Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Nhà thơ Hải Như: Quyền lực thi ca


 
Được giới thiệu ông đã ở tuổi 90 nhưng khi gặp ông tôi quên mất mà gọi ông là bác xưng cháu, bởi nhìn ông như chỉ khoảng 65 -70 tuổi. Lối ăn mặc chỉnh chu, áo sơ mi trắng sơ vin và mái tóc muối tiêu càng khiến tôi không nghĩ rằng ông đã ở tuổi xưa nay hiếm. Là thi sĩ nổi tiếng với mảng đề tài về Hồ Chủ tịch, song ông luôn nhắc nhở người đối thoại về những bài thơ tình, bài thơ về quê hương đất nước với hơn 100 bài đã được phổ nhạc. Vừa trở về từ Lễ Hội Hoa Phương Đỏ lần thứ nhất, ông không dấu được vẻ hoan hỉ, ông chính là người đã đặt tên Hoa Phượng Đỏ cho Hải Phòng qua bài thơ được cố nhạc sĩ tài năng Lương Vĩnh phổ nhạc “Thành phố hoa phượng đỏ”. Càng trò chuyện với ông, càng hiểu rằng ông là một nhà thơ chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp bởi sự định hướng tư tưởng, ý thức sáng tạo đến thời điểm công bố sáng tác. Là thế hệ nhà báo Cách mạng đầu tiên, sau một thập kỷ cầm bút phản ánh hiện thực, ông quyết định chuyển nghiệp sang làm thơ bởi ông cho rằng tác phẩm văn học sẽ sống cùng năm tháng, còn báo chí chỉ có tính thời điểm mà thôi. Song cho dù ông khẳng định, văn học cho ông quyền hư cấu nhưng điều tối thượng vẫn được ông đặt ra đó chính là những bài học làm người mà thi ca cho phép người sáng tạo quyền lực thức tỉnh độc giả trong đó bao gồm cả nhà cầm quyền.
Một ngày nọ, nói đúng hơn là ngày định đã đến, ông tìm đến đề tài Hồ Chí Minh, và sự xuyên suốt từ định hướng tư tưởng đến phương pháp nghệ thuật đã tạo nên một mảng thơ viết về chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt của Hải Như, một hình ảnh thi sĩ phản biện về lãnh tụ với những bài học chiêm nghiệm làm người. Ở đây ông có sự lựa chọn rất trúng, rất thông minh bởi nhân vật ông chọn có đời sống hiện thực quá vĩ đại. Song ông cũng lại chọn cho mình một lối đi khác đó là phản biện. Chính điều này đã tạo nên một sự song hành của thi ca với nhân vật Lãnh tụ mà ông soi vào để suy ngẫm về cuộc đời, về cách sống.

DĨ VĂN TẢI ĐẠO
Phóng viên (P.V): Thưa ông, được biết rằng trước khi làm thơ ông là một nhà báo, tại sao sau 10 năm viết hiện thực ông lại chuyển sang sáng tác, làm một nhà thơ?
Nhà thơ Hải Như (N.T. H.N):  Tôi đã tham gia kỳ học báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng rồi tôi quyết định bỏ báo theo thơ. Bởi làm báo là làm chính trị, làm thơ được sáng tạo theo suy nghĩ của mình. Chính trị là thời điểm còn văn học là thời đại. Tôi ý thức được điều đó một cách rõ ràng chứ không lẫn lộn.
P.V: Thưa nhà thơ, ý thức về bản thể nhà thơ của ông như thế nào?
N.T. H.N:  Theo tôi người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ… Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền/ người lãnh đạo. Và tôi đã thực hiện đúng tinh thần đó, nên thơ tôi viết không chỉ dành riêng cho quần chúng số đông, mà trong đó có nhà cầm quyền, nhằm thức tỉnh cả các nhà lãnh đạo.
P.V: Để thức tỉnh được nhà cầm quyền thì nội dung cũng như đề tài, nhân vật của bài thơ phải có tầm hay tứ thơ phải có sức lay động lớn. Và ông đã rất thông minh khi lựa chọn đề tài Hồ Chủ tịch, tình yêu, đất nước- quê hương làm những chủ đề xuyên suốt hành trình sáng tác của mình.
N.T.H.N: Quan điểm văn chương của tôi là không viết người thật việc thật. Nền văn học của chúng ta lâu nay nhầm lẫn giữa văn học và báo chí. Báo chí là hiện thực, văn học là hư cấu. Tôi đã chọn thời điểm cụ Hồ mất và bắt đầu viết về Người cũng là để thể hiện quan điểm về văn học của tôi.  Tôi chưa gặp Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh trong tác phẩm của tôi theo cách cảm và cách nghĩ của tôi.
P.V:  Xin ông nói rõ hơn cách cảm và cách nghĩ về Hồ Chủ tịch trong thơ ông như thế nào?
N.T.H.N:  Tôi làm thơ về Hồ Chí Minh không chỉ làm một hai bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”, “Một con người hội tụ mọi tinh hoa”,… mà tôi làm đến nay hơn 40 bài, hầu hết đã đăng trên báo Nhân dân. Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, không xưng tụng lãnh tụ mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình, đó là chức năng của văn học.  Làm thơ về đề tài Hồ Chí Minh, tôi mong muốn được gửi gắm, ký thác những điều suy nghĩ theo năm tháng, cuộc đời. Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa cụ Hồ là lãnh tụ và công đức.
NHÀ THƠ PHẢI NGHĨ VỚI ĐẢNG
P.V: Bài thơ đầu tiên ông viết về chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” đã ngay lập tức in đậm dấu ấn thi sĩ trong lòng quần chúng. Bên cạnh sự thành công của bài thơ này, điều gì đã giúp ông vững bước vào đời sống thi ca cũng như khai thác đề tài Hồ Chí Minh?
N.T.H.N:  Sau khi bài thơ này của tôi được đăng tải trên báo Nhân dân (Ngày 20-9-1969), nhiều người đã đến gặp tôi trò chuyện, trong đó có nhà sử học Đào Duy Anh. Ông lớn hơn tôi gần 20 tuổi, nói với tôi một câu bằng tiếng Pháp mà tôi nhớ mãi “Anh đã có đề tài chuyên  chở tư tưởng của anh rồi” và  “Anh cứ tiếp tục làm đi!”. Đề tài chuyên chở tư tưởng của nhà văn, ở đây nhà sử học Đào Duy Anh đã cho rằng đề tài Hồ CHí Minh là cỗ xe chuyên chở tư tưởng của tôi. Và tôi đã theo tinh thần sự khuyến khích đó.  Nhưng nếu như không có Nhà văn hóa Trường Chinh thì tôi không thể tiếp tục hành trình làm thơ với đề tài Lãnh tụ được.
N.T.H.N:  Ông Trường Chinh đã giúp ông điều gì?
P.V:  Sau 45 ngày đăng bài thơ thứ nhất “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi”, tôi xin gặp ông Trường Chinh, đó là vào tháng 12 năm 1969, để xin được tiếp tục viết thơ về đề tài Hồ Chí Minh. Trong buổi tiếp xúc thân mật đó, nhà văn hóa Trường Chinh có hỏi tôi rằng, “Anh nghĩ thế nào về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ sĩ cũng như văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?”. Tôi đã trả lời ông Năm: “Nhà văn chúng tôi chấp nhận sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng với một tinh thần là nhà văn chúng tôi được phép nghĩ với Đảng - nguyên văn tôi nói tiếng Pháp với ông Năm – Trường Chinh cụm từ này là “Réflechir avec notre Partie”, thì ông Năm đã đứng dậy bắt tay tôi và nói “anh nói rất đúng, nhà văn phải nghĩ với Đảng, chúng tôi mong được các anh đóng góp ý kiến”.  Và có lẽ cũng từ đó, tôi bắt đầu làm thơ theo cách suy nghĩ của tôi, đó là nghĩ với Đảng. Nghĩ với Đảng đồng nghĩa là phải phản biện. Nếu như chỉ học Nghị Quyết, đi theo Đảng mà không đóng góp với Đảng thì Nghị quyết đi vào đời sống có thể không trúng. Nhưng rất tiếc những năm tháng 70 của thế kỷ trước, khi thấy tôi nói “nghĩ với Đảng” nhiều đồng nghiệp của tôi nghi ngại nên gần như chỉ có một mình tôi đi con đường phản biện. Nhưng nhờ phản biện mà thơ tôi tồn tại cho đến ngày nay. Đề tài Hồ Chí Minh là cái cớ để tôi nhắc nhở mọi người hãy soi vào nhân cách Hồ Chí Minh để tu dưỡng tư tưởng. Thơ tôi hoàn toàn khác với người cùng thời với tôi ở điểm này.
P.V:  Theo nhà thơ, học tập theo tấm gương Bác Hồ, nhà cầm quyền của chúng ta cần nhất điểm gì?
N.T.H.N: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cộng sản nhưng mang đức độ của một vị minh quân- một nhà vua sáng. Học tập Hồ Chí Minh theo tôi chỉ cần có hai tiêu chuẩn đó là giản dị và liêm khiết. Giản dị thì một vị tu hành cũng có lối sống ấy nhưng liêm khiết - quang minh, chính đại, là đức cần của một người làm quan.  Nhiều nhà lãnh đạo cộng sản hôm nay cần học tập tính liêm khiết của Người/ Bác Hồ. Thời phong kiến cũng có rất nhiều vị quan thanh liêm sống thanh bần, giản dị. Ở chúng ta hôm nay, tìm được vị cán bộ sống thanh bần, liêm khiết hơi khó.
P.V:  Trong dịp Bộ Chính trị chuẩn bị đợt học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhà thơ đang suy nghĩ điều gì đề xuất với Đảng?
N.T.H.N: Tôi nghĩ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử khi ra Nghị quyết đúng lúc quét sạch chủ nghĩa cá nhân đang bành trướng trong toàn Đảng, làm suy yếu Đảng. Có lẽ ông Trọng đã nhìn thấy nguy cơ những người cộng sản xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Phú Trọng đã báo động “đỏ” với những người cộng sản tha hóa. Nhân dân biết hết mà không chịu nhìn ra. Nhưng học tập như thế nào! Với tư cách là một nhà thơ khám phá đề tài Hồ Chí Minh, tôi xin đề xuất ba khẩu hiệu mà theo tôi do Hồ Chí Minh đề ra nhưng chưa viết thành văn bản mà tôi hiểu được trong quá trình nghiên cứu những tài liệu về hành trình sự nghiệp của người. Đó là 3 Không: Không vinh thân phì gia, Không phân biệt đối xử; Không đặc quyền đặc lợi.
P.V:  Khẩu hiệu hay slogan là một trong yếu tố không thể thiếu được đối với một chiến lược truyền thông – tuyên truyền hiện đại. Nhà thơ có thể nói rõ hơn vì sao ông lại rút ra cũng như đề xuất ba khẩu hiệu này?
N.T.H.N: Khẩu hiệu thứ nhất là “Không vinh thân phì gia”. Tư tưởng phương Đông, một người làm quan cả họ được nhờ, đã làm quan thì thân được vinh hiển thay đổi cả vị trí xã hội và kinh tế, gia quyến thì được nhờ vả, được kính trọng lây. Hồ Chí Minh không vinh thân phì gia, bà Thanh- chị ruột ra thăm rồi cũng về quê Kim Liên. Bác không có người thân nào ở cạnh để đề bạt cả, cho đến hết đời vẫn giữ như thế.
Thứ hai là “Không đặc quyền đặc lợi”. Hồ Chí Minh khi làm Cách mạng hay khi làm Chủ tịch nước, Cụ đều sống như những người dân thường. Cả nước đều biết, khi có chính sách đề ra hũ gạo tiết kiệm thì hàng ngày Người cũng bớt một nắm gạo, bớt bữa ăn. Bác sống giản dị như người bình dân không nhà lầu, ô tô, ăn uống cũng đơn giản không đòi tiêu chuẩn riêng. Người không hưởng đặc quyền đặc lợi. Cụ vẫn đi dép lốp, đi xe cũ, mặc áo vá… luôn quan hệ gần gũi với người cận vệ, hàng ngày vẫn cho cá ăn, tưới rau.
Khẩu hiệu thứ ba xuyên suốt cuộc đời Người đó là “Không phân biệt đối xử”. Hồ Chí Minh là người cộng sản nhưng khi thành lập Liên minh Chính phủ, ông đã mời cả những người ở các đảng khác vào như Quốc Dân Đảng, Đảng Xã Hội,… hay không phải đảng viên. Cụ cũng mời các thành phần xã hội tham gia lãnh đạo Đảng, tham gia kháng chiến,…
Về vấn đề kê khai tài sản, tôi thấy Nghị Quyết Đảng đề ra đã lâu nhưng vẫn chưa làm được. Vẫn lúng túng quá. Phải chăng có điều gì khó khăn, khuất tất? Tại sao không học tập Hồ Chí Minh, chúng ta phải thấy rằng đây là một lãnh tụ duy nhất trên thế giới không kê khai tài sản mà công khai tài sản.  Người chỉ xách một cái vali và đôi dép lốp về nước, làm Cách mạng đến khi làm Chủ tịch nước vẫn công khai tài sản từng ấy. Người dân tin cậy Hồ Chí Minh vì ông là lãnh tụ sạch cho tới lúc ông ra đi.
Mong rằng những ý kiến đóng góp cho phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Nhà thơ sẽ được Đảng và Bộ Chính trị lưu tâm. Xin chúc nhà thơ và gia đình thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn và lí thú này!
Minh Anh thực hiện




Luật biển VN tuân thủ Công ước Luật Biển quốc tế


Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội  Việt Nam đã thảo luận và thông qua  Luật Quảng cáo, Luật tài nguyên nước sửa đổi và Luật Biển Việt Nam. Trong đó, Luật Biển Việt Nam đã đạt được sự nhất trí cao 495/496 đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật Biển Việt Nam được tiến hành soạn thảo từ năm 1998, gồm 7 chương đề cập đến các nội dung chủ yếu: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển, phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo VN; các hoạt động trong vùng biển VN; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Theo luật gia Hoàng Việt, thành viên ban nghiên cứu Luật Biển của Hội Luật gia Việt Nam, Luật Biển VN được các nhà chuyên môn đánh giá cao bởi sự vận dụng và nội luật hóa các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ vào trong Luật biển VN. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Minh Anh với luật gia Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố HCM về ý nghĩa và vai trò của Luật biển Việt Nam trong việc xác định chủ quyền lãnh hải của nước ta cũng như những suy nghĩ của ông trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh hải đất nước ở vai trò nhà nghiên cứu biển Đông.

Phóng viên: Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994. Nhưng cho đến nay chúng ta mới chính thức có một văn bản luật về biển. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam tại thời điểm này có ý nghĩa gì nhìn từ góc độ của tiến trình hoạt động lập pháp nói chung?
Luật sư Hoàng Việt: Nói như vậy cũng chưa đúng hoàn toàn. Chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật về biển từ trước đó rất nhiều, ví dụ Tuyên bố của Chính phủ về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế năm 1977; hay Tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải năm 1982; hay các luật hàng hải, luật biên giới quốc gia …v.v. Tuy nhiên, các văn bản này đã được ban hành từ lâu, thậm chí có văn bản đã ra đời trước khi Công ước luật biển của LHQ năm 1982 được thông qua, cho nên khi có nhiều quy định mới của luật biển chúng ta cần được cập nhật đầy đủ.
Chưa kể đến việc hệ thống văn bản pháp luật về biển của chúng ta chủ yếu là các văn bản dưới luật, điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành, vừa phân tán, vừa chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tiễn về quản lý biển đảo và bảo vệ chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia trên biển.
Mặc dù có các quy định mang tính tổng quát về biển, nhưng các văn bản pháp luật về biển của Việt Nam mới chỉ nêu những nguyên tắc chung về xác định phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, chưa cụ thể hoá công tác quản lý nhà nước về biển, nên hiệu lực pháp lý còn thấp. Hơn nữa, Nhà nước ta chưa có một văn bản luật mang tính tổng thể xác định phạm vi, chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam; quy định các nội dung quản lý nhà nước về biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; vấn đề bảo vệ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.
Ngoài ra, các nước xung quanh chúng ta cũng đã ban hành nhiều đạo luật liên quan tới biển như Malaysia với bản đồ ranh giới thềm lục địa năm 1979 hay Trung Quốc với nhiều đạo luật liên quan tới biển, và Philippines với Luật đường cơ sở năm 2009.
Chính vì những lý do đó, Luật biển Việt Nam ra đời được dư luận chờ đợi đã khá lâu (được bắt đầu soạn thảo từ năm 1998) gần 14 năm đã được thông qua ngày 21/6 năm nay và đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao khi các quy định trong Luật biển Việt Nam đã cho thấy sự vận dụng và nội luật hóa các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ vào trong Luật biển VN.

P.V: Xin ông nói rõ hơn về mối quan hệ giữa Chủ quyền biển Việt Nam với Luật biển Việt Nam theo Luật Biển Quốc tế đã được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc?
Luật biển VN ngay trong điều 1 đã khẳng định về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong điều 9, điều 10 của Luật biển VN cũng quy định rõ về nội thủy là vùng nước thuộc chủ quyền của VN. Điều 11, 12 quy định về lãnh hải; điều 13, 14 quy định về vùng tiếp giáp lãnh hải; điều 15, 16 quy định về vùng đặc quyền kinh tế; điều 17,18 quy định về thềm lục địa. Đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì VN có quyền chủ quyền và quyền tài phán. Tất cả những điều khoản này đều tuân thủ các quy định tương tự trong Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ.
P.V: Là một nhà luật gia, ông suy nghĩ như thế nào về vai trò và ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam (được quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012) đối với việc xác định chủ quyền lãnh thổ về biển đảo của nước ta, đặc biệt đối với việc bất đồng với quốc gia láng giềng.
Luật biển VN ra đời đánh dấu một ý nghĩa rất lớn. Mặc dù chịu rất nhiều sức ép, nhưng QH cũng đã thông qua với một tỷ lệ gần như là tuyệt đối. Điều đó cho thấy ý chí và quyết tâm của cả dân tộc và đất nước trong việc quản lý, phát triển và bảo vệ đối với các vùng biển, đảo của chúng ta.

P.V: Ngay sau khi Luật biển Việt nam được thông qua, giới truyền thông Trung Quốc đã có nhiều hành động mang tính lên tiếng phản đối, chỉ trích. Tiến sĩ nhận xét có đánh giá gì về sự phản ứng này?
Mỗi một quốc gia đều có chủ quyền của mình. Chủ quyền của quốc gia chính là các hành động đối nội và đối ngoại không thể bị các quốc gia khác can thiệp. Việc đưa ra Luật biển là một điều bình thường của tất cả quốc gia ven biển trên thế giới. Muốn quản lý được nó thì nhà nước phải ban hành luật và chỉ quản lý theo luật mà thôi. Nhưng khi VN thông qua Luật biển, thì rất nhiều bài báo TQ cũng như phát ngôn của các quan chức TQ cho rằng đấy là VN đã đẩy tình hình biển Đông vào tình trạng căng thẳng. Có lẽ, chính giới và giới truyền thông TQ mới chính là bên gây căng thẳng đối với tình hình biển Đông gần đây, khi họ luôn tìm cách biện minh và thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò”phi lý và bị quốc tế phản đối dữ dội.
P.V: Một năm trước đây, trong một hội thảo trí thức về Biển Đông, ông đã cảnh báo việc Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan, tàu hải giám khủng vào ngay thềm lục địa của Việt Nam. Và điều đó đã thành sự thật, mặc dù TQ luôn phát ngôn ôn hòa song song là hành động tấn công. Theo ông Trung Quốc sẽ còn đi tới đâu để thực hiện chiến lược đường lưỡi bò của họ?
Khó có thể đoán chính xác các hành động cụ thể của TQ, vì họ có nhiều những toan tính phức tạp. Tuy nhiên, TQ sẽ tìm cách để các quốc gia có cảm giác quen dần với việc xuất hiện cũng như các hành động thực tế gia tăng dần có liều lượng của họ trên biển Đông, và nếu các quốc gia liên quan không thể có những phản ứng thích hợp thì dần dần, với sức mạnh  cùng với những đe dọa của họ, Trung Quốc sẽ thành công trong việc “hiện thực hóa đường lưỡi bò” của họ.
P.V: Ông có nhận xét gì về cơ chế quản lí biển theo cơ chế đa ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ như nước ta hiện nay.
Tôi cho rằng Luật Biển VN có nhiều điểm tiến bộ, nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Mà theo tôi hạn chế lớn nhất của chúng ta vẫn là việc quản lý biển, đảo. Trước khi có Luật Biển, việc quản lý của chúng ta chồng chéo, nhưng lại không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Trong Luật Biển hiện nay, việc quản lý này cũng vẫn nêu hết sức chung chung, cũng chưa rõ việc quản lý biển đảo sẽ được cụ thể hóa như thế nào. Chắc có lẽ lại phải chờ văn bản hướng dẫn luật này của Chính phủ ban hành mới biết rõ thêm được phần nào. Khâu quản lý vẫn là khâu yếu nhất của chúng ta. 
P.V: Để thực thi được Luật này thì theo ông cần có những hướng dẫn cụ thể như thế nào đối với các hoạt động, phát triển kinh tế biến, tuần tra kiểm soát...? 
Những hướng dẫn này cần rất nhiều cơ quan tham mưu cho Chính phủ, nhưng quan trọng nhất vẫn phải có một cơ quan chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý biển đảo. Hiện nay, trong Luật Biển, QH đã giao trách nhiệm này cho Chính phủ, nhưng trong thực tế, việc phối hợp quản lý của các bộ, ngành trong Chính phủ và địa phương cũng cần phải được quy định rõ để tạo điều kiện tốt cho việc quản lý cũng như giám sát các hoạt động quản lý này.

P.V: Là một nhà nghiên cứu Biển Đông, gây Quỹ nghiên cứu Biển Đông, ông có thể chia sẻ với độc giả những điều trăn trở và suy nghĩ  xung quanh Luật Biển và vấn đề chủ quyền lãnh hải của đất nước ta. 
Luật Biển ra đời đánh dấu một mốc mới trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt trong quá trình hướng biển của thế giới. Nhưng việc phát triển các sức mạnh biển của chúng ta hiện nay vẫn còn hết sức hạn chế. Việc bảo vệ chủ quyền là điều hết sức cần thiết, nhưng vấn đề chủ quyền biển của chúng ta đang đứng trước những thách thức vô cùng khó khăn, phức tạp trước một thế giới đầy biến động khó lường. Chính vì vậy, như một con tàu ra khơi gặp biển động với  những cơn sóng to, gió lớn, điều cần thiết để giữ vững được thành công phải là có một thuyền trưởng tài ba, với những thủy thủ kiên cường, hết mình vì đất nước. Hy vọng với truyền thống bất khuất của dân tộc, chúng ta sẽ đoàn kết đi trên con thuyền Tổ Quốc để cùng nhau vượt qua những khó khăn, hội nhập và phát triển cùng một thế giới rộng lớn, đưa đất nước đến những vận hội lớn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!