Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

NTK SĨ HOÀNG VÀ NHỮNG GIẤC MƠ NGHỆ SĨ

Từ cuộc thi HOA HẬU ÁO DÀI 1989, Sĩ Hoàng đã đi vào con đường thời trang và thành danh với tà áo dài. Có thể thấy rõ sau hơn hai mươi năm gắn với thiết kế áo dài, Sĩ Hoàng và những tác phẩm của anh đã trở thành một minh chứng mẫu mực khi nói đến giá trị của Áo dài, đó là sự hiểu biết sâu sắc về trang phục truyền thống, trong mối quan hệ của nó với văn hóa dân tộc, không chỉ là câu chuyện ăn mặc, thời trang mà đó là những giá trị đạo đức, giá trị tinh thần từ hai tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt. Miệt mài cho những thành công,  Sĩ Hoàng có nhiều danh xưng khác họa sĩ, nhà sư phạm, doanh nhân, diễn viên, thiết kế phục trang sân khấu, nhà du lịch sinh thái, văn hóa, nhà từ thiện,…. Nhưng trong cuộc trò chuyện dưới đây giữa PV. BVN và anh, chỉ xin nói đến Sĩ Hoàng một nhà thiết kế trang phục và phát triển văn hóa dân tộc với phương châm sống “yêu nước bằng chính công việc của mình”.


ÁO DÀI: DANH TIẾNG VÀ NGUỒN KHỞI NHỮNG GIẤC MƠ
PV: Thưa anh, xin bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi tổng hợp: Anh bắt đầu thiết kế áo dài từ khi nào? Anh có nhớ mình đã thiết kế khoảng bao nhiêu chiếc? Và cho đến nay anh đã có bao nhiêu cuộc trình diễn áo dài? ở bao nhiêu nước?
NTK Sĩ Hoàng: Khi vừa kết thúc 2 năm giáo viên thực tập ( 1987 – 1989 ) để trở thành giáo viên chính thức của Bộ môn Mỹ thuật tại trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, tôi bắt đầu vẽ áo dài như là nghề tay trái để thêm thu nhập.
Đến giai đoạn 1997 – 2002, biểu diễn áo dài trong những chương trình kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước và giao lưu văn hóa ở hơn 10 quốc gia từ Á sang Âu Mỹ, tôi thấy được sự trân trọng của bạn bè quốc tế dành cho tà áo dài VN. Từ đó tôi ý thức đó không chỉ là công việc, mà chính là góp phần bảo tồn, phát huy và giới thiệu một gía trị văn hóa mặc.
Trong 24 năm qua tôi đã thiết kế 600 mẫu / 58 bộ sưu tập áo dài, 1566 mẫu phục trang / 22 vở diễn các loại hình sân khấu kịch, cải lương, chèo và phim truyền hình.

Mỗi cuộc trình diễn hay những thiết kế của anh thường gắn với một tên gọi/chủ đề, những chủ đề xuất hiện theo cảm hứng thiết kế hay là theo một kế hoạch có trình tự?
Các chủ đề thiết kế đều được lên kế hoạch từng năm dựa theo nghiên cứu xu hướng thời trang thế giới, thông tin về dự báo phát triển kinh tế, các chủ trương chính sách của nhà nước về đường lối phát triển nghệ thuật, các sự kiện văn hóa lớn của đất nước. Tuy nhiên tất cả các ý tưởng thiết kế đều đến từ cảm xúc sáng tạo sau những lần tham quan, nghiên cứu về trang phục, nghệ thuật gốm tại các bảo tàng trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, anh xuất hiện nhiều trên phương tiện truyền thông trong những dự án mới như “chương trình giáo dục sớm” – chương trình dạy mĩ thuật- sáng tạo cho trẻ nhỏ, MC cho chương trình “Mặc đẹp để thành công”, diễn viên trong vở Trò chơi Tham Vọng (sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), …nhưng vẫn đều đặn và lặng lẽ xuất hiện trong những chương trình biểu diễn thời trang Áo dài lớn trong nước và đặc biệt là những chương trình biểu diễn ở nước ngoài. Năng lượng hay triết lí sáng tạo nào đã giúp anh thực hiện điều đó?
Theo quan niệm của tôi, đối thủ lớn nhất của đời người chính là bản thân mình, vì thế luôn tận dụng từng quỹ thời gian của mình để làm việc.
Tôi tự tái tạo năng lượng và cảm hứng sáng tạo bằng Thiền. Những hoạt động gắn với trẻ em trong việc tham gia nhóm biên soạn chương trình Thai giáo do Hội Quán các Bà Mẹ chủ biên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cố vấn và hiệu đính. Nghiên cứu và biên soạn chương trình Tư duy sáng tạo dành cho trẻ Mẫu giáo đến 14 tuổi. Tập hướng tới sự đơn giản hóa dần nhu cầu bản thân, bình thường hóa mọi vấn đề gặp phải, triệt tiêu những phiền não, tạo ra giá trị sống cho chính mình và cộng đồng.

Nằm xuống buông tay là không nắm được gì mang theo, nhưng cái còn ở lại là những giá trị để lại trong đời. Nó không phải là cái nhà, miếng đất, vật dụng xe cộ nhiều tiền,  mà chính là những giá trị tinh thần trong cảm nhận tâm linh, văn hóa, thẩm mỹ, nhân bản... mà bất kỳ một cá nhân, quốc gia, dân tộc, nào cũng phải công nhận và có trách nhiệm gìn giữ.
     Người ta thường nói mình phải tự hài lòng với những cái đang có, điều đó đúng và tôn giáo cũng dạy như thế! Nhưng tôi là con người sống sáng tạo, được sinh ra để làm người sáng tạo, được đào tạo để sáng tạo có phương pháp và thành đạt bởi sự sáng tạo của mình, cho nên vấn đề của tôi là không bao giờ bằng lòng với những điều mình đã làm ra. Phủ định cái vừa khẳng định để tiếp tục đặt mình trong vạch xuất phát.

THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ HÁT: NHỮNG DỰ ÁN NỐI TIẾP

Bảo tàng Áo dài được anh công bố gần đây, hẳn là một dự án lớn đã theo đuổi anh trong  hành trình hơn hai mươi năm thiết kế, trình diễn Áo dài, điều gì đã thôi thúc anh thực hiện kế hoạch lớn và nhiều thử thách này? Bởi trong tình hình kinh tế khó khăn những năm trở lại đây, những dự án kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chắc chắn những dự án văn hóa-nghệ thuật còn khó khăn hơn gấp bội.
Mỗi khi trình diễn áo dài trong những ngày giới thiệu văn hóa tại nước ngoài, tôi đã cảm nhận đó không chỉ còn là chiếc áo với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu nữa. Mà thật sự ẩn chứa nội lực của một bề dầy lịch sử với bao hy sinh của một dân tộc, mới có một tấm áo lành lặn dịu dàng yên bình. Để cảm xúc đến cả trong văn thơ nhạc họa cho thấy tà áo còn là mây, là gió, là cánh bướm, là giá trị đạo đức ẩn trong giá trị thẩm mỹ khiến cả người mặc lẫn người tiếp xúc đều dâng lên một sự trân trọng, yêu quý biết bao.

Tôi nghĩ rằng muốn bảo tồn và phát triển bền bỉ điều gì thì phải làm cho điều ấy được nhiều người biết, nhiều người chấp nhận, trên hết là được nhiều người sử dụng. Và người ta chỉ thích sử dụng khi cảm thấy có nét gần gũi thân quen.

Tôi chưa là người lính, nhưng đã yêu nước bằng chính công việc của mình, trung thành và từng ngày chỉ sáng tạo và thực hiện những tà áo đẹp.Như một sự biết ơn với thành phố, với đất nước đã cho mình một sự trưởng thành nghề nghiệp – xây dựng BẢO TÀNG ÁO DÀI  đã là ước muốn thực hiện bấy lâu . 

Ước mơ đó đã âm thầm thực hiện từ 2002 qua việc xây dựng Nhà vườn Long Thuận. Đến nay sau hơn 10 năm, dù trong bối cảnh kinh tế chung đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm được đóng góp một công trình thật ý nghĩa về mặt văn hóa, giáo dục, lịch sử tại Quận 9 -Thành phố Hồ Chí minh là một nguyện vọng lớn lao.

Bảo tàng Áo dài thuộc về văn hóa dân tộc, vượt lên trên mọi định kiến về chính trị, tôn giáo. Nên tôi tin sẽ là nơi được truyền thừa và mọi người đều muốn giữ gìn.

Nằm trong khuôn viên nhà vườn Long Thuận, hiện nay, bảo tàng đã hoàn thành đến đâu, bao giờ có thể mở cửa đón khách thăm quan? Anh có thể giới thiệu đôi nét đặc biệt của bảo tàng đến độc giả của báo Văn nghệ được không ?
         Về quy hoạch xây dựng đã thực hiện được 80 % khối lượng công việc bao gồm toàn bộ 20.000 mét            vuông của Nhà vườn Long Thuận thành 16 khu chức năng, trong đó phần lớn là nhà trưng bày hiện vật          cố định, chiếu phim tư liệu, phòng hội thảo chuyên đề, nhà triển lãm định kỳ, nhà giới thiệu các quy trình thực hiện áo dài từ may, thêu, vẽ, đính kết… Sân khấu diễn áo dài, dãy phố cổ hàng lưu niệm, ẩm thực.
Về hồ sơ hiện vật, theo quy chuẩn các văn bản về việc thành lập bảo tàng đang hoàn chỉnh như thống kê các hồ sơ từng hiện vật như : Sổ đăng ký hiện vật, Bản ghi chép về hiện vật ( ghi âm, ghi hình ), Biên bản giao nhận ... Đặc biệt, hiện đã nhận những áo dài rất quý của Cố Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Cựu Đại sứ tại Liên Minh Châu Âu | Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nghệ sĩ ND Bạch Tuyết, Nghệ sĩ ND Kim Cương...tặng cho bảo tàng.

Khoảng 500 bộ áo dài qua các thời đại, trong đó có các mẫu áo dài được đo may từ những năm 1930. Hơn 3.000 tấm ảnh áo dài xưa và nay cùng với nhiều tư liệu quý về chiếc áo dài VN. Đây chưa phải là con số cuối cùng, sắp tới, khi bảo tàng ra đời sẽ có một kế hoạch quảng bá rộng rãi, mời gọi mọi người sang nhượng, hiến tặng áo dài để kho hiện vật được phong phú hơn.
Mọi thủ tục ra mắt bảo tàng áo dài đang được các vị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo Quận 9 hỗ trợ tối đa với sự đồng hành của các nhà tài trợ. Kế hoạch khánh thành vào cuối năm 2013 kịp thời phục vụ công chúng địa phương và thành phố vào mùa lễ hội đầu năm mới.
Anh đã từng thổ lộ, anh có ba mơ ước lớn trong đời, đó là thư viện, bảo tàng, nhà hát. Thư viện và bảo tàng đang hoàn thiện rồi. Mặc dù anh nói “nếu còn đủ sức lực, nếu trời thương” thì anh mong có một nhà hát nữa. Song tôi nghĩ rằng, với điều kiện và khả năng hiện nay ước mơ đó hoàn toàn có thể thực hiện được, và đó có phải sẽ là một nhà hát về áo dài không?
Đúng là một nhà hát về Áo dài. Từ tháng 6.2006 tôi đã trình dự án này lên UBND TP.HCM và được đưa vào danh mục của cuốn vận động đầu tư nước ngoài. Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải cũng cho rằng đây là một dự án khả thi. Giờ đây thôi sẽ “tùy duyên ”

THIẾT KẾ TRANG PHỤC SÂN KHẤU: ĐÚNG MỚI ĐẸP

Vở chèo Vương Nữ Mê Linh của Nhà hát chèo Hà Nội mới công chiếu đầu tháng 9 và đang tham gia Hội diễn chèo toàn quốc ở Hải Phòng đã không chỉ thu phục cả giới trẻ 9X mà được xem là một hiện tượng  gây sóng trong giới phê bình sân khấu, và truyền thông ngoài Bắc vì sự đột phá lớn về hình tượng nhân vật, trong đó, nổi bật là về ngôn ngữ hình thể và trang phục. Được biết, anh chính là nhà thiết kế trang phục, sân khấu của vở diễn, anh đã đầu tư như thế nào cho việc thiết kế sân khấu và trang phục cho vở diễn này?
Tôi đã nhận được sự tư vấn của Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đạo diễn Doãn Hoàng Giang , nghiên cứu phong cách thiết kế đặc thù của phục trang qua những vở chèo kinh điển từ họa sĩ Hoàng Song Hào, tư liệu của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần.
Lợi thế lớn nhất của công việc, đó là câu chuyện diễn ra vào thời Đông Sơn, giai đoạn lịch sử huy hoàng của nước ta và dấu ấn còn lưu tới ngày nay qua hệ thống hiện vật đang lưu trữ tại các bảo tàng, bộ sưu tập, trên internet, sách lịch sử. Kiểu cách trang phục của thời Hai Bà Trưng năm 40 sau CN có thể được hình dung qua nét chạm trên trống đồng, trên các thạp đồng, qua các miếng bao tay, hộ tâm, khoá thắt lưng... Với sự giúp sức của đội ngũ tận tình là các họa sĩ, thợ thêu, cắt may - Sau 5 tháng vừa tìm kiếm tư liệu, thiết kế và may thử nghiệm, gần 100 bộ trang phục đã hoàn thành.

Lâu nay, thiết kế trang phục cho các vở diễn sân khấu lịch sử là điểm yếu của các nhà hát, sân khấu ngoài Bắc, có ý kiến cho rằng, do những tài liệu lịch sử về trang phục của ta rất hạn chế, ở cương vị một nhà thiết kế, anh suy nghĩ như thế nào về điều này? Giải pháp của anh cũng như quan điểm của anh đối với việc thiết kế trang phục sân khấu cho các vở diễn cổ của nước ta như thế nào?
Kinh nghiệm thiết kế và thực hiện phục trang sân khấu truyền thống, với Tôi còn đang được học hỏi, tích lũy và vẫn còn nhiều điều khó khăn mỗi khi nhận lời thực hiện từng kịch bản sân khấu. Nhưng chỉ nên làm khi biết chắc có thể tìm được nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, nắm rõ kịch bản với chủ đề tư tưởng của đạo diễn, thống nhất được phong cách thiết kế với họa sĩ thiết kế cảnh trí vở diễn, tiếp xúc với diễn viên trong các phân vai, có trong tay một ê kíp thực hiện may phục trang hiểu ý và kỹ thuật cắt may, trang trí tốt. Quan điểm của tôi là đúng mới đẹp khi thiết kế phục trang cho các vở diễn cổ trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Tài liệu về trang phục VN trong một số giai đoạn lịch sử có thể đối chiếu với lịch sử trang phục Trung Quốc do nước ta bị cả 1000 năm bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu của các nhà sử học, dân tộc học, bảo tàng học là có khá đầy đủ. Vấn đề khó nhất là kinh phí đầu tư cho phục trang còn hạn hẹp, sự nghiên cứu và thực hiện của người được giao bị phụ thuộc vào tiến độ thời gian luôn bị “nước đến chân” – Đã là những hạn chế đến chất lượng phục trang sân khấu, khi yếu tố nhìn là quan trọng không kém phần nghe khi thưởng thức một vở diễn từ hàng ghế khán giả.
Cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này và xin chúc Nhà hát Áo dài sớm gặp được “duyên”!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét