Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

HÀ PHẠM THĂNG LONG – NGÔI SAO GIẢN DỊ



Một năm đầy khó khăn với các nhà kinh doanh, vất vả với các chính trị gia, và trầm lắng hoạt động của giới showbiz Việt. Năm 2012 đã qua đi. Nhưng nhìn lại bầu trời nghệ thuật Việt, nhiều ngôi sao đang toả sáng. Thực ra, một năm trước, hai năm trước, năm năm trước, họ vẫn đứng ở đó, vẫn toả sáng, lao động nghệ thuật miệt mài, nhưng những ánh hào quang của showbiz thực dụng và cuộc sống hưởng thụ theo nhịp đầu cơ được truyền thông tung hứng đã che mờ công chúng. Trong khó khăn của 2012, họ là những người gặt hái được thành công và cơ hội: Ca nương, đàn đào Phạm Thị Huệ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở tuổi 39 cho những cống hiến khôi phục và giũ gìn nhạc cổ ca Trù, danh ca opere Hà Phạm Thăng Long (người Mường) – sáng chói trong Vở nhạc kịch lớn của Việt Nam cô Sao; Chế Khắc Kim Trung (người Chăm) dành được nhiều giải thưởng mỹ thuật quốc gia cho những tác phẩm thấm đẫm văn hoá Chăm,…


Gần một nửa thế kỷ, Cô Sao - vở nhạc kịch (opera) đầu tiên của Việt Nam của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, được phục dựng và trình chiếu thành công rực rỡ hai đêm tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội vào tháng mười một của năm 2012 đánh dấu một sự kiện quan trọng của âm nhạc trong nước trong năm qua đồng thời khẳng định nghệ sĩ Việt Nam cũng như nền nhạc kịch đầy tiềm lực và năng lượng phát triển dù nhiều năm qua công chúng Việt và các nhà quản lí văn hoá ít quan tâm tới. Và Hà Phạm Thăng Long, giọng nữ cao của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, người đóng vai nữ chính cô Sao – đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Trong khi nhiều người ca tụng và giới chuyên môn cho rằng, vai diễn này đã mang đến tiếng tăm và giúp tên tuổi Thăng Long nổi bần bật hơn, thì chị cười lặng lẽ: “Nghệ sĩ chúng tôi vẫn thế thôi, vẫn hằng ngày làm công việc của mình như trước đây mà công chúng và giới báo chí không để ý đến”.
 Gặp chị một ngày cuối năm, tắc đường, lạnh giá, ngay gần căn hộ tập thể 50m2 chị ở cùng gia đình nhỏ của mình, tôi thực sự bất ngờ. Bởi lẽ miên man trên quãng đường dài từ phố Trần Quốc Toản sang Mai Dịch Cầu Giấy giờ cao điểm để gặp chị sau ngày làm việc, tôi cứ hình dung sẽ gặp một nữ nghệ sĩ nhạc kịch lớn, chị sẽ mặc một chiếc váy cầu kỳ, đeo nhiều vòng xuyến, hoặc một phong cách đậm chất nghệ sĩ như những ngôi sao mà tôi từng gặp. Và bởi tôi bị ám ảnh bởi những lời nhận xét của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Ca sĩ giọng Soprano Hà Phạm Thăng Long thuộc thế hệ trẻ được đào tạo cơ bản, và trải qua thực tế biểu diễn nhiều tác phẩm lớn của các nhạc sĩ kinh điển thế giới.Để đảm bảo một vai diễn chính trong suốt 2 tiếng đồng hồ, không phải ca sĩ nào cũng làm được. Thăng Long là một trong số ít ca sĩ Việt Nam và khu vực có thẻ đaả đương sứ mạng nghệ thuật nặng nề và vinh dự này. Việc chọn ca sĩ Thăng Long vào vai cô Sao là chính xác. Với ưu điểm về chất giọng, cường độ và sức biểu cảm, ca sĩ đã hoá thân vào cuộc đời nhân vật cô Sao thế kỷ 21. Thăng Long là một nghệ sĩ chuyên nghiệp cả trong chuyên môn cũng như trong lao động nghệ thuật. Vì không thể có vị trí nhàn nhã, đủng đỉnh hay qua loa trên sân khấu nhạc kịch. ...”
Đón tôi ở cổng khu tập thể là một người phụ nữ quá đỗi giản dị và mộc mạc. Chị mặc một cái áo khoác trắng dài và đi đôi bốt cổ cao, kiểu cách và màu sắc chẳng có gì nổi bật. Thú nhận với chị, tôi cứ nghĩ chị là một nữ danh ca opera nổi tiếng nhìn sẽ rất đặc biệt, rất lộng lẫy. Còn chị cười phá lên: “Mọi người vẫn bảo tôi sống đơn giản quá, nhưng tôi thích vậy, thích được là chính mình, không tô vẽ, trang điểm. Nhưng khi ở sân khấu bạn sẽ thấy tôi khác nhiều đấy. 'Ngoài đời thì thích đơn giản và tôi luôn thích được là chính mình”.
“Được ba dạy ca hát từ bé, đến sau này khi học trong nhạc viện hay học cao học tôi vẫn thấy có nhiều điểm về kỹ thuật thanh nhạc của các thầy cô cũng giống ba tôi đã từng dạy khi xưa.”- vậy là, với chị, thanh nhạc như một khả năng thiên bẩm. Về Nhà hát từ năm 1997, từ đây chị tiếp tục đi học, và phấn đấu từ cử nhân đến thạc sĩ – cũng hết 15 năm, rồi từ thành viên dàn hợp xướng rồi trở thành solist cho các vở diễn lớn. Bước chân lập nghiệp đúng vào lúc điều kiện và hoàn cảnh kinh tế khó khăn chung của giới nghệ thuật miền Bắc trong giai đoạn đầu dỡ bỏ bao cấp, bước vào cơ chế thị trường, cho đến năm 2006 Nhà hát mới tiếp tục dựng lại vở nhạc kịch Cosifantutte của Mozart và chị được giao vai solist đầu tiên của mình trong vở nhạc kịch này. Mặc dù trước đó, năm 2004 và sau này là 2007, chị là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mời tham dự cuộc thi opera tại Mỹ.
Mặc cho công chúng ít quan tâm đến nhạc kịch và nhạc kịch nước nhà bước chậm rãi, chậm rãi nhiều khi như dừng lại, Thăng Long vẫn bền bỉ đi theo con đường của mình. Bằng lòng với cuộc sống hiện tại, lương công chức Nhà hát không đủ sống, chị đi dạy thêm tại các trường Nghệ thuật, rồi nhiều sinh viên các trường dù đã có giáo viên hướng dẫn vẫn đến gặp chị xin theo học. Bất cứ khi nào có chuyên gia nước ngoài đến liên kết dựng vở hay giảng dạy, chị đều theo học tích cực, có lời mời tham gia diễn vở ở nước ngoài chị thu xếp công việc đi ngay cho dù phải xa gia đình vài tháng.   
Luôn học hỏi và tích cực học hỏi, cọ xát như là ý thức làm việc thường trực. Rèn luyện và tu cho mình một bản lĩnh nghề nghiệp để khi đứng trước sự băn khoăn của nhiều người về khả năng của ca sĩ đảm nhiệm vai nữ chính Cô Sao, Thăng Long khẳng định “tôi rất tự tin làm nghề” và “đợt trình diễn "Cô Sao" sắp tới sẽ là câu trả lời chính xác nhất cho những người chưa biết về opera Việt Nam.”.  
Bình thường một vở nhạc kịch mới hay dựng lại, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch phải dựng và luyện tập cả nửa năm, Cô Sao chỉ được thực hiện trong hơn 2 tháng. Vào vai nữ chính trong một vở nhạc kịch đồ sộ với 1000 trang tổng phổ, diễn 2 giờ đồng hồ với nhiều aria (hát) và thoại, Thăng Long hầu như không có sự hướng dẫn nào về thanh nhạc với ngôn ngữ tiếng Việt triền miên thanh điệu trúc trắc và âm cuối tắc/đóng cũng là một câu trả lời về tài năng và thái độ làm việc của chị và đồng nghiệp. 
Chị đã không làm khán giả thất vọng, đằng sau sự thán phục và thành công của vở nhạc kịch đó, Thăng Long đã mang đến cho khán giả một niềm tin vào nền âm nhạc và nghệ thuật nước nhà bằng sự cống hiến của người nghệ sĩ chân chính lao động lặng thầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét