Mỗi lần có người hỏi, ông bà lại phải nói, lại cảm thấy đau đớn và bất lực. Biết thế nhưng tôi không thể không hỏi ông về bức Huyết thư.
          Báo chí, truyền thông hiện đang lan truyền bức Huyết thư kêu oan của ông gửi Chủ tịch nước, ông viết bức thư đó như thế nào ?
          Giọng ông chắc nịch: ``Tôi đã viết bức thư đó ngày 22/11/2013, sau khi đi kêu oan khắp nơi, theo đúng trình tự pháp luật mà không ai thấu. Lúc đó con tôi sắp đến ngày thi hành án rồi. Đầu tiên tôi cắt máu ở tay nhưng nó không ra nhiều, nên tôi phải lấy kim to trích ở ven và viết bằng ngón tay. Tôi không biết chữ (viết lúng túng) để máu chảy ra rất nhiều mà tôi không thấy đau... Nhưng đến nay tôi vẫn chưa được phúc đáp``. 
          Ông vẫn hy vọng vào sự kỳ diệu chứ ?
          ``Tôi vẫn hy vọng. Rất hy vọng sẽ có một cuộc hồi âm gần đây, của một người lãnh đạo có tâm, có trí vì dân, vì nước, giải oan cho con tôi``.
3. Xin đừng để người dân run sợ... trong thời bình
          Trong những ngày này, Việt Nam đang nồng nhiệt kỉ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Đội quân đã làm lên những chiến thắng thần kì, mang lại hòa bình cho đất nước. Ông Nguyễn Trường Chinh (bố của Chưởng) là một cựu chiến binh. Ông và đồng đội cũng đã góp một phần xương máu vào những chiến thắng đó. Tôi ái ngại hỏi:
          Ông nghĩ gì trong những ngày này, khi cả nước đang hân hoan kỉ niệm, ghi công những người lính, những người cựu chiến binh thì con ông lại đang phải chịu án tử hình (oan?!)?
          Ông buồn bã: ``Tôi không còn lòng dạ nào để nghĩ đến ngày kỉ niệm của riêng mình nữa cô ạ``.
          Có lẽ lúc này ông chỉ nghĩ về sự bất công và quay lưng thôi phải không ?
          Ông quyết liệt: ``Sự bất công, quay lưng lại với tôi lúc này là do MỘT NHÓM NHỎ NGƯỜI (chứ không phải tất cả) vì muốn thăng quan, tiến chức nhanh, khoán án nên đã làm oan sai con tôi (Ông nhắc đến một người cụ thể đã làm oan sai vụ trọng án này). Tại hai phiên tòa, sơ thẩm và phúc tẩm, con tôi đã: Xin Quí tòa cho kiểm tra lại điện thoại của nó trong thời gian xảy ra vụ trọng án (48 tiếng), để thấy rõ những cuộc gọi đi, gọi đến của Chưởng là ngoại phạm; Xin Quí tòa cho gọi những nhân chứng - những người đã xác nhận sự có mặt của Chưởng ở địa phương (Kim Thành - Hải Dương) trong thời điểm xảy ra án mạng ở Hải Phòng; Xin Quí tòa xem xét giấy xác nhận trấn thương và giấy khai bị nhục hình của Chưởng khi vào trại giam Trần Phú (Hải Phòng); Xin Quí tòa xem bằng chứng là các vết thương bị nhục hình vẫn còn hằn trên thân thể Chưởng (cậu đã kể chi tiết, tỉ mỉ những dụng cụ, những hình thức nhục hình, ép cung mà cậu đã phải chịu). Nhưng qua cả hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều đã bác các bằng chứng đó của con tôi``.
          Lúc đó luật sư bào chữa đã nói gì thưa ông ?
          Ông nhớ lại: ``Luật sư đã yêu cầu tòa ba lần là cần phải xem xét lại các bằng chứng mà con tôi nêu ra, nhưng Tòa không chấp nhận. Ông ấy (O) đã phải kêu lên rằng: Luật này là luật của các ông chứ không phải là luật của pháp luật Việt Nam``. 
          Bây giờ ông đang run sợ ?
          Ông hạ giọng: ``Vâng, đúng thế cô ạ. Tôi đã không sợ thời chiến tranh vì đó là cuộc chiến có mục đích của chúng tôi và đồng đội, nhưng tôi lại đang run sợ trước thời bình. Tôi run sợ trước sự oan sai``.
          Lời cuối cùng trong cuộc trò chuyện này ông muốn nói là gì ?
          Giọng ông có vẻ sợ hãi: ``Đừng để người dân chúng tôi sợ thời bình. Nếu như không có một phép màu nào xuất hiện, giải oan cho con tôi thì xin cho chúng tôi chết thay nó``.  
          Dưới góc nhìn của người làm báo chí, truyền thông, chúng tôi đã nhận thấy, vụ trọng án này là một trong hai ``ngòi nổ`` về niềm tin của công chúng nhân dân (Media people) vào pháp luật, vào những nhà lãnh đạo đất nước. Việc tháo kíp nó là rất khẩn bách, không chỉ là nhiệm vụ của ngành tòa án, kiểm sát, hay chính trị, mà còn là nhiệm vụ của ngành báo chí, truyền thông. Chúng tôi thiển nghĩ, vụ trọng án này cần được xem xét lại, tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm, tránh làm cho người dân khủng hoảng niềm tin trong thời bình chứ không phải trong thời chiến tranh.
 20/12/2014
Thủy Tiên 

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Vi phạm bản quyền - tội phạm không có nạn nhân?




Luật đã đủ - sao vi phạm còn tràn lan?

Hội sách quốc tế Frankfurt 2013 chứng kiến sự kiện ra mắt Nhà xuất bản "khủng" nhất thế giới cho ra đời hàng trăm nghìn đầu sách mới mỗi năm, sau sự hợp nhất của hai nhà xuất bản lớn Penguin và Random. Trong một cuộc đối thoại giới thiệu về Nhà xuất bản tại Hội sách giữa Markus Dohle với các biên tập viên và chuyên gia từ năm tạp chí thương mại xuất bản quốc tế hàng đầu: PƯ's George Slowik, Publishers Weekly, The Bookseller, PublishNews Brazil, Bruchreport,  kéo dài 4 tiếng, về định hướng và tầm nhìn phát triển của Nhà xuất bản khổng lồ này trong chiến lược vươn khắp thế giới thì châu Á với thị trường khổng lồ, tiềm năng, đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở cả lĩnh vực xuất bản in ấn và điện tử là  Trung Quốc, lại không phải là đích tới ưu tiên. Cho dù "Trung Quốc là cơ hội rất lớn" song nhìn toàn cảnh, đặc biệt là vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả và quyền liên quan khiến cho Penguin Random vẫn xem thị trường châu Á đầy tiềm năng là "bước tiếp cận sau" dù thị trường châu Âu đã già cỗi.


Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu và giao lưu văn hóa rộng, bảo hộ và quản lí quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra như một nhu yếu tự nhiên và căn cốt cho sự phát triển xã hội trên nền tảng những sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ,...; và cũng là điều kiện bắt buộc cho Việt Nam có thể tham gia các tổ chức quốc tế, sân chơi quốc tế công bằng và đảm bảo lợi ích vị thế cũng như kinh tế.  

 Không thể phủ nhận hiệu quả của công ước Bernen đã thổi một luồng gió mới thay đổi cục diện Ngành xuất bản ở Việt Nam, sự chuyên nghiệp hóa và bài bản đã xuất hiện những nhà sách, nhà xuất bản sở hữu dòng sách cũng như đối tượng cho riêng mình: như: Nhã Nam với các loại sách văn học dịch, nhất là những tác phẩm đoạt giải của quốc tế; NXB Trẻ thì nổi bật với các loại truyện thiếu nhi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…; Công ty Văn hóa Phương Nam tạo uy tín với bạn đọc qua các tác phẩm văn học, nghiên cứu của Trung Quốc;... NXB Giáo dục cũng đầu tư cho những cuốn Bách khoa toàn thư mua bản quyền lớn,...Nhiều Nhà xuất bản nổi tiếng như Cambridge, Oxford,...đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội... bắt tay cho những khảo sát thị trường và liên kết hợp tác.

 Song trong vòng năm năm sau đó, thị trường xuất bản phát triển theo chiều hướng mới với sự trở lại "lợi hại hơn xưa" của các nhà làm sách lậu. Các đơn vị này sang Trung Quốc,  mua cả bao tải sách về thuê dịch và xin giấy phép liên kết in, phát hành, hoặc in lậu những cuốn sách được mua bản quyền, thậm chí họ còn phát hành trước cả sách của nhà mua bản quyền thực sự. Người làm sách bản quyền nản, các nhà xuất bản nước ngoài lặng lẽ rút văn phòng đại diện khỏi Việt Nam. Kết quả là thị trường xuất bản Việt những năm 2009- 2013, lũng đoạn bởi là những mảng sao chép vi phạm bản quyền hoặc được bán bản quyền lậu với giá bèo từ các môi giới hoặc NXB địa phương của Trung Quốc. Cho đến đầu năm 2013,  truyền thông đã lên án những vi phạm và chất lượng xuống cấp nghiêm trọng vi phạm văn hóa, quốc thể của một số bộ sách trong số đó, khiến thị trường sách bản quyền lậu và rẻ từ Trung Quốc mới chững lại. 


Năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập công ước Bernen (bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiếp đó là Công ước Rome (2007- bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng), Công ước Geneva (2005- bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép), Công ước Brussels (2006 - liên quan đến việc phân phối tín hiệu màn chương trình truyền qua vệ tinh), Hiệp định Trips (2007- về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ),...
Đồng thời ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực thi về Quyền tác giả, quyền liên quan, Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Hệ th.ống pháp lý đã có và cho phép Việt nam có thể tham gia các hiệp ước, hiệp định bảo hộ quyền tác giả quốc tế, nhưng  vì sao hiện tượng sách bản quyền không hợp pháp lại tràn lan, lũng đoạn thị trường xuất bản Việt nam trong nhiều năm qua?  Vì sao sau mỗi đợt bắt in lậu, sách lậu, nhà làm sách lậu lại trở lại với cửa hàng to lớn, khang trang hơn và làm sách vi phạm bản quyền, in nhái, in lậu ngang nhiên hơn?
Câu trả lời khá dễ thấy khi hiện tượng kéo dài quá lâu: Việt nam đã đạt được tiến bộ trên mặt trận pháp lý song chưa kiên quyết cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta chưa có chế tài thực thi mạnh mẽ khiến các điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ chỉ tồn tại trên giấy tờ. Cùng với nó là hệ thống quản lí, giám sát lỏng lẻo và yếu công cụ hạn chế quyền thực thi, giám sát, xử lí. Chưa nói đến những khía cạnh tiêu cực khác. 

Quản lí quyền sao chép trong môi trường số - làm sao đây?

  Một lần nữa hiện trạng tồn tại đầy thách thức trong hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ- tài sản trí tuệ cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này được các nhà quản lí, chuyên gia đặt ra toàn cảnh với nhiều cảnh báo trong cuộc hội thảo “Quản lí tập thể Quyền sao chép trong môi trường số” do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) phối hợp với đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, cuối tháng 11 vừa qua. Các diễn giả tham gia Hội thảo lần này đã dựng lên toàn cảnh hiện trạng và chạm đến những lỗ hổng, thách thức trong hoạt động bảo vệ, quản lí quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trong môi trường số và internet ở Việt Nam song các giải pháp cho những thách thức này được đề cập rất hạn chế. 


GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng quan trọng của Internet trong xã hội hiện đại, các cơ hội do nó mang lại cũng như những thách thức đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là việc bảo hộ quyền tác giả, và các biện pháp để bảo vệ hữu hiệu hơn các quyền trên trong bối cảnh công nghệ số nói chung và internet nói riêng phát triển như vũ bão trên thế giới và len lỏi tới các ngõ xóm ở Việt Nam.

Song “Quản trị Tập thể quyền sao chép trong môi trường số là vấn đề hoàn toàn mới (ở Việt Nam) và hoạt động này rất phức tạp về nhiều mặt. Bên cạnh đó hệ thống quy định pháp luật, tổ chức quản trị tập thể quyền sao chép còn chưa được chuẩn bị đầy đủ cũng như nhận thức của nhà quản lí và dư luận xã hội còn khá thờ ơ.” - Chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Chiến cho biết.
 “Công chúng thường xem vi phạm bản quyền như một dạng “tội phạm không có nạn nhân” nhưng điều này không đúng. Nếu các ý tưởng không được bảo vệ, sau đó các nghệ sĩ, các nhà phát minh và các doanh nghiệp không thể tận hưởng được thành quả sang tạo ban đầu của họ. Nếu điều đó xảy ra, khuyến khích đầu tưu vào dổi mới khong còn, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và xã hội của chúng ta. Nếu không có bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng tốt nhất, nền thơ ca, sách, âm nhạc và nhiều hơn thế nữa, có thể bị gạt ra ngoài lề” – Ông Jack Labert, tùy viên kinh tế Mỹ tại Việt Nam, đưa ra cảnh báo.


Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra ngày càng cấp thiết như cội rễ của phát triển xã hội, đặc biệt trong kỉ nguyên toàn cầu hóa với đòn bẩy công nghệ số và internet.  Đồng thời vấn đề bảo hộ bản quyền và minh bạch trong bảo vệ, quản lí, thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan cũng như quyền sở hữu trí tuệ đang là những thách thức cam go trong các vòng đàm phán gia nhập các tổ chức cũng như hiệp định hợp tác quốc tế của Việt Nam.  Các chính phủ Mỹ, Australia,...  đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hơn nữa môi trường pháp lý , cam kết cao hơn nữa trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được kỳ vọng là hiệp định kiểu mẫu của khu vực, với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, mà ở đó có tới 80% đang sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền.
          Hành lang pháp lí mới được ban hành còn nhiều bất cập, thậm chí còn chưa đủ để bảo vệ quyền tác giả, quyền quản lí tập thể trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ, cùng với nó là sự đa dạng và phát sinh nhiều hình thức mới tương ứng với các quyền cũng như vấn đề, phạm vi cần điều chỉnh. Hoạt động quản lí và thực thi bảo hộ quyền tác giả, cũng như hành lang pháp lí và công cụ thực thi cho các Tổ chức đại diện tập thể Quyền tác giả, quyền liên quan còn chưa hội tụ đủ tiêu chí và chưa đủ mạnh mẽ, đặc biệt đối với hoạt động sao chép, xâm phạm quyền tác giả đang phát triển với nhiều hình thức, trạng thái, đặc biệt trong môi trường số nói chung và internet nói riêng. Công nghệ số và internet đã tạo nên một môi trường mà ở đó hoạt động sao chép là đặc tính vốn có của nó, sao chép xảy ra khắp mọi nơi, và ranh giới giữa bản gốc và bản sao hầu như là không có. 

 MINH ANH
Báo Văn Nghệ 12/ 2014