Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

NTK SĨ HOÀNG VÀ NHỮNG GIẤC MƠ NGHỆ SĨ

Từ cuộc thi HOA HẬU ÁO DÀI 1989, Sĩ Hoàng đã đi vào con đường thời trang và thành danh với tà áo dài. Có thể thấy rõ sau hơn hai mươi năm gắn với thiết kế áo dài, Sĩ Hoàng và những tác phẩm của anh đã trở thành một minh chứng mẫu mực khi nói đến giá trị của Áo dài, đó là sự hiểu biết sâu sắc về trang phục truyền thống, trong mối quan hệ của nó với văn hóa dân tộc, không chỉ là câu chuyện ăn mặc, thời trang mà đó là những giá trị đạo đức, giá trị tinh thần từ hai tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt. Miệt mài cho những thành công,  Sĩ Hoàng có nhiều danh xưng khác họa sĩ, nhà sư phạm, doanh nhân, diễn viên, thiết kế phục trang sân khấu, nhà du lịch sinh thái, văn hóa, nhà từ thiện,…. Nhưng trong cuộc trò chuyện dưới đây giữa PV. BVN và anh, chỉ xin nói đến Sĩ Hoàng một nhà thiết kế trang phục và phát triển văn hóa dân tộc với phương châm sống “yêu nước bằng chính công việc của mình”.


ÁO DÀI: DANH TIẾNG VÀ NGUỒN KHỞI NHỮNG GIẤC MƠ
PV: Thưa anh, xin bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi tổng hợp: Anh bắt đầu thiết kế áo dài từ khi nào? Anh có nhớ mình đã thiết kế khoảng bao nhiêu chiếc? Và cho đến nay anh đã có bao nhiêu cuộc trình diễn áo dài? ở bao nhiêu nước?
NTK Sĩ Hoàng: Khi vừa kết thúc 2 năm giáo viên thực tập ( 1987 – 1989 ) để trở thành giáo viên chính thức của Bộ môn Mỹ thuật tại trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, tôi bắt đầu vẽ áo dài như là nghề tay trái để thêm thu nhập.
Đến giai đoạn 1997 – 2002, biểu diễn áo dài trong những chương trình kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước và giao lưu văn hóa ở hơn 10 quốc gia từ Á sang Âu Mỹ, tôi thấy được sự trân trọng của bạn bè quốc tế dành cho tà áo dài VN. Từ đó tôi ý thức đó không chỉ là công việc, mà chính là góp phần bảo tồn, phát huy và giới thiệu một gía trị văn hóa mặc.
Trong 24 năm qua tôi đã thiết kế 600 mẫu / 58 bộ sưu tập áo dài, 1566 mẫu phục trang / 22 vở diễn các loại hình sân khấu kịch, cải lương, chèo và phim truyền hình.

Mỗi cuộc trình diễn hay những thiết kế của anh thường gắn với một tên gọi/chủ đề, những chủ đề xuất hiện theo cảm hứng thiết kế hay là theo một kế hoạch có trình tự?
Các chủ đề thiết kế đều được lên kế hoạch từng năm dựa theo nghiên cứu xu hướng thời trang thế giới, thông tin về dự báo phát triển kinh tế, các chủ trương chính sách của nhà nước về đường lối phát triển nghệ thuật, các sự kiện văn hóa lớn của đất nước. Tuy nhiên tất cả các ý tưởng thiết kế đều đến từ cảm xúc sáng tạo sau những lần tham quan, nghiên cứu về trang phục, nghệ thuật gốm tại các bảo tàng trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, anh xuất hiện nhiều trên phương tiện truyền thông trong những dự án mới như “chương trình giáo dục sớm” – chương trình dạy mĩ thuật- sáng tạo cho trẻ nhỏ, MC cho chương trình “Mặc đẹp để thành công”, diễn viên trong vở Trò chơi Tham Vọng (sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), …nhưng vẫn đều đặn và lặng lẽ xuất hiện trong những chương trình biểu diễn thời trang Áo dài lớn trong nước và đặc biệt là những chương trình biểu diễn ở nước ngoài. Năng lượng hay triết lí sáng tạo nào đã giúp anh thực hiện điều đó?
Theo quan niệm của tôi, đối thủ lớn nhất của đời người chính là bản thân mình, vì thế luôn tận dụng từng quỹ thời gian của mình để làm việc.
Tôi tự tái tạo năng lượng và cảm hứng sáng tạo bằng Thiền. Những hoạt động gắn với trẻ em trong việc tham gia nhóm biên soạn chương trình Thai giáo do Hội Quán các Bà Mẹ chủ biên, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cố vấn và hiệu đính. Nghiên cứu và biên soạn chương trình Tư duy sáng tạo dành cho trẻ Mẫu giáo đến 14 tuổi. Tập hướng tới sự đơn giản hóa dần nhu cầu bản thân, bình thường hóa mọi vấn đề gặp phải, triệt tiêu những phiền não, tạo ra giá trị sống cho chính mình và cộng đồng.

Nằm xuống buông tay là không nắm được gì mang theo, nhưng cái còn ở lại là những giá trị để lại trong đời. Nó không phải là cái nhà, miếng đất, vật dụng xe cộ nhiều tiền,  mà chính là những giá trị tinh thần trong cảm nhận tâm linh, văn hóa, thẩm mỹ, nhân bản... mà bất kỳ một cá nhân, quốc gia, dân tộc, nào cũng phải công nhận và có trách nhiệm gìn giữ.
     Người ta thường nói mình phải tự hài lòng với những cái đang có, điều đó đúng và tôn giáo cũng dạy như thế! Nhưng tôi là con người sống sáng tạo, được sinh ra để làm người sáng tạo, được đào tạo để sáng tạo có phương pháp và thành đạt bởi sự sáng tạo của mình, cho nên vấn đề của tôi là không bao giờ bằng lòng với những điều mình đã làm ra. Phủ định cái vừa khẳng định để tiếp tục đặt mình trong vạch xuất phát.

THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ HÁT: NHỮNG DỰ ÁN NỐI TIẾP

Bảo tàng Áo dài được anh công bố gần đây, hẳn là một dự án lớn đã theo đuổi anh trong  hành trình hơn hai mươi năm thiết kế, trình diễn Áo dài, điều gì đã thôi thúc anh thực hiện kế hoạch lớn và nhiều thử thách này? Bởi trong tình hình kinh tế khó khăn những năm trở lại đây, những dự án kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, chắc chắn những dự án văn hóa-nghệ thuật còn khó khăn hơn gấp bội.
Mỗi khi trình diễn áo dài trong những ngày giới thiệu văn hóa tại nước ngoài, tôi đã cảm nhận đó không chỉ còn là chiếc áo với kiểu dáng, màu sắc, chất liệu nữa. Mà thật sự ẩn chứa nội lực của một bề dầy lịch sử với bao hy sinh của một dân tộc, mới có một tấm áo lành lặn dịu dàng yên bình. Để cảm xúc đến cả trong văn thơ nhạc họa cho thấy tà áo còn là mây, là gió, là cánh bướm, là giá trị đạo đức ẩn trong giá trị thẩm mỹ khiến cả người mặc lẫn người tiếp xúc đều dâng lên một sự trân trọng, yêu quý biết bao.

Tôi nghĩ rằng muốn bảo tồn và phát triển bền bỉ điều gì thì phải làm cho điều ấy được nhiều người biết, nhiều người chấp nhận, trên hết là được nhiều người sử dụng. Và người ta chỉ thích sử dụng khi cảm thấy có nét gần gũi thân quen.

Tôi chưa là người lính, nhưng đã yêu nước bằng chính công việc của mình, trung thành và từng ngày chỉ sáng tạo và thực hiện những tà áo đẹp.Như một sự biết ơn với thành phố, với đất nước đã cho mình một sự trưởng thành nghề nghiệp – xây dựng BẢO TÀNG ÁO DÀI  đã là ước muốn thực hiện bấy lâu . 

Ước mơ đó đã âm thầm thực hiện từ 2002 qua việc xây dựng Nhà vườn Long Thuận. Đến nay sau hơn 10 năm, dù trong bối cảnh kinh tế chung đang còn gặp nhiều khó khăn, nhưng quyết tâm được đóng góp một công trình thật ý nghĩa về mặt văn hóa, giáo dục, lịch sử tại Quận 9 -Thành phố Hồ Chí minh là một nguyện vọng lớn lao.

Bảo tàng Áo dài thuộc về văn hóa dân tộc, vượt lên trên mọi định kiến về chính trị, tôn giáo. Nên tôi tin sẽ là nơi được truyền thừa và mọi người đều muốn giữ gìn.

Nằm trong khuôn viên nhà vườn Long Thuận, hiện nay, bảo tàng đã hoàn thành đến đâu, bao giờ có thể mở cửa đón khách thăm quan? Anh có thể giới thiệu đôi nét đặc biệt của bảo tàng đến độc giả của báo Văn nghệ được không ?
         Về quy hoạch xây dựng đã thực hiện được 80 % khối lượng công việc bao gồm toàn bộ 20.000 mét            vuông của Nhà vườn Long Thuận thành 16 khu chức năng, trong đó phần lớn là nhà trưng bày hiện vật          cố định, chiếu phim tư liệu, phòng hội thảo chuyên đề, nhà triển lãm định kỳ, nhà giới thiệu các quy trình thực hiện áo dài từ may, thêu, vẽ, đính kết… Sân khấu diễn áo dài, dãy phố cổ hàng lưu niệm, ẩm thực.
Về hồ sơ hiện vật, theo quy chuẩn các văn bản về việc thành lập bảo tàng đang hoàn chỉnh như thống kê các hồ sơ từng hiện vật như : Sổ đăng ký hiện vật, Bản ghi chép về hiện vật ( ghi âm, ghi hình ), Biên bản giao nhận ... Đặc biệt, hiện đã nhận những áo dài rất quý của Cố Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Cựu Đại sứ tại Liên Minh Châu Âu | Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nghệ sĩ ND Bạch Tuyết, Nghệ sĩ ND Kim Cương...tặng cho bảo tàng.

Khoảng 500 bộ áo dài qua các thời đại, trong đó có các mẫu áo dài được đo may từ những năm 1930. Hơn 3.000 tấm ảnh áo dài xưa và nay cùng với nhiều tư liệu quý về chiếc áo dài VN. Đây chưa phải là con số cuối cùng, sắp tới, khi bảo tàng ra đời sẽ có một kế hoạch quảng bá rộng rãi, mời gọi mọi người sang nhượng, hiến tặng áo dài để kho hiện vật được phong phú hơn.
Mọi thủ tục ra mắt bảo tàng áo dài đang được các vị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo Quận 9 hỗ trợ tối đa với sự đồng hành của các nhà tài trợ. Kế hoạch khánh thành vào cuối năm 2013 kịp thời phục vụ công chúng địa phương và thành phố vào mùa lễ hội đầu năm mới.
Anh đã từng thổ lộ, anh có ba mơ ước lớn trong đời, đó là thư viện, bảo tàng, nhà hát. Thư viện và bảo tàng đang hoàn thiện rồi. Mặc dù anh nói “nếu còn đủ sức lực, nếu trời thương” thì anh mong có một nhà hát nữa. Song tôi nghĩ rằng, với điều kiện và khả năng hiện nay ước mơ đó hoàn toàn có thể thực hiện được, và đó có phải sẽ là một nhà hát về áo dài không?
Đúng là một nhà hát về Áo dài. Từ tháng 6.2006 tôi đã trình dự án này lên UBND TP.HCM và được đưa vào danh mục của cuốn vận động đầu tư nước ngoài. Nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải cũng cho rằng đây là một dự án khả thi. Giờ đây thôi sẽ “tùy duyên ”

THIẾT KẾ TRANG PHỤC SÂN KHẤU: ĐÚNG MỚI ĐẸP

Vở chèo Vương Nữ Mê Linh của Nhà hát chèo Hà Nội mới công chiếu đầu tháng 9 và đang tham gia Hội diễn chèo toàn quốc ở Hải Phòng đã không chỉ thu phục cả giới trẻ 9X mà được xem là một hiện tượng  gây sóng trong giới phê bình sân khấu, và truyền thông ngoài Bắc vì sự đột phá lớn về hình tượng nhân vật, trong đó, nổi bật là về ngôn ngữ hình thể và trang phục. Được biết, anh chính là nhà thiết kế trang phục, sân khấu của vở diễn, anh đã đầu tư như thế nào cho việc thiết kế sân khấu và trang phục cho vở diễn này?
Tôi đã nhận được sự tư vấn của Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, đạo diễn Doãn Hoàng Giang , nghiên cứu phong cách thiết kế đặc thù của phục trang qua những vở chèo kinh điển từ họa sĩ Hoàng Song Hào, tư liệu của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần.
Lợi thế lớn nhất của công việc, đó là câu chuyện diễn ra vào thời Đông Sơn, giai đoạn lịch sử huy hoàng của nước ta và dấu ấn còn lưu tới ngày nay qua hệ thống hiện vật đang lưu trữ tại các bảo tàng, bộ sưu tập, trên internet, sách lịch sử. Kiểu cách trang phục của thời Hai Bà Trưng năm 40 sau CN có thể được hình dung qua nét chạm trên trống đồng, trên các thạp đồng, qua các miếng bao tay, hộ tâm, khoá thắt lưng... Với sự giúp sức của đội ngũ tận tình là các họa sĩ, thợ thêu, cắt may - Sau 5 tháng vừa tìm kiếm tư liệu, thiết kế và may thử nghiệm, gần 100 bộ trang phục đã hoàn thành.

Lâu nay, thiết kế trang phục cho các vở diễn sân khấu lịch sử là điểm yếu của các nhà hát, sân khấu ngoài Bắc, có ý kiến cho rằng, do những tài liệu lịch sử về trang phục của ta rất hạn chế, ở cương vị một nhà thiết kế, anh suy nghĩ như thế nào về điều này? Giải pháp của anh cũng như quan điểm của anh đối với việc thiết kế trang phục sân khấu cho các vở diễn cổ của nước ta như thế nào?
Kinh nghiệm thiết kế và thực hiện phục trang sân khấu truyền thống, với Tôi còn đang được học hỏi, tích lũy và vẫn còn nhiều điều khó khăn mỗi khi nhận lời thực hiện từng kịch bản sân khấu. Nhưng chỉ nên làm khi biết chắc có thể tìm được nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, nắm rõ kịch bản với chủ đề tư tưởng của đạo diễn, thống nhất được phong cách thiết kế với họa sĩ thiết kế cảnh trí vở diễn, tiếp xúc với diễn viên trong các phân vai, có trong tay một ê kíp thực hiện may phục trang hiểu ý và kỹ thuật cắt may, trang trí tốt. Quan điểm của tôi là đúng mới đẹp khi thiết kế phục trang cho các vở diễn cổ trong bối cảnh lịch sử cụ thể.
Tài liệu về trang phục VN trong một số giai đoạn lịch sử có thể đối chiếu với lịch sử trang phục Trung Quốc do nước ta bị cả 1000 năm bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu của các nhà sử học, dân tộc học, bảo tàng học là có khá đầy đủ. Vấn đề khó nhất là kinh phí đầu tư cho phục trang còn hạn hẹp, sự nghiên cứu và thực hiện của người được giao bị phụ thuộc vào tiến độ thời gian luôn bị “nước đến chân” – Đã là những hạn chế đến chất lượng phục trang sân khấu, khi yếu tố nhìn là quan trọng không kém phần nghe khi thưởng thức một vở diễn từ hàng ghế khán giả.
Cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện thú vị này và xin chúc Nhà hát Áo dài sớm gặp được “duyên”!


Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

HOẠ SĨ ANDO SAEKO: 18 NĂM GẮN BÓ SƠN MÀI VIỆT NAM




Những đồ dụng được sơn bóng, sáng cổ đại nhất được tìm thấy từ thời Jomon, 12,000-2,500 năm trước đây và gần hơn là những vật dụng bằng gỗ được sơn bóng láng 5500 năm tuổi, được tìm thấy trên đảo Honshu – hòn đảo lớn nhất và đông dân cư của Nhật Bản. Ngày nay, Sơn mài rất phát triển và đi vào cuộc sống hiện đại của người dân Nhật bản không chỉ ở những vật dụng hàng ngày: bát đĩa, đũa, chậu, bình…, đồ trang trí cao cấp, ... trong kiến trúc nhà ở,… mà còn được lớp trẻ ưa chuộng trên những đồ trang sức, vòng tay, vòng cổ, vẽ móng tay, trang trí vỏ điện thoại sành điệu…
Sinh ra và lớn lên ở một cái nôi sơn mài lâu đời bậc nhất thế giới, song Ando Saeko lại mê mẩn sơn mài Việt nam và xem đây như một cái duyên hạnh ngộ gắn bó cả cuộc đời không bao giờ từ bỏ. Học Văn học và triết học tại trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) … song ra trường Ando Saeko lại làm tiếp viên hàng không. Năm 1995, một lần dừng chân ở Việt nam, được tiếp xúc với những tác phẩm hội hoạ sơn mài, cô lập tức bỏ nghề và ở lại Việt nam học vẽ và nghiên cứu sơn mài. Cuộc hành trình mải miết đến nay đã 18 năm, cô giờ đã thành thục và am hiểu về sơn mài Việt Nam chẳng kém gì những hoạ sĩ bản địa đam mê và gắn bó cuộc đời với sơn mài. Người hoạ sĩ sơn mài, ngóng thời tiết như nhà nông “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, và Ando giờ cũng đoán được đến 70%  ngày nào phủ hợp để làm vóc, phủ sơn, để vẽ- mài ra mài vào dù thời tiết Hà Nội thay đổi theo ngày, theo buổi.
Người Việt Nam vẫn tự hào về Nghệ thuật hội hoạ sơn mài Việt nam độc đáo trên thế giới do các hoạ sĩ bậc thầy của trường Cao đẳng Đông Dương, đầu bảng cụ Nguyễn Gia Trí sáng tạo trên chất liệu và kỹ thuật sơn (ta) mài truyền thống từ những năm 30 của thế kỉ trước. Từ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đã du nhập về và đặc biệt Trung Quốc đã đầu tư chiến lược phát triển nghệ thuật sơn mài rất mạnh, cử nhiều đoàn sinh viên sang Việt nam học tập, nghiên cứu. Họ đã nhìn thấy ở nghệ thuật sơn mài Việtnhững giá trị lớn lao. Ando Saeko cũng nằm trong số đó, từ nhận thức đến đam mê cộng với bản năng nghệ sĩ, sự thông minh và tính kiên định, nhẫn nại, tỉ mỉ của Nhật Bản, Saeko đã trở thành một hoạ sĩ sơn mài Việt Nam, một người nghiên cứu sơn mài được giới phê bình nghệ thuật thế giới đánh giá cao những tác phẩm hội hoạ sơn mài của cô.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa hoạ sĩ, nhà nghiên cứu sơn mài Việt Nam, Ando Saeko và P.V: Minh Anh về sơn mài Việt nam, sự khác biệt với sơn mài Nhật Bản trong căn biệt thự nhỏ dãy D khu Ciputra Tây Hồ, Hà Nội, nơi cô đang cùng gia đình nhỏ cư ngụ. Quan điểm và suy nghĩ của một nghệ sĩ Nhật Bản đeo đuổi nghệ thuật hội hoạ Việt Nam gần hai thập kỉ nhưng giữ trong mình phẩm cách và sự kiên định của người Nhật gợi cho chúng ta những suy nghĩ về việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
-          Người Trung Quốc tự hào với thương hiệu gốm sứ made in China; Và người Nhật tự hào với thương hiệu đồ sơn mài made in Japan. Là một người Nhật, va chạm với nghệ thuật sơn mài từ nhỏ, vì sao chị lại ham mê sơn mài Việt nam?
Tôi thích vẽ từ nhỏ, và thấy vẽ thật dễ dàng, có lúc tôi nghĩ sao người ta phải học vẽ nhỉ. Lớn lên, tôi học văn học và triết học, rồi dự tuyển tiếp viên hàng không để được đi nhiều nơi. Năm 1995 tôi đến Việt Nam, tình cờ được ngắm nhìn những bức tranh sơn mài lấp lánh, thật kì lạ. Tôi đã gặp duyên và quyết định ở lại Việt Nam tìm hiểu và học vẽ sơn mài. Song học sơn mài, không thể trong thời gian ngắn, năm nào tôi cũng tự nhủ học nốt năm nay rồi về. Và giờ tôi đã ở lại Việt nam 18 năm.
-          Chị bắt đầu học vẽ sơn mài ở đâu?
Tôi học vẽ sơn mài hiện đại của thầy Trịnh Tuân, rồi sơn mài truyền thống của thầy Đoàn Chí Trung, Nguyễn Huy Hoàn, học làm vóc cơ bản của thầy Lâm Hữu Chỉnh. Tôi cũng lên Phú Thọ nhiều lần để học cách lấy sơn. Tôi học đánh sơn, làm vóc tìm hiểu sâu về chất sơn. Nghệ sĩ có ý tưởng, ý đồ hội hoạ nhưng nếu như mình không biết cắt và thể hiện thì ý tưởng đó không có giá trị. Không có kỹ thuật và ý tưởng chỉ ở trong đầu thì cũng không chia sẻ được điều gì cho người xem. Với tôi, học sơn mài là học cả làm vóc và mài vẽ. Tôi thích tự mình làm tất cả các khâu để có thể nắm bắt được toàn bộ tác phẩm của mình cũng như làm thật kỹ những phần tôi muốn.
-          Cái khó nhất đối với chị khi vẽ sơn mài là gì?
Kỹ thuật vẽ sơn mài rất khó điều khiển, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Sơn không khô thì bạn không vẽ được đâu. Độ ẩm phải cao sơn mới cứng lại được. Có hôm trời nắng hanh , mát mẻ rất đẹp, bạn ngạc nhiên khi tôi nói, thôi hôm nay không phù hợp để vẽ đâu, đi café đi. Thời tiết ở Hà Nội lại rất thất thường, sáng thì trời rất mát đến trưa lại nắng gắt, chiều tối lại mưa giông… như một trò chơi thách đố với người làm sơn mài. Nhưng như thế mới thú vị, mới là điều hay nhất mà sơn mài cuốn hút tôi.
-          Giờ thì chị đã nắm được bao nhiêu phần thắng trong trò chơi với thời tiết Hà Nội rồi?
Với kinh nghiệm của tôi đoán chính xác 70% thời tiết phù hợp làm sơn mài. 30% còn lại có khi đẹp hơn dự đoán, có khi thất bại hơn.

-          Người Nhật chê sơn Việt Nam kém chất lượng và ngại nhập khẩu. Là một người trong nghề chị đánh giá sự khác biệt giữa sơn ta và sơn Nhật Bản nói riêng và nghệ thuật sơn mài Việt Nam với Nhật Bản như thế nào?  
Về kỹ thuật cơ bản giống nhau. Về sơn cùng chiết xuất từ tự nhiên. Nhưng có thể do khí hậu, địa chất, sơn Nhật Bản (không phải sơn công nghiệp – sơn Nhật như ta thường gọi) rắn, chắc, đánh bóng và độ bền cao, rất  phù hợp với việc làm đồ dùng, gia dụng…. Tôi vẫn nói với mọi người ở Nhật rằng, sơn của Việt Nam không phù hợp làm đồ dùng, vật dụng nhưng rất tuyệt vời cho vẽ và rất phù hợp khi sử dụng ở khí hậu Việt Nam. Màu sắc được thể hiện đa dạng vì có thể bôi và mài nhiều lớp sơn để tạo ra nhiều mảng màu khác nhau. Còn Nhật Bản phải cho lòng trắng trứng, đậu phụ làm mềm sơn đi mới vẽ được như kiểu Việt Nam.
-          Từ khi mới tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Việt Nam (1995) đến nay đã gần 20 năm, chị đánh giá nghệ thuật sơn mài Việt Nam phát triển như thế nào?
Khi tôi đến Việt nam lúc đó, người Việt nam đã rất tự hào về nghệ thuật sơn mài, trước đó hàng chục năm đã có nhiều cuộc triển lãm ở châu Âu được đánh giá rất cao. Nhưng giờ mọi việc đã thay đổi nhiều. Khó kiếm sơn ta chất lượng tốt. Nghệ nhân sơn mài ngày càng ít. Làng nghề chủ yếu là những thanh niên không biết làm việc gì khác đành làm nghề sơn kiếm sống. Hoạ sĩ trẻ muốn làm sơn mài nhưng không thể làm vóc. Một tác phẩm sơn mài đẹp về kỹ thuật sơn mài, về sơn là rất hiếm. Kỹ thuật và tri thức nghề sơn không được chú trọng. Nam hiện giờ giống như Nhật Bản trước đây, chỉ quan tâm làm kinh tế, đánh giá đồ nhập cao hơn của mình nhưng khi Việt Nam phát triển bằng Nhật Bản bây giờ, có thời gian nghĩ về truyền thống, về nghệ thuật thì mất rồi. Chúng tôi cũng vậy, giờ phải đi sang nước khác để ngắm nhìn lại những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của mình. 
-          Thực tế, có khoảng gần 300 hoạ sĩ Việt nam làm sơn mài, họ không thường xuất hiện trên báo chí hay làm triển lãm ồn ào. Chẳng hạn như thầy của chị anh Trịnh Tuân mỗi năm thường làm 1-2  triển lãm ở nước ngoài và tổ chức các sự kiện nghệ thuật xã hội. Và ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường phái làm sơn mài cũng như họa sĩ nổi tiếng trong dùng sơn công nghiệp vẽ. Trong hội hoạ, chất liệu chỉ là phương tiện, chị nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên tắc hợp lí và truyền thống bao giờ cũng đúng. Đối với sơn mài, với tôi, cái đẹp của sơn mài là chất sơn, là cái không thể thay thế được với cái gì khác. Nên khi tôi vẽ tranh không chú trọng quá nhiều vào ý tưởng mà tôi thường cố gắng sắp xếp các kỹ thuật trên một bức tranh như thế nào. Cái hạn chế không phải là điều mình ghét bỏ mà từ hạn chế đó mình nghĩ ra một cái gì mới. Hạn chế là cơ hội để mình nghĩ ra cái gì đó mới. Trước đây, tôi vẫn nhận là mình theo nghệ thuật sơn mài truyền thống, nhưng giờ đi đâu tôi cũng nhận mình là hoạ sĩ sơn mài Việt Nam hiện đại. Nghệ thuật hội hoạ sơn mài Việt Nam mới có gần 100 năm nay thôi và đến giờ các nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tạo, phát triển nghệ thuật hội hoạ sơn mài hiện đại chứ không bám theo phong cách cổ truyền như ở Nhật Bản.
-          Nhìn lại những bức tranh sơn mài của mình cũng như chặng đường học tập, sáng tác tranh sơn mài Việt Nam, chị muốn chia sẻ điều gì với độc giả Việt Nam?
Tôi muốn vẽ tranh sơn mài đến chết, không bao giờ dừng hay thay đổi. Nhưng tôi cũng đang rất lo lắng khi nguyên liệu và dụng cụ vẽ sơn mài chất lượng ngày một hiếm đi.
Tôi đang rất hồi hộp cho triển lãm tranh sơn mài “Nhật Bản trong tôi” vào tháng 9 tới. Sau 18 năm học tập, vẽ và quảng bá nghệ thuật sơn và hội hoạ sơn mài Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi làm triển lãm về đề tài Nhật Bản để giới thiệu thẩm mỹ và triết học của người Nhật Bản trong tác phẩm của tôi. Triển lãm này, tôi sẽ trưng bày nhiều tác phẩm sơn mài kích cỡ nhỏ. Người ta thường không lưu tâm đến những bức tranh nhỏ, coi như đồ lưu niệm và xếp ở những góc ít được quan tâm, nhưng thế giới rộng lớn thường được nhìn trong lăng kính, những vật rất nhỏ, là phong cách của người Nhật vậy.  
Minh Anh thực hiện

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

MẠNG XÃ HỘI: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CỦA NGƯỜI LÀM BÁO



Sự ra đời của facebook, tweeter, blogspot,… đã mang đến cho báo chí những thách thức lớn bởi sự chia sẻ, truyền thông thông tin lan toả siêu tốc, kết nối mạnh mẽ cộng đồng sử dụng bất chấp mọi ranh giới địa lý và những rào cản pháp chế địa phương. Và cũng bởi những tính năng này, mạng xã hội nhanh chóng được báo chí thế giới sử dụng như một công cụ truyền tin, một nguồn cộng tác viên phong phú, một kênh truyền thông báo chí, một nguồn tin lớn….
Ở Việt Nam, mạng xã hội đã xuất hiện và được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng: Facebook đã có 12 triệu thành viên, dự kiến sẽ tăng lên 24 triệu người vào cuối năm nay, Zingme khoảng 9 triệu thành viên…., và đang được nhiều người sử dụng như một kênh truyền thông, một môi trường để tập hợp và chia sẻ những thông tin chính trị, kinh tế, văn hoá… với những kỹ năng và sự nhanh nhạy của nhà báo. Bên cạnh đó, giới báo chí chính thống đang nhìn vào mạng xã hội với thái độ e dè, ít nhà báo coi mạng xã hội là cơ hội trong tác nghiệp.
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên và ông Mai Phan Lợi, phó Tổng thư ký báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng – MEC. Ông Lợi là người đã thành lập ra trang Facebook Diễn đàn nhà báo Trẻ cho trung tâm MEC, năm 2011. Sau hơn 1 năm, đã quy tụ được gần 5000 thành viên là các nhà báo tương lai và các nhà báo đang công tác tại nhiều cơ quan báo chí trên cả nước.
Trung tâm.MEC trực thuộc Hội Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ Thuật Việt Nam và là tổ chức phi lợi nhuận thứ hai nghiên cứu về truyền thông ở Việt Nam.
Anh là người thành thạo và thông thuộc facebook, cũng như sử dụng facebook hiệu quả trong tác nghiệp báo chí. Anh đánh giá vai trò của mạng xã hội như thế nào với tư cách là một nhà báo?
 Mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội cho các nhà báo và cũng đầy thách thức đối với người làm báo. Cơ hội là nguồn cung cấp các đề tài, phát hiện các đề tài, tăng âm cho các bài viết, thậm chí gia cố thêm nhiều nguồn tin và dữ liệu. Nhưng thách thức, vì phải cạnh tranh với mạng xã hội ở tính lan toả nhanh và rộng khắp. Người làm báo cũng dễ rơi vào những cái bẫy là những thông tin không chính xác, không có thật ở mạng xã hội.
Ở nhiều nước như Austrilia, Anh, Mỹ,…mạng xã hội đã được nhiều tập đoàn báo chí sử dụng như một flatform báo chí - môi trường của báo chí hay một kênh báo chí. Còn ở nước ta hiện nay, nhà báo như anh đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ tiếp cận nguồn tin, truyền tải những thông tin mà tờ báo chính thống muốn tránh né vì thời điểm công bố thông tin, vì tôn chỉ của tờ báo,… Anh đánh giá tương lai mạng xã hội với vai trò báo chí ở Việt Nam như thế nào?
Việt Nam và nước ngoài có nhiều sự khác biệt, khác thứ nhất là hạ tầng. Hạ tầng ở Việt Nam còn nghèo nàn, đặc biệt là dân trí. Người dân vẫn tin báo chí lắm, thậm chí có người cực đoan không tiếp cận một mạng xã hội nào chỉ đọc báo chí chính thống. Bản thân người làm báo thì cũng còn hồ nghi thông tin mạng xã hội, chẳng hạn thông tin kết quả bầu cử đã tràn lan trên mạng xã hội nhưng nhà báo vẫn chờ đợi thông tin chính thức và không dùng thông tin từ đó làm nguồn tin chính thức, nữa là người dân. Khán giả Việt lại thích một cái gì đó được chế biến, có sẵn hơn là tự tư duy và phân tích nên họ thường tin ngay vào những điều báo chí viết.
Thứ hai là trình độ của chính các nhà báo. Ở Việt Nam, nhà báo là những người được đào tạo bài bản. Nên thông tin họ đem lại ngoài nội dung thông tin đơn giản còn có tính định hướng rõ ràng, còn thông tin trên mạng xã hội gần như là là thông tin đơn sơ, thông tin nguyên gốc không có tính định hướng, hết sức tự nhiên chủ nghĩa.
Trong một tương lai gần, báo chí  đặc biệt báo điện tử  sẽ vẫn là song hành chứ không lấn át mạng xã hội, và cũng sẽ vẫn là thách thức cho nhà báo, tờ báo nào không có ý chí, phương pháp vượt lên trên mạng xã hội để trở thành nơi cung cấp thông tin tin cậy. Việc sàng lọc thông tin mạng xã hội sẽ ngày càng tốt hơn khi dân trí được nâng cao dần.
Vì sao anh cho rằng mạng xã hội không thể trở thành một kênh báo chí ở Việt Nam?
Chắc chắn trong thời gian 5-10 năm nữa, thì báo chí vẫn là kênh chủ đạo lấn át. mạng xã hội có phát triển nhưng không phải là kênh báo chí. Mạng xã hội không phải là một thế lực trên trời rơi xuống, cung cấp thông tin mà thực chất nó là của những người dân cung cấp. Mà người dân Việt Nam, năng lực cung cấp thì còn rất lâu mới có đủ năng lực cung cấp thông tin ngang với báo chí. Qua công tác nghiên cứu, và đào tạo của chúng tôi, ngay cả những công chức nhà nước, những người được trang bị kiến thức sâu rồi nhưng năng lực cung cấp thông tin còn hạn chế, ngay cả bộ trưởng, năng lực cung cấp thông tin và làm hình ảnh cho mình còn hạn chế, còn không được quan tâm đúng mức. Chúng ta đừng nói mạng xã hội là siêu nhiên, vô hình, nó thực chất chỉ là phương tiện của từng người dân thể hiện tiếng nói. Nhưng chúng tôi đánh giá từ cách thức tiếp cận thì người dân không thể có khả năng vươn lên ngang ngửa với nhà báo trong thời gian ngắn được.
Anh đánh giá như thế nào về sự quan tâm của các  nhà quản lý báo chí, cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí đối với xu thế trở thành kênh báo chí và một công cụ báo chí của mạng xã hội?
Báo chí trong nước dường như chưa sẵn sàng trong việc tiếp nhận mạng xã hội như một kênh thông tin công cụ truyền thông.
Theo quan sát của tôi, hiện giờ còn khá nhiều nhà báo và cơ quan báo chí vẫn ngủ yên trên phao bao cấp, và trì trệ của mình. Hiện cũng có một số tờ báo đã dùng mạng xã hội để quảng bá, tương tác với bạn đọc song vẫn chưa chuyên nghiệp đến mức cử người chuyên trách riêng, có dự trù tài chính riêng, có chiến lược quảng bá, marketing cho tờ báo của mình.
 Trong khi nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã quy chuẩn cho việc sử dụng mạng xã hội thì ở ta ít có một tờ báo nào làm được điều đó. Báo Pháp luật Thành phố HCM là một trong số ít đó, có quy chuẩn ứng xử của phóng viên, hướng dẫn phóng viên tiếp cận nguồn tin như thế nào trong đó có nguồn tin từ mạng xã hội, xử lý như thế nào, tin gì nên sử dụng, tin gì không một cách cụ thể.
Về điều này, tôi nghĩ đáng rung lên để báo động, các nhà báo, cơ quan báo chí nên nhanh chóng, mạnh mẽ hơn trong tiếp cận các cơ hội và chế ngự các thách thức của mạng xã hội.
Anh mới nói đến khía cạnh cơ quan báo chí, còn về chính sách,  đạo luật cũng đang rất hạn chế trong việc tạo môi trường pháp lý, cũng như khuyến khích sự phát triển và ứng dụng của  mạng xã hội. Phải chăng vì hiện nay, mạng xã hội vẫn bị coi là thế giới ảo?
Trước đây, tôi cũng nghĩ đó là một thế giới ảo. Nhưng bây giờ tôi cảm giác, giới quan chức còn coi đấy là một nguồn nguy hiểm. Có nơi, mạng xã hội được dùng như một công cụ kêu gọi lật đổ chính quyền, nên dường như có một sự e ngại với mạng xã hội mà quan chức của mình không kiểm soát. E ngại thứ nhất là, nếu khuyến khích nó thì liệu có phải mình đang tiếp tay cho một thế lực thù địch không? Nhưng có một cái sâu xa hơn, không ai thừa nhận, ở một nước sự minh bạch chưa cao như Việt Nam, mạng xã hội cũng là nơi xuất hiện những tố cáo tham những của quan chức. Tôi biết có trang mạng chỉ đăng về nhà của các quan chức, không có lời bình, chụp ảnh tất cả những ngôi nhà của người có chức có quyền không có lời bình luận. Mặc dù chưa có ai bị truy hỏi về nguồn gốc tài sản, nhưng đăng lên đó đã là một nguy cơ bị bại lộ rồi. Do đó những người làm chính sách chưa khuyến khích sự phát triển của mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc một ai đó e ngại lộ tài sản tham nhũng, e ngại lộ nhân thân, hoặc chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và ảnh hưởng của mạng xã hội thì chẳng khác nào đi ngược với sự tiến bộ của xã hội và mất đi cơ hội mà công nghệ, khoa học mang đến cho cộng đồng. Với sự phát triển của mạng xã hội, chúng ta cần những đạo luật cụ thể để tạo nên những giới hạn mà người dùng phải chấp hành để đảm bảo cho sự ổn định, văn minh của xã hội. Theo anh, những quy định cho mạng xã hội  nên như thế nào để phát huy được mặt tích cực của nó?
Nên coi mạng xã hội như là một vỉa hè của xã hội của chúng ta. Ở đó sẽ có người mặc comple, có người cởi trần, người mặc áo rách…. Nhưng không có nghĩa là được đánh nhau, chửi bậy, lăng mạ người khác, công kích, bài xích một đối tượng nào đó…. Song, mạng xã hội là một không gian tự do hơn của những nghị định, thông tư của luật báo chí. Chính vì sự tự do, đời thường đó mà mạng xã hội hấp dẫn người sử dụng. Do đó, chính sách cho nó nên khoanh những điều cấm kỵ hơn là khoanh những điều được làm. Vì như vậy sẽ làm hạn hẹp đi không gian tự do của mạng xã hội.

