Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Luật biển VN tuân thủ Công ước Luật Biển quốc tế


Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội  Việt Nam đã thảo luận và thông qua  Luật Quảng cáo, Luật tài nguyên nước sửa đổi và Luật Biển Việt Nam. Trong đó, Luật Biển Việt Nam đã đạt được sự nhất trí cao 495/496 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật Biển Việt Nam được tiến hành soạn thảo từ năm 1998, gồm 7 chương đề cập đến các nội dung chủ yếu: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển, phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo VN; các hoạt động trong vùng biển VN; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Theo luật gia Hoàng Việt, thành viên ban nghiên cứu Luật Biển của Hội Luật gia Việt Nam, Luật Biển VN được các nhà chuyên môn đánh giá cao bởi sự vận dụng và nội luật hóa các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ vào trong Luật biển VN. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Minh Anh với luật gia Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố HCM về ý nghĩa và vai trò của Luật biển Việt Nam trong việc xác định chủ quyền lãnh hải của nước ta cũng như những suy nghĩ của ông trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh hải đất nước ở vai trò nhà nghiên cứu biển Đông.

Phóng viên: Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Nhưng cho đến nay chúng ta mới chính thức có một văn bản luật về biển. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam tại thời điểm này có ý nghĩa gì nhìn từ góc độ của tiến trình hoạt động lập pháp nói chung?
Luật sư Hoàng Việt: Nói như vậy cũng chưa đúng hoàn toàn. Chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật về biển từ trước đó rất nhiều, ví dụ Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế năm 1977; hay Tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải năm 1982; hay các luật hàng hải, luật biên giới quốc gia …v.v. Tuy nhiên, các văn bản này đã được ban hành từ lâu, thậm chí có văn bản đã ra đời trước khi Công ước luật biển của LHQ năm 1982 được thông qua, cho nên khi có nhiều quy định mới của luật biển chúng ta cần được cập nhật đầy đủ.
Chưa kể đến việc hệ thống văn bản pháp luật về biển của chúng ta chủ yếu là các văn bản dưới luật, điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành, vừa phân tán, vừa chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tiễn về quản lý biển đảo và bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia trên biển.
Mặc dù có các quy định mang tính tổng quát về biển, nhưng các văn bản pháp luật về biển của Việt Nam mới chỉ nêu những nguyên tắc chung về xác định phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, chưa cụ thể hoá công tác quản lý nhà nước về biển, nên hiệu lực pháp lý còn thấp. Hơn nữa, Nhà nước ta chưa có một văn bản luật mang tính tổng thể xác định phạm vi, chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; quy định các nội dung quản lý nhà nước về biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.
Ngoài ra, các nước xung quanh chúng ta cũng đã ban hành nhiều đạo luật liên quan tới biển như Malaysia với bản đồ ranh giới thềm lục địa năm 1979 hay Trung Quốc với nhiều đạo luật liên quan tới biển, và Philippines với Luật đường cơ sở năm 2009.
Chính vì những lý do đó, Luật biển Việt Nam ra đời được dư luận chờ đợi đã khá lâu (được bắt đầu soạn thảo từ năm 1998) gần 14 năm đã được thông qua ngày 21/6 năm nay và đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao khi các quy định trong Luật biển Việt Nam đã cho thấy sự vận dụng và nội luật hóa các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ vào trong Luật biển VN.

P.V: Xin ông nói rõ hơn về mối quan hệ giữa Chủ quyền biển Việt Nam với Luật biển Việt Nam theo Luật Biển Quốc tế đã được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc?
Luật biển VN ngay trong điều 1 đã khẳng định về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong điều 9, điều 10 của Luật biển VN cũng quy định rõ về nội thủy là vùng nước thuộc chủ quyền của VN. Điều 11, 12 quy định về lãnh hải; điều 13, 14 quy định về vùng tiếp giáp lãnh hải; điều 15, 16 quy định về vùng đặc quyền kinh tế; điều 17,18 quy định về thềm lục địa. Đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì VN có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Tất cả những điều khoản này đều tuân thủ các quy định tương tự trong Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ.
P.V: Là một nhà luật gia, ông suy nghĩ như thế nào về vai trò và ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam (được quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012) đối với việc xác định chủ quyền lãnh thổ về biển đảo của nước ta, đặc biệt đối với việc bất đồng với quốc gia láng giềng.
Luật biển VN ra đời đánh dấu một ý nghĩa rất lớn. Mặc dù chịu rất nhiều sức ép, nhưng QH cũng đã thông qua với một tỷ lệ gần như là tuyệt đối. Điều đó cho thấy ý chí và quyết tâm của cả dân tộc và đất nước trong việc quản lý, phát triển và bảo vệ đối với các vùng biển, đảo của chúng ta.

P.V: Ngay sau khi Luật biển Việt nam được thông qua, giới truyền thông Trung Quốc đã có nhiều hành động mang tính lên tiếng phản đối, chỉ trích. Tiến sĩ nhận xét có đánh giá gì về sự phản ứng này?
Mỗi một quốc gia đều có chủ quyền của mình. Chủ quyền của quốc gia chính là các hành động đối nội và đối ngoại không thể bị các quốc gia khác can thiệp. Việc đưa ra Luật biển là một điều bình thường của tất cả quốc gia ven biển trên thế giới. Muốn quản lý được nó thì nhà nước phải ban hành luật và chỉ quản lý theo luật mà thôi. Nhưng khi VN thông qua Luật biển, thì rất nhiều bài báo TQ cũng như phát ngôn của các quan chức TQ cho rằng đấy là VN đã đẩy tình hình biển Đông vào tình trạng căng thẳng. Có lẽ, chính giới và giới truyền thông TQ mới chính là bên gây căng thẳng đối với tình hình biển Đông gần đây, khi họ luôn tìm cách biện minh và thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”phi lý và bị quốc tế phản đối dữ dội.
P.V: Một năm trước đây, trong một hội thảo trí thức về Biển Đông, ông đã cảnh báo việc Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan, tàu hải giám khủng vào ngay thềm lục địa của Việt Nam. Và điều đó đã thành sự thật, mặc dù TQ luôn phát ngôn ôn hòa song song là hành động tấn công. Theo ông Trung Quốc sẽ còn đi tới đâu để thực hiện chiến lược đường lưỡi bò của họ?
Khó có thể đoán chính xác các hành động cụ thể của TQ, vì họ có nhiều những toan tính phức tạp. Tuy nhiên, TQ sẽ tìm cách để các quốc gia có cảm giác quen dần với việc xuất hiện cũng như các hành động thực tế gia tăng dần có liều lượng của họ trên biển Đông, và nếu các quốc gia liên quan không thể có những phản ứng thích hợp thì dần dần, với sức mạnh  cùng với những đe dọa của họ, Trung Quốc sẽ thành công trong việc “hiện thực hóa đường lưỡi bò” của họ.
P.V: Ông có nhận xét gì về cơ chế quản lí biển theo cơ chế đa ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ như nước ta hiện nay.
Tôi cho rằng Luật Biển VN có nhiều điểm tiến bộ, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Mà theo tôi hạn chế lớn nhất của chúng ta vẫn là việc quản lý biển, đảo. Trước khi có Luật Biển, việc quản lý của chúng ta chồng chéo, nhưng lại không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Trong Luật Biển hiện nay, việc quản lý này cũng vẫn nêu hết sức chung chung, cũng chưa rõ việc quản lý biển đảo sẽ được cụ thể hóa như thế nào. Chắc có lẽ lại phải chờ văn bản hướng dẫn luật này của Chính phủ ban hành mới biết rõ thêm được phần nào. Khâu quản lý vẫn là khâu yếu nhất của chúng ta. 
P.V: Để thực thi được Luật này thì theo ông cần có những hướng dẫn cụ thể như thế nào đối với các hoạt động, phát triển kinh tế biến, tuần tra kiểm soát...? 
Những hướng dẫn này cần rất nhiều cơ quan tham mưu cho Chính phủ, nhưng quan trọng nhất vẫn phải có một cơ quan chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý biển đảo. Hiện nay, trong Luật Biển, QH đã giao trách nhiệm này cho Chính phủ, nhưng trong thực tế, việc phối hợp quản lý của các bộ, ngành trong Chính phủ và địa phương cũng cần phải được quy định rõ để tạo điều kiện tốt cho việc quản lý cũng như giám sát các hoạt động quản lý này.

P.V: Là một nhà nghiên cứu Biển Đông, gây Quỹ nghiên cứu Biển Đông, ông có thể chia sẻ với độc giả những điều trăn trở và suy nghĩ  xung quanh Luật Biển và vấn đề chủ quyền lãnh hải của đất nước ta. 
Luật Biển ra đời đánh dấu một mốc mới trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt trong quá trình hướng biển của thế giới. Nhưng việc phát triển các sức mạnh biển của chúng ta hiện nay vẫn còn hết sức hạn chế. Việc bảo vệ chủ quyền là điều hết sức cần thiết, nhưng vấn đề chủ quyền biển của chúng ta đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn, phức tạp trước một thế giới đầy biến động khó lường. Chính vì vậy, như một con tàu ra khơi gặp biển động với  những cơn sóng to, gió lớn, điều cần thiết để giữ vững được thành công phải là có một thuyền trưởng tài ba, với những thủy thủ kiên cường, hết mình vì đất nước. Hy vọng với truyền thống bất khuất của dân tộc, chúng ta sẽ đoàn kết đi trên con thuyền Tổ Quốc để cùng nhau vượt qua những khó khăn, hội nhập và phát triển cùng một thế giới rộng lớn, đưa đất nước đến những vận hội lớn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét