Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN BÀI HỌC GIÁO DỤC LỊCH SỬ


Lịch sử được viết ra không phải để chiều lòng một ai đó, và học sinh có ưa thích học môn sử hay không phụ thuộc vào những sự kiện lịch sử được viết ra như thế nào? có đúng khách quan và tôn trọng sự thật hay không? Học sinh Pháp đã phản ứng như thế nào khi những bài học lịch sử về chế độ thực dân của Pháp, về sự xâm lấn và bóc lột và đàn áp của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, Algeria,... và vai trò của quá khứ, lịch sử đối với bản sắc quốc gia, ... là nội dung cuộc trò chuyện dưới đây giữa PV. BVN với Giáo sư  sử học hiện đại Alain J Lemaitre (Pháp). 

GS Alain J Lemaitre có ba tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử và Dân tộc học tại Đại học Paris I và Đại học Paris VII.  Ông hiện là giáo sư sử học hiện đại tại trường ĐH Haute Alsace, Mulhouse;  phụ trách nhóm nghiên cứu Sự hình thành các bản sắc của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, xã hội, nghệ thuật và kỹ thuật. GS Alain đã xuất bản nhiều tác phẩm được đánh giá cao: Vì một lịch sử văn hóa mạo hiểm (2004), Những cuộc cách mạng của thế giới hiện đại (2006), Dư luận tại châu Âu Ánh sáng (2013),..

Lịch sử và bản sắc dân tộc

Từ những nghiên cứu của mình, xin ông cho biết bản sắc dân tộc và lịch sử có mối quan hệ như thế nào?

Trước tiên bản sắc dân tộc (BSDT) là lịch sử của một quốc gia, một dân tộc. Bản sắc dân tộc bao gồm nhiều yếu tố cấu thành trong đó có ngôn ngữ, lịch sử, kí ức…  BSDT là chất keo kết dính mọi người trong một quốc gia, đồng thời cũng là hình tượng để mọi người luôn luôn phóng chiếu vào hình tượng đó trong quan hệ với  bên ngoài, và đặc biệt, BSDT quyết định đến hình ảnh đất nước đó trong con mắt của người nước ngoài nhìn vào.

Ông có thể nói rõ hơn về quá trình hình thành của bản sắc dân tộc thông qua lich sử, cụ thể nó như thế nào?

Nếu lấy lịch sử của Pháp, thì chúng ta đã biết lịch sử Pháp có nhiều cột mốc, mỗi cột mốc lịch sử chính là một yếu tố hình thành nên diện mạo nước Pháp hiện nay. Như ngày Quốc khánh Pháp 14-7 chẳng hạn, đó là một cột mốc  rất quan trọng hình thành nên nước Cộng hòa Pháp hôm nay. Tại sao nó lại quan trọng? là bởi vì chính khi nền cộng hòa ra đời,  đánh dấu một thời kỳ  mọi người Pháp đều bình đẳng, bình quyền như nhau. Ngoài ra trong lịch sử của Pháp còn có những dấu ấn khác như những cuộc chiến tranh thế giới (1939-1945), hay phong trào kháng chiến của người Pháp  chống lại  Đức Quốc xã trước đây,… Đây là những dấu ấn lịch sử làm nên diện mạo và nó có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Pháp hiện nay. Tuy nhiên trong vấn đề  tổ chức các lễ kỉ niệm, ở Pháp đôi khi người Pháp cũng rơi vào một xu hướng là chỉ tổ chức các sự kiện mang tính tích cực thôi, còn bỏ qua những sự kiện được đánh giá là tiêu cực.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và những bài học giáo dục lịch sử

Như vậy giáo dục tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc chính là giáo dục lịch sử dân tộc. Hay nói cách khác quá trình hình thành ý chí, lòng tự tôn, và yêu dân tộc cho thế hệ trẻ chính là nằm ở giáo dục lịch sử của dân tộc, quốc gia đó. Nhưng hiện nay, trong nhiều xã hội hiện đại, con người trong xã hội, dân tộc đó đang lãng quên và mất dần kí ức lịch sử dân tộc/quốc gia của mình, nguy cơ của việc này sẽ dẫn chúng ta đến đâu thưa ông?

Vâng, bạn đang đặt ra một vấn đề rất đúng, thực trạng lãng quên lịch sử, lãng quên quá khứ  hiện nay rất nhiều quốc gia hiện đại hiện nay gặp phải, trong đó có nước Pháp. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn vào cái nguyên nhân gốc của vấn đề: đó là vai trò của lịch sử. Lịch sử không phải viết ra để chiều lòng một ai đấy. Mà lịch sử bao giờ cũng có yếu tố quan trọng nhất đó là tôn trọng sự thật.

 Ngày 8-5 (năm 1945) nước Pháp tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm vinh danh chiến thắng Đức Quốc xã của các nước đồng minh. Tuy nhiên có một dấu mốc lịch sử khác mà nhiều nơi người ta không nói tới, đó là cũng chính vào ngày 8-5, nước Pháp gây ra cái chết của 15.000 Angeri, trong một cuộc đàn áp hoạt động nổi dậy đầu tiên của người Algeria đòi độc lập.

Vậy thì những nhà nghiên cứu, các sử gia phải có cái nhìn khách quan về mặt lịch sử và tổng hợp lại tất cả các sự kiện này, cũng như dựng lại các sự kiện lịch sử này làm sao khách quan và trung thực nhất vào trong hệ thống giảng dạy nhà trường. Để có thể giải thích cho học sinh biết đã có một thực tế rất mâu thuẫn là một nước như nước Pháp, thuộc vào phe đồng minh giải phóng các dân tộc bị áp bức chiến thắng Đức quốc xã, lại có thể là một nước gây ra cái chết cho 15000 người Algeria khát khao mong muốn, giành độc lập của mình.

Và quan hệ giữa Việt Nam và Pháp những năm 1950 cũng được đặt trong bối cảnh như vậy?

Vâng. Tôi đang rất mong chờ xem Pháp sẽ nói về sự kiện Điện Biên Phủ như thế nào trong năm nay. Sự kiện Điện Biên Phủ là thất bại của Pháp. Cái này báo chí Pháp đã và đang nói đến rất nhiều rồi. Nhất là khi tướng Giáp qua đời, báo chí Pháp đã nói đến sự kiện này với rất nhiều với những lời tốt đẹp vinh danh một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, đó là tướng Giáp. Phía Pháp cũng đã nói đến sự kiện Điện Biên Phủ trong các hoạt động kỉ niệm hai năm chéo Kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp- Việt Nam (2013-2014). Do đó tôi cũng rất mong và chờ xem, năm nay Pháp sẽ xử lí như thế nào trước vấn đề truyền thông nói về sự kiện Điện Biên Phủ trong dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng ĐBP sắp tới. Tôi muốn nhắc lại là: lịch sử được viết ra không phải để làm vừa lòng một ai đó, và lịch sử, kí ức lịch sử phải được tôn trọng ở đây theo những gì đúng nhất, khách quan nhất để truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Là một nhà sử gia hiện đại, theo ông vai trò, tác động của sự kiện Điện Biên Phủ với lịch sử và sử gia nước Pháp như thế nào?

Đã có những cột mốc rất quan trọng. Từ những năm 1990 trở lại đây, những năm  lịch sử liên quan đến các 
hoạt động xâm chiếm thuộc địa của Pháp được bắt đầu được giảng dạy trong các trường trung học của Pháp. Tức là từ năm 90 trở đi, học sinh trung học của Pháp mới được biết đến các thông tin về cuộc chiến Đông Dương, Algeria mà Pháp gây ra.  Ngày nay học sinh Pháp cũng học được về quá trình phi thực dân hóa, học và hiểu được về quyền tự quyết của các dân tộc, cũng như có được các thông tin về công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam, Algeria, và các nước thuộc lục địa châu Phi sau đó. Công việc của sử gia không dễ, họ phải sử dụng tư liệu từ những kho lưu trữ. 

Trong khi đó, còn có rất nhiều kho lưu trữ được xếp hạng là tuyệt mật, đặc biệt liên quan đến hoạt động quốc phòng. Trào lưu thứ hai, đó là khoảng 20-30 năm nay, các sử gia không chỉ dựa vào văn bản viết, mà họ đã đi theo hướng sưu tập rất nhiều những nhân chứng, tức là xây dựng lịch sử theo nhân chứng nói. Người sử gia trên bằng chứng, giấy tờ văn kiện, nhân chứng để tổng hợp đối chiếu để tái hiện lịch sử một cách sống động, chân thực nhất. Tuy nhiên quá trình tái hiện lại lịch sử của các sử gia cũng vấp phải những sự phản kháng. Cách đây không lâu, ở Pháp đã có xu hướng mong muốn lật lại lịch sử, có người đã định đưa vào SGK mục Những khía cạnh tích cực của quá trình thực dân hóa. Tôi muốn khẳng định ở đây, quá trình thực dân hóa không có khía cạnh nào là tích cực cả nhưng ở Pháp đã có xu hướng, trào lưu như vậy.
Tôi nghĩ rằng hiện nay, tất cả những phần liên quan đến chiến tranh Đông Dương, Điện Biên Phủ, Việt Nam, Algeria, là những chủ đề được các nhà sử gia Pháp xử lí rất tốt. Họ đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu chất lượng. Tuy nhiên công việc này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Khi học sinh trung học Pháp được học về thời kỳ thực dân xâm chiếm thực địa của Pháp, họ đã có những thái độ, phản ứng như thế nào thưa ông?

Học sinh đã có những phản ứng rất tích cực. Tinh thần phê phán vấn đề này được các sử gia thể hiện rất tốt 
được truyền tải trong sách giáo khoa. Có rất nhiều điều được đúc kết về phản ứng của học sinh Pháp, trong đó có hai điều quan trọng: Học sinh Pháp hiểu ra rằng tự do không thể nào tự có, muốn có tự do phải đấu tranh giành lấy tự do và Việt nam, Angeri đều lựa chọn con đường này; và  tự do là một tài sản vô giá. Điều thứ hai nữa là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, tức là khi hiểu biết về lịch sử, về quá trình thực dân hóa của Pháp thì đồng thời học sinh sẽ biết liên kết giữa quá khứ và những gì đang diễn ra hiện tại trong quan hệ giữa Pháp và Việt nam (Pháp và Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện). Khi mà lịch sử được thể hiện tốt, nó sẽ là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng ta không nên biến những gì đã diễn ra trong lịch sử thành những bảo tàng, mà quá khứ phải là những thực thể sống động, là chất xúc tác để chúng ta hướng tới hiện tại và tương lai tốt hơn.

Giáo dục lịch sử và chối bỏ học sử

Tôi xin trở lại vấn đề giáo dục lịch sử. Hiện nay ở Việt Nam học sinh phổ thông không yêu thích và không lựa chọn lịch sử là môn thi tự chọn hết cấp. Kiến thức lịch sử của những người trẻ cũng ngày một hạn chế và mơ hồ. Theo ông điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội trong tương lai?

Câu hỏi mà bạn đặt ra đang là vấn đề cốt lõi của xã hội hiện đại. Việt nam không phải là một trường hợp ngoại lệ, các thanh niên Pháp cũng như vậy. Do đó các nhà giáo dục và sử gia của Pháp luôn luôn phải cố gắng làm sao để môn lịch sử  tìm được vị trí xứng đáng trong ngành giáo dục của Pháp. Vị trí xứng đáng ở đây không chỉ là nói đến lịch sử của Pháp với tất cả các đặc thù, yếu tố của nó, mà còn cả lịch sử của thế giới nữa. Không thể nào chúng ta xây dựng một tương lai hòa bình, tương lai phát triển năng động mà không có yếu tố quá khứ. Chúng ta không thể nào xây dựng được mối quan hệ ôn hòa giữa các cá nhân với nhau mà không biết những gì đã xảy ra ngày hôm qua. Bạn không thể sống yên ổn nếu không  biết được cái gì đã xảy ra với mình hôm qua, mình đã làm gì, vì khi chúng ta mất hết các giá trị quy chiếu tức là lịch sử. 

Chúng ta chỉ có thể sống tốt hơn ở hiện tại và tương lai nếu như chúng ta biết bảo vệ thành quả của quá khứ. Thành quả của quá khứ của Việt Nam là thành quả đấu tranh, giải phóng dân tộc, giành lại tự do. Tự do cũng là thành quả của người Pháp khi đứng lên làm cách mạng. Dù như thế nào, quá khứ và lịch sử cũng là một yếu tố để chúng ta xác định mình ở đâu trong thời gian và không gian. Và ai cũng có một quá khứ, dân tộc nào cũng có một lịch sử.

Chúng ta phải tôn trọng lịch sử, vì lịch sử cấu thành nên diện mạo của xã hội hiện nay. Hiện tại không bắt đầu từ con số không mà trên cơ sở, nền tảng những gì đã diễn ra: từ kí ức và lịch sử.

MINH ANH thực hiện

Nguồn: Báo Văn nghệ số 18+19/ 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét