Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

HOẠ SĨ ANDO SAEKO: 18 NĂM GẮN BÓ SƠN MÀI VIỆT NAM




Những đồ dụng được sơn bóng, sáng cổ đại nhất được tìm thấy từ thời Jomon, 12,000-2,500 năm trước đây và gần hơn là những vật dụng bằng gỗ được sơn bóng láng 5500 năm tuổi, được tìm thấy trên đảo Honshu – hòn đảo lớn nhất và đông dân cư của Nhật Bản. Ngày nay, Sơn mài rất phát triển và đi vào cuộc sống hiện đại của người dân Nhật bản không chỉ ở những vật dụng hàng ngày: bát đĩa, đũa, chậu, bình…, đồ trang trí cao cấp, ... trong kiến trúc nhà ở,… mà còn được lớp trẻ ưa chuộng trên những đồ trang sức, vòng tay, vòng cổ, vẽ móng tay, trang trí vỏ điện thoại sành điệu…
Sinh ra và lớn lên ở một cái nôi sơn mài lâu đời bậc nhất thế giới, song Ando Saeko lại mê mẩn sơn mài Việt nam và xem đây như một cái duyên hạnh ngộ gắn bó cả cuộc đời không bao giờ từ bỏ. Học Văn học và triết học tại trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) … song ra trường Ando Saeko lại làm tiếp viên hàng không. Năm 1995, một lần dừng chân ở Việt nam, được tiếp xúc với những tác phẩm hội hoạ sơn mài, cô lập tức bỏ nghề và ở lại Việt nam học vẽ và nghiên cứu sơn mài. Cuộc hành trình mải miết đến nay đã 18 năm, cô giờ đã thành thục và am hiểu về sơn mài Việt Nam chẳng kém gì những hoạ sĩ bản địa đam mê và gắn bó cuộc đời với sơn mài. Người hoạ sĩ sơn mài, ngóng thời tiết như nhà nông “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, và Ando giờ cũng đoán được đến 70%  ngày nào phủ hợp để làm vóc, phủ sơn, để vẽ- mài ra mài vào dù thời tiết Hà Nội thay đổi theo ngày, theo buổi.
Người Việt Nam vẫn tự hào về Nghệ thuật hội hoạ sơn mài Việt nam độc đáo trên thế giới do các hoạ sĩ bậc thầy của trường Cao đẳng Đông Dương, đầu bảng cụ Nguyễn Gia Trí sáng tạo trên chất liệu và kỹ thuật sơn (ta) mài truyền thống từ những năm 30 của thế kỉ trước. Từ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã du nhập về và đặc biệt Trung Quốc đã đầu tư chiến lược phát triển nghệ thuật sơn mài rất mạnh, cử nhiều đoàn sinh viên sang Việt nam học tập, nghiên cứu. Họ đã nhìn thấy ở nghệ thuật sơn mài Việtnhững giá trị lớn lao. Ando Saeko cũng nằm trong số đó, từ nhận thức đến đam mê cộng với bản năng nghệ sĩ, sự thông minh và tính kiên định, nhẫn nại, tỉ mỉ của Nhật Bản, Saeko đã trở thành một hoạ sĩ sơn mài Việt Nam, một người nghiên cứu sơn mài được giới phê bình nghệ thuật thế giới đánh giá cao những tác phẩm hội hoạ sơn mài của cô.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa hoạ sĩ, nhà nghiên cứu sơn mài Việt Nam, Ando Saeko và P.V: Minh Anh về sơn mài Việt nam, sự khác biệt với sơn mài Nhật Bản trong căn biệt thự nhỏ dãy D khu Ciputra Tây Hồ, Hà Nội, nơi cô đang cùng gia đình nhỏ cư ngụ. Quan điểm và suy nghĩ của một nghệ sĩ Nhật Bản đeo đuổi nghệ thuật hội hoạ Việt Nam gần hai thập kỉ nhưng giữ trong mình phẩm cách và sự kiên định của người Nhật gợi cho chúng ta những suy nghĩ về việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
-          Người Trung Quốc tự hào với thương hiệu gốm sứ made in China; Và người Nhật tự hào với thương hiệu đồ sơn mài made in Japan. Là một người Nhật, va chạm với nghệ thuật sơn mài từ nhỏ, vì sao chị lại ham mê sơn mài Việt nam?
Tôi thích vẽ từ nhỏ, và thấy vẽ thật dễ dàng, có lúc tôi nghĩ sao người ta phải học vẽ nhỉ. Lớn lên, tôi học văn học và triết học, rồi dự tuyển tiếp viên hàng không để được đi nhiều nơi. Năm 1995 tôi đến Việt Nam, tình cờ được ngắm nhìn những bức tranh sơn mài lấp lánh, thật kì lạ. Tôi đã gặp duyên và quyết định ở lại Việt Nam tìm hiểu và học vẽ sơn mài. Song học sơn mài, không thể trong thời gian ngắn, năm nào tôi cũng tự nhủ học nốt năm nay rồi về. Và giờ tôi đã ở lại Việt nam 18 năm.
-          Chị bắt đầu học vẽ sơn mài ở đâu?
Tôi học vẽ sơn mài hiện đại của thầy Trịnh Tuân, rồi sơn mài truyền thống của thầy Đoàn Chí Trung, Nguyễn Huy Hoàn, học làm vóc cơ bản của thầy Lâm Hữu Chỉnh. Tôi cũng lên Phú Thọ nhiều lần để học cách lấy sơn. Tôi học đánh sơn, làm vóc tìm hiểu sâu về chất sơn. Nghệ sĩ có ý tưởng, ý đồ hội hoạ nhưng nếu như mình không biết cắt và thể hiện thì ý tưởng đó không có giá trị. Không có kỹ thuật và ý tưởng chỉ ở trong đầu thì cũng không chia sẻ được điều gì cho người xem. Với tôi, học sơn mài là học cả làm vóc và mài vẽ. Tôi thích tự mình làm tất cả các khâu để có thể nắm bắt được toàn bộ tác phẩm của mình cũng như làm thật kỹ những phần tôi muốn.
-          Cái khó nhất đối với chị khi vẽ sơn mài là gì?
Kỹ thuật vẽ sơn mài rất khó điều khiển, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sơn không khô thì bạn không vẽ được đâu. Độ ẩm phải cao sơn mới cứng lại được. Có hôm trời nắng hanh , mát mẻ rất đẹp, bạn ngạc nhiên khi tôi nói, thôi hôm nay không phù hợp để vẽ đâu, đi café đi. Thời tiết ở Hà Nội lại rất thất thường, sáng thì trời rất mát đến trưa lại nắng gắt, chiều tối lại mưa giông… như một trò chơi thách đố với người làm sơn mài. Nhưng như thế mới thú vị, mới là điều hay nhất mà sơn mài cuốn hút tôi.
-          Giờ thì chị đã nắm được bao nhiêu phần thắng trong trò chơi với thời tiết Hà Nội rồi?
Với kinh nghiệm của tôi đoán chính xác 70% thời tiết phù hợp làm sơn mài. 30% còn lại có khi đẹp hơn dự đoán, có khi thất bại hơn.

-          Người Nhật chê sơn Việt Nam kém chất lượng và ngại nhập khẩu. Là một người trong nghề chị đánh giá sự khác biệt giữa sơn ta và sơn Nhật Bản nói riêng và nghệ thuật sơn mài Việt Nam với Nhật Bản như thế nào?  
Về kỹ thuật cơ bản giống nhau. Về sơn cùng chiết xuất từ tự nhiên. Nhưng có thể do khí hậu, địa chất, sơn Nhật Bản (không phải sơn công nghiệp – sơn Nhật như ta thường gọi) rắn, chắc, đánh bóng và độ bền cao, rất  phù hợp với việc làm đồ dùng, gia dụng…. Tôi vẫn nói với mọi người ở Nhật rằng, sơn của Việt Nam không phù hợp làm đồ dùng, vật dụng nhưng rất tuyệt vời cho vẽ và rất phù hợp khi sử dụng ở khí hậu Việt Nam. Màu sắc được thể hiện đa dạng vì có thể bôi và mài nhiều lớp sơn để tạo ra nhiều mảng màu khác nhau. Còn Nhật Bản phải cho lòng trắng trứng, đậu phụ làm mềm sơn đi mới vẽ được như kiểu Việt Nam.
-          Từ khi mới tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Việt Nam (1995) đến nay đã gần 20 năm, chị đánh giá nghệ thuật sơn mài Việt Nam phát triển như thế nào?
Khi tôi đến Việt nam lúc đó, người Việt nam đã rất tự hào về nghệ thuật sơn mài, trước đó hàng chục năm đã có nhiều cuộc triển lãm ở châu Âu được đánh giá rất cao. Nhưng giờ mọi việc đã thay đổi nhiều. Khó kiếm sơn ta chất lượng tốt. Nghệ nhân sơn mài ngày càng ít. Làng nghề chủ yếu là những thanh niên không biết làm việc gì khác đành làm nghề sơn kiếm sống. Hoạ sĩ trẻ muốn làm sơn mài nhưng không thể làm vóc. Một tác phẩm sơn mài đẹp về kỹ thuật sơn mài, về sơn là rất hiếm. Kỹ thuật và tri thức nghề sơn không được chú trọng. Nam hiện giờ giống như Nhật Bản trước đây, chỉ quan tâm làm kinh tế, đánh giá đồ nhập cao hơn của mình nhưng khi Việt Nam phát triển bằng Nhật Bản bây giờ, có thời gian nghĩ về truyền thống, về nghệ thuật thì mất rồi. Chúng tôi cũng vậy, giờ phải đi sang nước khác để ngắm nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của mình. 
-          Thực tế, có khoảng gần 300 hoạ sĩ Việt nam làm sơn mài, họ không thường xuất hiện trên báo chí hay làm triển lãm ồn ào. Chẳng hạn như thầy của chị anh Trịnh Tuân mỗi năm thường làm 1-2  triển lãm ở nước ngoài và tổ chức các sự kiện nghệ thuật xã hội. Và ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường phái làm sơn mài cũng như họa sĩ nổi tiếng trong dùng sơn công nghiệp vẽ. Trong hội hoạ, chất liệu chỉ là phương tiện, chị nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên tắc hợp lí và truyền thống bao giờ cũng đúng. Đối với sơn mài, với tôi, cái đẹp của sơn mài là chất sơn, là cái không thể thay thế được với cái gì khác. Nên khi tôi vẽ tranh không chú trọng quá nhiều vào ý tưởng mà tôi thường cố gắng sắp xếp các kỹ thuật trên một bức tranh như thế nào. Cái hạn chế không phải là điều mình ghét bỏ mà từ hạn chế đó mình nghĩ ra một cái gì mới. Hạn chế là cơ hội để mình nghĩ ra cái gì đó mới. Trước đây, tôi vẫn nhận là mình theo nghệ thuật sơn mài truyền thống, nhưng giờ đi đâu tôi cũng nhận mình là hoạ sĩ sơn mài Việt Nam hiện đại. Nghệ thuật hội hoạ sơn mài Việt Nam mới có gần 100 năm nay thôi và đến giờ các nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tạo, phát triển nghệ thuật hội hoạ sơn mài hiện đại chứ không bám theo phong cách cổ truyền như ở Nhật Bản.
-          Nhìn lại những bức tranh sơn mài của mình cũng như chặng đường học tập, sáng tác tranh sơn mài Việt Nam, chị muốn chia sẻ điều gì với độc giả Việt Nam?
Tôi muốn vẽ tranh sơn mài đến chết, không bao giờ dừng hay thay đổi. Nhưng tôi cũng đang rất lo lắng khi nguyên liệu và dụng cụ vẽ sơn mài chất lượng ngày một hiếm đi.
Tôi đang rất hồi hộp cho triển lãm tranh sơn mài “Nhật Bản trong tôi” vào tháng 9 tới. Sau 18 năm học tập, vẽ và quảng bá nghệ thuật sơn và hội hoạ sơn mài Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi làm triển lãm về đề tài Nhật Bản để giới thiệu thẩm mỹ và triết học của người Nhật Bản trong tác phẩm của tôi. Triển lãm này, tôi sẽ trưng bày nhiều tác phẩm sơn mài kích cỡ nhỏ. Người ta thường không lưu tâm đến những bức tranh nhỏ, coi như đồ lưu niệm và xếp ở những góc ít được quan tâm, nhưng thế giới rộng lớn thường được nhìn trong lăng kính, những vật rất nhỏ, là phong cách của người Nhật vậy.  
Minh Anh thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét