Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

LOẠN VÌ TIN ĐỒN - THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NGÀY CÀNG KHÓ KIỂM SOÁT

Cơn sốt đất bất thường
Cơn sốt ảo bất động sản diễn ra trong hơn một tháng nhưng đã kịp đẩy giá đất một số vùng nội đô và ven đô lên một sàn giá mới. Khiến nhiều người có nhu cầu thực sự về nhà ở chỉ biết ngửa mặt lên trời than: trời cao đất dày ơi, liệu khi chết có chỗ mà chôn không?
Ngay sau ngày đầu tiên Bộ Xây dựng công bố Đồ án Quy hoạch Hà Nội mở rộng, (1-4-2010) cô bạn tôi - một chuyên viên tổ chức hội thảo cho một tờ báo Doanh nghiệp đã vội vã lên kế hoạch làm hội thảo “Thị trường bất động sản- thách thức và cơ hội dưới tác động của bản Quy hoạch Hà Nội mới”. Vội vã đi mời các chuyên gia phân tích, đi tìm các đại gia kinh doanh bất động sản, lên nội dung chương trình. Có người gàn, mới chỉ là Đồ án thôi chắc gì đã thành sự thật… làm gì cho mất công. Nhưng cô ấy nhất quyết rằng, Đồ án này sẽ "qua" như “xưa” thông qua mở rộng địa giới Hà Nội mặc cho ai phân tích thiệt hơn, phản biện này nọ... Thức khuya dậy sớm thu thập thông tin, liên hệ ngược xuôi, ráo riết xây dựng nội dung chương trình, khách mời, thời gian tổ chức...
Quả nhiên, không chờ đến khi họp Quốc Hội đưa ra thảo luận, phê duyệt, chỉ vài ngày sau đồ án Quy hoạch thủ đô được công bố thị trường bất động sản Hà Nội đang yên ắng từ đầu năm bỗng chốc nóng kỳ lạ. Đất các vùng trung tâm đến các huyện ven có tên trong bản liệt kê đô thị trung tâm hạt nhân (đô thị lõi mà chủ yếu là khu phố cổ, phố cũ đến tuyến đường vành đai 4 - phía Tây và phía Bắc sông Hồng đến khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm với trung tâm hành chính quốc gia Ba Vì), đến các đô thị vệ tinh (từ Hò̀a Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn) hầm hập tăng nhiệt độ từng ngày. Giá đất tăng vù vù một gấp đôi, gấp ba chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi. Anh Tân ở Từ Liêm cho biết : "thật kinh khủng! không hiểu vì lí do gì mà giá đất tăng chóng mặt, khu Từ Liêm nhà tôi năm ngoái là 13 triệu giờ đã 45 triệu/m2, trong ngõ cũng lên 25 triệu/m2". Không chỉ giá đất nhiều khu vực nội thành như Quận tây Hồ tăng lên gấp đôi, gấp ba mà đất trong dân tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai... cũng tăng chóng mặt, những dự án biệt thự nhà vườn cũng nhanh chóng được lập ra, chia nhỏ đất vườn, đất thuê 50 năm thành lô, thành thửa đất thổ cư để hốt bạc. Đất làng ở huyện phía Bắc Hà Nội tăng gấp 2-3 lần, đánh dấu mốc tăng kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Các văn phòng môi giới Bất động sản tạm bợ mọc lên như nấm ven đường đằng sau nó là những cánh đồng gặt dở. Tin "Trung tâm hành chính quốc gia được chuyển về Đông Anh", "Đông Anh sắp lên Quận" được rò rỉ khắp nơi. Anh giám đốc văn phòng môi giới nhà đất ven đường nọ tiết lộ: "Đông Anh sắp mở ra 3 quận lớn là Bắc Thăng Long, Đông Kỳ và Cổ Loa nên đầu tư ở khu vực này có "cơ" lắm". Nghe đến đây, tôi chợt nhớ cuộc điện thoại của dì tôi hỏi hồi đầu năm "có phải Thanh Trì sắp lên quận không? Dì nghe mọi người trong xóm đồn thế, mày kiểm tra cho dì để dì giữ mảnh đất trước nhà lại không bán nữa nhé!".
Song nóng và bỏng nhất là đất khu vực Ba Vì. Không biết người mua và người bán thực được đến đâu nhưng phong trào về Ba Vì mua đất rộ lên ầm ĩ, côgn sở ở trung tâm thành phố cũng vắng hoe kéo nhau cả đoàn xuống Ba Vì nghe ngóng. Thậm chí nhiều người dân ở khu vực này cũng không hiểu vì sao lại có nhiều người đến dò hỏi về đất của làng mình đến thế. Những nhà đầu tư không chuyên người này đang có niềm tin mãnh liệt “bỏ ra một đồng, không ăn mười cũng ăn tám”, "trung tâm hành chính quốc gia mà chuyển về đây thì chẳng mấy chốc đắt như đất Ba Đình, Hoàn Kiếm." thậm chí còn phải thật nhanh chân vì thị trường đất ở Ba Vì được mô tả là “ai có mảnh đất muốn bán, chỉ cần tung tin ra hôm trước là hôm sau có khách ngay. Người này bước ra, người khác bước vào, có nhà đã bán xong đất rồi vẫn phải tiếp cả chục khách đến hỏi vì cứ tưởng là còn đất.” nên họ bỏ cả công sở, cả việc kinh doanh nhỏ hàng ngày của mình, dốc tiền nhà rỗi, tiết kiệm, thu gom nợ về để lao vào Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh... mua đất.
Nhiều người dân có nhu cầu cấp thiết về nhà ở chỉ biết ngửa mặt lên trời than: "than trời, trời cao, than đất, đất dày. Giá tăng kiểu này không cẩn thận đến khi chết không có chỗ mà chôn".
Công nghệ thổi giá đất
Sình sịch trong vòng hơn một tháng, bỗng nhiên thị trường BĐS im ắng hẳn, nhiều trang báo đưa tin "Cơn sốt đất Ba vì đã tan", "Sốt đất đang hạ nhiệt", "Sốt đất chỉ là ảo", "Hậu sốt đất ảo ở Hà Nội", "Bong bóng bất động sản đang xì hơi", ... các giao dịch cũng như gặp gỡ trò chuyện giá đất giảm hẳn. Cảnh "vạn người bán mới có người mua" đẩy nhiều nhà đầu tư lướt sóng bị tồn đọng hàng. Kẻ khóc người cười xem ra chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Khi cơn say đã giảm nhiệt người ta mới nhìn lại sự việc đã qua và phát hiện ra rằng mình đã quá cả tin theo lời đồn thổi và niềm tin "đầu tư vào đất chỉ có lãi", "đất còn lãi hơn vàng". 90% giá đất bị thổi lên trong thời gian qua là do tin đồn nhảm và công nghệ thổi giá muôn hình vạn trạng của giới cò mồi, đầu cơ.
Trong khi cô bạn tôi tức tốc làm hội thảo thì những tay môi giới nhỏ lẻ đến các trung tâm, công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản, người thì chạy từ nhà này sang nhà nọ, quán này qua quán kia rỉ rả, thầm thì, hua chân múa tay; người thì từ quán café xịn này, văn phòng nhỏ này sang quán café xịn, văn phòng lớn khác, dùng tất cả những phương tiện truyền thanh có được: bảng hiệu, logo, website giật những cái tít như “Sóng nổi ở phía Tây.”, "Hà Nội lên cơn sốt đất", nước sôi lửa bỏng quá, thị trường đất Hà Nội ngoại biên đắt lên từng giờ, người có đất và giới môi giới, đầu cơ thi nhau hét giá. Từ chị đang cuốc đất ngoài ruộng, bà bán nước vệ đường, anh xe ôm, đến dân công sở văn phòng nháo nhào trở thành những người chỉ chỏ, môi giới, mua bán. Nhóm đầu cơ ôm hàng từ trước rồi tung tin đồn để xả hàng thu lợi là chiêu thông dụng nhất. "Khi thông tin sốt dẻo. Nguồn cung được bơm thêm, khiến nhiều người a dua, đua nhau đi mua. Nhờ vậy, giá đất không ngừng bị đẩy cao vượt giá trị thực", anh Vũ một giám đốc trung tâm môi giới bất động sản nói.
Bên cạnh lực lượng môi giới chuyên nghiệp, người nông dân cũng có mánh riêng đẩy giá đất lên cao. Tại thôn Vạn Lộc (Đông Anh) thấy khách lạ hỏi mua đất, nhiều người xúm lại ào ào đưa ra thông tin: giá chỗ này vài tháng trước chỉ 3-4 triệu 15-30 triệu rồi; đất phía sâu trong ngõ ngách được rao là 15 triệu, ngõ to gần đường lớn giá cao gấp đôi... mảnh đất kia được trả 30 triệu/m2 mà người chủ không bán đâu. "phải mua nhanh vì đất Đông Anh cũng sắp hết rồi chẳng còn đâu."... người này nói, người kia rao thi nhau đưa đẩy cho câu chuyện mua bán càng trở nên sốt dẻo.
Chưa bao giờ người ta bỏ tiền tỉ mua nhà nhanh hơn mua rau như vậy. Chủ nhật tôi về nhà ngoại ở Tả thanh Oai chơi. Mẹ tôi lườm bảo “nhà ông Mão đang quát giá 35triệu/m2 rồi đấy. Bảo cứ mua để đấy không nghe. Cứ chê ngoại thành đi làm xa. Giờ đã đắt bằng trung tâm chưa?”. Tôi im thin thít, trong lòng thán phục bà kinh nghiệm "đầy mình", nghỉ hưu cả chục năm nay rồi mà thạo tin quá!

TRẦN NGA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét