Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

TS. ĐỖ QUỐC BÌNH: KHÔNG PHẢI ĐÀO MỎ MÀ LÀ PHÁ MỎ

Mỏ vàng có trữ lượng 8,1triệu tấn quặng vàng mà công ty OZ công bố tìm thấy ở Cam Pu Chia đang gây xôn xao dư luận gần đây sau khi một số chuyên gia địa chất của ta cho rằng nó là một mỏ vàng rất lớn; thêm vào đó nhiều sự hồ nghi về những mỏ vàng như vậy liệu có ở nước ta vì vị trí của mỏ vàng nọ khá gần với Việt Nam. Tuy nhiên theo TS Đỗ Quốc Bình – trưởng phòng Khoáng sản kim loại, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trò chuyện với VNT, thì đó là một mỏ vàng trữ lượng bình thường. Nước ta có trữ lượng tài nguyên vàng giàu có trong khu vực đồng thời cấu trúc địa chất vàng trong dãy đá lục rất phổ biến ở các nước giàu tài nguyên vàng trên thế giới. Song việc khai thác vàng còn rất manh mún, lãng phí và bừa bãi. Hiện tượng bán quặng thô có sản phẩm phụ giá trị cao hơn sản phẩm chính cũng rất đáng lưu ý bởi đó là những mỏ khoáng sản quý ít có ở nước ta,...
8,1 TRIỆU TẤN QUẶNG KHÔNG PHẢI VÀNG NHÉ
Thưa tiến sĩ, dư lụân hiện nay khá quan tâm đến thông tin công ty khai khoáng OZ của Australia đã phát hiện một mỏ vàng có trữ lượng khoảng 8,1 triệu tấn quặng ở tỉnh Mondulkiri, miền Đông Bắc Campuchia, giáp Tây Nguyên của Việt Nam. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Thực chất mỏ 8,1 triệu tấn quặng quy ra 2,3g vàng/tấn thì mỏ đấy không phải là mỏ lớn so với nhiều mỏ khác ở Việt Nam chúng tôi từng thăm dò, khai thác. Giới DN tư bản hay đưa ra những con số giật mình để quảng bá hay phục vụ thị trường chứng khoán. Chứ không phải đưa ra những con số chính xác và thực chất vấn đề. Những người không có chuyên môn thì sẽ không hiểu đúng và gây nhiễu thông tin.
Theo ông Thuấn, Cục trưởng Cục Địa Chất và Khoáng sản, ngay cả mỏ vàng khai thác tới 90 năm ở Nam Phi cũng không thể đạt trữ lượng này.
Trên thực tế mỏ vàng lớn nhất thế giới hiện nay đang được khai thác là Côla ở Ấn Độ. Khai thác sâu nhất hơn 3 kilômet, với trữ lượng hơn 350 tấn vàng. Bây giờ còn lại đến trước năm 90 còn khoảng 50 tấn cho phép khai thác tốt. Những mỏ vàng lớn Nam Phi thì không có trữ lượng hơn Côla cũng như một số mỏ vàng khác ở Ấn Độ.
Việt Nam có tiềm năng vàng lớn trong khu vực
Vài ngày trước, trả lời trên báo NLD, Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất xạ hiếm (Cục Địa chất và Khoáng sản) cho biết: Qua điều tra cơ bản thì ở khu vực gần Ngã ba Đông Dương, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện nhiều khu vực có mỏ vàng. Khu vực này cách không xa mỏ vàng 8,1 triệu tấn quặng vừa được phát hiện ở Campuchia. Theo ông chúng ta có thể lạc quan về kết quả khi thăm dò khảo sát cụ thể địa chất theo điều tra cơ bản của tuyên bố trên không?
Vùng Tây Nguyên tôi cũng đã có nhiều khảo sát. Vàng ở vùng Ngã Ba Đông Dương ở Việt Nam là có nhưng cần lưu ý đến vấn đề kỹ thuật khai thác, đầu tư công nghệ như thế nào mà thôi. Hiện nay tôi cũng đang tham gia khảo sát và khai thác một mỏ vàng gần ngã Ba Đông Dương, nhưng thuộc lãnh thổ Lào. Mỏ vàng này có trữ lượng ước tính khoảng 3,1 tấn vàng và còn có tiềm năng khai thác nữa.
Ông đánh giá về tiềm năng vàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực như thế nào? Những vùng nào ở Việt Nam có chứa nhiều vàng?
Vàng ở VN khác với những mỏ vàng ở Philippin, khác với mỏ vàng của Inđônêxia - hàm lượng không cao nhưng qui mô lớn. ở Campuchia đi trong một khối địa chất kiểu khác, nó nằm trong đá Granit, ở Việt Nam, nó nằm dãy đá lục giống nhiều vùng trên thế giới. Nó có tiềm năng hơn.
Vàng ở Việt Nam thì nằm sâu và tập trung ở những khu vực nhất định. Những vùng cần quan tâm: Thái Nguyên – Bắc Kạn, Lai Châu- Sơn La, Thanh Hoá, vùng Quảng Nam – Kontum, vùng Đà Lạt - Phú Yên kéo lên – có kiểu khá thú vị.Vì vậy chúng ta cần quan tâm, vấn đề đầu tư của nhà nước như thế nào. Hiện nay hầu hết các mỏ vàng giao cho tập đoàn than khoáng sản nhưng chưa thấy động binh thăm dò, khảo sát hay đi vào khai thác.
Vì sao lại thế ạ?
Có thể là họ thiếu nguồn vốn?..
Vậy là họ đang xí phần để đấy!
Đúng là thế. Trong ngành khai thác, chế biến thì vàng là loại khoáng sản khó tìm, khó khảo, sát điều tra cơ bản nhưng lại dễ dàng trong khâu chế biến. Đối với kim loại, giá thành rẻ, rất dễ tìm nhưng đầu tư công nghệ chế biến từ quặng càng đắt, còn kim loại giá thành cao, quí hiếm thì chi phí trí tuệ để tìm ra nó lại khó hơn rất nhiều. Con người trí tuệ và kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có khả năng chế biến được vàng chứ không phải phụ thuộc chuyên gia và kỹ thuật nước ngoài.
....NHƯNG CHƯA BIẾT CÁCH KHAI THÁC
Một nguồn tin cho biết "Chính phủ Campuchia chưa thực hiện bất kỳ khoản thu từ ngành công nghiệp khai thác mỏ, bất chấp sự hiện diện của ít ưanhất 60 công ty nước ngoài và trong nước tìm cách khai thác tài nguyên khoáng sản"; còn ở Việt Nam, thực trạng các tỉnh được cho là giàu tài nguyên khoáng sản như Cao Bằng chẳng hạn thì vẫn là tỉnh nghèo nhất, trong khi đó việc cấp phép khoáng sản tràn lan dẫn đến thực trạng “loạn khai thác”như ở tỉnh Cao Bằng. Nhà nước thì thu về thuế suất khai thác khoáng sản rất rẻ và hoàn toàn do doanh nghiệp tự nộp. Phải chăng ngành công nghiệp nặng này vẫn là thách thức đối với các nước đang phát triển, thưa ông?
Tôi nghĩ có mấy vấn đề pháp luật và tài chính ở đây. Ở các nước phát triển họ có luật trả bản quyền cho người phát hiện/tìm ra mỏ mặc dù anh ta đi làm thuê. Nhưng ở ta thì hầu như chưa có. Tất cả doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng tiền mà Nhà nước bỏ ra từ xưa đến nay cho công tác điều tra cơ bản để tìm ra các mỏ. Hầu như các mỏ hiện nay là được tận dụng khai thác. Nhà nước tự nhiên mất đi một khoản thu rất lớn, không thu hồi. Làm cho ngành địa chất ngày càng khó hoạt động do thiếu kinh phí.
Ngày 31/5 Chính phủ vừa trình Quốc Hội Luật Khoáng sản sửa đổi, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng phải để những người thực tế đóng góp xây dựng chứ không phải những người ngồi trong phòng. Hay phiến diệnở góc độ quản lí nhà nước mà xây dựng Luật đó thì rất khó. Nó phải hài hoà từ phía nhân dân, doanh nghiệp và quản lí thì mới hiệu quả. Dù là ai hay ở vị trí nào thì cũng cần vì cái chung.
Chính sách nên có sửa đổi. Với DN đã được cấp phép nên tạo điều kiện. Xin vài chục con dấu để có được giấy phép khai thác khoáng sản quả là vấn đề lớn cho DN. Nên tập trung cấp giấy phép ở một nơi mà Nhà nước vẫn quản lí được.
Năm 2008, 4-5 trăm người tập trung trên đỉnh đồi Sạc Ly, Đăk Tô đi đào vàng, giữa năm 2009, dư luận lại dấy lên khi người ta thấy người dân Vĩnh Phúc đổ xô đi đào vàng dưới chân núi Tam Đảo, họ cải trang đi bắt cá, bắt chim, rồi âm thầm đào đất, đá tìm kiếm. Có lúc lên tới 3-4 trăm người. Nhiều cơ quan chức năng lên tiếng đã phải rất vất vả trong việc ngăn chặn những hoạt động này. Tiến sĩ suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

Không nên cấm đoán người dân khai thác mà nên tìm cách quản lí cho hợp lý. Cũng vì cuộc sống mà, ai cũng phải kiếm tiền. Không nên gọi họ là “vàng tặc”. Nhiều vùng đãi vàng có thể coi là nghề phụ người ta làm khi nông nhàn. Không ảnh hưởng gì đến môi trường nếu chúng ta điều chỉnh tốt.
Nhưng ở những bãi đào vàng là ma tuý, đâm chém, cướp bóc,... các kiểu. Ở đấy là một “vương quốc” riêng. Tôi từng sống ở những bãi vàng từ thửo sơ khai năm 1990 để thu thập dữ liệu làm luận án. Vàng nó là như thế đấy, có vàng rồi thì ông chủ vàng quay sang nghiện hút, cờ bạc. Khổ cái là dân trí không cao, tự nhiên anh được trời cho, may mắn giàu có đột biến, một đêm ngủ dậy có 30-40 kg vàng. Từ một người khổ sở bỗng trở nên quá sung sướng, không biết kiềm chế được tư duy của mình. Không phải ít đâu, 90% là nghiện hút, cờ bạc. Có người đào được 30kg vàng đấy nhưng khi chết không còn đủ 500 ngàn mua quan tài.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng khai thác vàng ở nước ta.
Việc khai thác vàng ở nước ta rất manh mún, có thể nói còn “thổ phỉ” lắm. Các mỏ khai thác hiện nay hầu như là khai thác chụp giật, không có qui hoạch, bóc ngắn cắt dài. Không phải là khai thác nữa mà là phá mỏ. Dân ta quen ăn sổi, nên bỏ sót tài nguyên rất nhiều. Đây là điều lãng phí lớn. Chúng ta thu hồi/ chế biến về chưa được 20% số lượng thực khi khai thác. Cao nhất là ở Bồng Miêu với kỹ thuật công nghệ của Úc được hơn 80% - đây cũng là mỏ có hoạt động nghiêm túc đúng quy trình, kỹ thuật nhất. Xót xa nhất là cả vùng mỏ vàng Quảng Nam mà đi kèm với vàng là nhiều loại khoáng sản khác nữa bị khai thác bừa bãi, lãng phí. Giờ nếu trước đây bỏ ra một đồng để khảo sát, khai thác thì bây giờ một trăm đồng cũng không làm lại được trong khi vàng vẫn còn trong lòng đất tiềm năng vẫn rất lớn.Người ta đã đào rỗng hết phần trên rồi, khi đo địa vật lý sẽ bị hẫng một tầng không còn chính xác. Việc đầu tư vào tiếp không thể thực hiện được vì công trình nát bét không còn nguyên trạng thì khảo sát địa chất không thể làm được. Công trình địa chất phải chi phí rất lớn mới thực hiện được...
Bên cạnh những vấn đề trong khảo sát, khai thác vàng, Tiến sĩ còn điều khác muốn chia sẻ đối với độc giả trong lĩnh vực làm việc của mình không?
Tôi nghĩ rằng nếu được trang bị thiết bị nghiên cứu càng ngày càng tiếp cận với thế giới cũng như ngân sách của nhà nước cấp cho để làm việc nghiêm túc- không phải để chia nhau nhé!(TS Bình nhấn mạnh và cười); thì tôi tin rằng hoạt động khảo sát, khai thác tài nguyên khoáng sản Việt nam sẽ khác hẳn; việc đóng góp cho hoạch định chính sách sẽ tốt hơn, đem lại hiệu quả kinh tế nói chung sẽ sát hơn.
Có nhiều mỏ vàng còn có sản phẩm phụ như những kim loại khác như chì, đồng kẽm, bạc... có giá trị kinh tế cao nhưng không được quan tâm khai thác đồng loạt rất lãng phí; có những mỏ khai thác xuất khẩu quặng thô, sản phẩm phụ của nó lại có giá trị rất cao.
Tức là có khi chúng ta xuất khẩu quặng có sản phẩm chính không có giá trị cao bằng sản phẩm phụ?
Đúng thế! Thực tế, những mỏ khoáng sản ấy ở Việt Nam hơi hiếm. Tiếp nữa là tình trạng cấp phép tận thu khá tràn lan ở các tỉnh. Có những nơi nên giữ lại làm bảo tàng địa chất thiên nhiên vì khó có lại được. Một lần trên mỏ vàng sông Đà, có cục vàng khoảng 2 chỉ gắn trên đá, tôi đã đề nghị giữ lại, để nguyên trạng không đánh bóng, lau chùi đưa vào bảo tàng chứ không nên khò ra lấy ít vàng cân đong đo đếm. Cho vào bảo tàng thì giá trị của nó không phải là giá trị của hai chỉ vàng ấy nữa.Cũng như vậy nên chọn những mỏ vàng đã khai thác, tu tạo làm nơi du lịch, hay khảo sát nghiên cứu không nên đập đi... không nên khai thác tận thu vì có thể nó không thu lợi bằng việc khai thác theo hướng dịch vụ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúc ông luôn thành công trong công cuộc tìm vàng!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét