Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Nữ hoạ sĩ Chế thị Kim Trung: sống tốt bằng nghề





Một năm đầy khó khăn với các nhà kinh doanh, vất vả với các chính trị gia, và trầm lắng hoạt động của giới showbiz Việt. Năm 2012 đã qua đi. Nhưng nhìn lại bầu trời nghệ thuật Việt, nhiều ngôi sao đang toả sáng. Thực ra, một năm trước, hai năm trước, năm năm trước, họ vẫn đứng ở đó, vẫn toả sáng, lao động nghệ thuật miệt mài, nhưng những ánh hào quang của showbiz vật chất và cuộc sống hưởng thụ theo nhịp đầu cơ được truyền thông tung hứng đã che mờ công chúng. Trong khó khăn của 2012, họ là những người gặt hái được thành công và cơ hội: Ca nương, đàn đào Phạm Thị Huệ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở tuổi 39 cho những cống hiến khôi phục và giũ gìn nhạc cổ ca Trù, danh ca opere Hà Phạm Thăng Long (người Mường) – sáng chói trong Vở nhạc kịch lớn của Việt Nam cô Sao; Chế Khắc Kim Trung (người Chăm) dành được nhiều giải thưởng mỹ thuật quốc gia cho những tác phẩm thấm đẫm văn hoá Chăm,…





Mải miết và mê đắm với văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, cộng với năng khiếu hội hoạ và bàn tay tài hoa, nữ hoạ sĩ người Chăm Chế Thị  Kim Trung là một trong số ít các nữ hoạ sĩ dân tộc thiểu số nói riêng và Việt Nam nói chung giành được nhiều giải thưởng lớn trong nước. 
Năm 2012 được đánh dấu là sự trở lại của những giải thưởng lớn đến với chị. Tác phẩm sơn dầu đồ sộ Sắc màu lễ hội Katê Chăm với tổng chiều cao 1,6m x 6,5m ăm ắp những hoa văn, những sinh hoạt văn hoá sinh động của lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận đã mang đến cho nữ hoạ sĩ Chế Thị Kim Trung giải A duy nhất của Hội  Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và giải thưởng Xuất sắc trong năm của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Trong mười năm từ 2002  đến 2012 chị có đến 17 giải thưởng cấp Quốc gia. Hầu hết các tác phẩm của chị đều mang một đề tài lớn đó là văn hoá Chăm, gắn với các chủ đề sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, kiến trúc. 
Bắt đầu vào đời bằng nghề sư phạm, chị tiếp tục đeo đuổi đam mê hội hoạ và chuyên nghiệp mình bằng khoá học cử nhân Hội hoạ trường Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, rồi năm 2010 hào hứng nhận học bổng và theo học khoá học cao học quốc tế chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Thái Lan. Với chị 2012 là một năm bận rộn đi lại giữa Việt Nam và Thái Lan để hoàn thành khoá học Thạc sĩ vừa sáng tác và quản lí phòng tranh, còn công việc giảng dạy tại đại học Sư phạm Ninh Thuận, trường  Trung tâm dạy nghề tổng hợp Ninh Thuận, trường Trung học Ninh Thuận thì tạm ngừng nghỉ để “hoàn thành  50 tín chí , 60 tác phẩm cho khoá luận tốt nghiệp. Sắc màu lễ hội Katê Chăm sẽ là một trong 60 tác phẩm cùng một chủ đề mà tôi phải hoàn thiện từ nay đến tháng ba năm tới” - nữ hoạ sĩ chia sẻ.  
Phòng tranh của chị trên phố Ngô Gia Tự, thành phố Ninh Thuận rất đông công chúng. Người thì đến xem, đến ngắm, người thì đến mua, đến chơi. Và ai về cũng hồ hởi và mãn nguyện được chìm đắm trong một không gian văn hoá nghệ thuật Chăm đậm đà. Không chỉ ngắm nhìn những hoạ phẩm trưng bày, ở đây người ta còn có thể thấy mỹ thuật Chăm ứng dụng trên các sản phẩm gốm, dệt cho cuộc sống thường nhật như thế nào. 
Đó là những bình gốm, những cây đèn ngủ, đèn trang trí, những túi xách, ví thổ cẩm…. Người hoạ sĩ cười hiền, giọng nói đầy hưng phấn: “Nói chung làvới phòng tranh này tôi sống được, sống tốt bằng nghề. Ngoài thời gian giảng dạy, tôi sáng tác vẽ tranh. Chờ tranh khô thì làm gốm, làm đèn gốm….”. Vừa sáng tạo vừa nghiên cứu văn hoá Chăm nên sức sống và độ sâu văn hoá được khắc lên các tác phẩm, sản phẩm của chị một cách sống động và đầy hồn xúc.  Công chúng đến phòng tranh của chị với những nhu cầu rất khác nhau, cả người trong và ngoài nước, cả những người am hiểu nghệ thuật đến đông đảo quần chúng. “Ai mua thì mình bán, ai đến xem thì cứ xem, còn bạn bè thân thiết đến thì tặng.”. 
Còn việc học với chị chưa bao giờ ngừng nghỉ. Càng học thì càng thấy động lực học thêm nữa. Từ một cử nhân sư phạm, chị học mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh rồi học cao học tại trường quốc tế ở Thái Lan và mang trong mình một hoài ước lớn. 
 Sau hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật và văn hoá Chăm, ước mơ đó ngày càng lớn, càng cháy bỏng và dần dần định hình thành kế hoạch với những bước thực hiện cụ thể: đó là xây dựng một không gian văn hoá nghệ thuật Chăm tại Ninh Thuận trong năm tới. “Văn hoá Chăm hết sức độc đáo và đặc sắc. 
Mình là người Chăm, tiếp xúc hàng ngày, nghiên cứu và sáng tác hàng ngày, mình hiểu mà mình không gìn giữ và giới thiệu tới bà con thì không ai có thể làm giúp mình được”.   
Tài năng, miệt mài, bền bỉ, say mê và tha thiết với văn hoá truyền thống, đã tạo nên một con đường nghệ thuật Chế Khắc Kim Trung mà ở đó mỗi tác phẩm, mỗi sản phẩm mỹ thuật của chị chỉ là sự dừng lại đầy màu sắc văn hoá Chăm chứ chưa bao giờ là một tác phẩm đã hoàn thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét