Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

TIN ĐỒN THOẢI MÁI NHÀO NẶN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Thị trường bất động sản nước ta đặc biệt là Hà Nội vốn rất nhạy cảm và khó kiểm soát từ nhiều năm nay với nhiều chứng tật. Trong đó việc tồn tại hai giá: giá của nhà nước và giá thị trường cũng như khoảng cách giữa hai giá này luôn là điểm nhức nhối gây 90% cuộc khiếu kiện về đất đai trong nhân dân hiện nay, đồng thời gây hỗn loạn giá, khó kiểm soát. Nay thêm một cơn sốt ảo đã đẩy khoảng cách giữa hai giá càng xa hơn. Thách thức kiểm soát, quản lí thị trường bất động sản đã gia tăng đối với các nhà quản lí.
"Tung tin đồn thì sao nào!"
Trước sự hỗn loạn giá đất tại một số huyện phía Tây Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định trên báo Người Lao Động rằng: “Có thừa tiền mới mua đất ở Thạch Thất, Ba Vì. Chẳng có “sốt” đất ở đây, nguyên nhân của việc giá đất trên trời là do người dân nghe đồn thổi rồi chạy theo phong trào” và
việc giá đất bị “thổi” có thể do giới đầu cơ đã “ôm” đất từ trước đó nay nhân cơ hội Bộ Xây dựng, TP Hà Nội triển lãm đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội với những thông tin như trục Thăng Long, trung tâm hành chính quốc gia, các khu đô thị vệ tinh.. đã tung hàng ra:“Trung tâm hành chính quốc gia chuyển lên Ba Vì là câu chuyện của 50 năm nữa. Đó là chưa nói tới việc trong tương lai có khi còn điều chỉnh”.". Ông Nam nói. Mặc dù những thông tin đã góp phần thức tỉnh những người đầu tư đang say sóng nhưng thực tế những cảnh báo này đã đưa ra thật muộn màng và đầy khiên cưỡng.
Cơ quan Bộ, đặc biệt là Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng đã không đưa ra một sự cảnh báo nào trước đó cũng như có những động thái thể hiện việc tiên lượng tình huống có thể xảy ra trong khi một người dân bình thường cũng có thể nhận ra những tác động lên thị trường bất động sản khi bản đồ án Quy hoạch này được công bố. Sự thiếu sự kết hợp trong việc cung cấp thông tin chính thức, nhất quán và tổng thể tới người dân cũng như đưa ra những cảnh báo kịp thời đã đẩy nhiều người dân vào tình huống dở khóc dở khóc dở cười, cũng như gây rối loạn thị trường bất động sản.
Ngay cả khi phát hiện ra con virut gây lên cơn sốt ảo của thị trường bất động sản là những tin đồn thì việc xử lí như thế nào có lẽ cũng là một bài toán của các nhà quản lý. Phải chăng vì việc xác định danh tính người tung tin đồn: người dân, giới đầu cơ, môi giới,…cùng những chứng cứ để luận tội cũng là một việc trên trời?
Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, chính sự thiếu trách nhiệm và xử lí chậm chạp, bàng quan của cơ quan quản lí chịu trách nhiệm trước và sau cơn sốt ảo của thị trường bất động sản vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam đến hẹn lại lên những cơn sốt nhanh hạ chóng, làm giá để trục lợi của giới đầu cơ lớn, nhỏ! Yếu tố giữ vai trò chi phối, điều khiển thị trường bất động sản ở đâu!
TRẦN NGA

LOẠN VÌ TIN ĐỒN - THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NGÀY CÀNG KHÓ KIỂM SOÁT

Cơn sốt đất bất thường
Cơn sốt ảo bất động sản diễn ra trong hơn một tháng nhưng đã kịp đẩy giá đất một số vùng nội đô và ven đô lên một sàn giá mới. Khiến nhiều người có nhu cầu thực sự về nhà ở chỉ biết ngửa mặt lên trời than: trời cao đất dày ơi, liệu khi chết có chỗ mà chôn không?
Ngay sau ngày đầu tiên Bộ Xây dựng công bố Đồ án Quy hoạch Hà Nội mở rộng, (1-4-2010) cô bạn tôi - một chuyên viên tổ chức hội thảo cho một tờ báo Doanh nghiệp đã vội vã lên kế hoạch làm hội thảo “Thị trường bất động sản- thách thức và cơ hội dưới tác động của bản Quy hoạch Hà Nội mới”. Vội vã đi mời các chuyên gia phân tích, đi tìm các đại gia kinh doanh bất động sản, lên nội dung chương trình. Có người gàn, mới chỉ là Đồ án thôi chắc gì đã thành sự thật… làm gì cho mất công. Nhưng cô ấy nhất quyết rằng, Đồ án này sẽ "qua" như “xưa” thông qua mở rộng địa giới Hà Nội mặc cho ai phân tích thiệt hơn, phản biện này nọ... Thức khuya dậy sớm thu thập thông tin, liên hệ ngược xuôi, ráo riết xây dựng nội dung chương trình, khách mời, thời gian tổ chức...
Quả nhiên, không chờ đến khi họp Quốc Hội đưa ra thảo luận, phê duyệt, chỉ vài ngày sau đồ án Quy hoạch thủ đô được công bố thị trường bất động sản Hà Nội đang yên ắng từ đầu năm bỗng chốc nóng kỳ lạ. Đất các vùng trung tâm đến các huyện ven có tên trong bản liệt kê đô thị trung tâm hạt nhân (đô thị lõi mà chủ yếu là khu phố cổ, phố cũ đến tuyến đường vành đai 4 - phía Tây và phía Bắc sông Hồng đến khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm với trung tâm hành chính quốc gia Ba Vì), đến các đô thị vệ tinh (từ Hò̀a Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn) hầm hập tăng nhiệt độ từng ngày. Giá đất tăng vù vù một gấp đôi, gấp ba chỉ trong vòng vài ngày ngắn ngủi. Anh Tân ở Từ Liêm cho biết : "thật kinh khủng! không hiểu vì lí do gì mà giá đất tăng chóng mặt, khu Từ Liêm nhà tôi năm ngoái là 13 triệu giờ đã 45 triệu/m2, trong ngõ cũng lên 25 triệu/m2". Không chỉ giá đất nhiều khu vực nội thành như Quận tây Hồ tăng lên gấp đôi, gấp ba mà đất trong dân tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai... cũng tăng chóng mặt, những dự án biệt thự nhà vườn cũng nhanh chóng được lập ra, chia nhỏ đất vườn, đất thuê 50 năm thành lô, thành thửa đất thổ cư để hốt bạc. Đất làng ở huyện phía Bắc Hà Nội tăng gấp 2-3 lần, đánh dấu mốc tăng kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Các văn phòng môi giới Bất động sản tạm bợ mọc lên như nấm ven đường đằng sau nó là những cánh đồng gặt dở. Tin "Trung tâm hành chính quốc gia được chuyển về Đông Anh", "Đông Anh sắp lên Quận" được rò rỉ khắp nơi. Anh giám đốc văn phòng môi giới nhà đất ven đường nọ tiết lộ: "Đông Anh sắp mở ra 3 quận lớn là Bắc Thăng Long, Đông Kỳ và Cổ Loa nên đầu tư ở khu vực này có "cơ" lắm". Nghe đến đây, tôi chợt nhớ cuộc điện thoại của dì tôi hỏi hồi đầu năm "có phải Thanh Trì sắp lên quận không? Dì nghe mọi người trong xóm đồn thế, mày kiểm tra cho dì để dì giữ mảnh đất trước nhà lại không bán nữa nhé!".
Song nóng và bỏng nhất là đất khu vực Ba Vì. Không biết người mua và người bán thực được đến đâu nhưng phong trào về Ba Vì mua đất rộ lên ầm ĩ, côgn sở ở trung tâm thành phố cũng vắng hoe kéo nhau cả đoàn xuống Ba Vì nghe ngóng. Thậm chí nhiều người dân ở khu vực này cũng không hiểu vì sao lại có nhiều người đến dò hỏi về đất của làng mình đến thế. Những nhà đầu tư không chuyên người này đang có niềm tin mãnh liệt “bỏ ra một đồng, không ăn mười cũng ăn tám”, "trung tâm hành chính quốc gia mà chuyển về đây thì chẳng mấy chốc đắt như đất Ba Đình, Hoàn Kiếm." thậm chí còn phải thật nhanh chân vì thị trường đất ở Ba Vì được mô tả là “ai có mảnh đất muốn bán, chỉ cần tung tin ra hôm trước là hôm sau có khách ngay. Người này bước ra, người khác bước vào, có nhà đã bán xong đất rồi vẫn phải tiếp cả chục khách đến hỏi vì cứ tưởng là còn đất.” nên họ bỏ cả công sở, cả việc kinh doanh nhỏ hàng ngày của mình, dốc tiền nhà rỗi, tiết kiệm, thu gom nợ về để lao vào Ba Vì, Quốc Oai, Đông Anh... mua đất.
Nhiều người dân có nhu cầu cấp thiết về nhà ở chỉ biết ngửa mặt lên trời than: "than trời, trời cao, than đất, đất dày. Giá tăng kiểu này không cẩn thận đến khi chết không có chỗ mà chôn".
Công nghệ thổi giá đất
Sình sịch trong vòng hơn một tháng, bỗng nhiên thị trường BĐS im ắng hẳn, nhiều trang báo đưa tin "Cơn sốt đất Ba vì đã tan", "Sốt đất đang hạ nhiệt", "Sốt đất chỉ là ảo", "Hậu sốt đất ảo ở Hà Nội", "Bong bóng bất động sản đang xì hơi", ... các giao dịch cũng như gặp gỡ trò chuyện giá đất giảm hẳn. Cảnh "vạn người bán mới có người mua" đẩy nhiều nhà đầu tư lướt sóng bị tồn đọng hàng. Kẻ khóc người cười xem ra chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Khi cơn say đã giảm nhiệt người ta mới nhìn lại sự việc đã qua và phát hiện ra rằng mình đã quá cả tin theo lời đồn thổi và niềm tin "đầu tư vào đất chỉ có lãi", "đất còn lãi hơn vàng". 90% giá đất bị thổi lên trong thời gian qua là do tin đồn nhảm và công nghệ thổi giá muôn hình vạn trạng của giới cò mồi, đầu cơ.
Trong khi cô bạn tôi tức tốc làm hội thảo thì những tay môi giới nhỏ lẻ đến các trung tâm, công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản, người thì chạy từ nhà này sang nhà nọ, quán này qua quán kia rỉ rả, thầm thì, hua chân múa tay; người thì từ quán café xịn này, văn phòng nhỏ này sang quán café xịn, văn phòng lớn khác, dùng tất cả những phương tiện truyền thanh có được: bảng hiệu, logo, website giật những cái tít như “Sóng nổi ở phía Tây.”, "Hà Nội lên cơn sốt đất", nước sôi lửa bỏng quá, thị trường đất Hà Nội ngoại biên đắt lên từng giờ, người có đất và giới môi giới, đầu cơ thi nhau hét giá. Từ chị đang cuốc đất ngoài ruộng, bà bán nước vệ đường, anh xe ôm, đến dân công sở văn phòng nháo nhào trở thành những người chỉ chỏ, môi giới, mua bán. Nhóm đầu cơ ôm hàng từ trước rồi tung tin đồn để xả hàng thu lợi là chiêu thông dụng nhất. "Khi thông tin sốt dẻo. Nguồn cung được bơm thêm, khiến nhiều người a dua, đua nhau đi mua. Nhờ vậy, giá đất không ngừng bị đẩy cao vượt giá trị thực", anh Vũ một giám đốc trung tâm môi giới bất động sản nói.
Bên cạnh lực lượng môi giới chuyên nghiệp, người nông dân cũng có mánh riêng đẩy giá đất lên cao. Tại thôn Vạn Lộc (Đông Anh) thấy khách lạ hỏi mua đất, nhiều người xúm lại ào ào đưa ra thông tin: giá chỗ này vài tháng trước chỉ 3-4 triệu 15-30 triệu rồi; đất phía sâu trong ngõ ngách được rao là 15 triệu, ngõ to gần đường lớn giá cao gấp đôi... mảnh đất kia được trả 30 triệu/m2 mà người chủ không bán đâu. "phải mua nhanh vì đất Đông Anh cũng sắp hết rồi chẳng còn đâu."... người này nói, người kia rao thi nhau đưa đẩy cho câu chuyện mua bán càng trở nên sốt dẻo.
Chưa bao giờ người ta bỏ tiền tỉ mua nhà nhanh hơn mua rau như vậy. Chủ nhật tôi về nhà ngoại ở Tả thanh Oai chơi. Mẹ tôi lườm bảo “nhà ông Mão đang quát giá 35triệu/m2 rồi đấy. Bảo cứ mua để đấy không nghe. Cứ chê ngoại thành đi làm xa. Giờ đã đắt bằng trung tâm chưa?”. Tôi im thin thít, trong lòng thán phục bà kinh nghiệm "đầy mình", nghỉ hưu cả chục năm nay rồi mà thạo tin quá!

TRẦN NGA

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

TS. ĐỖ QUỐC BÌNH: KHÔNG PHẢI ĐÀO MỎ MÀ LÀ PHÁ MỎ

Mỏ vàng có trữ lượng 8,1triệu tấn quặng vàng mà công ty OZ công bố tìm thấy ở Cam Pu Chia đang gây xôn xao dư luận gần đây sau khi một số chuyên gia địa chất của ta cho rằng nó là một mỏ vàng rất lớn; thêm vào đó nhiều sự hồ nghi về những mỏ vàng như vậy liệu có ở nước ta vì vị trí của mỏ vàng nọ khá gần với Việt Nam. Tuy nhiên theo TS Đỗ Quốc Bình – trưởng phòng Khoáng sản kim loại, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trò chuyện với VNT, thì đó là một mỏ vàng trữ lượng bình thường. Nước ta có trữ lượng tài nguyên vàng giàu có trong khu vực đồng thời cấu trúc địa chất vàng trong dãy đá lục rất phổ biến ở các nước giàu tài nguyên vàng trên thế giới. Song việc khai thác vàng còn rất manh mún, lãng phí và bừa bãi. Hiện tượng bán quặng thô có sản phẩm phụ giá trị cao hơn sản phẩm chính cũng rất đáng lưu ý bởi đó là những mỏ khoáng sản quý ít có ở nước ta,...
8,1 TRIỆU TẤN QUẶNG KHÔNG PHẢI VÀNG NHÉ
Thưa tiến sĩ, dư lụân hiện nay khá quan tâm đến thông tin công ty khai khoáng OZ của Australia đã phát hiện một mỏ vàng có trữ lượng khoảng 8,1 triệu tấn quặng ở tỉnh Mondulkiri, miền Đông Bắc Campuchia, giáp Tây Nguyên của Việt Nam. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Thực chất mỏ 8,1 triệu tấn quặng quy ra 2,3g vàng/tấn thì mỏ đấy không phải là mỏ lớn so với nhiều mỏ khác ở Việt Nam chúng tôi từng thăm dò, khai thác. Giới DN tư bản hay đưa ra những con số giật mình để quảng bá hay phục vụ thị trường chứng khoán. Chứ không phải đưa ra những con số chính xác và thực chất vấn đề. Những người không có chuyên môn thì sẽ không hiểu đúng và gây nhiễu thông tin.
Theo ông Thuấn, Cục trưởng Cục Địa Chất và Khoáng sản, ngay cả mỏ vàng khai thác tới 90 năm ở Nam Phi cũng không thể đạt trữ lượng này.
Trên thực tế mỏ vàng lớn nhất thế giới hiện nay đang được khai thác là Côla ở Ấn Độ. Khai thác sâu nhất hơn 3 kilômet, với trữ lượng hơn 350 tấn vàng. Bây giờ còn lại đến trước năm 90 còn khoảng 50 tấn cho phép khai thác tốt. Những mỏ vàng lớn Nam Phi thì không có trữ lượng hơn Côla cũng như một số mỏ vàng khác ở Ấn Độ.
Việt Nam có tiềm năng vàng lớn trong khu vực
Vài ngày trước, trả lời trên báo NLD, Thạc sĩ Nguyễn Trường Giang, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất xạ hiếm (Cục Địa chất và Khoáng sản) cho biết: Qua điều tra cơ bản thì ở khu vực gần Ngã ba Đông Dương, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện nhiều khu vực có mỏ vàng. Khu vực này cách không xa mỏ vàng 8,1 triệu tấn quặng vừa được phát hiện ở Campuchia. Theo ông chúng ta có thể lạc quan về kết quả khi thăm dò khảo sát cụ thể địa chất theo điều tra cơ bản của tuyên bố trên không?
Vùng Tây Nguyên tôi cũng đã có nhiều khảo sát. Vàng ở vùng Ngã Ba Đông Dương ở Việt Nam là có nhưng cần lưu ý đến vấn đề kỹ thuật khai thác, đầu tư công nghệ như thế nào mà thôi. Hiện nay tôi cũng đang tham gia khảo sát và khai thác một mỏ vàng gần ngã Ba Đông Dương, nhưng thuộc lãnh thổ Lào. Mỏ vàng này có trữ lượng ước tính khoảng 3,1 tấn vàng và còn có tiềm năng khai thác nữa.
Ông đánh giá về tiềm năng vàng của Việt Nam so với các nước trong khu vực như thế nào? Những vùng nào ở Việt Nam có chứa nhiều vàng?
Vàng ở VN khác với những mỏ vàng ở Philippin, khác với mỏ vàng của Inđônêxia - hàm lượng không cao nhưng qui mô lớn. ở Campuchia đi trong một khối địa chất kiểu khác, nó nằm trong đá Granit, ở Việt Nam, nó nằm dãy đá lục giống nhiều vùng trên thế giới. Nó có tiềm năng hơn.
Vàng ở Việt Nam thì nằm sâu và tập trung ở những khu vực nhất định. Những vùng cần quan tâm: Thái Nguyên – Bắc Kạn, Lai Châu- Sơn La, Thanh Hoá, vùng Quảng Nam – Kontum, vùng Đà Lạt - Phú Yên kéo lên – có kiểu khá thú vị.Vì vậy chúng ta cần quan tâm, vấn đề đầu tư của nhà nước như thế nào. Hiện nay hầu hết các mỏ vàng giao cho tập đoàn than khoáng sản nhưng chưa thấy động binh thăm dò, khảo sát hay đi vào khai thác.
Vì sao lại thế ạ?
Có thể là họ thiếu nguồn vốn?..
Vậy là họ đang xí phần để đấy!
Đúng là thế. Trong ngành khai thác, chế biến thì vàng là loại khoáng sản khó tìm, khó khảo, sát điều tra cơ bản nhưng lại dễ dàng trong khâu chế biến. Đối với kim loại, giá thành rẻ, rất dễ tìm nhưng đầu tư công nghệ chế biến từ quặng càng đắt, còn kim loại giá thành cao, quí hiếm thì chi phí trí tuệ để tìm ra nó lại khó hơn rất nhiều. Con người trí tuệ và kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có khả năng chế biến được vàng chứ không phải phụ thuộc chuyên gia và kỹ thuật nước ngoài.
....NHƯNG CHƯA BIẾT CÁCH KHAI THÁC
Một nguồn tin cho biết "Chính phủ Campuchia chưa thực hiện bất kỳ khoản thu từ ngành công nghiệp khai thác mỏ, bất chấp sự hiện diện của ít ưanhất 60 công ty nước ngoài và trong nước tìm cách khai thác tài nguyên khoáng sản"; còn ở Việt Nam, thực trạng các tỉnh được cho là giàu tài nguyên khoáng sản như Cao Bằng chẳng hạn thì vẫn là tỉnh nghèo nhất, trong khi đó việc cấp phép khoáng sản tràn lan dẫn đến thực trạng “loạn khai thác”như ở tỉnh Cao Bằng. Nhà nước thì thu về thuế suất khai thác khoáng sản rất rẻ và hoàn toàn do doanh nghiệp tự nộp. Phải chăng ngành công nghiệp nặng này vẫn là thách thức đối với các nước đang phát triển, thưa ông?
Tôi nghĩ có mấy vấn đề pháp luật và tài chính ở đây. Ở các nước phát triển họ có luật trả bản quyền cho người phát hiện/tìm ra mỏ mặc dù anh ta đi làm thuê. Nhưng ở ta thì hầu như chưa có. Tất cả doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng tiền mà Nhà nước bỏ ra từ xưa đến nay cho công tác điều tra cơ bản để tìm ra các mỏ. Hầu như các mỏ hiện nay là được tận dụng khai thác. Nhà nước tự nhiên mất đi một khoản thu rất lớn, không thu hồi. Làm cho ngành địa chất ngày càng khó hoạt động do thiếu kinh phí.
Ngày 31/5 Chính phủ vừa trình Quốc Hội Luật Khoáng sản sửa đổi, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ rằng phải để những người thực tế đóng góp xây dựng chứ không phải những người ngồi trong phòng. Hay phiến diệnở góc độ quản lí nhà nước mà xây dựng Luật đó thì rất khó. Nó phải hài hoà từ phía nhân dân, doanh nghiệp và quản lí thì mới hiệu quả. Dù là ai hay ở vị trí nào thì cũng cần vì cái chung.
Chính sách nên có sửa đổi. Với DN đã được cấp phép nên tạo điều kiện. Xin vài chục con dấu để có được giấy phép khai thác khoáng sản quả là vấn đề lớn cho DN. Nên tập trung cấp giấy phép ở một nơi mà Nhà nước vẫn quản lí được.
Năm 2008, 4-5 trăm người tập trung trên đỉnh đồi Sạc Ly, Đăk Tô đi đào vàng, giữa năm 2009, dư luận lại dấy lên khi người ta thấy người dân Vĩnh Phúc đổ xô đi đào vàng dưới chân núi Tam Đảo, họ cải trang đi bắt cá, bắt chim, rồi âm thầm đào đất, đá tìm kiếm. Có lúc lên tới 3-4 trăm người. Nhiều cơ quan chức năng lên tiếng đã phải rất vất vả trong việc ngăn chặn những hoạt động này. Tiến sĩ suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

Không nên cấm đoán người dân khai thác mà nên tìm cách quản lí cho hợp lý. Cũng vì cuộc sống mà, ai cũng phải kiếm tiền. Không nên gọi họ là “vàng tặc”. Nhiều vùng đãi vàng có thể coi là nghề phụ người ta làm khi nông nhàn. Không ảnh hưởng gì đến môi trường nếu chúng ta điều chỉnh tốt.
Nhưng ở những bãi đào vàng là ma tuý, đâm chém, cướp bóc,... các kiểu. Ở đấy là một “vương quốc” riêng. Tôi từng sống ở những bãi vàng từ thửo sơ khai năm 1990 để thu thập dữ liệu làm luận án. Vàng nó là như thế đấy, có vàng rồi thì ông chủ vàng quay sang nghiện hút, cờ bạc. Khổ cái là dân trí không cao, tự nhiên anh được trời cho, may mắn giàu có đột biến, một đêm ngủ dậy có 30-40 kg vàng. Từ một người khổ sở bỗng trở nên quá sung sướng, không biết kiềm chế được tư duy của mình. Không phải ít đâu, 90% là nghiện hút, cờ bạc. Có người đào được 30kg vàng đấy nhưng khi chết không còn đủ 500 ngàn mua quan tài.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng khai thác vàng ở nước ta.
Việc khai thác vàng ở nước ta rất manh mún, có thể nói còn “thổ phỉ” lắm. Các mỏ khai thác hiện nay hầu như là khai thác chụp giật, không có qui hoạch, bóc ngắn cắt dài. Không phải là khai thác nữa mà là phá mỏ. Dân ta quen ăn sổi, nên bỏ sót tài nguyên rất nhiều. Đây là điều lãng phí lớn. Chúng ta thu hồi/ chế biến về chưa được 20% số lượng thực khi khai thác. Cao nhất là ở Bồng Miêu với kỹ thuật công nghệ của Úc được hơn 80% - đây cũng là mỏ có hoạt động nghiêm túc đúng quy trình, kỹ thuật nhất. Xót xa nhất là cả vùng mỏ vàng Quảng Nam mà đi kèm với vàng là nhiều loại khoáng sản khác nữa bị khai thác bừa bãi, lãng phí. Giờ nếu trước đây bỏ ra một đồng để khảo sát, khai thác thì bây giờ một trăm đồng cũng không làm lại được trong khi vàng vẫn còn trong lòng đất tiềm năng vẫn rất lớn.Người ta đã đào rỗng hết phần trên rồi, khi đo địa vật lý sẽ bị hẫng một tầng không còn chính xác. Việc đầu tư vào tiếp không thể thực hiện được vì công trình nát bét không còn nguyên trạng thì khảo sát địa chất không thể làm được. Công trình địa chất phải chi phí rất lớn mới thực hiện được...
Bên cạnh những vấn đề trong khảo sát, khai thác vàng, Tiến sĩ còn điều khác muốn chia sẻ đối với độc giả trong lĩnh vực làm việc của mình không?
Tôi nghĩ rằng nếu được trang bị thiết bị nghiên cứu càng ngày càng tiếp cận với thế giới cũng như ngân sách của nhà nước cấp cho để làm việc nghiêm túc- không phải để chia nhau nhé!(TS Bình nhấn mạnh và cười); thì tôi tin rằng hoạt động khảo sát, khai thác tài nguyên khoáng sản Việt nam sẽ khác hẳn; việc đóng góp cho hoạch định chính sách sẽ tốt hơn, đem lại hiệu quả kinh tế nói chung sẽ sát hơn.
Có nhiều mỏ vàng còn có sản phẩm phụ như những kim loại khác như chì, đồng kẽm, bạc... có giá trị kinh tế cao nhưng không được quan tâm khai thác đồng loạt rất lãng phí; có những mỏ khai thác xuất khẩu quặng thô, sản phẩm phụ của nó lại có giá trị rất cao.
Tức là có khi chúng ta xuất khẩu quặng có sản phẩm chính không có giá trị cao bằng sản phẩm phụ?
Đúng thế! Thực tế, những mỏ khoáng sản ấy ở Việt Nam hơi hiếm. Tiếp nữa là tình trạng cấp phép tận thu khá tràn lan ở các tỉnh. Có những nơi nên giữ lại làm bảo tàng địa chất thiên nhiên vì khó có lại được. Một lần trên mỏ vàng sông Đà, có cục vàng khoảng 2 chỉ gắn trên đá, tôi đã đề nghị giữ lại, để nguyên trạng không đánh bóng, lau chùi đưa vào bảo tàng chứ không nên khò ra lấy ít vàng cân đong đo đếm. Cho vào bảo tàng thì giá trị của nó không phải là giá trị của hai chỉ vàng ấy nữa.Cũng như vậy nên chọn những mỏ vàng đã khai thác, tu tạo làm nơi du lịch, hay khảo sát nghiên cứu không nên đập đi... không nên khai thác tận thu vì có thể nó không thu lợi bằng việc khai thác theo hướng dịch vụ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúc ông luôn thành công trong công cuộc tìm vàng!



NGUY CƠ SỬ DỤNG SÚNG GIA TĂNG


Những năm gần đây, những vụ án giết người, cướp của hay thanh trừng cá nhân, băng nhóm bằng súng đã diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần từ 3-5 triệu đồng là có thể mua được một khẩu súng. Hình ảnh những cô gái sành điệu, xinh đẹp đứng nhìn bạn trai nã đạn vào người đi đường rồi bỏ đi chơi như không có chuyện gì xảy ra,... cho thấy súng không còn là của lạ hay là “hàng cấm” nữa. Dư luận cho rằng có nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng sử dụng súng chưa được xét xử nghiêm khắc, luật hình sự không điều chỉnh cũng như xử lý được nhiều hành vi phạm tội có sử dụng vũ khí sát thương nguy hiểm,... Trong cuộc trò chuyện với VNT về “hiện tượng” này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến đã nhiều lần khẳng định sự bùng phát tội phạm dùng súng và cảnh báo về nguy cơ mở rộng sang những đối tượng sử dụng khác...
Luật sư Nguyễn Văn Chiến có hơn hai mươi năm hành nghề luật sư, tham gia tranh tụng hơn một nghìn vụ án hình sự,... Ông hiện là Phó tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, giảng viên Học viện Tư pháp,...

Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa rất nhiều tin hác về những sự vụ sử dụng súng bắn người trên đường phố. Như vậy là tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí mà ở đây là súng đang gia tăng. Ông suy nghĩ như thế nào về hiện trạng tàng trữ, mua bán và sử dụng vũ khí đã khá phổ biến hiện nay?
Đúng là tình trạng sử dụng vũ khí trái phép đang gia tăng và đáng báo động. Năm 2009 bùng phát những băng nhóm tội phạm dùng các lại súng săn, súng hai nòng bắn đạn ghém, đạn chì có sức sát thương cao xuất xứ từ TQ, để thanh toán lẫn nhau. Trước đây chúng ta chỉ mới có quản lý vũ khí quân dụng, thô sơ nhưng hiện nay xuất hiện nhiều loại vũ khí nóng, vũ khí lạnh, những vũ khí không thuộc quân dụng nhưng nó lại có tính nguy hiểm, sát thương cao. Chúng ta chưa có biện pháp quản lý và luật điều chỉnh kịp thời. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn loại vũ khí này nhập lậu, bày bán công khai thì tình trạng tội phạm hình sự có sử dụng loại vũ khí này sẽ rất phổ biến và bùng phát mở rộng sang đối tượng sử dụng khác.
Thưa Luật sư, trong những thân chủ của ông, có nhiều trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng không?
Tôi đã tham gia nhiều vụ án người phạm tội có sử dụng vũ khí. Trong số đó có người người bị xử lí về mặt hình sự vì chỉ vì mâu thuẫn cá nhân đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng – giết người, cướp tài sản; đặc biệt nghiêm trọng- giết nhiều người, có tổ chức; có người bị xử lý vì tội tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép;...
Họ thường có tâm lý cũng như tính cách như thế nào khi trang bị cho mình những vũ khí này?
Tôi thấy rằng, các đối tượng ở trong các môi trường sống, tính chất công việc, hoàn cảnh sống, học vấn, nhận thức pháp luật khác nhau, khi có trong tay vũ khí quân dụng họ có những suy nghĩ, mục đích sử dụng khác nhau. Có người cất giữ vũ khí quân dụng nhiều năm như là một vật kỉ niệm, một thứ thứ vũ khí phòng thân, họ thường là những người đã từng có thời gian quản lý, tiếp xúc với vũ khí quân dụng; có người do tình cờ nhặt được, mò được nhưng đến một ngày đẹp trời nào đó, sự mâu thuẫn, xích mích trong đời sống xã hội của họ bùng phát, họ chợt nhớ đến vũ khí của mình, đem ra sử dụng; có người cố tình trang bị cho mình vũ khí để phòng thân, tăng cường sức mạnh, chống kẻ gian... và hậu quả là nhẹ thì bị xử lí về tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, nặng hơn khi đã gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự phán xét của pháp luật cho nhiều hành vi vi phạm.
Khi một người trang bị vũ khí, súng, dao trong người có được coi là có ý đồ gây thương tích, đe dọa tính mạng cho người khác không?Phải chăng hình phạt cho hành vi tàng trữ vũ khí kuá nhẹ khiến cho nhiều người sẵn sàng cất dấu để phòng thân không?
Nếu họ chưa nói ra bằng lời hay đem ra sử dụng để dọa gây thương tích hoặc đe dọa tước đoạt tính mạng người khác thì chưa thể coi là có ý đồ cố ý gây thương tích hoặc đe dọa tính mạng cho người khác. Đa số người tàng trữ vũ khí không hiểu rõ được Bộ luật Hình sự của nước ta có những điều luật quy định khung hình phạt rất nghiêm khắc về hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí của họ.
Và vai trò của pháp luật cũng như cơ quan quản lý, giám sát những vấn đề này?
Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp tăng cường sự phối hợp nhằm quản lý chặt chẽ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng, không để thất thoát vào những người không có thẩm quyền sử dụng, mua bán cũng như lọt vào tay những phần tử xấu, những băng nhóm tội phạm. Do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều loại vũ khí quân dụng thoát khỏi sự quản lý của cơ quan chức năng không thu hồi được. Cơ chế quản lý, giám sát và kiểm tra, kiểm soát, phân loại vũ khí thể thao, và gia dụng của chúng ta còn xem nhẹ, buông lỏng dẫn đến các loại vũ khí nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, ngoài xã hội. Chúng ta cần có những chiến dịch truy soát, thu hồi những loại vũ khí nóng (các loại súng, đạn, thuốc nổ...), vũ khí lạnh (các loại dao găm, lưỡi lê, kiếm, đao, mã tấu, và các loại tương tự khác), có những quy định cụ thể trong luật để điều chỉnh, quản lý những loại vũ khí không thuộc loại quân dụng và thô sơ có nguồn gốc từ TQ đang nở rộ trên thị trường trong thời gian gần đây, đồng thời xử lí nghiêm những hành vi vi phạm thì mới ngăn chặn được tình hình tội phạm sử dụng các loại vũ khí bùng phát trong thời gian qua.
Cụ thể là Điều 230 và 233 bộ Luật hình sự đã đủ để chúng ta điều chỉnh cũng như xử lý nghiêm minh loại tội phạm này?
Những quy định này là từ những năm chúng ta chưa mở cửa giao lưu kinh tế quốc tế sâu, rộng như hiện nay. Các loại vũ khí thể thao, súng săn do thời điểm ban hành BLHS trước đây chưa có loại công suất lớn, tính sát thương cao thậm chí hơn cả loại vũ khí quân dụng thông thường như hiện nay nên chưa có sự điều chỉnh những quy định của pháp luật HS kịp thời. Rõ ràng với những loại vũ khí súng săn, thể thao, phát sinh trong giai đoạn hiện nay mà các băng nhóm sử dụng không thuộc vũ khí quân sự/ thô sơ thì luật hình sự còn thiếu những quy định điều chỉnh. Trước mắt các cơ quan hưu quan cần có những hướng dẫn để xử lý kịp thời những hành vi sử dụng những vũ khí này.
Luật sư có cho rằng cấm sử dụng vũ khí là điều không tốt?
Tại sao lại không tốt?
Thường cái gì cấm thì có nhiều người tìm cách tiếp cận và sử dụng nhiều!Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Cannada, Philippin,... cho phép người dân mua bán, tàng trữ và sử dụng súng.
Không giống như việc cứ cho dùng blog, internet thoải mái, chán đi thì tự thôi, lĩnh vực này rất nhạy cảm và hậu quả nó để lại rất khôn lường, nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe, sinh mạng con người bất cứ lúc nào. Ở các nước phát triển họ có hệ thống quản lý, giám sát rất chặt chẽ, hơn nữa ý thức pháp luật của người dân rất cao, đa số họ điều tiết được hành vi xã hội cũng như hiểu rõ được sử dụng súng trong trường hợp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như thế nào.... Còn ở ta, nhận thức pháp luật của người dân còn rất hạn chế, họ chưa hiểu được tác hại của sử dụng súng như thế nào; hệ thống quản lý, giám sát cũng còn rất yếu. Nên việc cấm chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí nói chung là rất cần thiết và cần có biện pháp tăng cường hơn trong công tác quản lý, rà soát, kiểm tra giám sát.
Vâng, tôi cũng đồng ý với quan điểm nói cấm với vũ khí sát thương. Ngay cả Mỹ, Cannada, hay Philippin (gần đây đã ban hành lệnh cấm sử dụng vũ khí) cũng phải trả giá cho việc này với nhiều vụ xả súng giết người hàng loạt,... Tuy nhiên, theo ông để cho việc cấm này chúng ta nên gia tăng khung hình phạt cho hành vi tàng trữ, chế tạo, mua bán, sử dụng?
Việc tăng hình phạt ở hành vi nào chúng ta cần có quốc hội xem xét. Nhưng trước hết chúng ta cần có được luật có thể điều chỉnh tất cả hành vi phát sinh trong xã hội, để những hành vi gây nguy hại cho xã hội được quy định xử lý kịp thời, thì việc ngăn chặn các hành vi phạm tội mới phát sinh sẽ tích cực hơn.
Có ý kiến cho rằng “98% người dân Việt Nam trưởng thành không có ý thức hành vi vi phạm pháp luật”, ông suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

Đánh giá như vậy theo tôi là chủ quan, chưa có cuộc điều tra cơ bản nào cho chúng ta một con số cụ thể về mức độ hiểu biết pháp luật của người dân. Tuy nhiên hiện tượng thực hiện một hành vi phạm tội mà không biết mình vi phạm luật dân sự hay hình sự là rất phổ biến. Như việc có người vay mượn tiền nhau, bỏ đi làm ăn, bên cho vay đi tố cáo thành ra phạm tội chiếm dụng tài sản; các chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi ích kinh tế, luật pháp kinh tế nhưng không lường được những tình huống pháp lý xảy ra cho tình huống giao dịch đó cần chuẩn hóa như thế nào dẫn đến có nhiều trường hợp doanh nhân làm kinh tế giỏi nhưng khi cơ quan điều tra vào kiểm tra thì họ lại mắc tội hình sự; các nhà quản lý, lãnh đạo ra những quyết định mà không biết mình vi phạm quy định pháp luật,... Phần nhiều người dân chưa có ý thức về hành vi vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn ông!