Minh Anh thực hiện

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Nghĩ về cái chết của tên trộm chó




Cả trăm người dân xã Yên Thành (Nghệ An) xông ra bắt trộm, rồi họ đánh hội đồng đánh hai tên trộm be bét máu me…. Họ kéo đến ngày càng đông, và đánh cho kẻ trộm không thành kia đến chết. Họ đốt xe máy. Nhìn đám lửa cháy bừng bừng… Họ nhất quyết không cho xe cứu thương đưa tên còn lại đi cứu chữa. Hừng hực, nghiến răng như muốn đi đến tận cùng. Lửa cháy, máu đổ mà lòng người vẫn chưa nguôi. Người ta làm sao vậy? Lạnh người và sợ hãi. Sao người dân lại có thể tàn bạo thế….
Sao người dân lại có thể làm thế?  
Cách đây lâu lâu, khi trong xóm có nhà mất trộm chó, tiếc của, xót chó người ta bảo chắc đứa nào đói ăn quá đi làm càn… Cách đây vài năm, người ta bảo chắc mấy thằng nghiện thiếu tiền mua thuốc quẫn liều đi bắt chó…. Giờ người ta căm và chỉ muốn đập chết mấy thằng trộm chó. Mấy thằng mạt hạng, mạt vận, đi ăn cướp, ăn trộm lại táo tợn đánh, chém cả chủ nhà….
Xưa kia, ăn trộm phải lấm lét, rình mò, nay ăn trộm thản nhiên, táo tợn và trắng trợn. Đâu đâu cũng thấy trộm cướp rình mò. Đến cửa quan thì mất tiền đằng cửa quan. Nhưng đến cửa quan vì có công có việc, dù tức tối nhưng muốn xong việc mà vẫn phải chịu. Quan tỉnh, quan huyện, quan xã … họ có quyền, họ nó ngang, nói dọc, họ bày tục nọ thủ kia… thì mình đành chịu. Chẳng lẽ cả làng, cả nước chịu cả mấy thằng ăn cắp vặt, mà nó lại ngang nhiên chửi mình, đánh mình và lấy đi tài sản của mình, con vật yêu quý của mình. Thậm chí xông vào nhà cướp cả điện thoại di động, máy tính. Nay nó bắt chó, mai nó bắt cóc cả con, đe doạ, giết chết cả nhà. Trông đợi vào đâu? Chả còn cách nào khác là phải hò nhau đập chết nó.
Mới nghe người dân giết kẻ trộm chó, đánh tàn bạo cho đến chết vì mấy con chó, thật là phi lý, phi tình thậm chí "phi văn minh", "hoang dã", "ác độc", "phi pháp luật", ...song có lẽ đằng sau nó là cả những bức bối, những stress xã hội đang quá nặng gây áp lực và khiến người ta dễ nổi giận, dễ muốn trả giận, trả thù...

Vì đó là cuộc sống, là lẽ sống và bản năng sinh tồn…
Và ... chở thuyền là nước, lật thuyền là nước…