Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Không gian công cộng Hà nội - Thiếu vắng hay quản lí kém?

Tiếp theo câu chuyện về bản sắc kiến trúc Hà Nội với kiến trúc sư Angela http://sacviet.blogspot.com/2014/01/quy-hoach-o-thi-va-ban-sac-kien-truc.html; sacviet.blogspot xin giới thiệu bài trò chuyện với KTS Trần Thanh Vân về không gian công cộng Hà Nội. Bài viết đã đăng trên báo Van nghe tre thang 3 2014.

KTS Trần Thanh Vân từng tu nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Đồng tế Thượng Hải, TQ, sau đó bà học chuyên ngành cảnh quan và sinh thái học tại trường Đại học Dret-Xen, Đức theo học bổng của LHQ. Bà từng làm việc tại Viện Quy hoạch Kiến trúc đến năm 1992, sau đó bà làm việc như một kiến trúc sư tư vấn cảnh quan sinh thái độc lập.

Thưa kiến trúc sư, không gian cộng cộng có ví trí như thế nào trong những bản vẽ kiến trúc và quy hoạch đô thị và có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng dân cư?

Ở nông thôn người ta có thể ăn một mình nhưng uống nước thì không, họ mời hàng xóm, láng giềng cùng uống nước, ăn thuốc. Ngôi nhà của họ nhỏ, nhưng sân vườn rộng. Làm đồng vất vả cuối buổi họ tụ tập ở cây đa đầu làng, hay dưới mái đình trò chuyện. Những không gian công cộng như vậy ở nông thôn từ xưa đến nay vẫn như vậy, do người dân tự tạo, không phải chính quyền gây dựng . Đó là vì tự nhu cầu. Đến thành thị, sự thay đổi sinh hoạt từ nông nghiệp sang thương nghiệp nhưng nhu cầu về không gian sinh hoạt cộng đồng thì vẫn vậy. Những ngôi nhà, căn phòng  nhỏ chỉ là nơi để ăn, ngủ, và con người cần những không gian công cộng để đến đó tthư giãn, giao tiếp với cộng đồng. Ngồi trong nhà mãi không được đâu. Con người đô thị lại càng cần những không gian xanh, vườn hoa, những câu lạc bộ, công viên để thư giãn, để hít thở không khí trong lành, tái tạo năng lượng,… Và trong các bản vẽ kiến trúc quy hoạch đô thị, luôn có những  quy định nghiêm ngặt về tỉ lệ quy định cho diện tích xây dựng, diện tích cho không gian cảnh quan, không gian công cộng,…

Hà Nội đã mở rộng với diện tích ít thành phố lớn trên thế giới có được, nhưng không gian công cộng vẫn đang bị thương mại hóa, cắt xén ở cả khu phố cũ và phố mới. Người dân sống trong những căn hộ nhỏ hẹp, khát không gian, tràn ra những con đường giao thông nhỏ hẹp, ùn tắc,  vỉa hè lan man với trà chanh, café, phố xá nham nhở và lộn xộn,  … Nguyên nhân là do đâu thưa bà?
Bây giờ người ta hay nói rằng, đó là quản lí và tổ chức yếu kém, nhưng tôi cho rằng đó là sự ngu dốt.  Hà Nội cũ – theo kiến trúc của Pháp trước đây dù không sang trọng ghê ghớm nhưng có nghiên cứu và có tỉ lệ vùng đất xanh, những vườn hoa, hay những không gian công cộng phù hợp trên đầu người. Người Pháp đã thiết kế kiến trúc Hà Nội khi đó cho một lượng dân cư thấp, mật độ không lớn. Nay, Hà Nội đã có diện tích rộng  nhưng sao các công trình xây dựng mới vẫn mọc lên, lại hút người dân đến, đường xá thu hẹp lại, rất nhiều vườn hoa, hồ nước bị xâm chiếm, cắt xén biến dạng, như vườn hoa Cửa Nam bị xẻ thành đường đi, công viên Thống Nhất thành bến xe, đường vòng quanh công viên nhỏ hẹp, luôn tắc giờ cao điểm. Công viên đã không trở thành không gian công cộng, rào kín lại và trở thành một nơi xả rác bừa bãi, lộn xộn. Khu Mỹ Đình, nhiều kiến trúc công cộng như sân thể thao, bảo tàng Hà Nội, trung tâm Hội nghị Quốc  gia,… nhưng có ai được đến không?thích đến không? Bảo tàng Hà Nội có thu hút người dân không? Tại sao chúng ta mất hàng trăm tỉ đồng để xây dựng những công trình công cộng như vậy nhưng người dân lại đứng ngoài rìa? Vì tổ chức yếu kém và ngu dốt khiến những công trình ấy trở nên cô lập, thiếu sức sống và dần sẽ trở thành những công trình chết, và người dân thì vẫn khát không gian công cộng.

Vâng, thưa bà, nhìn lại Hà Nội có rất nhiều không gian công cộng cũng như đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho các công trình công cộng  song không thu hút được người dân và những sinh hoạt cộng đồng, môi trường  trường học, giao thông vẫn rất thiếu và chồng lấn. Chưa thấy có một bản tổng thể quy hoạch kiến trúc nào được công bố  trong khi những tòa nhà hoặc tủn mủn, hoặc kỳ dị, hoặc cô lập với môi trường cảnh quan xung quanh,… vẫn đang tiếp tục được xây dựng xen lấn những không gian công cộng. Theo bà trách nhiệm này là thuộc về ai?

Về những người đứng đầu thành phố, những người quản lí kém cỏi về kiến trúc và quy hoạch đô thị nhưng không lắng nghe những nhà kiến trúc sư, giới chuyên môn. Giới kiến trúc sư ít được mời cho những cuộc thi, hay tham gia những quyết định lựa chọn những công trình kiến trúc lớn Hà Nội. Nhìn lại khu quảng trường Ba Đình diện tích có hạn, nay mai Trung tâm Hội nghị hoàn thành, chúng ta sẽ thấy một phức hợp kiến trúc của Nga (Lăng chủ tịch), Đức (Trung tâm Hội nghị), Pháp (tòa nhà Bộ ngoại giao), các kiến trúc sư Việt Nam không có mặt ở đây.  Chúng ta thiếu một kiến trúc sư trưởng thành phố, người sẽ làm công việc của nhạc trưởng quy hoạch, kiến trúc và quản lí, được giao toàn quyền cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ về bộ mặt kiến trúc, quy hoạch đô thị.

Trong khi chờ đợi những chính sách và những bước thực hiện cải biến kiến trúc mới về cảnh quan đô thị, không gian công cộng thì với những gì chúng ta đang có hiện tại, theo bà chúng ta nên tổ chức sử dụng những không gian công cộng hiện nay như thế nào để tiện lợi và gắn kết với sinh hoạt của người dân hơn?

Nếu tôi có quyền, tôi rà soát và tổ chức lại tất cả các khu kiến trúc công cộng hiện nay, như sẽ cho phá ngay những sự ngăn cách giữa các công viên với sinh hoạt của người dân, không thu phí vào công viên Thống Nhất. Sắp xếp, tổ chức lại hoạt động nào thu phí, nhất quyết không  thu phí hưởng thụ không gian công cộng. Mở ngỏ để người dân thoải mái tập dưỡng sinh, thể dục, sinh hoạt dã ngoại cuối tuần, ăn nghỉ trên những bãi cỏ, tổ chức những sự kiện gia đình, tập thể… Tổ chức lại trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trở thành một trung tâm hội nghị du lịch gia đình, sinh thái. Các làng xung quanh đó tổ chức sắp xếp lại thành những điểm du lịch kết nối với trung tâm. Sân vận động và bảo tàng Hà Nội sắp xếp thân thiện, có lợi cho cộng đồng, dành không gian to hay nhỏ cần phải đem lại hiệu quả…. Dừng các hoạt động chồng lấn trong các trường học, trả lại không gian cho học sinh chơi thể thao, sinh hoạt, hoạt động học tập. Đưa các hoạt động thương mại ra những khu mới, chúng ta không thể phá một công viên để xây một khách sạn mà nên xây một khách sạn thành một công viên.. …

Thưa bà, trong một hội nghị gần đây, những nhà quy hoạch đô thị đã mừng rỡ và cho rằng họ đã tìm ra mô hình thành phô xanh Ubiquitous của Hàn Quốc, sẽ là một lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển đô thị ở Việt Nam. Vậy là chúng ta cũng nên yên tâm, cuối cùng mô hình kiến trúc đô thị cho Hà Nội đã được tìm ra, bà suy nghĩ như thế nào về việc này?

Tôi không tin, tôi không bao giờ tin rằng việc sử dụng một mô hình kiến trúc nào trên thế giới lại có thể áp vào thành công cho Hà Nội thành công hay phát triển được. Kiến trúc cho Hà Nội phải là của những người am hiểu về Hà nội như chính ngôi nhà của mình, phải hiểu về văn hóa, phong thủy, tự nhiên, vị trí của Hà Nội. Kiến trúc ở đâu cũng phải theo con người và sự tiện dụng ở đấy, mà mỗi nơi lại không giống nhau.


Minh Anh (thực hiện)

Bộ trưởng Bộ VHTTDL:Cần nỗ lực đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội


Năm 2013 đã khép lại nhưng không khí sôi nổi và náo nhiệt của các sự kiện và hoạt động văn hóa, nghệ thuật vẫn còn in đậm trong cảm xúc và suy tư của công chúng. Song 2013 cũng là năm của những vụ việc chấn động xã hội bởi suy thoái đạo đức, nổi cộm những thách thức cho công cuộc xã hội hóa bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc,...Trong số báo Xuân Giáp ngọ 2014, Báo Văn Nghệ đã mời Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hoàng Tuấn Anh tham gia đối thoại và chia sẻ những định hướng trong đề xuất chính sách và kế hoạch của Bộ trong việc phát triển và quản lí văn hóa cũng như ứng đối với những hiện trạng văn hóa xã hội tiêu cực hiện nay.

Phóng viên Trần Nga:Nếu nói văn hóa là động lực phát triển, thì năm 2013 là một minh chứng rất thuyết phục: hàng chuỗi sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra khắp các vùng miền đã làm phong phú và khích lệ đời sống tich thần của nhân dân trong thời điểm kinh tế phát triển ảm đạm. Thưa Bộ trưởng, cảm xúc và suy nghĩ của ông như thế nào về nhận định trên?
Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Ngay từ những ngày đầu năm 2013, với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật Kỷ niệm Ngày Thành lập Đảng, mừng Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Kỷ niệm 40 năm Ngày Ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam...  được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng. 
Những năm qua, Bộ đã triển khai kiểm kê và lập hồ sơ khoa học 48 di sản để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Qua 3 năm thực hiện đã có 57/63 tỉnh/thành báo cáo kiểm kê, thống kê được hơn 23.000 di sản văn hóa phi vật thể.
Với kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú đó, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cả nước sẽ tiếp tục cùng các ngành, các cấp khắc phục khó khăn, phát huy thành quả đạt được để xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ, chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân.
Điểm lại sự kiện và hoạt động chính sách, quản lý, văn hóa nào trong năm qua, Bộ trưởng ấn tượng và hài lòng nhất?
                Năm qua, Ngành văn hóa đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết TW 5 khóa VIII vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính cương lĩnh hành động trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới để thực sự bước vào thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tạo bước ngoặt về tư duy và nhận thức văn hóa. Công tác quản lý lễ hội, quản lý di tích có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực di sản văn hóa, Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lần đầu tiên Việt Nam được bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO...
Trong lĩnh vực thể thao, du lịch, gia đình, ngành cũng đều có những sự kiện nổi bật. Cá nhân tôi rất vui mừng khi Đội tuyển Bóng đá nữ vào chung kết giải vô địch châu Á 2014; hay khi Đoàn thể thao VN đứng 3/44 đoàn tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á lần thứ 4...
Tuy nhiên, văn hóa đạo đức đang đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối, từ ứng xử nơi công cộng, ứng xử học đường, ứng xử trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái… đến văn hóa đạo đức cá nhân, nghề nghiệp… đã xuất hiện ngày càng nhiều mối lo ngại về những hành vi và vụ việc gây chấn động xã hội. Thưa Bộ trưởng, Bộ VHTT&DL có phương hướng đề xuất, giải quyết những vấn đề văn hóa xã hội này như thế nào trong thời gian tới?
Những hạn chế trong xây dựng con người những năm vừa qua như sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự suy thoái này, từ góc nhìn vĩ mô, đang là những phản phát triển với tính chất nghiêm trọngnguy hại của nó. Nó không hiện hữu như­ một yếu tố cá biệt, nhất thời mà đang có tính phổ biến, đang có sức phá huỷ, bào mòn những nền tảng tinh thần đạo đức của chế độ.
Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn, tiến tới xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh hơn.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ VHTTDL đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về văn hóa, trong đó một trong những nội dung của dự thảo Nghị quyết sẽ tập trung vào việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam trong tình hình mới để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
 Năm 2013 cũng đánh dấu rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam trên đất nước bạn nhân năm chẵn kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về vai trò và ảnh hưởng của hoạt động giao lưu văn hóa trong việc hỗ trợ công tác ngoại giao, giao thương và hợp tác quốc tế?
Năm 2013, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam trên đất nước bạn nhân năm chẵn kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao được nhiều Ban, Bộ, ngành, địa phương cùng chung sức thực hiện. Trong đó, Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức nhiều sự kiện lớn, quan trọng, mang tầm quốc gia và quốc tế, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn bè thế giới, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngoại giao Việt Nam.
 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết 29 văn bản hiệp định, điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, hợp tác quốc tế chuyên ngành với tổ chức quốc tế và các nước. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động đối ngoại của ngành.
Năm 2013 các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam trên đất nước bạn nhân năm chẵn kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức sôi động, quy mô và hiệu quả. Các hoạt động văn hóa đối ngoại có tính mở đường cho nhiều hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Có ý kiến cho rằng hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hiện nay đã do Bộ tổ chức khá phong phú, hiệu quả. Tuy nhiên, một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn lặp đi lặp lại, ít hình thức mới; và giao lưu văn hóa giữa nhân dân Việt nam và các quốc gia đó còn rất hạn chế. Trong thời gian tới đây, Bộ VHTT&DL có những kế hoạch và chính sách gì để phát triển hoạt động giao lưu và hợp tác văn hóa Việt Nam, một cách chủ động với nhân dân quốc tế, thưa Bộ Trưởng?
Trước hết, phải khẳng định Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều năm qua, với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nhiều hoạt động: biểu diễn văn hóa nghệ thuật chiếu phim, triển lãm tranh, ảnh, sách, trình diễn thời trang, nói chuyện chuyên đề bao gồm cả nói chuyện về văn học Việt Nam… Bộ đã cố gắng huy động nhiều lực lượng, nhiều đoàn nghệ thuật cả ở Trung ương, các địa phương tham gia.
Tuy nhiên, trong việc tổ chức vẫn còn có những hạn chế nhất định mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là nguồn lực để tổ chức thực hiện. Để có thể tổ chức tốt hơn hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL đang tiến hành:
Xây dựng “Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Kế hoạch hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2014.
Từng bước triển khai xây dựng Trung tâm Văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, tạo thành nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ thực sự trở thành cầu nối trong quan hệ văn hóa đối ngoại; là điểm đến tin cậy cho Cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, con người và truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
 Để thực hiện tốt các hoạt động giao lưu và hợp tác văn hóa Việt Nam một cách chủ động với nhân dân quốc tế, chúng ta cần sự nỗ lực tổng hợp của các Ban, Bộ, ngành địa phương, trong đó Bộ VHTTDL vẫn luôn là cơ quan chủ công, chịu trách nhiệm trong các hoạt động văn hóa đối ngoại.
Minh Anh thực hiện